Monday 22 July 2024

ÔNG TÔ LÂM 'CÓ THỂ TĂNG CƯỜNG THÂU TÓM QUYỀN LỰC' (BBC News Tiếng Việt)

 



Ông Tô Lâm 'có thể tăng cường thâu tóm quyền lực'  

BBC News Tiếng Việt

21 tháng 7 năm 2024

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c3g9wxkezzlo

 

Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam đã phân công Chủ tịch nước Tô Lâm điều hành Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Ban Bí thư. Hãng tin Reuters cho rằng ông Tô Lâm "có thể tăng cường thâu tóm quyền lực".

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/9404/live/17537410-4747-11ef-9971-855061b2ee05.jpg.webp

Bộ Chính trị đã thống nhất chọn Chủ tịch nước Tô Lâm "chủ trì công việc của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư"

 

Sau khi ông Trọng được thông báo qua đời hôm 19/7, giới quan sát cho rằng cạnh tranh quyền lực trong đảng sẽ gia tăng mạnh mẽ.

 

Một bài phân tích mới đây của Reuters nhận định ông Tô Lâm, vốn là nhà điều hành khéo léo lâu năm ở hậu trường trong ngành công an, có thể có khả năng củng cố quyền lực hơn nữa.

 

 

·        Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yếu đến mức nào mà Chủ tịch nước Tô Lâm phải điều hành Đảng?

18 tháng 7 năm 2024

·        Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và di sản chưa hoàn tất cho Đảng Cộng sản Việt Nam

19 tháng 7 năm 2024

·        Đại tướng Tô Lâm: nhân vật trung tâm sau khi ông Vương Đình Huệ mất chức

27 tháng 4 năm 2024

 

 

Vì sao phân công ông Tô Lâm?

 

Trong hệ thống Đảng Cộng sản Việt Nam thì tổng bí thư là người đứng đầu đảng và thường trực Ban bí thư có vị trí và nhiệm vụ tương đương với một phó tổng bí thư. Nghĩa là khi tổng bí thư không thể điều hành Đảng thì thường trực ban bí thư sẽ tạm thay và làm quyền tổng bí thư.

Thế nhưng, Chủ tịch nước Tô Lâm - nguyên thủ quốc gia - lại là người được giao trọng trách "điều hành" Đảng khi sức khỏe của ông Trọng không thể đảm đương trọng trách chứ không phải Thường trực Ban Bí thư Lương Cường.

Giáo sư Carl Thayer, nhà quan sát chính trị Việt Nam lâu năm tại Đại học New South Wales, Úc nhận định với BBC News Tiếng Việt rằng đó là do cấp bậc.

“Việc thăng tiến của Tô Lâm khiến ông đang đứng thứ hai và ông Lương Cường đứng thứ năm trong hàng ngũ lãnh đạo của đảng,” Giáo sư Thayer nói.

Theo ông, cấp bậc không chỉ ở chức vụ, mà thể hiện rằng ông Tô Lâm là một trong ba người, gồm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Phạm Minh Chính và chính ông Tô Lâm, đã có ít nhất là một nhiệm kỳ trọn vẹn tại Bộ Chính trị.

Giáo sư Alexander L Vuving từ Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á - Thái Bình Dương Daniel K. Inouye thuộc Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ nói với BBC rằng ông Trọng liên tục không thể bổ nhiệm những người thân tín vào vị trí kế nhiệm.

Ông đưa ra dẫn chứng rằng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phải sử dụng lựa chọn tối hậu tại Đại hội Đảng lần thứ 13 vào năm 2021 khi phá vỡ Điều lệ Đảng và tiếp tục nhiệm kỳ thứ 3 chưa từng có tiền lệ khi người thân tín của ông (Trần Quốc Vượng) đã không nhận được đủ sự ủng hộ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

“Hệ thống chính trị đã không có sự chuẩn bị trong trường hợp ông Trọng qua đời. Và Chủ tịch nước Tô Lâm gần như vẫn là lựa chọn mặc định của hệ thống trong trường hợp này,” ông Vuving giải thích.

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/6191/live/167f8cd0-4748-11ef-b74c-bb483a802c97.jpg.webp

Chủ tịch nước Tô Lâm tuyên thệ nhậm chức hôm 22/5/2024

 

Sẽ có thay đổi gì khi ông Tô Lâm điều hành?

 

Giống như Trung Quốc, chỉ duy nhất Đảng Cộng sản nắm quyền tại Việt Nam, nhưng không giống như Bắc Kinh, Hà Nội có quá trình ra quyết định mang tính tập thể hơn và các nhà lãnh đạo phải chịu sự kiểm tra nhiều hơn.

Nhưng nếu ông Tô Lâm, 67 tuổi, tiếp tục đảm nhiệm cả hai vị trí chủ tịch nước và tổng bí thư đảng, như ông Tập Cận Bình, thì tới một lúc nào đó, Việt Nam có thể chứng kiến một một lối lãnh đạo chuyên quyền hơn, theo đánh giá của các nhà phân tích, nhà ngoại giao và nhà hoạt động.

Giáo sư Carl Thayer nhận định sẽ có rất ít thay đổi lớn trong chính sách đối ngoại lẫn đối nội bởi vì Việt Nam còn khoảng 17 tháng để chuẩn bị cho đại hội đảng tiếp theo và ông Tô Lâm “là người học việc”.

Nhưng dù các chính sách đối nội và đối ngoại dự kiến sẽ không thay đổi đáng kể, ông cảnh báo các quyền tự do dân sự có thể bị siết chặt hơn nữa.

“Nếu ông Tô Lâm trở thành người quyền lực nhất ở Việt Nam mà không có cơ chế kiểm soát và cân bằng thì sẽ không tốt cho Việt Nam và làm xói mòn chuẩn mực về tập trung dân chủ,” Giáo sư Carl Thayer nói thêm.

Về mặt kinh tế, các chuyên gia cho rằng một số nhà đầu tư sẽ hoan nghênh sự xuất hiện của một nhà lãnh đạo mạnh mẽ hơn, người có thể chấm dứt hơn một năm biến động chính trị.

Những sự thay đổi trong hàng ngũ lãnh đạo cấp cao nhất đã có tác động tiêu cực đến hoạt động đầu tư của Việt Nam, quốc gia có dây chuyền sản xuất của hàng chục tập đoàn đa quốc gia hàng đầu.

Giáo sư Vuving so sánh trong khi ông Nguyễn Phú Trọng là một người đi dây lão luyện nhưng cũng là một nhà tư tưởng cộng sản, kiên định đối với một số nguyên tắc mà bản thân đã tôn thờ, thì ông Tô Lâm là một người theo chủ nghĩa thực dụng.

Chuyên gia này cho rằng ông Tô Lâm sẽ tiếp tục “chiến dịch đốt lò” nếu điều đó trao cho ông ấy một công cụ chính trị uy quyền hơn, và cũng sẽ tiếp tục “nền ngoại giao cây tre” cho đến khi nào bối cảnh quốc tế mang đến lý do thuyết phục khiến ông thay đổi cách tiếp cận đó.

“Phát triển kinh tế là một trong những ưu tiên của ông Tô Lâm nhưng chỉ đóng vai trò phụ trợ trong nhu cầu củng cố quyền lực của mình. Giới đầu tư có thể đặt cược vào giới lãnh đạo coi lĩnh vực doanh nghiệp là ưu tiên, nhưng họ nên biết ai mới nắm thực quyền trong quốc gia này,” ông nói thêm.

 

Play video, "Chủ tịch nước Tô Lâm: Bước đệm cho ghế tổng bí thư?", Thời lượng 10,17

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c3g9wxkezzlo  

 

 

Ngày càng quyền lực?

 

Sau khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời. vẫn chưa rõ bằng cách nào và khi nào Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ thay thế ông Trọng bằng một quyền tổng bí thư hay một tổng bí thư mới.

Về lý thuyết, ông Tô Lâm có thể tiếp tục đảm nhiệm cả hai vai trò - chủ tịch nước và tổng bí thư - cho đến Đại hội Đảng vào đầu năm 2026, khi tất cả các vị trí cấp cao được xác định cho một nhiệm kỳ 5 năm tiếp theo.

Ông Nguyễn Phú Trọng cũng đã giữ hai chức tổng bí thư và chủ tịch nước trong gần ba năm cho đến tháng 4/2021 sau cái chết của Chủ tịch nước Trần Đại Quang.

Nhưng ông Tô Lâm có thể phải đối mặt với sự phản đối nội bộ, thậm chí có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng kế nhiệm, hai chuyên gia Lê Hồng Hiệp và Nguyễn Khắc Giang từ Viện nghiên cứu ISEAS–Yusof Ishak Institute có trụ sở tại Singapore nhận định trong một bài viết xuất bản hôm 19/7.

Là con trai của đại tá Tô Quyền, từng là Cục trưởng Cục V26 (Cục quản lý trại giam, cơ sở giáo dục và trường giáo dưỡng), Bộ Công an, ông Tô Lâm theo học ngành an ninh và lấy bằng tiến sĩ luật.

Ông trở thành bộ trưởng Công an và ủy viên Bộ Chính trị vào năm 2016, được phong hàm đại tướng vào năm 2021.

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/151a/live/82d79a80-4748-11ef-96a8-e710c6bfc866.png.webp

Ông Tô Lâm đóng vai trò to lớn trong chiến dịch “đốt lò” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

 

Theo các chuyên gia, việc chỉ trong vòng ba tháng, ông Lâm đã thăng tiến từ bộ trưởng lên chủ tịch nước và giờ đây cũng đảm nhận nhiệm vụ của người đứng đầu đảng chỉ càng củng cố thêm quyền lực của ông.

Cũng theo giới quan sát, việc Tô Lâm được bầu làm chủ tịch nước được coi là “bước đệm” cho chức vụ lãnh đạo đảng.

Bài viết Reuters nhận định ông Tô Lâm dường như đã duy trì quyền kiểm soát gián tiếp đối với bộ công an đầy quyền lực, hiện do ông Lương Tam Quang, người cùng quê Hưng Yên và được cho là thân cận với ông, lãnh đạo.

Sự tập trung cao độ của ông Tô Lâm vào an ninh quốc gia được nêu rõ trong cuốn sách năm 2021 của ông có nhan đề Những điểm mới về an ninh quốc gia trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.

Trong cuốn sách này, ông viết: “Sự kết hợp giữa an ninh quốc gia với kinh tế, văn hóa và đối ngoại là điều bắt buộc trong tầm nhìn của Đảng ta nhằm vừa xây dựng vừa bảo vệ chủ nghĩa xã hội.”

Ông Tô Lâm là nhân vật trung tâm trong chiến dịch chống tham nhũng của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thường được gọi là chiến dịch “đốt lò”.

Kể từ năm 2023, hai chủ tịch nước và một chủ tịch Quốc hội đã từ chức vì những sai phạm không được nêu rõ, trong đó Bộ Công an đóng vai trò trung tâm trong các cuộc điều tra.

Theo Reuters, việc ông Lâm có khả năng tiếp cận thông tin tình báo và thông tin nhạy cảm cũng đồng nghĩa với việc các nhân vật khác lo sợ ông, các nhà ngoại giao phương Tây thường hạ giọng hoặc không nêu tên ông Lâm trong các cuộc họp riêng.

Năm ngoái, ông Bùi Tuấn Lâm, một người bán mì được biết đến với video “Thánh rắc hành”, đã bị kết án 5 năm tù sau khi đăng video được cho là đã nhại lại ông Tô Lâm.

Trong video, ông Bùi Tuấn Lâm bắt chước đầu bếp nổi tiếng có biệt danh Thánh rắc muối Salt Bae, người đút cho ông Lâm ăn món bò dát vàng tại nhà hàng ở London trong bối cảnh Việt Nam đang bị phong tỏa vì Covid-19 vào năm 2021.

 

VIDEO : Bộ trưởng Tô Lâm và tiệc steak dát vàng 'vang danh' thế giới

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c3g9wxkezzlo

 

 ---------------------------

Tin liên quan

·         

Chủ tịch nước Tô Lâm: Ghế tổng bí thư có dễ dàng?

25 tháng 5 năm 2024

·         

Đại tướng Tô Lâm làm chủ tịch nước, hứa 'đoàn kết' trong ban lãnh đạo Đảng

22 tháng 5 năm 2024

·         

Việt Nam: Bộ Chính trị và vấn đề 'hồng' hơn 'chuyên'

5 tháng 7 năm 2024

 

 






No comments:

Post a Comment

View My Stats