Wednesday 22 May 2024

VIỆT NAM BẮT THÊM MỘT NHÀ CẢI CÁCH CÔNG ĐOÀN : ÔNG VŨ MINH TIẾN? (BBC News Tiếng Việt)

 



Việt Nam bắt thêm một nhà cải cách công đoàn, ông Vũ Minh Tiến?

BBC News Tiếng Việt

21 tháng 5 năm 2024

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cpeewjz8n4yo

 

Công an Hà Nội đã bắt giữ ông Vũ Minh Tiến, Trưởng phòng Chính sách, Pháp luật của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (VGCL) kiêm Giám đốc Viện Công nhân và Công đoàn (IWTU), theo xác minh và tuyên bố của Dự án 88.

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/1615/live/e924ec90-16a9-11ef-976f-87c9f89e656e.png

Ông Vũ Minh Tiến là nhà cải cách công đoàn thứ hai bị bắt, chưa đầy một tháng sau vụ bắt giữ ông Nguyễn Văn Bình, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội

 

Công an Việt Nam chưa công bố việc bắt giữ cũng như cáo buộc với ông Tiến.

Dự án 88 - một tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực vận động nhân quyền cho Việt Nam - hôm 20/5 cho hay một nguồn tin tiết lộ ông Tiến đang bị Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Hà Nội tạm giam theo Điều 337 Bộ luật Hình sự.

Điều 337 hình sự hóa hành vi "cố ý làm lộ bí mật nhà nước, chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước".

QUẢNG CÁO

Tội danh này có khung hình phạt từ 2 tới 15 năm tù.

BBC đã gọi điện thoại tới số di động được cho là của ông Tiến hôm 20/5 nhưng không có tín hiệu.

BBC cũng đã gọi điện cho cấp phó của ông Bình là ông Lê Đình Quảng hôm 18/5.

Ông Quảng nghe máy và cho biết rằng ông đang ở trong một cuộc họp.

Khi được hỏi về ông Tiến, ông Quảng nói ông không thể cung cấp thông tin gì và nếu báo chí hỏi gì thì cần thông qua cơ quan.

Tên của ông Vũ Minh Tiến đã bị xóa khỏi mục nhân sự Phòng Chính sách, Pháp luật trên website của VGCL.

Hiện chỉ còn tên và số điện thoại của hai cấp phó.

Lần cuối cùng người ta nhìn thấy ông Tiến trước công chúng là vào ngày 21/3 tại một hội thảo ở TP HCM, theo Dự án 88.

Số điện thoại được cho là của ông Tiến trên Viber cho thấy lần cuối ông sử dụng ứng dụng này là vào ngày 20/4/2024.

Trên trang YouTube được cho là của ông Tiến, có một số video đăng cách đây ba năm, trong đó có các nội dung như "Các hành vi không công bằng trong lao động", "Người lao động làm gì khi quyền lợi bị xâm phạm".

 

 

'Làn sóng đàn áp mới nhằm vào các nhà cải cách' công đoàn?

 

Vụ "mất tích" của ông Tiến khá giống với trường hợp của ông Nguyễn Văn Bình – Vụ trưởng Vụ Pháp chế của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (MOLISA).

BBC nhận được tin ông Bình bị bắt một tuần trước khi công an chính thức công bố vụ việc hôm 9/3/2024.

Trước đó, thông tin của ông Bình cũng đã biến mất khỏi website của Vụ Pháp chế và BBC đã gọi vào số điện thoại được cho là của ông nhưng không thể liên lạc được.

Công an Việt Nam chỉ công bố thông tin bắt giữ ông Bình một ngày sau khi Dự án 88 xuất bản báo cáo về vụ việc, trong đó chỉ ra một "làn sóng đàn áp mới nhằm vào các nhà cải cách".

Ông Bình cũng bị khởi tố theo Điều 337 Bộ luật Hình sự.

Ông Tiến, giống như ông Bình, đang dẫn đầu các nỗ lực đưa luật về lao động của Việt Nam phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.

Trong vai trò của mình tại VGCL, ông Tiến được giao nhiệm vụ sửa đổi Luật Công đoàn, dự kiến được Quốc hội ký thành luật vào cuối năm nay.

Trong khi đó, trước thời điểm bị bắt, ông Bình đang dẫn đầu nỗ lực đưa Công ước 87 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) trình Quốc hội.

Công ước này nếu được thông qua sẽ đảm bảo cho người lao động Việt Nam quyền thành lập công đoàn độc lập mà không cần sự cho phép trước - điều mà chính phủ Việt Nam không muốn.

Nhà nước Việt Nam trên thực tế luôn công khai phản đối công đoàn độc lập.

Một bài viết trên An Ninh TV vào ngày 27/11/2023 nhan đề Cảnh giác trước cái gọi là ‘Công đoàn độc lập’ có đoạn:

“Không ai có thể phủ nhận sự cần thiết, không thể thiếu với vai trò, uy tín của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cũng như tổ chức công đoàn các cấp hiện nay.

"Còn cái gọi là 'công đoàn độc lập', hay 'nghiệp đoàn độc lập' không hề và không thể đại diện cho quyền, lợi ích của công nhân, người lao động mà chỉ lợi dụng để thực hiện mưu đồ chính trị.”

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là liên đoàn công đoàn duy nhất tại Việt Nam và nằm dưới sự kiểm soát của Đảng Cộng sản Việt Nam.

IWTU là cơ quan tiến hành nghiên cứu các vấn đề lao động và cung cấp tư vấn chính sách cho chính phủ Việt Nam.

IWTU cũng là thành viên của Nhóm Tư vấn Trong nước (DAG) của Việt Nam.

Theo các điều khoản của Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA), cả EU và Việt Nam đều phải cho phép các tổ chức xã hội dân sự độc lập thành lập DAG để giám sát việc tuân thủ các cam kết lao động và bền vững của họ.

Việc thực thi EVFTA không hề suôn sẻ.

Năm 2021, hai nhà hoạt động xã hội dân sự Việt Nam cố gắng thành lập một nhóm giám sát độc lập đã bị bắt và sau đó bị tuyên án về hành vi trốn thuế, bản án mà giới nhân quyền quốc tế phê phán là "tùy tiện".

Sau đó, chính phủ Việt Nam đã cho xây dựng mạng lưới Nhóm Tư vấn Trong nước với các thành viên là các tổ chức thân chính phủ.

Vào tháng 12/2023, EU DAG đã đưa ra tuyên bố bày tỏ cảnh báo về tình trạng vi phạm nhân quyền, đồng thời kêu gọi Việt Nam phê chuẩn Công ước 87 của ILO ngay lập tức.

Chính phủ Việt Nam đã ít nhất hai lần trì hoãn việc này.

Gần đây hơn, một liên minh các nhóm xã hội dân sự Việt Nam đã đệ đơn khiếu nại lên EU với cáo buộc Hà Nội vi phạm quyền của người lao động.

Sau đó, vào tháng 4/2024, Việt Nam đã bắt giữ ông Nguyễn Văn Bình, người đang thúc đẩy chính phủ phê chuẩn Công ước 87 của ILO.

Giờ đây, việc bắt giữ Vũ Minh Tiến đồng nghĩa giám đốc một tổ chức có đại diện tại DAG của Việt Nam cũng bị bắt.

"Bất chấp thành tích tồi tệ này, EU vẫn chưa thực hiện bất kỳ biện pháp cụ thể nào để trừng phạt Việt Nam vì vi phạm các điều khoản của hiệp định," Dự án 88 cho hay.

Vào tháng 11/2023, IWTU báo cáo rằng tại cuộc họp song phương giữa DAG của EU và DAG của Việt Nam, các tổ chức xã hội dân sự châu Âu đã chỉ trích việc chính phủ Việt Nam vi phạm nhân quyền, bao gồm cả việc bắt giữ các nhà hoạt động và việc không đảm bảo quyền tham gia của người lao động trong các hoạt động thương lượng tập thể.

"Có thể quan chức IWTU đã chia sẻ thông tin với EU DAG và điều này được lấy làm cớ để bắt ông Tiến," Dự án 88 nhận định.

Ông Ben Swanton, đồng giám đốc của Dự án 88, nói: “Những vụ bắt giữ này là một ví dụ nữa về sự thất bại của các tổ chức quốc tế trong việc lên tiếng vì những nhà cải cách mà họ rất muốn bảo vệ cho đến khi những người này phải vào tù”.

 

Chỉ thị mật 24

 

Việc bắt giữ ông Tiến và ông Bình diễn ra trong bối cảnh một làn sóng đàn áp mới đang lan rộng khắp Việt Nam, theo Dự án 88.

Năm ngoái, Bộ Chính trị Việt Nam đã ban hành Chỉ thị 24, một chỉ thị mật về an ninh quốc gia.

Cũng giống trường hợp ông Nguyễn Văn Bình, có mối liên hệ trực tiếp giữa Chỉ thị 24 và việc bắt giữ ông Vũ Minh Tiến, theo Dự án 88.

Chỉ thị 24 xác định việc thành lập các công đoàn độc lập là một vấn đề an ninh quốc gia.

Chỉ thị 24 yêu cầu chỉ "thí điểm" thành lập một số công đoàn trong các doanh nghiệp, bên cạnh đó, tiếp tục xây dựng tổ chức công đoàn duy nhất (tức Tổng Liên đoàn Lao động) "vững mạnh".

Dự án 88 đánh giá rằng chính phủ Việt Nam muốn “trông ra vẻ tuân thủ Công ước ILO 87, nhưng trên thực tế Chỉ thị 24 cho thấy họ coi các công đoàn lao động độc lập là mối đe dọa an ninh quốc gia và việc bắt giữ Bình rõ ràng là một nỗ lực nhằm vô hiệu hóa điều mà họ cho là mối đe dọa đó".

Chỉ thị 24 cũng kêu gọi chính phủ Việt Nam ngăn chặn xu hướng cải cách trong giới quan chức “làm suy yếu chế độ của chúng ta từ bên trong và đe dọa lợi ích của quốc gia, nhân dân và của đất nước và sự sống còn của chế độ”.

Vụ bắt giữ ông Tiến và ông Bình được cho là vụ bắt giữ các nhà cải cách chủ chốt đầu tiên trong những năm gần đây, cho thấy mệnh lệnh của Chỉ thị 24 đang được nhà nước thực hiện, theo Dự án 88.

 

----------------

TIN LIÊN QUAN

 

Vụ trưởng Nguyễn Văn Bình là ai mà bị bắt trước phiên điều trần của Mỹ với Việt Nam?

9 tháng 5 năm 2024

·         

Thấy gì từ tài liệu mật bị rò rỉ của Bộ Chính trị Việt Nam về ‘đảm bảo an ninh quốc gia’

1 tháng 3 năm 2024

·         

Chỉ thị mật của Bộ Chính trị: Việt Nam không thực tâm thực thi công ước quốc tế về công đoàn

11 tháng 3 năm 2024

 

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats