Thursday, 5 September 2024

CHU NGỌC QUANG VINH VÔ ƠN HAY DŨNG CẢM KHI NÓI NHÀ TRƯỜNG 'LỪA GẠT', 'ĐẢNG LÀ THẾ LỰC XẤU'? (VOA Tiếng Việt)

 



Chu Ngọc Quang Vinh vô ơn hay dũng cảm khi nói nhà trường ‘lừa gạt’, ‘đảng là thế lực xấu’?

VOA Tiếng Việt

04/09/2024

https://www.voatiengviet.com/a/7770608.html 

 

Một nam sinh tài năng ở tỉnh Yên Bái phải hứng chịu nhiều lời lên án, chỉ trích từ báo chí nhà nước và những người ủng hộ chính quyền mấy ngày nay, thậm chí phải “làm việc” với công an sau khi viết trên mạng xã hội rằng nhà trường chỉ dạy một phần sự thật và đảng là “thế lực xấu”. Tuy nhiên, nhiều người khác lại cho rằng em dũng cảm khi nêu ra quan điểm của mình.

 

https://gdb.voanews.com/cec2ccaa-1e19-4be7-8197-64348edc8b7d_w1023_r1_s.jpg

Pháp Luật Việt Nam đăng bài về Chu Ngọc Quang Vinh, 2/9/2024.

 

Chu Ngọc Quang Vinh, học sinh lớp 12 tại Trường Phổ thông Trung học Chuyên Nguyễn Tất Thành ở Yên Bái, miền bắc Việt Nam, đăng bài trên mạng xã hội rạng sáng ngày Quốc khánh Việt Nam, 2/9, nói rằng em tiếp cận với văn hóa phương Tây “cao trào nhất” vào cuối cấp 2 và dần dần em “phát hiện” những gì nhà trường dạy “không hoàn toàn là sự thật, chỉ biết lừa gạt dân”.

 

Trong bài viết đã bị xóa khỏi trang Facebook cá nhân, Chu Ngọc Quang Vinh, người từng giành chức vô địch trong một cuộc thi Đường Lên Đỉnh Olympia hồi đầu năm 2023, cũng viết rằng đảng “là thế lực xấu” và bày tỏ em ôn thi và tham gia cuộc thi nêu trên vì muốn “được sống ở nước ngoài”.

 

Tính đến năm 2021, trong số 21 quán quân Đường Lên Đỉnh Olympia và được học bổng ở Úc, chỉ có 2 người quay về Việt Nam, tức tỷ lệ 9,5%.

 

Theo quan sát của VOA, bài viết của Quang Vinh gây ra một cơn bão với những ý kiến trái chiều nhau trên mạng xã hội, trong khi một loạt các báo nhà nước phê phán, công kích em.

 

Pháp Luật Việt Nam, Công Thương, Lao Động, Tiền Phong, Hoa Học Trò và nhiều báo khác đăng các bài trong hai ngày 2 và 3/9 cho rằng Quang Vinh “vô ơn”, “gây phẫn nộ”, bị cộng đồng “phản đối mạnh mẽ” vì em đã “coi nhẹ giá trị của giáo dục và truyền thống dân tộc”, không những thế còn “ảnh hưởng đến những học sinh đang nỗ lực học tập và cống hiến cho đất nước”.

 

Các báo cũng cho biết trường học của Quang Vinh và Sở Giáo dục và Đào tạo Yên Bái đều đã xử lý vụ việc, mặt khác, công an “đã làm việc” với Quang Vinh về “phát ngôn không phù hợp”.

 

Theo tường thuật trên báo chí nhà nước, “sau khi được giáo dục”, Quang Vinh đã gỡ bài viết gây tranh cãi và đăng bài mới đưa ra lời xin lỗi.

 

Em cho biết trong quá trình tìm hiểu lịch sử, em “đã bị ảnh hưởng bởi những tư liệu không đúng sự thật và mang tính ác ý với Tổ Quốc”, cùng với đó, do bản thân có “những quan sát và trải nghiệm ít ỏi” nên em đã “phát ngôn nông cạn”.

 

Quang Vinh khẳng định “không bao giờ có ý định cực đoan trong việc liên hệ với các tổ chức nước ngoài để làm hại lợi ích của dân tộc” và “xin nhận hoàn toàn trách nhiệm về những phát ngôn không đúng”, đồng thời “mong nhận được sự tha thứ của mọi người”.

 

Bên cạnh báo chí nhà nước, Quang Vinh đã hứng chịu búa rìu công kích từ các trang lâu nay được xem là nhiệt thành ủng hộ chính quyền, gồm Đơn vị Tác chiến Điện tử (ComCom), Học viện phòng chống phản động, TOP Comments… với các bài lên án, chỉ trích em nhận được hàng chục ngàn phản ứng và lời bình luận, bao gồm cả những từ ngữ tồi tệ gọi em là “súc vật”, “súc sinh”.

 

Tuy nhiên, theo quan sát của VOA, ở hướng ngược lại, cũng có không ít trang mạng và nhiều người ủng hộ, khen ngợi Quang Vinh là nói đúng sự thật hoặc dũng cảm.

 

Trong số đó, trang Chân Trời Mới Media đăng ý kiến nói rằng nam học sinh “rất dũng cảm khi thể hiện quan điểm” là em chán đảng, trong khi em “nói là luôn yêu mến đất nước” vì thế “chẳng có lý do gì để chê cậu ấy”.

 

Một ý kiến khác trên cùng trang nhận xét: “Báo chí mà cũng tham gia đấu tố suy nghĩ của cháu [cựu vô địch] Olympia thì thật kinh sợ!”

 

Trang này cũng kêu gọi cộng đồng “cùng lên tiếng bảo vệ tiếng nói trung thực của nam sinh này” và nêu chất vấn “Chế độ CSVN [Cộng sản Việt Nam] tự nhận là ‘quang vinh, vĩ đại’, tại sao lại sợ một tiếng nói trung thực của người dân?”.

 

Các ý kiến kể trên nhận được hàng nghìn phản ứng và lời bình luận yêu thích, ủng hộ.

 

Có chung suy nghĩ và góc nhìn là những Facebooker có nhiều ảnh hưởng trên mạng xã hội như cựu tù nhân lương tâm-nhà tranh đấu Lê Anh Hùng, luật sư Đặng Đình Mạnh, người đã phải bỏ chạy sự truy bức của chính quyền Việt Nam, hiện sống ở Mỹ; nữ doanh nhân hay lên tiếng phản biện xã hội Phương Ngô cũng đã chịu sức ép phải ra đi khỏi Việt Nam, nhà thơ Bùi Chí Vinh, nhà bình luận thời cuộc Chu Hồng Quý, bác sĩ Võ Xuân Sơn, cựu đạo diễn-nhà báo tự do Song Chi, nhà báo Chánh Tâm, và nhiều người khác.

 

Họ cho rằng lời phản biện của Quang Vinh đúng dịp Quốc khánh Việt Nam có rất nhiều ý nghĩa và em đã rất dũng cảm, đáng mến phục, là tài năng của đất nước khi bày tỏ quan điểm cá nhân. Cùng lúc, họ cũng nêu lo ngại về một chế độ và một xã hội nơi liên tục xảy ra “đấu tố”, “truy bức” một cách “mông muội, dã man, mù quáng” nhằm vào những ai dám nói lên sự thật.

 

Những người bênh vực Quang Vinh lưu ý thêm rằng tổ quốc, đất nước, dân tộc không thể bị đánh đồng với chính quyền hay đảng phái, vì vậy những lời nhận xét về đảng, nhà nước không phải là vô ơn.

 

Trong bài viết trên trang cá nhân, ông Võ Xuân Sơn chỉ ra rằng “Ở những nước mà tư tưởng tiến bộ đã ăn sâu vào người dân, thì về phương diện quốc gia, trên bình diện một đất nước, người phải biết ơn và bắt buộc phải thể hiện sự biết ơn của mình là chính phủ. Họ phải biết ơn người dân vì người dân đã bầu ra họ, cho phép họ tồn tại, đóng thuế để họ có tiền điều hành đất nước…”

 

Ông Sơn kết luận bài viết có gần 4.000 phản ứng yêu thích và các lời bình ủng hộ rằng “Trước khi đấu tố ai đó, thì cũng cần phải có một sự hiểu biết nhất định về việc hàm ơn và cám ơn”.

 

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats