Saturday, 20 July 2024

VỊ THẾ CỦA TBT NGUYỄN PHÚ TRỌNG ĐỐI VỚI HOA KỲ (BBC News Tiếng Việt)




Vị thế của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với Mỹ

BBC News Tiếng Việt

20 tháng 7 năm 2024

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cjk3vxnpk0xo

 

Ngoài là trường hợp ba lần "đặc biệt" khi nắm giữ liên tiếp ba nhiệm kỳ tổng bí thư, ông Nguyễn Phú Trọng còn trở thành ngoại lệ chưa từng có về mặt ngoại giao.

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/dc64/live/e2ffc670-4686-11ef-9e1c-b4a473456a6.png.webp

Ông Nguyễn Phú Trọng

 

Vào tháng 7/2015, ông Nguyễn Phú Trọng trở thành tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên thăm chính thức Hoa Kỳ và được Tổng thống Mỹ Barack Obama tiếp đón ở Phòng Bầu Dục - nơi vốn chỉ dành cho các nguyên thủ quốc gia.

 

Đây là điều đặc biệt "lạ" đối với cả ngành ngoại giao Mỹ, khi mà Tổng thống Mỹ tiếp lãnh đạo một đảng chính trị theo nghi thức nguyên thủ. Chuyến thăm này đã làm thay đổi hẳn cách giao thiệp giữa lãnh đạo hai nước, được nhiều nhà quan sát coi là sự thừa nhận từ phía Mỹ về tính chính danh của Đảng Cộng sản và người đứng đầu đảng này.

 

Là Đại sứ Mỹ tại Hà Nội giai đoạn 2014-2017, ông Ted Osius đóng vai trò lớn trong việc sắp xếp chuyến thăm lịch sử này.

 

Trả lời BBC News Tiếng Việt sau khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời, Đại sứ Osius nói:

 

"Đó là niềm vinh dự của tôi khi là người đứng ra sắp xếp chuyến thăm mang tính lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Washington và New York vào năm 2015.

 

"Tại Phòng Bầu dục, Tổng thống Barack Obama nói với tổng bí thư rằng Hoa Kỳ tôn trọng các hệ thống chính trị khác nhau. Trong bữa trưa tại Bộ Ngoại giao, Phó Tổng thống Joe Biden đã lẩy hai câu trong Truyện Kiều: 'Trời còn để có hôm nay. Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời'," ông Osius thuật lại với BBC.

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/bc74/live/0856b420-462c-11ef-9e1c-3b4a473456a6.jpg.webp

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được Tổng thống Barack Obama tiếp tại Phòng Bầu Dục vào năm 2015, một điều chưa có tiền lệ

 

 

·        Ông Trọng gặp ông Obama đầu tháng Bảy

21 tháng 6 năm 2015

·        Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đi Mỹ

6 tháng 7 năm 2015

·        Tổng thống Obama 'mong' đón ông Trọng

21 tháng 5 năm 2015

 

 

Vị thế của tổng bí thư

 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được coi là đã củng cố quyền lực của mình không chỉ trong nước mà còn trên trường quốc tế.

 

Ông từng nói "mình phải có thế nào người ta mới thế chứ", một câu nói thể hiện rằng ông rất quan tâm cách quốc tế nhìn nhận như thế nào về Việt Nam, về Đảng Cộng sản và về bản thân ông với tư cách là tổng bí thư.

 

Là người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam, trước đó ông Trọng chỉ được đón tiếp trọng thị khi đến các quốc gia "anh em cộng sản" hiếm hoi như Trung Quốc, Lào, Cuba và Bắc Hàn.

 

Đối với các nước dân chủ phương Tây như Mỹ, việc tổng thống gửi lời mời nhà lãnh đạo đảng - tổng bí thư - chứ không phải nguyên thủ quốc gia - tức chủ tịch nước - là điều cực kỳ hiếm hoi. Điều này chưa từng có tiền lệ trong quan hệ Việt - Mỹ.

 

Thế nhưng, vào năm 2015, ông Trọng đã được Tổng thống Mỹ Obama tiếp đón tại Phòng Bầu dục. Điều này cho thấy Mỹ đã điều chỉnh thông lệ về mặt lễ tân ngoại giao.

 

Từ chuyến thăm này, Mỹ đã chuyển đổi cách tiếp cận đối với Việt Nam và vị thế của ông Trọng cũng ngày một cao hơn.

 

Về sau này, không ít hoạt động giao thiệp giữa hai nước - các cuộc điện đàm và tiếp xúc thượng đỉnh - đã diễn ra giữa tổng thống Mỹ và tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam.

 

Bằng chứng là trước chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Hà Nội và hai nước nâng cấp quan hệ lên mức cao nhất hồi tháng 9/2023, ông Biden đã điện đàm cho ông Trọng vào sáu tháng trước đó - một động thái được truyền thông quốc tế đánh giá là hiếm hoi.

 

Và rồi, Tổng thống Biden đã đến thăm Việt Nam vào tháng 9/2023 theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và ông Trọng cũng là người chủ trì lễ tiếp đón vị tổng thống Mỹ.

 

Dịp này, hai người đã chứng kiến quan hệ hai nước bước lên tầm cao mới, khi Việt Nam và Mỹ trở thành đối tác chiến lược toàn diện, nấc cao nhất trong hệ thống ngoại giao thang bậc của Việt Nam.

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/9b80/live/b4ea0b70-462b-11ef-96a8-e710c6bfc866.jpg.webp

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người chủ trì lễ tiếp đón Tổng thống Mỹ Joe Biden vào tháng 9/2023

 

Vào thời điểm đó, giữ vai trò chủ tịch nước là ông Võ Văn Thưởng, nhưng các giao thức ngoại giao cấp cao nhất với cường quốc số 1 hành tinh lại do người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam là ông Trọng chủ trì. Và phía Mỹ chấp nhận điều đó một cách thoải mái.

 

Thậm chí, trong thông báo chính thức của Nhà Trắng về chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden, tên của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được nhắc đích danh, còn ba nhân vật còn lại trong "Tứ Trụ", bao gồm nguyên thủ quốc gia, chỉ được nêu một dòng chung chung là "các quan chức cấp cao khác".

 

Theo nghĩa nào đó, có thể thấy Hoa Kỳ đã xem ông Trọng là nhân vật quan trọng nhất và là người có quyền lực lớn nhất trong việc định đoạt các chính sách đối ngoại của Việt Nam. Hay nói cách khác, Mỹ thừa nhận vai trò nguyên thủ trên thực tế, thừa nhận tính chính danh trong lãnh đạo đất nước của người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam.

 

Để điều đó diễn ra, Việt Nam đã có một quá trình vận động kiên trì, đặc biệt là làm sao để phía Mỹ hiểu được tầm quan trọng, ý nghĩa của việc ông chủ nhà Trắng tiếp ông Trọng.

 

Tổng Bí thư Trọng muốn gặp Tổng thống Obama

 

VIDEO : Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp Thủ tướng Obama

 https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cjk3vxnpk0xo

 

Vào ngày 18/11/2014, ông Ted Osius được bổ nhiệm làm tân đại sứ Hợp chúng quốc Hoa Kỳ tại Việt Nam, thay người tiền nhiệm David Shear. Ông Osius là người đã đứng ra sắp xếp, qua đó ông Nguyễn Phú Trọng trở thành vị tổng bí thư đầu tiên được tổng thống Mỹ tiếp đón tại Phòng Bầu dục.

 

Trong cuốn hồi ký mang tên Không gì là không thể: Sự hòa giải của Mỹ với Việt Nam (Nothing is Impossible: America's Reconciliation with Vietnam) của mình, ông Osius đã tiết lộ nhiều chi tiết thú vị về cách Mỹ ghi nhận vai trò của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

 

Vị đại sứ nói rằng trong những tháng đầu tiên trên cương vị đại sứ, ông đã cố gắng gặp nhiều lãnh đạo Việt Nam nhất có thể và nghe một thông điệp nhất quán, đầu tiên là từ Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc và sau đó là từ các lãnh đạo khác của Đảng và chính phủ: Tổng Bí thư Trọng muốn thăm Tổng thống Obama tại Hoa Kỳ.

 

"Tôi dần nhận thấy tầm quan trọng của đề nghị lạ thường này. Ông Trọng nằm trong nhóm một số người cứng rắn trong Bộ Chính trị, những người ngờ vực Hoa Kỳ nhất. Ông Trọng lên nắm quyền từ vị trí là một chuyên gia về chủ nghĩa Marx-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh, và ông không có vẻ thích trở thành một cổ động viên của những mối quan hệ gần gũi với thế giới tư bản.

 

"Một vài ủy viên Bộ Chính trị và nhiều ủy viên trong Ban Chấp hành Trung ương... nghĩ rằng Hoa Kỳ muốn thực hiện việc thay đổi chế độ tại Việt Nam. Nhưng thay đổi thì đã xảy ra rồi, thậm chí ngay trong những tầng nấc cao nhất của ban lãnh đạo Việt Nam," ông Osius viết.

 

 

VIDEO : Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cjk3vxnpk0xo

 

Nhưng với một đất nước như Mỹ, rất khó và hiếm khi nào tổng thống lại gửi lời mời lãnh đạo một chính đảng, mà đây lại là Đảng Cộng sản Việt Nam, đảng chính trị vốn có lập trường truyền thống phê phán kịch liệt chủ nghĩa tư bản. Do đó, việc tiếp đón ông Trọng như một nguyên thủ quốc gia ở Phòng Bầu Dục thực sự là một điều "lạ lùng" đối với chính giới Mỹ.

 

Với sự nhạy cảm của một nhà ngoại giao, ông Osius nhận ra rằng nếu ông không mạnh mẽ đưa ra lập luận tại sao cuộc gặp giữa tổng thống Mỹ với tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam tại Phòng Bầu Dục là quan trọng, thì chuyến thăm của ông Trọng sẽ không bao giờ xảy ra:

 

"Tôi phải cho thấy rằng chuyến thăm của ông Trọng có thể giúp thúc đẩy hơn nữa các tiến triển mà Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, người đã khởi động Quan hệ Đối tác Toàn diện Mỹ-Việt, đã đạt được vào năm 2013.

 

"Tôi có thể mới đảm nhiệm chức vụ này, nhưng vai trò của tôi không phải là thụ động ngồi chờ chỉ thị. Thay vào đó, vai trò của tôi là định hình các hướng dẫn của mình và tôi phải hành động," ông viết trong cuốn hồi ký.

 

Ông cũng bộc bạch rằng ban đầu, khi ông đề nghị Nhà Trắng tiếp ông Trọng, ông đã bị từ chối: "Các quan chức Mỹ nói với tôi rằng ông Trọng sẽ được chào đón ở Mỹ, nhưng ông ta đừng có mong một cuộc gặp với Tổng thống Obama."

 

Đại sứ Ted Osius đã phải nhờ nhiều người, trong đó có Tommy Vallely, là bạn và cố vấn cho Ngoại trưởng John Kerry. Khi đó, Susan Rice, cố vấn an ninh quốc gia của ông Obama, đã phản đối chuyến thăm và nói rằng tổng thống Mỹ không cần gặp lãnh đạo đảng.

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/c4d5/live/39815210-464c-11ef-b74c-bb483a802c97.jpg.webp

Cuộc gặp gỡ lịch sử tại Phòng Bầu Dục vào ngày 7/7/2015

 

Tuy nhiên, Ngoại trưởng John Kerry, khi ăn trưa với Tổng thống Obama, đã thuyết phục thành công ông chủ Nhà Trắng. Nhờ thế, ông Ted Osius có thể nói với Hà Nội rằng Tổng thống Obama đồng ý tiếp ông Trọng.

 

Không lâu sau, hai nước thống nhất ông Trọng sẽ thăm Mỹ vào đầu tháng Bảy.

 

Theo hồi ký, lúc chuẩn bị gặp ông Trọng, Tổng thống Obama đã hỏi Đại sứ Osius nên dùng chức danh gì với ông Trọng.

 

Vị đại sứ trả lời rằng nên gọi là "tổng bí thư".

 

Cuộc nói chuyện lịch sử giữa ông chủ Nhà Trắng và người đứng đầu Đảng Cộng sản tại Phòng Bầu Dục ban đầu dự kiến là 45 phút nhưng đã kéo dài tới tận 90 phút và được coi là "có bước đột phá lịch sử".

 

Nhớ lại sự kiện này, Đại sứ Ted Osius nói với BBC News Tiếng Việt:

 

"Ngày hôm sau, ông Trọng nói chuyện tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế và nhấn mạnh rằng khi Hoa Kỳ và Việt Nam làm việc cùng nhau vì lợi ích song phương, chúng ta sẽ xây dựng được lòng tin.

 

"Ngay trước bài phát biểu, ông Trọng đã hỏi tôi nghĩ gì về cuộc gặp với Tổng thống Obama. Nhớ ra rằng ông từng là một giáo viên, tôi bèn chấm điểm: 'Điểm A cộng.' Vị tổng bí thư vốn thường kín đáo thoáng nở một nụ cười hiếm hoi," ông Osius kể lại với BBC.

 

 

Mỹ 'bất ngờ' việc ông Nguyễn Tấn Dũng bị loại

 

Một điều thú vị, trong cuốn hồi ký của mình, Đại sứ Ted Osius có nhắc đến việc khi mới nhận nhiệm vụ ở Hà Nội, ông đã được nghe hầu hết các nhà quan sát Bộ Chính Trị đều nghĩ rằng ông Nguyễn Tấn Dũng đang lên và ông Trọng sẽ dần biến mất sau Đại hội 12 của Đảng vào tháng 1 năm 2016.

 

Ông Osius ban đầu đã tin vào các dự đoán mà về sau cho thấy là sai này.

 

Thực tế, thời điểm năm 2015, trước thềm Đại hội 12, đã có nhiều dự đoán tương tự, trong mắt quốc tế, Thủ tướng Dũng là người đàn ông quyền lực nhất Việt Nam.

 

Trên trang Nghiên cứu quốc tế, tác giả Lê Hồng Hiệp đã ghi nhận về sức ảnh hưởng to lớn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đối với Ban chấp hành Trung ương Đảng, nơi "phần đông bao gồm các quan chức thuộc chính phủ và các quan chức lãnh đạo cấp tỉnh thành, những người mà quyết định bổ nhiệm của họ đều được đưa ra hoặc chịu nhiều tác động bởi ông Dũng".

 

Tuy là nhân vật quyền lực, ông Dũng cũng gây lo ngại cho nhiều người về những lập trường khá "cấp tiến" của mình, nhất là vào những giai đoạn quan trọng về vấn đề nhân sự.

 

Dường như nắm bắt tâm lý quan ngại đó, ông Trọng đã tận dụng cơ hội và dùng "Nghị quyết Đảng" để loại ông Dũng.

 

Giáo sư Carl Thayer giải thích với BBC trước đó:

 

"Ông Trọng đã thắng thế nhờ vào việc thay đổi Điều lệ Đảng khiến cho ông Dũng không thể nào tự ứng cử vào chức vụ cao hơn. Với quy định mới, ông Dũng phải chấp nhận danh sách các ứng cử viên được Ban chấp hành Trung ương Đảng duyệt và được Bộ Chính trị thông qua."

 

"Là một giáo sư về Xây dựng Đảng, ông Trọng đã khôn khéo lồng vào các nghị quyết Đảng (vốn là văn kiện quyền lực nhất) những điều có thể giúp ông gạt ông Nguyễn Tấn Dũng. Đó là Quyết định 244-QĐ/TW năm 2014 của Ban chấp hành Trung ương Đảng," một nhà quan sát giấu tên từ Việt Nam đánh giá về Đại hội 12 mang tính bước ngoặt - thời điểm mà ông Trọng ở lại còn ông Dũng ra đi.

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/8678/live/75e2d500-462c-11ef-b74c-bb483a802c97.jpg.webp

 

Về chuyển biến này, Đại sứ Ted Osius cũng hé lộ trong hồi ký rằng ông Nguyễn Phú Trọng "gây ngạc nhiên cho đa số các nhà quan sát", kể cả phía Mỹ, khi ông tiếp tục tái đắc cử còn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về hưu.

 

Tác giả viết:

 

"Ngay trước Đại hội Đảng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bị phế truất, bị đẩy ra khỏi Bộ Chính trị trong một loạt thủ đoạn hậu trường. Vị tổng bí thư lặng lẽ và ít tiếng tăm Nguyễn Phú Trọng gây ngạc nhiên cho hầu hết các nhà quan sát với các nước đi của ông.

 

"Ông Dũng hẳn cũng ngạc nhiên như mọi người. Là một trong những lãnh đạo có ảnh hưởng nhất trong lịch sử hiện đại Việt Nam, ông đã xoay xở để có được những lời đảm bảo rằng gia đình của ông sẽ không phải lãnh hậu quả. Ông thoái về miền Nam và ông Trọng bắt đầu loại ra khỏi Đảng bất kỳ ai mà ông coi là quá trung thành với ông Dũng.

 

"Một sự xoay chuyển chính trị chấn động đã diễn ra, và một lần nữa Đảng, chứ không phải chính phủ, nắm quyền kiểm soát một cách vững chắc tại Việt Nam," ông Osius viết.

 

Chuyến thăm của ông Trọng đến Mỹ năm 2015 khi đó còn được nhiều người đánh giá rằng ông đang muốn thể hiện cho các đồng chí trong Đảng biết rằng, ông có khả năng chơi được với cả Trung Quốc lẫn Mỹ. Điều này đã định hình đường lối ngoại giao cây tre về sau của Việt Nam.

 

"Một số nhà bình luận đã gợi ý rằng chuyến thăm Washington đã tiếp thêm sức mạnh cho cơ nghiệp chính trị đang yếu mòn của ông Trọng, và một số khác nói rằng chuyến thăm đã mang tới sự chính danh cho ông Trọng với tư cách là một nhà lãnh đạo, điều mà ông đã không thể có được tại một quốc gia với thể chế đại nghị," ông Osius viết.

 

 ---------------

Tin liên quan

·         

Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng diễn ra như thế nào?

20 tháng 7 năm 2024

·         

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần: Cuộc đời - Sự nghiệp - Di sản

19 tháng 7 năm 2024

·         

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và di sản chưa hoàn tất cho Đảng Cộng sản Việt Nam

19 tháng 7 năm 2024

 

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats