Monday 8 July 2024

VÌ SAO BÂY GIỜ VIỆT NAM MỚI ỨNG CỬ VÀO TÒA ÁN QUỐC TẾ VỀ LUẬT BIỂN? (Nguyễn Quốc Tấn Trung / Luật Khoa tạp chí)

 



Vì sao bây giờ Việt Nam mới ứng cử vào Tòa án Quốc tế về Luật Biển?

Nguyễn Quốc Tấn Trung

JULY 09 2024

https://www.luatkhoa.com/2024/07/vi-sao-bay-gio-viet-nam-moi-ung-cu-vao-toa-an-quoc-te-ve-luat-bien/

 

Trong bài viết “Việt Nam và cuộc đua vào vị trí thẩm phán Tòa án Quốc tế về Luật Biển”, chúng ta đã có một số thông tin về vị trí thể chế, quy trình bầu cử, cấu trúc thành viên của Tòa án Quốc tế về Luật Biển (Tòa ITLOS) cũng như có thêm vài đánh giá sơ lược về tình hình cuộc đua của Việt Nam.

 

Ví dụ, bài viết cho rằng Việt Nam có thể đang nhắm vào chiếc ghế “tiền lệ ASEAN" của thẩm phán người Thái Lan Kriangsak Kittichaisaree trong bộ máy của ITLOS; hay phân tích rằng vì thẩm phán người Trung Quốc Jielong Duan vẫn còn nhiệm kỳ ITLOS đến năm 2029 nên Việt Nam sẽ không phải tranh ghế với một đại diện đến từ Trung Quốc.

 

Nhưng chúng ta còn có thể phán đoán điều gì khác cho lần ứng cử này? Liệu có mục tiêu sâu xa nào đằng sau? Việt Nam có đang chuẩn bị nhân sự, kiến thức và kinh nghiệm cho một lần khởi kiện Trung Quốc về các vấn đề tranh chấp ở Biển Đông?

 

 

Chuẩn bị kiện Trung Quốc?

 

Có lẽ Chính phủ Việt Nam đang chuẩn bị cho việc khởi kiện Trung Quốc? Đây là một viễn cảnh mà nhiều người Việt Nam kỳ vọng, chờ đợi suốt hơn một thập niên qua. Nhưng đáng tiếc, kiện Trung Quốc không còn là một lựa chọn khả dĩ.

 

Mục tiêu này là bất khả, không phải vì vấn đề quyết tâm chính trị hay sự ủng hộ của quốc tế, mà là vì vấn đề thủ tục và thẩm quyền.

 

Với tiêu chuẩn kép thường thấy của các cường quốc như Trung Quốc, dù có đến bốn thẩm phán từng phục vụ trong hệ thống Tòa ITLOS nhưng Trung Quốc vẫn ra sức từ chối mọi thẩm quyền của Tòa ITLOS trong việc giải quyết những tranh chấp biển đảo có liên quan đến họ.

 

Đơn cử, năm 2024, Ủy ban các quốc đảo nhỏ về Biến đổi khí hậu và Pháp luật Quốc tế (Commission of Small Island States on Climate Change and International Law - COCIS) mà dẫn đầu là Tuvalu, Antigua và Barbuda đã đề nghị Tòa ITLOS diễn giải nghĩa vụ của các quốc gia (đặc biệt là các quốc gia công nghiệp, xả thải) trong vấn đề biến đổi khí hậu.

 

Lo ngại rằng việc Tòa ITLOS đưa ra ý kiến tham vấn (advisory opinion) cho câu hỏi này sẽ dẫn đến nhiều nghĩa vụ bồi thường và giới hạn lợi ích của Trung Quốc trên biển lẫn trên bộ, thế nên quốc gia này phản đối kịch liệt thẩm quyền diễn giải của Tòa ITLOS. Và hành vi này trái ngược hoàn toàn với danh nghĩa quốc gia “dẫn đầu” của phong trào Nam toàn cầu (Global South) mà Trung Quốc thường tự hào tuyên xưng. [1]

 

Ngoài ra, trong vụ tranh chấp với Philippines, Trung Quốc cũng liên tục dùng đoạn 1 (a), (b) và (c) của Điều 298 - Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển để nhắc về các bảo lưu của mình, đồng thời phủ nhận khả năng mình có thể bị khởi kiện bởi bất kỳ quốc gia nào khác về các vấn đề diễn giải, tranh chấp quyền lợi biển đảo. [2] Điều này bao gồm cả ITLOS lẫn các tòa trọng tài độc lập trong cơ chế của tòa trọng tài thường trực.

 

Chưa để đến việc liệu Chính phủ Việt Nam có quyết tâm chính trị để theo đuổi một vụ kiện với Trung Quốc hay không, nhưng những diễn biến trên cho thấy thực tế là Việt Nam có hay không có thẩm phán trong Tòa ITLOS cũng không làm ảnh hưởng đến xu thế tiếp cận pháp luật quốc tế theo hướng “thực định cực đoan” của Trung Quốc, tức chỉ xem những quy định mà Trung Quốc đã công khai chấp nhận là “pháp luật quốc tế”. Mọi định chế diễn giải và giải quyết tranh chấp khác (như Tòa ITLOS) đều bị xem là những hoạt động mục đích luận đi ra khỏi sự đồng thuận ban đầu của họ.

 

 

Tạo ảnh hưởng lên những diễn giải về luật biển quốc tế? 

 

Vì các chướng ngại nói trên, thế nên sẽ thích hợp hơn nếu cho rằng Việt Nam cảm thấy mình có đã đủ nguồn lực và tiếng nói để xác lập và gây ảnh hưởng lên các quy phạm pháp luật quốc tế liên quan đến vấn đề về biển, biến đổi khí hậu và quyền lợi của các quốc gia đang phát triển ven biển.

 

Ví dụ, cũng từ yêu cầu của Ủy ban các quốc đảo nhỏ về Biến đổi khí hậu và Pháp luật Quốc tế, Tòa ITLOS đã đưa ra một ý kiến tham vấn (ý kiến này nhận được sự đồng thuận tuyệt đối từ 21 thẩm phán) về cách hiểu “ô nhiễm” trong phạm vi diễn giải của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, đồng thời kèm theo đó là các nghĩa vụ liên quan đến bảo vệ môi trường biển và kiềm chế mức tăng của mực nước biển. [3]

 

Ý kiến tham vấn của Tòa ITLOS có tính bước ngoặt, bởi trái với trước đây khi khái niệm “ô nhiễm” thường được hiểu là các hành vi xả thải trực tiếp vào nguồn nước biển, thì nay ITLOS mở rộng phạm vi diễn giải nó bao hàm cả vấn đề đại dương nóng dần lên, mực nước biển tăng và vấn đề khí thải nhà kính dẫn đến cả hai hiện tượng này.

 

Cách diễn đạt này không chỉ mở rộng nội hàm pháp lý, mà còn đặt trách nhiệm cho các quốc gia xả khí thải công nghiệp khổng lồ như Trung Quốc; đồng thời tạo tiền đề cho việc nỗ lực yêu cầu các quốc gia này hỗ trợ, bồi thường cho những đất nước yếu thế và chịu thiệt hại nghiêm trọng nhất từ việc mực nước biển dâng cao. [4]

 

Đây có thể nói là một không gian rất có lợi cho Việt Nam, và việc tham gia vào Tòa ITLOS đồng nghĩa với việc Chính phủ Việt Nam có thể hiểu thêm về xu thế trong ITLOS, đóng góp tiếng nói của mình thông qua vị trí thẩm phán, từ đó bảo đảm quyền lợi cần thiết cho mình. Đây là chưa kể trong các trường hợp tranh chấp biển, phân định ranh giới biển giữa các quốc gia khác nhau, Việt Nam có thể đóng góp tiếng nói pháp lý, tạo thêm nhiều tiền lệ có lợi hơn cho mình trong tương lai. 

 

 

Tìm kiếm cơ hội ở Tòa án Công lý Quốc tế?

 

Dù các định chế trong nước thường cổ xúy cho việc phủ nhận và xem thường các định chế quốc tế, nhưng chính quyền Việt Nam ở bên ngoài luôn có những đầu tư khá đúng mực vào việc xây dựng hình ảnh của một quốc gia hữu hảo, tôn trọng pháp luật quốc tế và mong muốn đóng góp vào sự ổn định của các định chế quốc tế.

 

Việt Nam từng có tư cách là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (giai đoạn 2020-2021) cũng như có nhiều lần tham gia vào các hoạt động bảo an khác. Việc nắm được một ghế trong Tòa ITLOS có thể được xem là bước tiến mới để Việt Nam khẳng định hình ảnh của mình trước cộng đồng quốc tế.

Điều này một mặt chứng minh sự “trưởng thành” dần của các định chế chính trị, khoa học pháp lý tại Việt Nam, và mặt khác mở thêm cơ hội cho các vị trí tại các cơ quan tài phán quốc tế quan trọng hơn như Tòa án Công lý Quốc tế.

 

---------------

Chú thích

 

[1] ‘China’s Engagement with the ITLOS Climate Change Advisory Proceedings and Its Strategic Formalism in International Law’ (Centre for International Law) <https://cil.nus.edu.sg/blogs/chinas-engagement-with-the-itlos-climate-change-advisory-proceedings-and-its-strategic-formalism-in-international-law/> accessed 5 July 2024

 

[2] South China Sea Arbitration, Philippines v China, Award, PCA Case No 2013-19, ICGJ 495 (PCA 2016), 12th July 2016, Permanent Court of Arbitration [PCA] https://pca-cpa.org/en/cases/7/

 

[3] Xem: https://www.itlos.org/fileadmin/itlos/documents/cases/31/Advisory_Opinion/C31_Adv_Op_21.05.2024_orig.pdf

 

[4] ‘MAP Spotlight: ITLOS’ (ICAS) <https://chinaus-icas.org/research/map-spotlight-itlos/> accessed 5 July 2024

 

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats