Thursday, 18 July 2024

UKRAINA ĐỔI CHIẾN LƯỢC "VỪA ĐÁNH V ỪA ĐÀM" VỚI NGA VÌ NHIỀU ĐỒNG MINH PHƯƠNG TÂY BỊ KHỦNG HOẢNG? (Thu Hằng / RFI)

 



Ukraina đổi chiến lược "vừa đánh vừa đàm" với Nga vì nhiều đồng minh phương Tây bị khủng hoảng ?  

Thu Hằng  -  RFI

Đăng ngày: 17/07/2024 - 15:03Sửa đổi ngày: 17/07/2024 - 15:23

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20240717-ukraina-%C4%91%E1%BB%95i-chi%E1%BA%BFn-l%C6%B0%E1%BB%A3c-v%E1%BB%ABa-%C4%91%C3%A1nh-v%E1%BB%ABa-%C4%91%C3%A0m-v%E1%BB%9Bi-nga-v%C3%AC-nhi%E1%BB%81u-%C4%91%E1%BB%93ng-minh-ph%C6%B0%C6%A1ng-t%C3%A2y-b%E1%BB%8B-kh%E1%BB%A7ng-ho%E1%BA%A3ng

 

Sau hai năm gạt Nga ra bên lề do thất bại của cuộc đàm phán không chính thức ở Thổ Nhĩ Kỳ, mùa xuân 2022, cũng như không mời Nga tham dự Thượng đỉnh về Hòa Bình cho Ukraina, tổ chức ở Thụy Sĩ, tháng 06/2024, tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky giờ đây muốn mời Nga tham dự Thượng đỉnh lần thứ hai, tổ chức tháng 11 năm nay. Nga tỏ ra dè chừng nhưng không bác bỏ. Phải chăng Ukraina muốn « vừa đánh vừa đàm » trong bối cảnh không thuận lợi về quân và ngoại giao ?

 

HÌNH :

Ukraine's President Volodymyr Zelenskiy addresses service members as he visits an artillery training centre, amid Russia's attack on Ukraine, at an undisclosed location in Ukraine November 3, 2023. via REUTERS - UKRAINIAN PRESIDENTIAL PRESS SER

 

Lần đầu tiên kể từ khi Nga xâm lược Ukraina, tổng thống Zelensky « dịu giọng ». Trả lời họp báo ngày 15/07, khi đề cập đến hội nghị vì hòa bình nguyên thủ Ukraina cho rằng nên có sự tham dự của « đại diện phía Nga » mà không đặt ra bất kỳ điều kiện tiên quyết nào, ví dụ yêu cầu quân Nga rút hết khỏi các vùng lãnh thổ chiếm đóng của Ukraina.

 

Thượng đỉnh về hòa bình cho Ukraina lần thứ nhất đã không mang lại kết quả cụ thể, ngoài những lời động viên, hứa sát cánh và hỗ trợ Ukraina. Theo giới phân tích, điều này dễ hiểu vì Nga, bên tham chiến trực tiếp, không có mặt và nhiều đối tác của Nga không tham dự.

 

 

Ukraina : Nạn nhân của các đấu đá chính trị ở nhiều nước đồng minh

 

Chỉ trong vòng một tháng, cục diện chính trị ở những nước ủng hộ chủ chốt bị xáo trộn theo hướng bất lợi cho Kiev. Pháp rơi vào khủng hoảng chính trị từ sau cuộc bầu cử Hạ Viện đầu tháng 07, và hiện nay gần như vô chính phủ. Sẽ không có một quyết định nào về viện trợ cho Ukraina được đưa ra từ nay cho ít nhất đến hết Thế Vận Hội. Liên Hiệp Châu Âu có Nghị Viện mới với phe cực hữu thân Nga và phản đối viện trợ cho Ukraina chiếm nhiều ghế hơn.

 

Hoa Kỳ vừa trải qua cú sốc sau vụ ám sát hụt cựu tổng thống Donald Trump. Ông được đảng Cộng Hòa chính thức đề cử ra tranh chức tổng thống, với số phiếu gần như tuyệt đối. Việc ông lựa chọn thượng nghĩ sĩ trẻ J. D. Vance của bang Ohio, liên danh phó tổng thống thể hiện rõ ý định đoạn tuyệt với chính sách trợ giúp hào phóng cho Ukraina. Tại Hội Nghị An ninh Munich tháng 02/2024, thượng nghị sĩ Vance thẳng thừng phản đối viện trợ quân sự cho Ukraina và đe dọa châu Âu không nên trông đợi vào Mỹ để bảo vệ lục địa. Đương kim tổng thống Joe Biden, người ủng hộ mạnh mẽ Ukraina, đang phải đối mặt với những lời kêu gọi rút lui khỏi cuộc đua vào Nhà Trắng vì tình trạng sức khỏe.

 

Phương Tây tiếp tục ủng hộ chính trị và quân sự cho Ukraina được bao lâu trong bối cảnh khủng hoảng nội bộ như vậy ? Một số nhà phân tích, được AP trích dẫn ngày 16/07, cho rằng « hai đến ba tháng tới rất có thể là những tháng khó khăn nhất trong năm nay đối với Ukraina ».

 

 

Viện trợ vũ khí bị chậm vì khủng hoảng chính trị

 

Ukraina cần tới 25 hệ thống phòng không Patriot để bảo vệ toàn bộ không phận, nhưng sắp tới chỉ nhận được 4 hệ thống từ Mỹ và các đồng minh. Kho đạn dược bị tiêu hao cũng cần thời gian để được bổ sung trong khi vũ khí, khí tài lại là yếu tố giúp Ukraina kháng cự phần nào trên chiến trường. Chỉ riêng khoảng thời gian 6 tháng chậm viện trợ từ phía Mỹ đã giúp Nga mở thêm mặt trận ở vùng Kharkiv, đông bắc Ukraina, trong khi vẫn duy trì áp lực ở vùng Donetsk miền đông và Zaporijjia ở miền nam. Gần 20% diện tích Ukraina hiện bị Nga chiếm giữ.

 

Để kéo dài thời gian trong khi chờ đợi tiếp viện, Ukraina đổi sang chiến lược phòng thủ « đàn hồi », có nghĩa là buộc quân Nga phải tiêu hao lực lượng để chiếm được một số địa phương. Nhưng theo giới phân tích, đây không phải là chiến lược « khôn ngoan » vì tổng thống Putin tự tin rằng cuộc chiến tiêu hao sẽ làm nhụt chí phương Tây gửi hàng chục tỉ đô la viện trợ cho Kiev, trong khi Nga không tiếc tiền và nhân mạng để quyết tâm giành chiến thắng.

 

Ngày 15/07, khi được hỏi về phát biểu của tổng thống Ukraina, người phát ngôn bộ Ngoại Giao Mỹ Matthew Miller nhắc lại « nếu họ (Ukraina) muốn mời Nga họp thượng đỉnh, chúng tôi (Hòa Kỳ) sẽ ủng hộ họ ». Nhưng nếu nhìn vào phát biểu ngày 15/07 của tổng thống Zelensky, không có chuyện « đình chiến » trong « kế hoạch » cho « hòa bình công bằng » ở Ukraina. Ông nhấn mạnh vào ba chủ đề lớn : an ninh năng lượng của Ukraina, tự do lưu thông ở Biển Đen - vấn đề quan trọng đối với xuất khẩu của Ukraina và trao đổi tù binh.

Điện Kremlin chưa chính thức trả lời nhưng theo giới quan sát, hiện giờ rất khó hình dung ra được viễn cảnh hòa bình vì các điều kiện mà Nga và Ukraina đưa ra quá khác nhau.

 

-----------------------------

Các nội dung liên quan

 

NGA - HỘI NGHỊ HÒA BÌNH

Nga dè chừng ý tưởng tổ chức họp thượng đỉnh ''vì hòa bình'' của Ukraina

 

UKRAINA - HỘI NGHỊ HÒA BÌNH

Tổng thống Zelensky muốn Nga tham dự hội nghị hòa bình cho Ukraina

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats