Hoàng Dạ Lan | Luật
Khoa tạp chí
Sep
9, 2024 10:04 AM
https://www.luatkhoa.com/2024/09/long-yeu-nuoc-bi-dinh-doat/
Đội
Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh chào mừng Quốc khánh 2/9 tại Nghệ An. Nguồn: Báo
Tiền Phong.
Gần
đây, câu chuyện của Chu Ngọc Quang Vinh, thí sinh chương trình Đường lên đỉnh
Olympia, được lan truyền mạnh mẽ trên truyền thông xã hội nước ta. Vào ngày
1/9, nam sinh đã chia sẻ trên trang cá nhân: "Cuối cấp 2 là tôi tiếp
cận với văn hóa phương Tây cao trào nhất. Dần dần, tôi phát hiện những gì mình
được học ở trường bấy lâu nay không hoàn toàn là sự thật, chỉ biết lừa gạt dân,
nên tìm mọi cách để sau này được sống ở nước ngoài”.
Phát
biểu nói trên của Quang Vinh nhanh chóng gây ra làn sóng tranh cãi và em bị chỉ
trích là phản động, vị kỷ và vô ơn. Ngay sau sự việc, liên ngành giáo dục -
công an tỉnh Yên Bái liền có động thái. Họ yêu cầu trường học, gia đình theo
dõi tư tưởng và tâm lý của Vinh, đồng thời tăng cường giáo dục chính trị và
truyền thống cách mạng cho em, nhấn mạnh tình yêu quê hương đất nước và Chủ tịch
Hồ Chí Minh. [1]
Cách
xử lý em Vinh phơi bày bản chất tuyên truyền của hệ thống giáo dục và nỗi lo sợ
của chính quyền trước tự do tư tưởng và ý kiến phản biện của người trẻ. Làn
sóng chỉ trích gay gắt nhắm vào em cho thấy những tư tưởng chính thống đã được
hệ thống giáo dục và tuyên truyền khắc sâu vào tâm trí của nhiều người, làm giảm
lòng khoan dung và khả năng tiếp nhận các quan điểm khác biệt trong xã hội.
Vì sao các
chế độ độc tài chính trị hóa hệ thống giáo dục, nói cách khác, vì sao học sinh
bị áp đặt tư tưởng ngay từ nhỏ?
Theo
Giáo sư Đại học Notre Dame Karrie Koesel, các chế độ độc tài như Trung Quốc hay Việt
Nam chính trị hóa hệ thống giáo dục vì hai lý do chính:
Thứ
nhất là yếu tố lịch sử. Việc xây dựng chủ nghĩa cộng sản đòi hỏi hệ thống giáo
dục phải sản sinh ra những cá nhân có niềm tin vững chắc vào lý tưởng xã hội chủ
nghĩa cũng như sự lãnh đạo tuyệt đối của đảng.
Thứ
hai là lý do thực tiễn. Bằng cách kiểm soát nội dung giáo dục và ngăn chặn sự
hình thành các quan điểm đối lập, chính quyền có thể phòng ngừa các phong trào
phản kháng từ thế hệ trẻ. [2]
Giới
trẻ luôn là một thách thức lớn đối với các chế độ độc tài. Họ là lực lượng chủ
đạo dẫn dắt nhiều cuộc biểu tình và phong trào cách mạng, từ Thiên An Môn
(1989) đến Mùa
xuân Ả Rập (2010 - 2012) và gần đây là Phong trào Dù Vàng (2014) và chống
dự luật dẫn độ (2019) ở Hồng Kông.
Sau
các cuộc biểu tình đòi dân chủ trong thập niên 1980 và sự kiện Thiên An Môn năm
1989, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã phát động chiến dịch giáo dục lòng
yêu nước (爱国主义教育)
vào năm 1991. Ở bài này, người viết sẽ phân tích nội dung của chiến dịch này và
khuyến khích người đọc so sánh thực trạng ở Trung Quốc với hệ thống giáo dục Việt
Nam.
Khi
yêu nước trở thành yêu đảng
Các
tài liệu chính trị và giáo dục lòng yêu nước tập trung vào việc nâng cao nhận
thức về lịch sử Trung Quốc, đặc biệt là các giai đoạn bị xâm lược và áp bức từ
ngoại bang. Chương trình nhấn mạnh vai trò của Đảng Cộng sản trong việc chống lại
áp bức và nhờ vậy mà đất nước có độc lập và thịnh vượng.
Học
sinh được khuyến khích tự hào về chế độ hiện tại và tin rằng hệ thống chính trị
của Trung Quốc vượt trội hơn phương Tây. Các tài liệu tuyên truyền cũng yêu cầu
giới trẻ tuân phục đảng và coi những quan điểm trái chiều là “phản quốc” hay
"phản cách mạng". [3]
Dưới
sự lãnh đạo của Tập Cận Bình, nỗ lực kiểm soát tư tưởng của học sinh, sinh viên
càng được tăng cường. “Tư tưởng Tập Cận Bình” đã được tích hợp vào chương trình
học và trở thành một phần quan trọng của hệ thống giáo dục, từ cấp tiểu học đến
đại học.
Giáo
trình “Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Hoa trong thời đại
mới”, dành cho học sinh tiểu học, sẽ cung cấp một ví dụ về cách thức mà ĐCSTQ
chính trị hóa giáo dục. [4]
Trong
bài học “Một lòng đi theo Đảng,” phần I với tựa đề “Không có Đảng Cộng sản
sẽ không có nước Trung Hoa mới” có nội dung như sau:
Hơn
180 năm trước, nhà Thanh tham nhũng và yếu kém, khiến Trung Quốc bị nhiều thế lực
ngoại bang xâm lược, đẩy người dân vào cảnh khốn cùng. Vô số người đã đứng lên
đấu tranh để phục hưng dân tộc. Năm 1921, ĐCSTQ được thành lập, mang đến cho
cách mạng Trung Hoa một diện mạo hoàn toàn mới.
Ngày
1/7 là ngày kỷ niệm thành lập ĐCSTQ.
Đây
là lá cờ của ĐCSTQ, với biểu tượng búa liềm màu vàng.
ĐCSTQ
thường xuyên nhấn mạnh “thế kỷ ô nhục” (1839 - 1949) trong sách giáo khoa và
phương tiện truyền thông. Trong giai đoạn này, Trung Quốc bị các cường quốc
phương Tây và Nhật Bản xâm chiếm, áp đặt các hiệp ước bất bình đẳng và mất lãnh
thổ. ĐCSTQ sử dụng ký ức về sự nhục nhã này để khẳng định vai trò bảo vệ quốc
gia và duy trì ổn định xã hội.
Sách
giáo khoa thường kết hợp ký ức bị áp bức với các tấm gương anh hùng cộng sản,
như câu chuyện về Lưu Hồ Lan dưới đây là một ví dụ.
Lịch
sử ĐCSTQ gắn liền với những cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ. Qua từng thời kỳ,
nhiều đảng viên ưu tú và gương mẫu đã xuất hiện, sẵn sàng chiến đấu nơi tuyến đầu,
thậm chí phải hy sinh cả mạng sống, vì lợi ích của đất nước và nhân dân.
Lưu
Hồ Lan sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở tỉnh Sơn Tây. Từ nhỏ, chị đã
nuôi dưỡng sự bất mãn sâu sắc đối với xã hội cổ hủ và tăm tối. Chị tích cực
tham gia đội thiếu niên chống Nhật trong làng, cùng các bạn canh gác và gửi tin
tình báo cho Bát Lộ Quân. Năm 1947, Lưu Hồ Lan không may bị giặc bắt. Đối mặt với
lưỡi lê của kẻ thù, chị hiên ngang tuyên bố: “Nếu sợ chết thì đã không gia nhập
Đảng Cộng sản!” Chị hi sinh khi mới 15 tuổi. Sau khi chị qua đời, Chủ tịch Mao
Trạch Đông đã đích thân truy tặng danh hiệu: “Sống vẻ vang, chết vinh quang”.
Lưu
Hồ Lan được ca ngợi trong sách giáo khoa, văn học và phim ảnh vì sự dũng cảm và
lòng trung thành với cách mạng. Đảng coi chị là tấm gương sáng, khuyến khích thế
hệ trẻ noi theo chị cống hiến và bảo vệ lý tưởng của mình. [5]
Câu
chuyện về lòng dũng cảm và sự hy sinh của các anh hùng cách mạng trong quá khứ
được tiếp nối bằng trải nghiệm gia nhập Đội Thiếu niên Tiền phong của lãnh đạo
Tập Cận Bình.
Mỗi
học sinh đều cảm thấy tự hào khi lần đầu tiên được đeo khăn quàng đỏ và hát bài
hát Đội Thiếu niên Tiền phong Trung Quốc. Bạn còn nhớ buổi lễ gia nhập Đội
không? Đầu tiên chúng ta hãy nghe câu chuyện của Bác Tập Cận Bình khi ông gia
nhập Đội. [6]
Năm
2014, Bác Tập Cận Bình đến trường tiểu học quốc gia ở Quận Hải Điện, Bắc Kinh
và kể cho các bạn nhỏ nghe câu chuyện gia nhập Đội Thiếu niên Tiền phong.
“Bác
đi học năm 1959 và gia nhập đội vào năm 1960. Bởi vì lúc đó còn nhỏ tuổi nên
không nằm trong lứa gia nhập đầu tiên, Bác đã khóc… Bác nhớ tim mình đập thình
thịch và rất phấn khích khi được gia nhập Đội”.
Bác
Tập Cận Bình sau đó hỏi các bạn học sinh: “Không biết các cháu có cảm thấy như
vậy không?” Các em trả lời: “Có”.
“Tại
sao lại như vậy? Bởi vì đây là một vinh dự”. Bác Tập Cận Bình trịnh trọng nói.
Trong
quyển sách này, các bài học được sắp xếp một cách khéo léo để khơi dậy lòng tự
hào của học sinh khi trở thành đội viên, đồng thời củng cố niềm tin và lòng
trung thành với đảng cũng như lãnh đạo đảng.
Khơi
lại quá khứ bị ngoại bang xâm chiếm
Việc
tuyên truyền về “thế kỷ ô nhục” (1839 - 1949) là trọng tâm của chương trình
giáo dục lòng yêu nước ở Trung Quốc. Vì sao vậy?
Các
em Đội viên hô khẩu hiệu trước tấm bảng ghi dòng chữ “Đừng quên quốc sỉ, hãy củng
cố nền quốc phòng của chúng ta” (勿忘国耻, 强我国防). Nguồn ảnh: Xinhua
News Agency.
Có
thể nói, những năm đầu thập niên 1990, sự sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa ở
Liên Xô và Đông Âu làm giảm niềm tin vào Đảng Cộng sản và chủ nghĩa xã hội. Sự
kiện Thiên An Môn cũng làm tổn hại nghiêm trọng đến tính chính danh của đảng và
gây lo ngại sâu sắc trong giới lãnh đạo. [7]
Từ
khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thành lập năm 1949, Đảng Cộng sản đã luôn
dùng việc đánh bại chủ nghĩa đế quốc và kết thúc “thế kỷ ô nhục” để biện minh
cho sự cai trị của mình. [8] Tuy nhiên, vào thập niên 1990, phần lớn dân số
Trung Quốc được sinh ra sau năm 1949 và chưa từng trải qua thời kỳ đất nước bị
các cường quốc đế quốc và thực dân xâu xé. Để duy trì quyền lực, lãnh đạo đảng
quyết định khơi dậy ký ức về quá khứ bán thuộc địa của Trung Quốc và khiến thế
hệ trẻ trải nghiệm nỗi đắng cay và sự sỉ nhục mà nó mang lại, từ đó tăng cường
lòng biết ơn đối với đảng. [9]
Khẩu
hiệu “Đừng quên quốc sỉ” (勿忘国耻) được tích hợp sâu
vào chương trình giáo dục, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì một quốc
gia mạnh mẽ và thống nhất trước các mối đe dọa từ bên ngoài. Cùng với phim ảnh
và thơ ca, nhiều tượng đài, viện bảo tàng được xây dựng hoặc trùng tu, nhằm
nuôi dưỡng ký ức tập thể về những bất công và đau khổ trong quá khứ. Bảo tàng
Chiến tranh Nha phiến tại tỉnh Quảng Đông và Đài tưởng niệm Thảm sát Nam Kinh tại
tỉnh Giang Tô là những địa điểm quan trọng trong số đó.
Tầng
lớp cầm quyền sử dụng lịch sử để xây dựng và củng cố câu chuyện về căn tính quốc
gia; nhưng họ sẽ quyết định sự kiện nào được ghi nhớ và sự kiện nào bị lãng
quên. [10] Sẽ không có bất kỳ chiến dịch “đừng quên” nào gắn với Đại nhảy vọt
(1958-1962) hay Cách mạng Văn hóa (1966-1976), mặc dù đây là những giai đoạn lịch
sử quan trọng và gây ra đau thương cho đất nước không kém gì “thế kỷ ô nhục”.
Do
tác động của chương trình giáo dục yêu nước, các phong trào đấu tranh dân chủ
vào thập niên 1980 đã bị thay thế bằng chủ nghĩa dân tộc và tâm lý bài phương
Tây trong thập niên 1990. [11]
Tư
tưởng xã hội dần bị thu hẹp theo góc nhìn của đảng. Bất kỳ chỉ trích nào từ bên
ngoài, như về tình trạng nhân quyền, đều có thể bị đảng diễn giải là can thiệp
vào công việc nội bộ hoặc xâm phạm chủ quyền của quốc gia.
Kiểm
soát tư tưởng qua đề thi
Mục
tiêu chính trị của việc giáo dục lòng yêu nước còn được thực hiện qua kiểm tra
và đánh giá học sinh. Tại Trung Quốc, kết quả thi tuyển sinh đại học có ảnh hưởng
lớn đến tương lai thí sinh, với các môn thi bắt buộc là Ngữ văn, Toán và Ngoại
ngữ. Thí sinh chọn ban Khoa học xã hội sẽ thi thêm Lịch sử, Chính trị và Địa
lý.
Giáo
sư Karrie Koesel đã thu thập 54 đề thi môn Chính trị từ 1952 đến 2018, tập
trung vào triết học Mác - Lênin, chủ nghĩa xã hội, chính sách chính phủ và sự
kiện chính trị đương đại.
Năm
1989, một tháng sau khi xe tăng của quân đội tiến vào dẹp sạch quảng trường
Thiên An Môn, đề thi yêu cầu thí sinh điền vào chỗ trống trong đoạn văn sau:
Hiến
pháp quy định “công dân nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được hưởng quyền tự do
hội họp, tự do báo chí, tự do lập hội, tự do diễu hành và tự do biểu tình”. Đồng
thời, “việc thực hiện các quyền này không được xâm phạm lợi ích của _____, của
xã hội, và của tập thể, hoặc các quyền tự do và quyền hợp pháp của công dân
khác” (Câu 38). [12]
Bạn
sẽ điền gì vào chỗ trống?
Đáp
án đúng là “nhà nước”.
Đáp
án này cho thấy các quyền tự do cá nhân đứng sau lợi ích của nhà nước, đồng thời
ngầm khẳng định các cuộc biểu tình kêu gọi cải cách dân chủ của sinh viên là bất
hợp pháp.
Theo
giáo sư Koesel, vai trò lãnh đạo và thành tựu của đảng chiếm tỷ trọng lớn trong
các đề thi. Ví dụ, đề thi năm 2013 yêu cầu thí sinh sử dụng “hiểu biết chính trị
để giải thích vai trò lãnh đạo của ĐCSTQ trong quá trình xây dựng một Trung Quốc
xã hội chủ nghĩa với nền văn hóa ưu tú” (Câu 13). [13] Chương trình học và đề
thi không khuyến khích tư duy phản biện. Học sinh phải trả lời theo khuôn mẫu để
đạt điểm cao và không được thể hiện quan điểm độc lập về các vấn đề chính trị -
xã hội.
Thế
hệ trẻ bị dẫn dắt
Đội
Thiếu niên Tiền phong Trung Quốc, cánh tay nối dài của Đảng Cộng sản. Nguồn ảnh: Xinhua.
Tại
Trung Quốc, trong giai đoạn 2004 - 2010, Quốc vụ viện và Bộ Giáo dục đã triển
khai một chương trình giảng dạy chính trị mới dành cho học sinh phổ thông. So với
chương trình trước, sách giáo khoa mới đã tập trung nhiều hơn vào các nội dung
về “nền dân chủ xã hội chủ nghĩa”, tầm quan trọng của nhà nước pháp quyền, các
thể chế kinh tế phi thị trường của Trung Quốc, và thuyết “Ba Đại diện” của
Giang Trạch Dân. [14]
Nghiên
cứu "Curriculum and Ideology" (2017) của Giáo sư Davide Cantoni và
các tác giả khác đã phân tích tác động của chương trình này đến niềm tin và
thái độ của người học. [15]
Khảo
sát trên 2.000 sinh viên của Đại học Bắc Kinh cho thấy, so với sinh viên mà
giai đoạn phổ thông học chương trình cũ, những sinh viên học chương trình mới
có xu hướng: (1) nhìn nhận thể chế chính trị Trung Quốc là dân chủ hơn; (2) tin
tưởng hơn vào quan chức chính phủ; (3) ủng hộ việc mở rộng ảnh hưởng chính trị
đến các nhóm ngoài đảng, phù hợp với thuyết “Ba Đại diện” và (4) hoài nghi về nền
kinh tế thị trường tự do.
Nghiên
cứu kết luận rằng chương trình giảng dạy mới đã thành công trong việc kiểm soát
tư tưởng và củng cố lòng trung thành của giới trẻ đối với Đảng Cộng sản, đồng
thời làm giảm tư duy phản biện của các em.
Người
trẻ sau khi bị tẩy não bởi tuyên truyền có xu hướng trở nên cực đoan và dễ bị
kích động. Họ thường phát triển tư duy nhị nguyên, coi “chúng ta” là chính
nghĩa và “chúng nó” là kẻ thù hoặc mối đe dọa.
Một
thanh niên Trung Quốc đập phá một chiếc xe cảnh sát của hãng Honda trong một cuộc
biểu tình chống Nhật ở tỉnh Quảng Đông vào năm 2012. Nguồn ảnh: The
Guardian.
Hậu
quả của chương trình giáo dục lòng yêu nước bộc lộ rõ ràng vào năm 2012 trong
các vụ bạo động chống Nhật Bản liên quan đến tranh chấp quần đảo Điếu
Ngư/Senkaku. Các hành vi bạo lực bao gồm đánh đập tài xế người Nhật, đập phá xe
hơi Nhật, tấn công nhà hàng Nhật và thậm chí Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Bắc Kinh
(do bị xem là đồng minh của Nhật Bản). Một số nhà quan sát đã quy trách nhiệm
trực tiếp cho ĐCSTQ trong việc nhồi nhét chủ nghĩa dân tộc độc hại vào đầu học
sinh. [16] [17]
Khi
giáo dục trở thành công cụ chính trị
Trong
các chế độ độc tài, giáo dục không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn định hướng
tư tưởng theo ý đồ của nhà cầm quyền. Khi xã hội không đủ tỉnh thức và mạnh mẽ
để thách thức quyền lực độc tôn của đảng, giáo dục trở thành công cụ kiểm soát
tư tưởng, kiềm chế tư duy độc lập và tinh thần tự do của người học.
Từ
việc xây dựng hình ảnh tích cực về chính quyền đến việc áp đặt quan điểm chính
trị, nền giáo dục tẩy não không chỉ bóp méo nhận thức mà còn ảnh hưởng tiêu cực
đến thế giới quan và hành vi của học sinh.
Sự
phát triển của khoa học, đặc biệt là khoa học xã hội và nhân văn, cần những con
người có khả năng suy nghĩ độc lập và tư duy phản biện. Đảng bắt các em tuân thủ
mù quáng các giá trị và lý tưởng của mình.
Tư
duy triết học chỉ có thể phát triển trong một môi trường tôn trọng tự do tư tưởng,
khuyến khích tranh luận và đối thoại. Đảng dạy thế hệ trẻ tin theo một hệ tư tưởng
duy nhất, trong đó triết học Mác - Lênin và chủ nghĩa xã hội được xem như chân
lý tuyệt đối.
Giáo
dục khai phóng khuyến khích tiếp cận lịch sử từ nhiều góc độ và tôn trọng các
quan điểm đa dạng. Đảng yêu cầu học sinh ghi nhớ và diễn giải lịch sử theo một
quan điểm duy nhất để củng cố tính chính danh và độc quyền lãnh đạo.
Thế
giới văn minh hướng tới các giá trị tự do và nhân quyền phổ quát. Đảng coi đây
là sản phẩm của phương Tây và tăng cường tuyên truyền về “chủ nghĩa xã hội đặc
sắc Trung Hoa”.
Bối
cảnh toàn cầu hóa đòi hỏi con người có lòng khoan dung, tôn trọng sự khác biệt
và tinh thần hợp tác quốc tế. Đảng nuôi dưỡng nơi các em căn tính dân tộc hẹp
hòi, phức cảm nạn nhân và tâm lý bài ngoại, nhắc nhở các em cảnh giác với các
“thế lực thù địch”.
Và
rồi đảng muốn các em phải có lòng biết ơn?
------------
Chú
thích
[1] Công
Thương. (2024, September 2) Sở GD&ĐT tỉnh Yên Bái lên tiếng vụ nam sinh Đường
lên đỉnh Olympia có phát ngôn trên mạng xã hội. Báo Mới. https://baomoi.com/so-gd-dt-tinh-yen-bai-len-tieng-vu-nam-sinh-duong-len-dinh-olympia-co-phat-ngon-tren-mang-xa-hoi-c50063071.epi
[2] Koesel,
K. J. (2020). Legitimacy, resilience, and political education in Russia and
China. Citizens and the state in authoritarian regimes: Comparing China
and Russia, 250-278.
[3] Koesel
(2020), page 272.
[4] Phần
phân tích sách giáo khoa này được viết dựa vào video sau: laowhy86. (2022,
January 8). China’s sinister child brainwashing campaign [Video].
YouTube. https://www.youtube.com/watch?v=DXf0I4Rey40
[5] Hồ
Chí Minh cũng có một bài viết ca ngợi Lưu Hồ Lan trên báo Nhân Dân. Tham khảo:
C. B. (1951, August 2). Em bé Trung Quốc Lưu Hồ Lan. Nhân Dân, số 19,
tr.2 https://hochiminh.nhandan.vn/em-be-trung-quoc-luu-ho-lan-750.html
[6] Trong
văn bản gốc, 习近平爷爷 có nghĩa là “ông nội Tập Cận Bình” hoặc “gia
gia Tập cận Bình". Người viết chuyển ngữ 爷爷 thành “bác” để phù hợp
hơn với ngữ cảnh và cách gọi thân mật của người Việt.
[7] Nathan,
A. J. (2019, May 30). The new Tiananmen papers: Inside the secret meeting that
changed China. Foreign Affairs. https://www.foreignaffairs.com/articles/china/2019-05-30/new-tiananmen-papers
[8] ĐCSTQ
không phải là lực lượng duy nhất chống lại sự xâm lược của ngoại bang. Trước
khi ĐCSTQ nắm quyền, Quốc dân Đảng (KMT) dưới sự lãnh đạo của Tưởng Giới Thạch
đã lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Nhật trong Chiến tranh Trung-Nhật lần thứ
hai (1937-1945).
[9] Cohen,
P. A. (2001). Remembering and forgetting national humiliation in
twentieth-century China. Twentieth-Century China, 27(2),
1-39.
[10] Wang,
Z. (2014). Never forget national humiliation: Historical memory in
Chinese politics and foreign relations. Columbia University Press.
[11] Wang
(2014), page 116.
[12] Koesel
(2020), page 268.
[13] Koesel
(2020), page 267.
[14] Thuyết
Ba Đại diện được cựu Tổng Bí thư Giang Trạch Dân đề xuất và chính thức được
ĐCSTQ thông qua vào năm 2002. Thuyết này khẳng định ĐCSTQ đại diện cho lực lượng
sản xuất tiên tiến, đại diện cho nền văn hóa tiên tiến và lợi ích của đại đa số
nhân dân Trung Quốc. Thuyết Ba Đại diện đã mở đường cho việc kết nạp các doanh
nhân vào hàng ngũ của đảng, một bước đi quan trọng trong quá trình hiện đại hóa
và mở cửa nền kinh tế Trung Quốc.
[15] Cantoni,
D., Chen, Y., Yang, D. Y., Yuchtman, N., & Zhang, Y. J. (2017). Curriculum
and ideology. Journal of political economy, 125(2), 338-392.
[16] Branigan,
T. (2012, August 19). China protests over Japanese activists’ visit to disputed
island. The Guardian. https://www.theguardian.com/world/2012/aug/19/china-protest-japan-senkaku-diaoyo-island
[17] Eades,
M. C. (2016, April 5). Chinese nightmare: Education and thought control in Xi
Jinping’s China. Foreign Policy Association. https://foreignpolicyblogs.com/2016/04/05/education-and-thought-control-in-xi-jinpings-china/
No comments:
Post a Comment