Wednesday, 17 July 2024

MỘT NGƯỜI TÀI HOA BẬC NHẤT ĐÃ VỀ VỚI ĐẤT MẸ (Nguyễn Văn Hiệp / Facebook)

 



MỘT NGƯỜI TÀI HOA BẬC NHẤT ĐÃ VỀ VỚI ĐẤT MẸ

Nguyễn Văn Hiệp

16-7-2024  11:52 

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid0aBM4RDKxahTiHL7LLS3kpXMx5QAt6sT6s6h5Wkn6G7T5hXsT5rxxabZqSeyAVSzYl&id=100024257933167

  

Sáng nay, thân quyến, bạn bè, đồng nghiệp đã đến tiễn đưa nhà phê bình Đặng Tiến về với đất Mẹ, xã Hòa Tiến, Hòa Vang, Đà Nẵng, trong giai điệu bài "Cát bụi" của Trịnh Công Sơn. Bốn năm trước, tôi cũng đã nghe giai điệu của bài này cất lên thật buồn trong buổi vĩnh biệt Chu Văn Sơn, cũng là một người tài hoa, tình nghĩa.

 

Gia đình muốn Hiệp Văn phát biểu đôi lời trong buổi tiễn đưa anh, sau những lời phát biểu của gia tộc Đặng, của võ sư Nguyễn Văn Dũng, nhà nghiên cứu văn học Bửu Nam, họa sĩ Đặng Mậu Tựu, chị Hoàng Kim Oanh, và nhiều người bạn thân nữa của anh Đặng Tiến.

Sau đây là phát biểu của Hiệp Văn, trong nỗi thương tiếc vô hạn nhà phê bình tài hoa bậc nhất của văn học Việt Nam đương đại.

 

Kính thưa chị Hoàng Minh Nguyệt - Bà Đặng Tiến, các cháu và toàn thể gia quyến, bạn bè, người thân của anh Đặng Tiến!

 

Hôm nay là một ngày buồn khi em và mọi người đến đây, trên quê hương Quảng Nam-Đà Nẵng, để tiễn anh Đặng Tiến, người con ưu tú của quê hương mà tên tuổi đã đi vào lịch sử văn học dân tộc với những bài nghiên cứu tài hoa, uyên bác- nhà phê bình văn học Đặng Tiến- trở về với cát bụi, sau khi đã để lại những tác phẩm, bài viết quý như vàng, như ngọc cho đời.

 

Từ lúc gặp anh ở Đại học Paris 7 (1996), cho đến thời gian cuối cùng khi anh về thăm quê, rồi bị kẹt lại vì đại dịch Covid, em có lẽ là đứa em được anh thương nhiều nhất, được theo anh đi rất nhiều nơi: London, Orléans, Aix-en-Provence, Hamburg, chuỗi hành cung của vua Pháp với những lâu đài đẹp như trong cổ tích dọc theo sông Loire, về Việt Nam thì em theo anh đi Mộc Châu theo dấu binh đoàn Tây Tiến, đi Sơn Tây thăm những nơi nhà thơ Quang Dũng đã sống thời niên thiếu… Bao nhiêu là kỉ niệm, trong đó có kỷ niệm lâu lâu anh lên Paris dạy, lại mang cho em một lọ mắm cái, do anh làm, món ăn ngon thần sầu của người Quảng, ăn hết thì anh cho lọ khác. Đi theo anh, em còn được gặp những người Việt Nam tài hoa sống ở Việt Nam hoặc hải ngoại. Căn nhà anh ở Orléans, vốn chủ trước xây làm khách sạn, anh chị và các cháu chỉ ở tầng hai, còn các tầng trên, rất nhiều phòng, là nơi anh hào phóng đón bạn bè từ Việt Nam sang ở lại, anh nói vui là cứ lên các tầng trên, thấy phòng nào ưng ý thì ở, nhớ giờ ăn thì xuống tầng hai dùng bữa với gia đình. Ở phòng ăn tầng hai, có một cái ghế đặc biệt, anh bảo em ngồi vào đó, và nói thêm, cái ghế này Trịnh Công Sơn, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Bửu Chỉ, Dương Tường… đã từng ngồi.

 

Không chỉ viết hay, tinh tế, xuất thần về văn học, những bài viết của anh về âm nhạc, hội họa cũng làm mê hoặc, đem đến niềm vui khám phá bất ngờ. Anh làm thơ cổ điển cũng hay, ngôn từ đẹp, ý sâu lắng.

 

Anh đã sống tài hoa, dâng hiến cho cái đẹp của văn học, nghệ thuật. Anh là người mà mỗi lần em nhớ đến, là thấy cuộc đời này đáng sống hơn. Nhớ lần đi tàu từ London về Paris, anh nói ước gì anh giàu có hơn, em mới ngạc nhiên hỏi anh, anh tài hoa, ai cũng yêu mến, nể trọng, nhà cửa công việc ổn, chị Nguyệt và các cháu tuyệt vời, anh cần giàu hơn để làm gì? Anh nói nhẹ nhàng: Để có điều kiện giúp mọi người được nhiều hơn.

 

Hồi đó, trong mấy năm liền, em có nhiều dịp đi về Pháp-Việt, em là người được anh nhờ mang quà cho người này, người kia, không lần nào không có. Em nhớ lần mang cái mũ bê rê cho nhà văn Tô Hoài, cái mũ rộng quá khổ, anh giải thích ổng (Tô Hoài) có cái đầu to lắm, rồi lần anh nhờ em chuyển ít tiền USD cho nhà phê bình mỹ thuật Thái Bá Vân, anh nói mỗi tháng gắng tiết kiệm gửi ổng 50 USD để ổng sống vừa đủ, không phải lụy cơm áo gạo tiền mà phân vân ngòi bút. Nhà em, căn nhà nhỏ, nhưng luôn có 1 phòng (chambre de séjour) để anh về Việt Nam khỏi ở khách sạn, lần nào đón anh từ Pháp về cũng lỉnh kỉnh vali, trong đó toàn quà cho bạn bè, khắp nước.

 

Anh có những ưu tư cho đất nước, dân tộc, anh vun đón, chăm chút, động viên cho những cây bút trẻ ở Việt Nam. Anh có những xúc động trẻ thơ, lần em kết nối để anh nói chuyện về thi pháp học ở Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, anh nói anh đã mơ ước mấy mươi năm nay một lần có dịp đứng ở trường này, nơi các cụ Hoài Thanh, Đặng Thai Mai… đã giảng bài cho sinh viên.

 

Là một người nghiên cứu về tiếng Việt, em ngạc nhiên với tiếng Việt vô cùng trong sáng, hiện đại, tinh tế, kiêu sang của anh, một người Việt sống ở nước ngoài. Em tin những trang viết của anh sẽ trường tồn cùng dân tộc Việt, tiếng Việt, văn học Việt. Cuốn "Vũ trụ thơ", anh viết khi còn rất trẻ, hiện nay vẫn là mẫu mực cho những người làm phê bình văn học. Giới nghiên cứu khâm phục anh, nói rằng anh cảm thụ thơ tinh tế như Hoài Thanh, nhưng ngoài ra anh còn một ưu thế nữa, đó là anh tiếp thu được nền ngữ học và phê bình văn học Phương Tây, vì thế đọc anh, người đọc vừa sướng rơn vì sự tinh tế của ngôn từ, vừa được bồi đắp những hiểu biết về ngữ học, thi pháp học.

 

Anh viết về ngôn ngữ của người khác hay bao nhiêu, em càng muốn viết một điều gì đó về ngôn ngữ của anh. Em có lần nói với anh, thế nào em cũng viết về ngôn ngữ tinh tế, sang trọng, lấp lánh bất ngờ của Đặng Tiến (anh thường nhắc đến luận điểm của nhà ngữ học tài danh Jakobson về chức năng thẩm mĩ của ngôn ngữ). Em ân hận chưa kịp viết, do công việc cứ cuốn đi, thì anh đã đi xa…

 

Nhưng anh vẫn ở đây thôi, trong lòng yêu thương, cảm mến của những người thân, bạn bè, đồng nghiệp, giữa căn tính hồn Việt, ngôn ngữ Việt, văn hóa Việt. Em muốn kể ra đây một chỉ báo, mà anh gửi cho em, rằng anh vẫn đang bên mọi người: chuyện là gần hai chục năm trước, trong một lần nói chuyện về ngôn ngữ, về các biện pháp tu từ văn chương, anh có nói với em, rằng có một nhà lí luận Phương Tây nói “Phong cách học đã chết rồi”, “chết” được hiểu theo lối ẩn dụ, rằng cách bình phẩm văn chương theo lối tu từ cũ đã không còn sức sống, và nhiệm vụ đó đã được san sẻ, giao cho những ngành khoa học khác, sắc bén hơn, hiệu quả hơn. Khi em trao đổi với giới nghiên cứu ngôn ngữ ở Việt Nam, có nhiều người không tin (có người cho rằng em ác ý, nói xấu những người làm phong cách học), mà em hồi đó không kịp hỏi anh là ai nói, nói ở sách nào. Trước khi anh mất ít lâu, lúc anh còn nói chuyện hay nhắn tin qua facebook, em có hỏi lại anh ý đó ai nói. Anh nói là anh cũng không nhớ nữa. Em vào tra google mấy lần cũng không có kết quả.

