Ông Tô Lâm đi Mỹ: Gần
100 trí thức kêu gọi trả tự do cho nhà báo Huy Đức
BBC News Tiếng Việt
22
tháng 9 năm 2024
https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c1l4v8dgv52o
Nhân
chuyến công tác của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tới Mỹ, gần 100 trí thức
trong và ngoài nước đã ký vào thư kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do ngay lập
tức cho nhà báo Huy Đức.
Thư
kêu gọi trả tự do cho nhà báo Huy Đức dự kiến sẽ được gửi cho ông Tô Lâm khi
ông tới Mỹ
Nhà
báo Huy Đức, tên thật là Trương Huy San, là tác giả bộ sách nổi tiếng Bên
thắng cuộc và còn được biết đến với bút danh Osin. Ông là cây viết chính luận
hàng đầu Việt Nam.
Vào
chiều tối 7/6, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an thông báo đã khởi tố ông
Trương Huy San tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi
ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" theo Điều
331 Bộ luật Hình sự. Đây là điều luật đã khiến nhiều nhà báo, luật sư, blogger,
doanh nhân, nhà hoạt động vào tù.
Trong
danh sách ký tên vào thư ngỏ ngày 20/9 kêu gọi trả tự do cho nhà báo Huy Đức,
có các tên tuổi như nhà văn Phạm Thị Hoài (Đức), nhà kinh tế Vũ Quang Việt (Mỹ),
Giáo sư Tường Vũ (Mỹ), dịch giả Nguyễn Nguyệt Cầm (Mỹ), nhà văn Thomas A. Bass
(Mỹ), nhà báo Katrin Bennhold (New York Times, Mỹ), Giáo sư Ben
Kerkvliet (Úc)…
Giáo sư sử
học Peter Zinoman của
Đại học California ở Berkeley là một trong những học giả ký tên trong thư kiến
nghị.
Trả
lời phỏng vấn BBC News Tiếng Việt ngày 20/9, ông nói rằng nhóm của ông sẽ cố gắng
chuyển thư ngỏ tới Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khi nhà lãnh đạo Việt Nam
đến New York.
Ông
Tô Lâm dự kiến sẽ có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị Thượng đỉnh Tương
lai và Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 79 tại New York, theo thông báo chính thức
từ Hà Nội.
Bên
cạnh đó, có thông tin cho biết Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ dự một diễn
đàn kinh doanh vào ngày 23/9, với sự tham gia của đại diện các doanh nghiệp Mỹ.
Cùng ngày, ông có buổi tọa đàm tại Đại học Columbia ở New York.
Hãng
tin Reuters cho biết ông Tô Lâm còn có các cuộc gặp
riêng với lãnh đạo các tập đoàn công nghệ Google và Meta.
Người
đứng đầu Đảng và Nhà nước VN cũng sẽ gặp gỡ lãnh đạo chính quyền, Quốc hội, các
đảng và một số người đứng đầu bộ, ngành của Mỹ.
Tuy
nhiên, đây không phải là một chuyến thăm Mỹ chính thức của ông Tô Lâm.
Tổng
Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ dự Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tại New York.
Chuyến đi Mỹ diễn ra một tháng sau khi ông Tô Lâm thăm Trung Quốc.
'Yêu
sách của nhân dân An Nam'
Từ
Mỹ, nhà nghiên cứu độc lập Thái
Văn Cầu, người
ký tên vào thư ngỏ, chia sẻ với BBC News Tiếng Việt vào ngày 21/9:
"Chúng
tôi muốn phương Tây nhận thức được nhu cầu cấp bách thúc ép Việt Nam cải thiện
hồ sơ nhân quyền và để những người bị bỏ tù chỉ vì dám nói lên chính kiến của
mình không bị lãng quên."
"Chúng
tôi lên tiếng cho quyền lợi của Huy Đức và của những người Việt Nam khác, về bản
chất giống với Yêu sách của nhân dân An Nam (Thỉnh nguyện
thư của dân tộc An Nam) mà những người yêu nước Việt Nam, trong đó có thanh
niên Nguyễn Tất Thành (sau này là ông Hồ Chí Minh), gửi đi vào năm 1919, cách
đây hơn 100 năm."
Thư ngỏ của
gần 100 trí thức đa
số sống ở nước ngoài, gồm những giáo sư các trường đại học, tiến sĩ, nhà nghiên
cứu độc lập và viên chức ngoại giao Mỹ cùng các nhà báo của The New
York Times, The Guardian, The Atlantic.
Nhóm
này bày tỏ "quan ngại sâu sắc" trước việc chính quyền Việt Nam bắt
giam ông Trương Huy San. Thư ngỏ chuyển đến Tứ Trụ Việt Nam, các báo cáo viên đặc
biệt của Liên Hợp Quốc và các đại sứ quán tại Việt Nam có đoạn:
"Chúng
tôi kêu gọi chính quyền Việt Nam tuân thủ những điều khoản của hiến pháp Việt
Nam và các hiệp định quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, và trả tự do cho ông Huy Đức
ngay lập tức."
"Chúng
tôi cũng mạnh mẽ yêu cầu chính quyền Việt Nam chấm dứt các hành động sách nhiễu,
đe dọa hoặc ngược đãi dưới mọi hình thức những người phát biểu ý kiến và thể hiện
quan điểm một cách ôn hòa."
VIDEO :
Ông Tô Lâm đi Mỹ: Làm gì và gặp ai?
Giáo
sư sử học Peter Zinoman nói với BBC rằng, nhóm các trí thức tập hợp lại để gửi
thư ngỏ vào thời điểm này là vì truyền thông sẽ quan sát, theo dõi sát sao chuyến
công tác tại Mỹ của Tô Lâm và điều này sẽ giúp thu hút sự chú ý đến những quan
ngại của nhóm về vụ bắt giữ ông Huy Đức, nhất là khi ông Huy Đức là một người
trong hàng ngũ của nhóm.
"Với
tư cách là những học giả và nhà nghiên cứu chuyên về Việt Nam, chúng tôi viết
đơn thỉnh nguyện phản đối việc bắt giữ ông Huy Đức để đưa ra một tiếng nói tập
thể phản đối việc đàn áp một thành viên của cộng đồng Việt Nam học.
"Huy
Đức là tác giả của cuốn sách Bên thắng cuộc, cuốn sách lịch sử hay nhất về Việt
Nam thời hậu chiến và ông ấy được xem là một thành viên xuất sắc của nhóm chúng
tôi. Ông ấy đã sát cánh cùng chúng tôi tại các hội nghị quốc tế và cho chúng
tôi lời khuyên về các dự án nghiên cứu khác nhau."
Giáo
sư sử học từ Đại học California ở Berkerly còn cho rằng việc bắt giữ ông Huy Đức
là điều vô cùng bất công bởi lẽ ông đề xuất những cải cách ôn hòa, những giải
pháp chống quan chức tham nhũng, mở rộng dân chủ và tăng cường pháp quyền.
"Ông
ấy chưa bao giờ cổ xúy cho bạo lực dưới bất kỳ hình thức nào. Thật là đáng phẫn
nộ khi ông ấy bị bắt chỉ vì viết bài chỉ trích chính quyền. Tôi cho rằng một
chính quyền có sự tự tin sẽ không bao giờ ứng xử với một nhà phản biện trong nước
lên tiếng một cách ôn hòa theo cách này," ông Zinoman nói.
Tổng
Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu tại Hội nghị Trung ương 10 của Ban Chấp
hành Trung ương Đảng khóa 13, diễn ra từ 18-20/9
Trong
những bài phát biểu gần đây, ông Tô Lâm liên tục nhấn mạnh rằng "Việt Nam
sẽ tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc". Đây dường như
là diễn ngôn mang dấu ấn cá nhân của ông Tô Lâm trên cương vị nhà lãnh đạo Đảng
và Nhà nước, ông đã nhấn mạnh cụm từ "kỷ nguyên vươn mình" trong cuộc
họp Thường trực Tiểu ban Văn kiện Đại hội 14 của Đảng vào ngày 13/8, Lễ kỷ niệm
79 năm Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam diễn ra tối 29/8
và cuộc họp Bộ Chính trị, Ban Bí thư vào 30/8.
Theo
nhà nghiên cứu Thái Văn Cầu, chỉ cần Việt Nam thực sự là nhà nước pháp quyền và
các quyền cơ bản của công dân được tôn trọng thì bạn bè Việt Nam trên toàn thế
giới sẽ làm mọi cách để giúp đất nước nhanh chóng bước sang kỷ nguyên mới, 50
năm sau khi chấm dứt chiến tranh.
Từ
Hà Nội, nhà văn Trần Thanh Cảnh nói với BBC rằng: "Nhìn vào danh sách 91 học
giả uy tín, có tên tuổi ở nước ngoài trong thư ngỏ này, tôi, với tư cách là một
người bạn của Huy Đức thấy ấm lòng. Đặc biệt, trong đó có cả nhà báo nổi tiếng
của New York Times, một tờ báo lớn, có uy tín trên thế giới, vừa mở văn phòng đại
diện tại Việt Nam, sắp chính thức đi vào hoạt động.
"Với
sự lên tiếng của các học giả nổi tiếng từ các cơ quan thông tấn, các trường đại
học, các tổ chức lớn trên thế giới như vậy, tôi tin rằng trong bối cảnh Việt
Nam cần phải hội nhập sâu rộng hơn nữa vào thế giới văn minh, nhà nước sẽ phải
lưu ý đến những tiếng nói này.
"Vả
lại, từ khi ông Tô Lâm lên nắm quyền lãnh đạo tối cao của Đảng cộng sản và nhà
nước Việt Nam, có nhiều tín hiệu cho thấy ông không như người tiền nhiệm, mà sẽ
hướng về sự cởi mở xã hội hơn. Nên tôi hy vọng thư ngỏ này sẽ được quan
tâm," ông Cảnh nhận định.
Ngay
sau khi Bộ Công an thông tin về việc khởi tố, bắt giam ông Huy Đức, Tổ chức
Theo dõi Nhân quyền (HRW), Tổ chức Ân xá Quốc tế Amnesty International, Tổ chức
Bảo vệ Ký giả (CPJ) và Văn bút Mỹ (PEN America) cũng đã kêu gọi chính quyền Việt
Nam trả tự do "ngay lập tức".
·
Nhà báo Huy Đức
bị bắt về tội 'lợi dụng tự do, dân chủ'7 tháng 6 năm 2024
·
Nhà báo Huy Đức
bị bắt: Các tổ chức quốc tế kêu gọi trả tự do 'ngay lập tức'8 tháng 6
năm 2024
·
Nhà báo Huy Đức
'biến mất' giữa lúc có thông tin ông bị bắt2 tháng 6 năm 2024
Sức
ảnh hưởng của Huy Đức
Mỹ
từng có những tiếng nói mạnh mẽ chỉ trích hồ sơ nhân quyền của Việt Nam thông
qua các báo cáo nhân quyền. Nhưng khi Việt Nam ngày càng trở thành một địa bàn
để Mỹ tranh giành ảnh hưởng với Trung Quốc trong khu vực châu Á-Thái Bình
Dương, theo Giáo sư Peter Zinoman, vấn đề nhân quyền dần không còn được chú trọng.
Tuy
nhiên, ông Zinoman tin rằng việc bắt giữ nhà báo Huy Đức có thể sẽ tạo ra sự e
dè, quan ngại trong đầu các nhà hoạch định chính sách lẫn người dân Mỹ về độ
tin cậy và tính ổn định của chính phủ Việt Nam.
"Một
chính phủ không chấp nhận ý kiến bất đồng và phản biện ôn hòa sẽ bộc lộ các điểm
yếu và sự yếm thế, điều này làm hiển lộ những khiếm khuyết khác."
"Hơn
nữa, nhà báo Huy Đức quen biết nhiều người Mỹ quan trọng, bao gồm những người
có sức ảnh hưởng trong giới truyền thông, giới học thuật và trong chính phủ. Việc
bắt giữ ông Huy Đức rõ ràng đã làm tổn hại đến danh tiếng của Việt Nam trong
suy nghĩ của những nhân vật có sức ảnh hưởng này."
Giáo
sư sử học Zinoman kết luận rằng, thiệt hại về danh tiếng có thể tác động tiêu cực
đến nỗ lực của Việt Nam trong việc đạt được bước tiến tích cực trong đàm phán với
Mỹ về nhiều vấn đề, bao gồm cả mối quan hệ kinh tế.
Mỹ
và Việt Nam vừa kỷ niệm một năm nâng cấp quan hệ lên mức Đối tác Chiến lược
Toàn diện
Trước
khi bị bắt, Facebook mang tên Truong Huy San với hơn 370.000 người theo dõi đã
có một số bài phản biện gai góc về hệ thống chính trị Việt Nam, đặc biệt là nói
đến vai trò của Đại tướng Tô Lâm (hiện là tổng bí thư, chủ tịch nước) và Tổng
Bí thư Nguyễn Phú Trọng trước khi ông Trọng qua đời.
Trong
bài viết Những suy
nghĩ không rời rạc vào ngày 28/5, ông
Huy Đức đã bình luận về vấn đề pháp quyền tại Việt Nam và nhận định rằng việc
tái lập các ban Đảng thời ông Nguyễn Phú Trọng là "một bước lùi về chính
trị".
Bài
viết có đoạn: "Tuy cảm phục mức độ liêm chính về mặt vật chất của ông Nguyễn
Phú Trọng, dân chúng vẫn chưa thấy các dấu hiệu chứng tỏ sẽ có 'Đổi mới II'
trong nhiệm kỳ cuối của ông. Nếu cho đến ngày nghỉ hưu ông không đưa ra được một
lộ trình chính trị để đất nước dân chủ hơn, sự sạch sẽ của ông sẽ là vô
nghĩa."
Một
bài viết khác có nhan đề Một quốc gia không thể phát triển dựa trên sự sợ hãi
trên Facebook Truong Huy San nói về quyền lực của Bộ Công an trong hệ thống
chính trị và điều hành nhà nước, và góp ý ông Tô Lâm nên "tư duy như một
nguyên thủ chứ không phải tư duy như một người nắm chắc Bộ Công an".
·
Hoa Kỳ từ chối
nâng cấp Việt Nam lên 'nền kinh tế thị trường'2 tháng 8 năm 2024
·
Vì sao Việt Nam
ráo riết vận động hành lang để Mỹ cho ra khỏi danh sách ‘nền kinh tế phi thị
trường’?9 tháng 5 năm 2024
·
Tổng Bí thư, Chủ
tịch nước Tô Lâm đi Mỹ: ‘Sẽ gặp Google và Meta vào tuần sau’18 tháng 9
năm 2024
Đánh giá sức ảnh hưởng của cây bút Huy Đức,
Giáo sư sử học Zinoman nhắc đến những bài báo điều tra của ông Huy Đức khi còn
làm phóng viên của báo Tuổi Trẻ. Theo đó, ông Huy Đức đã vạch trần nhiều vụ bê
bối tham nhũng lớn, trong đó các quan chức chính phủ, gia đình của họ và các
doanh nhân.
Những
bài viết, bài báo về tham nhũng của ông Huy Đức được cho là đã đưa ra lời cảnh
báo hữu ích cho nhà cầm quyền tại Việt Nam rằng tính chính danh của họ có thể sẽ
bị xói mòn trong mắt công chúng, thậm chí các nhà lãnh đạo có thể phải chịu hậu
quả pháp lý vì lòng tham không đáy và các hành động phi pháp của mình.
"Theo
tôi, những bài viết ấy đã có sức đánh động, mang lại hy vọng cho người dân rằng
báo chí, truyền thông có thể được sử dụng như một công cụ đem lại sự công bằng
xã hội chứ không chỉ là cơ quan ngôn luận răm rắp nghe theo chỉ đạo của một
chính quyền phi dân chủ. Tôi có cảm giác chính quyền không thích những điều
trung thực và đầy thú vị trong các bài viết của Huy Đức," Giáo sư Zinoman
nói với BBC.
Nhà
báo Huy Đức là ai?
Nhà
báo Huy Đức khi còn làm báo và cả sau này là cây bút chính luận hàng đầu Việt
Nam.
Ông
tên thật là Trương Huy San, sinh 1962, quê quán tại Hà Tĩnh.
Ông
từng tham gia quân đội với hơn 3 năm ở Campuchia trong giai đoạn chiến tranh giữa
Việt Nam với chính quyền Khmer Đỏ.
Ông
từng là phóng viên của báo Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Thời báo Kinh tế Sài Gòn.
Bút
danh Huy Đức được công chúng biết đến nhiều trong thời gian ông làm báo Tuổi Trẻ.
Ông
từng làm cho tờ Sài Gòn Tiếp Thị và bị sa thải vào năm 2009 vì bài viết
Bức tường Berlin mà ông đăng trên blog cá nhân.
Sau
khi rời các cơ quan báo chí nhà nước, ông trở thành một cây viết chính trị-xã hội
nổi tiếng trên mạng xã hội với bút danh Osin.
Năm
2012, ông nhận học bổng một năm của chương trình Nieman trao cho một số phóng
viên tu nghiệp và nghiên cứu tại Đại học Harvard.
Là
tác giả sách, ông được biết đến với bộ sách Bên thắng cuộc ra mắt độc giả
vào năm 2012. Tác phẩm gồm hai cuốn là Giải phóng và Quyền bính, với trọng
tâm là những diễn biến chính trị tại Việt Nam từ những năm 1950, đặc biệt là từ
năm 1975 đến cuối những năm 1990.
Huy
Đức và Bên Thắng Cuộc
Theo
Giáo sư Zinoman, Bên thắng cuộc giúp làm sáng tỏ những vấn đề
gây tranh cãi ở Việt Nam thời hậu chiến vốn đã bị đục khỏi sách giáo khoa lịch
sử phổ thông, như hệ thống trại cải tạo tàn bạo, hoàn cảnh khốn cùng của các
thuyền nhân, sự quản lý kinh tế yếu kém của đất nước, nạn tham nhũng và những
băng nhóm giang hồ.
"Không
giống như lịch sử trong sách giáo khoa ở Việt Nam mô tả Chiến tranh Việt Nam là
cuộc xung đột giữa Việt Nam và Mỹ, Bên thắng cuộc khẳng định rằng
đó là nồi da xáo thịt, cuộc nội chiến huynh đệ tương tàn, để cả bên chiến thắng
lẫn bại trận đều là người Việt Nam."
"Trong
số nhiều khía cạnh độc đáo và đáng ngưỡng mộ của cuốn Bên thắng cuộc,
có lẽ đặc biệt nhất với tôi là cuốn sách là một trong những tác phẩm hiếm hoi
thể hiện sự cảm thông chân thành với phía thua cuộc ở miền Nam, được một người
thuộc bên thắng cuộc miền Bắc chấp bút."
Bên
cạnh sự nghiệp viết, ông Trương Huy San cũng được biết đến với nhiều hoạt động
xã hội.
Ông
tham gia điều hành chương trình Nhịp cầu Hoàng Sa nhằm hỗ trợ các gia đình tử
sĩ, thương phế binh Hải chiến Hoàng Sa năm 1974 và các gia đình liệt sĩ, các cựu
chiến binh, thương binh Trường Sa.
Gần
đây, ông tham gia một số hoạt động trồng cây bảo vệ môi trường.
----------------
-Tin
liên quan
·
Hội nghị lần thứ
10: Đâu là những điểm nổi bật đáng lưu ý?
20
tháng 9 năm 2024
·
Tổng Bí thư, Chủ tịch
nước Tô Lâm đi Mỹ, chuyến công du 'củng cố quyền lực mềm'
19
tháng 9 năm 2024
·
Trung ương Đảng họp
hội nghị lần thứ 10, nội dung là gì?
17
tháng 9 năm 2024
No comments:
Post a Comment