Thursday 18 July 2024

THẾ VẬN HỘI PARIS 2024 CÓ BỊ CUỐN THEO CÁC CĂNG THẲNG QUỐC TẾ? (RFI)

 



Thế Vận Hội Paris 2024 có bị cuốn theo các căng thẳng quốc tế ?

RFI

Đăng ngày: 17/07/2024 - 08:21

https://www.rfi.fr/vi/th%E1%BB%83-thao/20240717-th%E1%BA%BF-v%E1%BA%ADn-h%E1%BB%99i-paris-2024-c%C3%B3-b%E1%BB%8B-cu%E1%BB%91n-theo-c%C3%A1c-c%C4%83ng-th%E1%BA%B3ng-qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF

 

Thế Vận Hội Olympic luôn là sự kiện thể thao được theo dõi nhiều nhất trên khắp hành tinh, Khi các vấn đề địa chính trị ngày càng lan rộng và Paris 2024 cũng không phải là ngoại lệ, đặc biệt với cuộc xung đột ở Ukraina, sự trở lại của Taliban ở Afghanistan và cuộc chiến giữa Hamas và Israel.

 

HÌNH :

Lối vào làng Olympic Paris 2024, tại Saint-Denis, phía bắc Paris, ngày 15/07/2024. AP - Tom Nouvian

 

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vài ngày trước khi khai mạc World Cup ở Qatar vào năm 2022 đã tuyên bố : “Không được chính trị hóa thể thao ». Nhưng ai cũng biết biết rằng lịch sử thể thao được viết lên từ những sự kiện chính trị lớn và ý tưởng đó chỉ là mơ tưởng, thậm chí có thể gọi là mong ước hão huyền.

 

Ngày 26 tháng 7 tới đây, ông Emmanuel Macron sẽ chính thức khai mạc Thế Vận Hội Paris, ông biết rất rõ những  mối ràng buộc địa chính trị hiện nay đối với sự kiện quy mô toàn cầu này. Sau Thế chiến thứ hai, cùng với việc Thế Vận Hội được truyền thông hóa mạnh mẽ, khía cạnh địa chính trị đã nổi lên. Nó lên đến đỉnh điểm với Olympic Matxcơva (1980) và Los Angeles (1984), hai kỳ Olympic bị Hoa Kỳ và Liên Xô lần lượt tẩy chay trả đũa nhau. Tổ chức Thế Vận Hội vẫn luôn mang thách thức địa chính trị lớn.

 

 

Sức nặng của địa chính trị ở Thế Vận Hội trong quá khứ

 

Năm 1956 tại Melbourne, bảy quốc gia quyết định tẩy chay Thế Vận Hội vì những lý do khác nhau. Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã quyết định không tham gia cuộc thi để phản đối việc Cộng hòa Trung Quốc (Đài Loan) được phép thi đấu tại Olympic . Ai Cập, Iraq và Lebanon đã tuyên bố phản đối cuộc xâm lược Ai Cập của Israel. Pháp và Vương quốc Anh thì đang lâm vào khủng hoảng kênh đào Suez. Hà Lan, Tây Ban Nha và Thụy Sĩ rút lui để phản đối cuộc xâm lược Hungary của Liên Xô trong cuộc nổi dậy Budapest và sự hiện diện của Liên Xô tại Thế Vận Hội.

 

Một ví dụ khác: tại Montreal năm 1976, hàng loạt các quốc gia châu Phi đã quyết định không đến Canada để phản đối New Zealand, quốc gia vào thời điểm đó vẫn  duy trì các cuộc thi đấu thể thao với Nam Phi, quốc gia theo chủ nghĩa phân biệt chủng tộc đã  bị Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) cấm tham gia các hoạt động thể thao quốc tế.

 

Trong Chiến tranh Lạnh, Thế Vận Hội được ghi nhận như là một lĩnh vực đối đầu giữa hai khối tư bản và xã hội chủ nghĩa, từ khi Liên Xô hội nhập vào phong trào Olympic vào đầu những năm 1950. Ngày nay, cuộc xung đột với Ukraina đang gây ra những tranh luận. Quân đội Nga tấn công Ukraina vào tháng 2 năm 2022, dẫn đến việc các định chế thể thao quốc tế ra hàng loạt trừng phạt đối với các vận động viên Nga.

 

 

Không có cờ Nga ở Thế Vận Hội Paris 2024

 

Vào ngày 27 tháng 6 năm 2024, 22 vận động viên Nga và 17 vận động viên Belarus đã được IOC cho phép tham gia Thế Vận Hội Paris dưới màu cờ trung lập. Để xuất hiện trong danh sách này, các “vận động viên cá nhân trung lập” đã phải vượt qua các vòng loại và vòng thẩm tra kỹ lưỡng của các liên đoàn quốc tế (sau đó là IOC) để xác định họ không ủng hộ tích cực cuộc tấn công Ukraina và không có mối liên hệ với quân đội Nga. Năm 2023, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đưa ra nhận định không thể có cờ Nga tại Thế Vận Hội 2024. Matxcơva cuối cùng đã từ chối tẩy chay.

 

Tháng 3 năm nay, IOC dự kiến ​​sẽ có 36 vận động viên Nga và 22 vận động viên Belarus tại Thế Vận Hội Paris “theo kịch bản khả dĩ nhất ”, và lần lượt là 55 và 28 người “tối đa”, tức là sự hiện diện thưa thớt hơn rất nhiều so với Olympic Tokyo năm 2021. Khi đó Nga có 330 vận động viên tham dự, trong khi Belarus có 104 vận động viên đủ tiêu chuẩn. Bị tước bỏ màu cờ sắc áo thi đấu chính thức, các “vận động viên cá nhân trung lập” cũng sẽ không được diễu hành trên sông Seine trong lễ khai mạc và không được xuất hiện trong bảng tổng sắp huy chương. Vào tháng 3, IOC đã trao cho họ một lá cờ riêng có đóng dấu các chữ cái “AIN” trên nền màu xanh nhạt cùng một đoạn nhạc ngắn không lời để dùng làm « quốc ca » trong trường hợp họ giành được danh hiệu vô địch Olympic.

 

 

Afghanistan bị điểm mặt

 

Một điểm đen khác trên hành tinh là Afghanistan. Một phái đoàn nhỏ gồm các vận động viên nữ và nam sẽ đại diện cho đất nước miền núi này ở Paris. Một sự hiện diện mang tính biểu tượng cao cho kỳ Olympic đầu tiên kể từ khi Taliban trở lại nắm quyền và thiết lập một chế độ « kỳ thị giới », theo Liên Hợp Quốc (LHQ), nơi quy tụ 193 quốc gia thành viên. Vì chính phủ này cầm quyền từ mùa hè năm 2021 và không được bất kỳ quốc gia nào trên thế giới công nhận nên các phái đoàn Afghanistan xuất hiện hay không trong các sự kiện thể thao quốc tế đều được theo dõi rất kỹ.

 

Ba vận động viên nữ và ba nam sẽ có mặt tại thủ đô của Pháp, theo như IOC đã thông báo vào giữa tháng 6. Định chế thể thao quốc tế vẫn yêu cầu Afghanistan phải cử một đội cân bằng về giới từ khi Taliban trở lại nắm quyền. Cho đến giờ cả IOC cũng như Ủy ban Olympic Quốc gia Afghanistan (NOC) đều không tiết lộ tên của các vận động viên trên, nhưng Lãnh đạo NOC có trụ sở tại Kabul, Dad Mohammad Payenda Akhtari, cho biết trừ một vận động viên Judo, còn lại tất cả đều đang sống ở nước ngoài.

 

Ông giải thích : “Vì các môn thể thao nữ bị cấm ở Afghanistan nên các vận động viên nữ “không được cử đi từ trong nước”. Ông nói thêm trong một cuộc phỏng vấn với AFP : “Tất cả các nữ vận động viên đều đang sống ở nước ngoài và được IOC cử đi”. IOC cũng là tổ chức lo vấn đề chi phí tài chính hầu hết các vận động viên Afghanistan. Lá cờ đen, đỏ và xanh của nước Cộng hòa bị Taliban lật đổ sẽ được kéo lên, cho dù Taliban hiện đang treo cờ trắng và đen ở Kabul.

 

Chính phủ Taliban vẫn thường xuyên bảo đảm ủng hộ các vận động viên đại diện cho Afghanistan trên đấu trường quốc tế, ngay cả dưới màu cờ mà họ phản đối. Chế độ Taliban vẫn cấm phụ nữ chơi thể thao, đến sân vận động hay nhà thi đấu thể thao, cấm phụ nữ đến trường sau tiểu học cũng như trong một số công việc. Phát ngôn viên của IOC, Mark Adams đã thông báo : « Sẽ không có một đại diện nào của chính phủ Afghanistan được phép dự Thế Vận Hội Paris ». Afghanistan là nước có số lượng người lưu vong đông thứ 3 thế giới với 8 triệu kiều dân sống ở 103 nước. Nước này sẽ có 5 đại diện trong các đội tuyển của người tị nạn (EOR).

 

 

Các vận động viên Palestine tại Paris ?

 

Một cuộc xung đột lớn khác hiện đang diễn ra là giuwca Israel và phong trào Hamas, bùng nổ sau vụ tấn công đẫm máu chưa từng có của phong trào Hồi giáo Palestine hôm 07/10 năm ngoái. CHủ tịch Ủy ban Olympic Palestine, Jibril Rajoub hôm 12/06 đã bày tỏ mong muốn Thế Vận Hội Paris sẽ là dịp để thu hút sự hơn nữa chú ý của dư luận quốc tế vào cuộc chiến tranh tại dải Gaza và sự chiếm đóng của Israel tại Cisjordani. « Paris là thời điểm lịch sử và quan trọng để đến đó và nói với thế giới rằng đã đến lúc phải nói «  Thế là quá đủ rồi », ông Rajoub đã tuyên bố như vậy trong một cuộc họp báo tại Ramallah, trong vùng đất Cisjordani bị chiếm đóng.  « Vì thế, chúng tôi sẽ cố gắng có những vận động viên của Gaza hay gốc ở Gaza » ông khẳng định sau hơn 8 tháng khởi phát cuộc chiến tranh giữa Israel và Hamas.

 

« Israel, trên phương diện đạo đức và pháp lý, đã mất quyền tham gia Olympic chừng nào họ còn tiếp tục phạm các tội ác », một thành viên của phong trào Fata, đảng của tổng thống chính quyền Palestine Mahmoud Abbas, khẳng định. Ông Rajoub còn nhắc tới 300 vận động viên, nhân viên và tình nguyện viên trong lĩnh vực thể thao ở vùng lãnh thổ Palestine đang bị bao vây, các cơ sở hạ tần thể thao bị phá hỷ, sân vận động bị quân đội Israel biến thành nhà tù. Ông Rajoub cũng tố cáo những hạn chế đi lại đối với các vận động viên Palestine, khiến họ khó có thể tiếp cận được các sự kiện thể thao quốc tế hay cơ hội được luyện tập ở nước ngoài.

 

Lãnh đạo Ủy ban Olympic Palestine tỏ vui mừng nhận thấy, « Bất chấp mọi khó khăn, thách thức và bất chấp không khí căng thẳng nhưng vẫn có người vượt qua vòng loại », ông muốn nhắc tới vận động viên Taekwondo, Omar Ismal đã vượt qua vòng loại. « Tôi tin là cuối cùng, chúng tôi sẽ có 6 hoặc 8 » vận động viên sẽ có mặt ở Paris, ông Rajoub nói tiếp. Ông cũng hy vọng các vận động viên Palestine sẽ có được vé mời đặc cách.

 

Hồi tháng Tư năm nay, chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế, ông Thomas Bach đã tuyên bố với AFP rằng Ủy ban Olympic Palestine « sẽ có được vé mời như những Ủy ban Olympic Quốc gia khác không có được vận động viên vượt qua vòng loại ».

 

Tháng Ba vừa qua, IOC không dự tính trừng phạt Israel về việc tham gia Thế Vận Hội Paris, sau khi các dân biểu cánh tả Pháp đã yêu cầu các vận động viên Israel cũng phải thi đấu dưới màu cờ trung lập. Mới đây, trong một cuộc họp báo tại Tel Aviv, bà chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc gia Palestine, Yael Arad đã tuyên bố : «  Đơn giản chúng tôi chỉ muốn các vận động viên của chúng tôi làm cái việc cần làm, tức là thi đấu. »

 

-------------------------------

Các nội dung liên quan

 

OLYMPIC PARIS 2024

Thế vận hội Bắc Kinh 2008: Giấc mơ không trọn vẹn của Trung Quốc

 

THẾ VẬN HỘI PARIS 2024

Olympic Barcelona 1992: Thế Vận Hội đoàn kết giữa những biến động địa chính trị

 

PARIS 2024 - LOS ANGELES 1984

Thế vận hội Los Angeles 1984 : Liên Xô phục thù tẩy chay và cơ hội cho Rumani






No comments:

Post a Comment

View My Stats