 

Thì đây, khi biết tin gia đình đưa anh về quê, em và Vi nói là sẽ vào tiễn anh, và trong công việc bề bộn hằng ngày, với một rừng luận án, rừng sách, tình cờ em mở cuốn "Theories of the Symbol" của Tzvetan Todorov, một cuốn sách như nhiều cuốn sách em phô tô từ khắp nơi mang về, cuốn này phô tô từ thư viện của Đại học Ngoại ngữ Hankuk ở Seoul vào năm 2008-2010, khi em dạy ở đó và em chưa hề mở ra từ lúc đem về Việt Nam, thật bất ngờ thấy Chương 3 của cuốn sách có tên là “The End of Rhetoric” (tạm dịch là “Sự cáo chung của Tu từ học”, hoặc, “Cái chết của Tu từ học”). Em tin rằng, đứa em được anh yêu quý, chăm chút, đã được anh cho chỉ báo, rằng anh vẫn còn, với bao tài hoa, độ lượng, yêu thương của anh dành cho đời, cho người, cho đất nước này.

 

Cúi đầu bái biệt anh, xin đọc lại mấy câu thơ của anh, bao dung, tình nghĩa, đằm thắm không bao giờ phai:

 

"Hôm nay đầu xuân hay cuối xuân...

Những đóa hồng phai nhạt nhạt dần.

Vườn ai nở nụ tầm xuân muộn,

Gửi chút hương thầm mong cố nhân."

 

 

HÌNH :

https://www.facebook.com/photo/?fbid=1664294777722437&set=pcb.1664296171055631

Chân dung màu nước của Vink, Bỉ vẽ Đặng Tiến 

 

https://www.facebook.com/photo?fbid=1664294911055757&set=pcb.1664296171055631

Chị Hoàng Minh Nguyệt - Bà Đặng Tiến phát biểu trong lễ truy điệu

 

https://www.facebook.com/photo?fbid=1664294984389083&set=pcb.1664296171055631

Võ sư Nguyễn Văn Dũng phát biểu, thương tiếc con người tài hoa Đặng Tiến, cũng là người hào phóng, tình nghĩa với bạn bè, Võ sư Nguyễn Văn Dũng nói, làm bạn với anh Tiến, tôi học được ở anh đức tính luôn vì bạn bè, mà anh nói là rất vui khi "được hầu hạ" bạn bè.

 

https://www.facebook.com/photo?fbid=1664295251055723&set=pcb.1664296171055631

Võ sư Nguyễn Văn Dũng chân đau, đứng lâu không được phải ngồi, đã dậy sớm, đi từ Huế lúc 5h sáng để kip 7h30 tiễn bạn.

 

https://www.facebook.com/photo/?fbid=1664295467722368&set=pcb.1664296171055631

Tam và Nhất Lập, con trai và con gái lớn anh Đặng Tiến bên bia mộ, cô thứ Lãm Thúy, không về được vì con còn bé.

 

https://www.facebook.com/photo/?fbid=1664295651055683&set=pcb.1664296171055631

Người về với cát bụi, nhưng đã kịp để lại những bài nghiên cứu, phê bình lấp lánh như vàng, như ngọc.

 

https://www.facebook.com/photo/?fbid=1664295821055666&set=pcb.1664296171055631

Ảnh chụp trước nhà tang lễ, trước khi xe tang đưa anh Đặng Tiến về quê.

 

https://www.facebook.com/100024257933167/videos/pcb.1664296171055631/1528641561380834

Bài "Cát bụi" tiễn đưa anh về với cát bụi trong thương tiếc vô hạn của người thân, bạn bè, đồng nghiệp...

 

 https://www.facebook.com/photo?fbid=1664294721055776&set=pcb.1664296171055631

Văn Cao vẽ Đặng Tiến

 

.

46 BÌNH LUẬN    

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats