Wednesday, 17 July 2024

PHẠM THỊ KIỀU LY và GÓC NHÌN MỚI, ĐẦY ĐỦ NHẤT VỀ LỊCH SỬ CHỮ QUỐC NGỮ (Minh Anh / Người Đô Thị)

 



Phạm Thị Kiều Ly và góc nhìn mới, đầy đủ nhất về lịch sử chữ Quốc ngữ

Minh Anh  -  Người Đô Thị

13:21 | Thứ ba, 25/06/2024

https://nguoidothi.net.vn/pham-thi-kieu-ly-va-goc-nhin-moi-day-du-nhat-ve-lich-su-chu-quoc-ngu-44184.html

 

Năm 2024 đánh dấu đúng 400 năm giáo sĩ dòng Tên Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes) đặt chân đến Việt Nam. Ông cùng những thừa sai khác đã dùng mẫu tự Latin để ghi lại âm tiếng Việt, mở đường cho sự ra đời của chữ Quốc ngữ. ‘Lịch sử chữ Quốc ngữ (1615-1919)’ (Omega+ và NXB Văn học ấn hành, Thanh Thư dịch) của TS. Phạm Thị Kiều Ly có thể nói là công trình bao quát và đầy đủ nhất tính cho đến nay về đối tượng nghiên cứu này.

 

·        GIS Asie trao giải thưởng cho nghiên cứu về chữ Quốc ngữ

·        Kiều Ly và hành trình đi tìm cội nguồn chữ Quốc ngữ

 

 

Nguồn tư liệu đa dạng

 

Tác phẩm nguyên là luận án tiến sĩ lịch sử ngôn ngữ được bảo vệ ở Đại học Sorbonne Nouvelle - Paris 3 năm 2018 của TS. Phạm Thị Kiều Ly, sau đó được điều chỉnh để xuất bản rộng rãi ở Pháp cũng như Việt Nam. Nói nó là công trình bao quát và đầy đủ nhất bởi nguồn tư liệu trong tác phẩm này là rất phong phú, khi không chỉ hiện diện trong văn khố ở Roma (thường là dữ liệu duy nhất mà các công trình trước đó sử dụng), mà còn là ở Paris (Pháp), Lisbon (Bồ Đào Nha), Ávila và Madrid (Tây Ban Nha).

 

Chính nguồn tư liệu mới mẻ và giá trị này giúp cô tiếp nối và mở rộng nghiên cứu của những học giả đi trước như: Léopold Cadière, Thanh Lãng, Nguyễn Khắc Xuyên, Đỗ Quang Chính, Roland Jacques… từ đó đem đến cái nhìn tổng thể và bao quát nhất.

 

https://uploads.nguoidothi.net.vn/content/a57b2c92-551d-4b8d-9cc5-2e51e29ece24.jpg

Tác giả Phạm Thị Kiều Ly và tác phẩm Lịch sử chữ Quốc ngữ 1615-1919. Ảnh: Omega+


 

Khác biệt đầu tiên của tác phẩm này nằm ở dấu mốc thời gian. Lịch sử chữ Quốc ngữ 1615-1919 của Phạm Thị Kiều Ly có giới hạn nghiên cứu bắt đầu từ năm 1615 – thời điểm mà các giáo sĩ dòng Tên bắt đầu đặt chân đến với Đàng Trong. Trong khi phần lớn các nhà sử học cho rằng việc Latin hóa tiếng Việt chưa từng xuất hiện trong các thư tịch trước năm 1621, thì qua quá trình tìm tòi, nghiên cứu, giải mã, tác giả đã tìm thấy được một báo cáo vô danh đề năm 1617 có một ký tự ghi tiếng Việt bằng chữ Latin là “Chuua” (hay “Chúa”). Như vậy có thể nói rằng chỉ sau một năm đặt chân lên đất Hội An, thì lịch sử của chữ Quốc ngữ đã được bắt đầu, chứ không đơn thuần chỉ là cột mốc của lịch sử truyền giáo.

 

Trong khi đó điểm kết thúc 1919 lại được nhiều nhà nghiên cứu đồng tình, khi là năm cuối của khoa thi Hội được tổ chức ở kinh đô Huế, đánh dấu cho sự kết thúc của việc cần thiết phải thông thạo chữ Hán trong triều đình. Khác với điểm mốc khởi đầu, 1919 tuy không có ý nghĩa đứng trên quan điểm lịch sử “nội hàm” của chữ Quốc ngữ, thế nhưng thời điểm nói trên cũng đã mở ra những vận động mới cho đến hiện tại của ngôn ngữ này.

 

Để có các nhận định trên, Phạm Thị Kiều Ly không chỉ cho thấy kỹ năng của người nghiên cứu về lịch sử mà còn của người nghiên cứu lịch sử văn bản học, qua việc tìm kiếm, giải mã, phân loại, sắp xếp, dịch thuật... lượng lớn tài liệu viết tay, gồm thư trao đổi, báo cáo sứ vụ, chuyên luận về văn phạm, bài viết các loại... được lưu trữ lại.

 

Từ “đầu vào” này, tác giả đã rất khéo léo để phân tích nét chữ, truy nguyên tác giả, xác định tài liệu bản thân đang có là bản gốc tự mình viết ra của các thừa sai, hay là bản sao đã được chép lại mà rất có thể là các sai khác đến từ những người không biết cách Latin hóa tiếng Việt, từ đó quan sát những sự thay đổi dù là nhỏ nhất trong cách tái hiện tiếng Việt bằng mẫu tự Latin, cũng như chỉ ra niên đại hoặc các sai sót vẫn đang hàm chứa...

 

Do đó có thể nói rằng khối lượng mà cô thực hiện là tương đối lớn nếu so với các công trình đi trước vốn đa số dựa vào các nguồn tư liệu đã được xuất bản. Đây cũng chính là lý do khiến ở Lịch sử chữ quốc ngữ (1615-1919), Phạm Thị Kiều Ly đưa ra rất nhiều những góc nhìn mới và toàn diện hơn mà độc giả vẫn thường ngộ nhận trong quá trình hình thành và phát triển của tiếng Việt, như vai trò chủ chốt của Alexandre de Rhodes hay sự vắng mặt của những giáo sĩ nổi bật khác như Francisco de Pina hay António de Fontes...

 

Ngoài ra qua những nghiên cứu này, cuốn sách không chỉ tập trung vào lịch sử ngôn ngữ mà còn đề cập đến các liên kết mà lịch sử nội tại của chữ quốc ngữ gắn với yếu tố chính trị, văn hóa, xã hội như sự phân chia Đàng Trong - Đàng Ngoài, hoặc đầu thế kỷ 19, khi Pháp bắt đầu thiết lập chế độ thuộc địa ở đất nước ta.

 

https://uploads.nguoidothi.net.vn/content/15e871fc-ddae-4bfd-9011-79489c9b5719.jpg

Văn bản đối chiếu ba ngôn ngữ Trung, Nhật và An Nam được chính Axeandre de Rhodes viết tại Macao năm 1632. Ảnh: Trích từ sách.


 

Những sự kiện chủ chốt

 

Theo chiều diễn tiến, mở đầu cuốn sách, tác giả đã khẳng định rằng quá trình mà những thừa sai ghi các âm tiếng Việt bằng mẫu tự Latin nằm trong trào lưu chung của “ngữ học truyền giáo” xuất phát từ tận thế kỷ 16. Khi đó các vị giáo sĩ đã dùng hai công cụ chính để học một ngôn ngữ mới: phiên âm các ngôn ngữ đó bằng mẫu tự Latin và miêu tả nó theo mô hình ngữ pháp Latin.

 

Ban đầu là thế nhưng khi tình chính trị ngày càng phức tạp, thì đây cũng là “phương tiện” để các chủng sinh người Việt có thể viết thư từ, liên lạc với các thừa sai trong lúc tình hình truyền giáo tương đối khó khăn mà các giáo sĩ lại không có mặt.

 

Tuy vậy hành trình hiện thực hóa nó cũng đã gặp phải vô vàn khó khăn, có thể kể đến như việc xuất hiện phương ngữ ở các vùng miền, việc các thế hệ giáo sĩ đầu tiên đến từ nhiều quốc gia châu Âu khác nhau (chủ yếu là người Bồ Đào Nha, Ý và Pháp) dẫn đến việc khó thống nhất các cách ghi lại từ bởi họ đều dựa vào ngữ âm tiếng mẹ đẻ để tái hiện chúng... Thêm vào đó, tình hình chính trị khi đất nước bị chia cắt thành Đàng Trong, Đàng Ngoài, việc có thời gian được các Chúa ủng hộ nhưng sau đó rơi vào việc bắt đạo... cũng khiến quá trình phát triển thêm phần khó khăn.

 

May thay chính nhờ kinh nghiệm mà các nhà truyền giáo đi trước có được ở Trung Hoa, Nhật Bản... nằm trong trào lưu “ngữ học truyền giáo”, mà cách ghi lại âm tiếng Việt cũng đã hoàn thiện và thống nhất hơn. Trong tác phẩm này, tác giả Phạm Thị Kiều Ly nhấn mạnh vai trò của cuộc gặp gỡ tại Macao vào năm 1629 - 1630, khi các nhà truyền giáo dòng Tên bị trục xuất khỏi Đàng Trong và trở về đây để gặp gỡ lại anh em đồng tu ở cả 2 đàng cũng như những quốc gia khác, như Trung Quốc, Nhật Bản. Nhờ cuộc hội ngộ ở Macao, họ đã có thể hoàn thiện kiến thức về các thanh điệu thông qua các giáo sĩ dòng Tên từng nghiên cứu về những ngôn ngữ có cùng đặc điểm, từ đó đặt nền tảng mới cho phương pháp ghi lại các âm có dấu của tiếng Việt.

 

 

https://uploads.nguoidothi.net.vn/content/0eb44922-0114-441d-b23f-7b5832fa0311.JPG

Bìa sách Lịch sử chữ quốc ngữ 1615-1919. Ảnh: Omega+


 

Và tuy nằm trong một trào lưu chung, nhưng theo tác giả Phạm Thị Kiều Ly, việc chữ Quốc ngữ trở thành chữ viết chính thức của Việt Nam dưới tác động của bối cảnh chính trị, xã hội lại là trường hợp đặc biệt ở khu vực Đông Á. Thực tế mà nói, loại văn tự này tuy đã hình thành ở thế kỷ 17 nhưng cũng rất ít được sử dụng giữa những người Việt ngay trong cộng đồng Công giáo, chỉ cho đến giữa thế kỷ 19 khi người Pháp xâm lược Nam kỳ, thì ngôn ngữ trên mới phổ biến hơn. Ở giai đoạn này, những cuộc tranh luận rằng nên thống nhất sử dụng chữ Hán, chữ Nôm hay là tiếng Việt dưới dạng Latin cũng đã nổi lên.

 

Theo nhiều quan chức thực dân, việc bỏ loại chữ do các nhà truyền giáo tạo ra là rất cần thiết, để tách giáo hội ra khỏi chính trị, trong khi các nhà nho yêu nước vẫn muốn giữ lại chữ Nôm do đã quen thuộc với truyền thống lâu dài. Thế nhưng cuối cùng việc sử dụng chữ Quốc ngữ làm công cụ học tiếng vẫn được các nhà quản lý thuộc địa chọn lựa, bắt nguồn từ các chính sách có mục đích riêng.

 

Chẳng hạn chữ Quốc ngữ được chọn vì tiện lợi và dễ sử dụng, có phần gần gũi đối với tiếng Pháp. Điều này qua đó cũng đánh dấu một bước ngoặt quyết định số phận của chữ Quốc ngữ khi nó lần đầu tiên được giảng dạy ngoài khuôn khổ Giáo hội. Và khi chấp nhận hướng đi nói trên, những cuộc cải cách với chữ Quốc ngữ cũng liên tục diễn ra, tạo vận động mới cho ngôn ngữ này, và còn kéo dài cho đến hiện tại.

 

Có thể nói chữ Quốc ngữ - chữ viết Latin hóa của tiếng Việt - là kết quả của một quá trình thai nghén gần 300 năm và là nỗ lực của một tập thể, chịu sự ảnh hưởng của nhiều yếu tố như tôn giáo, văn hóa và chính trị. Bằng nguồn tài liệu phong phú, đa dạng, cách nghiên cứu tỉ mỉ, chính xác, TS. Phạm Thị Kiều Ly đã đi lại từ đầu để cho ta thấy lịch sử của chữ Quốc ngữ cũng như lịch sử biến đổi của nó, ngoài ra còn là vai trò của các giáo sĩ dòng Tên và của người Việt trong hành trình ấy. Đây có thể xem là tác phẩm toàn diện và bao quát nhất, hứa hẹn sẽ là nền móng cho nhiều nghiên cứu sâu hơn và chi tiết hơn về đối tượng này.

 

Minh Anh

 

 

·        Kiều Ly và hành trình đi tìm cội nguồn chữ Quốc ngữ

·        100 năm chữ Quốc ngữ: Sự lựa chọn của dân tộc Việt

·        Khoảng trống văn bản học chữ Quốc ngữ

·        Để chữ quốc ngữ có thanh điệu, cần ghi công một cậu bé

·        Độ lệch giữa chữ quốc ngữ và tiếng Việt

 

------------------------

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

 

Danh từ khoa học và sự phát triển của tiếng Việt trong thời đại mới

 

Cuộc thử bút trước cổng làng văn Quốc ngữ của Ngô Tất Tố

 

GIS Asie trao giải thưởng cho nghiên cứu về chữ Quốc ngữ

 

Xuất bản ở Nam bộ giai đoạn cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX

 






No comments:

Post a Comment

View My Stats