Sunday, 5 May 2024

TẬP CẬN BÌNH : "HẬU DUỆ" CỦA MAO NHƯNG LẠI GIỐNG STALIN NHIỀU HƠN (Thanh Hà / RFI)

 



Tập Cận Bình : "Hậu duệ" của Mao nhưng lại giống Stalin nhiều hơn

Thanh Hà  -  RFI

Đăng ngày: 03/05/2024 - 16:51

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20240503-t%E1%BA%ADp-c%E1%BA%ADn-b%C3%ACnh-h%E1%BA%ADu-du%E1%BB%87-c%E1%BB%A7a-mao-nh%C6%B0ng-l%E1%BA%A1i-gi%E1%BB%91ng-stalin-nhi%E1%BB%81u-h%C6%A1n

 

Nhiều tờ báo Paris ngày 03/05/2024 đã bắt đầu đưa tin về chuyến công du sắp tới của lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tại Pháp trong hai ngày 6-7/05. Trên nhật báo Le Monde, nhà Trung Quốc học Jean- Philippe Béja, trường Sciences Po, phân tích Tập Cận Bình đã « lừa gạt » được hết tất cả các phe phái trong đảng như thế nào để leo lên đến đỉnh cao quyền lực. Rồi ở chức vụ tổng bí thư ông đã « tăng cường kiểm soát đảng Cộng Sản Trung Quốc » ra sao.

 

https://s.rfi.fr/media/display/9624e836-0805-11ef-b381-005056a97e36/w:980/p:16x9/AP24120391438038.webp

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại lễ đường Nhân dân, Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 26/04/2024. AP - Mark Schiefelbein

 

Các trường đại học Mỹ « sôi sục » vì phong trào sinh viên ủng hộ người Palestine ; Đủ điều tai tiếng và hàng loạt các vụ kiện vẫn « không cản đường » Donald Trump trở lại Nhà Trắng ; Nguyện vọng dân chủ : Gruzia trước một « khúc quanh lịch sử », đối lập và đường phố « không đầu hàng » ; Một tháng trước bầu cử, khối Liên Âu thường bị chỉ trích là một cỗ máy hành chính cồng kềnh, nhưng thực ra  đã đem lại nhiều thay đổi tốt cho dân châu Âu : Trên đây là những chủ đề chiếm nhiều trang tin quốc tế của làng báo Paris ngày 03/05/2024. Nhưng trước hết xin điểm qua phân tích của nhà nghiên cứu Pháp Béja về con đường thăng tiến của ông Tập Cận Bình trước ngày chủ tịch Trung Quốc đặt chân đến Paris.

 

Theo chuyên gia người Pháp này, trước khi ngồi vào chiếc ghế tổng bí thư, Tập Cận Bình đã tránh gây thù oán, thậm chí có vẻ mờ nhạt, không mấy khi bày tỏ chính kiến và lại càng không để lộ ông là người có cá tính …

 

Nhưng tất cả đã thay đổi khi ông Tập được đặt vào cương vị « người cầm lái ». Nhiều người chờ đợi Tập Cận Bình sẽ đi theo đường lối « tự do của Uông Dương », nhưng bất ngờ ông lại theo gót bí thư Thành Ủy Trung Khánh, Bạc Hy Lai lao vào chiến dịch bài trừ tham nhũng, dùng chiêu bài này để loại hết các đối thủ chính trị, kể cả họ Bạc.

 

Với năm tháng, cũng Tập Cận Bình đã từng bước gạt vai trò của chính phủ và thủ tướng Trung Quốc, trọng tâm quyền lực được dồn về các cơ quan của Đảng.

 

Để nắm chặt Đảng Cộng Sản Trung Quốc hơn nữa, ông Tập đã không ngần ngại « thoát khỏi cái bóng của Đặng Tiểu Bình », tự cho mình quyền được tiếp tục trị vì ở Bắc Kinh thêm một nhiệm kỳ và có thể là mãn đời như « nhà cầm lái vĩ đại » Mao Trạch Đông. Tập Cận Bình làm sống lại chủ nghĩa « sùng bái cá nhân » chưa từng thấy tại Trung Quốc từ khi Mao qua đời.

 

Sau ba năm ở chiếc ghế tổng bí thư, ông Tập đã « tấn công vào các phong trào xã hội dân sự », rồi ban hành luật cấm các tổ chức phi chính phủ nhận tài trợ của nước ngoài năm 2016. Bước kế tiếp là, dưới sự dẫn dắt của ông Tập,  mỗi doanh nghiệp tư nhân đều là một « tế bào » của Đảng Cộng Sản Trung Quốc, còn tại các doanh nghiệp nhà nước thì quyền lực thuộc về đảng ủy nhiều hơn là về các giám đốc điều hành công ty ». Giáo sư Jean –Philippe Béja đi đến kết luận Tập Cận Bình giống Stalin nhiều hơn Mao Trạch Đông.

 

Mao xưa kia huy động « quần chúng » để loại các đối thủ mà không sợ đẩy đất nước vào cảnh hỗn loạn. Trái lại ông Tập dùng chính những cơ chế của nhà nước, cộng thêm với công nghệ mới, để theo dõi ngườ dân. Chính sách của Tập Cận Bình đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương chẳng khác gì cách Stalin đối xử với các cộng đồng thiểu số tại Liên Xô xưa kia.

 

 

Paris – Bắc Kinh : Mối quan hệ phức tạp

 

Trước thềm chuyến công du Pháp của lãnh đạo Trung Quốc, Le Figaro đăng hai bài báo phân tích tương quan lực lượng giữa Paris và Bắc Kinh. Nhà báo Laure Mandeville cho rằng trước khi tiếp Tập Cận, Bình tổng thống Macron cần « suy ngẫm về những mối bận tâm của Nhà Trắng » liên quan đến Trung Quốc.

 

Pháp có thể chờ đợi gì từ chuyến đi này một khi mà Trung Quốc công khai ủng hộ Nga trong cuộc chiến tại Ukraina, coi mình là đầu tàu của liên minh chống phương Tây ? Theo tác giả bài viết, chỉ cần nhìn vào những kết quả nghèo nàn ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã nhặt được từ chuyến công du Bắc Kinh vừa qua cũng đủ để Paris phải « suy nghĩ ».

 

Cũng nhật báo Le Figaro phỏng vấn nhà nghiên cứu Philippe Le Corre, Viện nghiên cứu châu Á, trường thương mại Essec của Pháp, về mục đích chuyến công du 3 nước châu Âu của ông Tập lần này. Lần đầu trở lại châu Âu (Pháp, Serbia và Hungary) từ sau đại dịch Covid-19, lãnh đạo Bắc Kinh muốn chứng minh Trung Quốc đang đứng ở vị trí trung tâm bàn cờ bang giao quốc tế, là một tiếng nói có trọng lượng và là một quốc gia được nể trọng. Pháp, đồng minh của Mỹ, cũng phải trải thảm đỏ đón Tập Cận Bình. Mục đích thứ nhì là tìm cách « cởi trói » cho kinh tế Trung Quốc, vào lúc mà Ủy Ban Châu Âu dọa đánh thuế xe ô tô điện của Trung Quốc. Pháp là một đối tác « hạng trung » mà Bắc Kinh đang cần trong cuộc đối đầu với Mỹ hiện tại.

 

 

Donald Trump trong Nhà Trắng tập 2

 

Hình ảnh ông Donald Trump, cà vạt đỏ, mũ lưỡi trai đỏ với hàng chữ « Make America great again », trong bộ com-lê xanh lơ ngự trị trên trang nhất báo le Figaro bên cạnh hàng tựa : « Các vụ kiện tụng, tai tiếng, các đối thủ, không gì có thể cản đường Donald Trump ».

 

Từ ba năm rưỡi nay, ông đã lần lượt vượt qua những trở ngại chính trị, pháp lý để chuẩn bị trở lại cầm quyền và giờ đây Trump « đang đứng trước ngưỡng cửa Nhà Trắng ». Xã luận của tờ báo nói về vị tổng thống ngoại hạng này của nước Mỹ: « Donald Trump không thay đổi, 4 năm điều hành đất nước đã không đưa ông vào khuôn phép và những rắc rối với tư pháp trong ba năm rưỡi vừa qua cũng đã không khiến ông trở nên khiêm tốn hơn. Trái lại, cuộc vận động tranh cử của Trump đang cho thấy ông không chấp nhận các quy luật nếu như chúng bất lợi cho bản thân ông. Trump không hề nhìn nhận bất kỳ một sai sót nào, một thất bại nào (…) ». 

 

Le Figaro tiên đoán nếu chẳng may Donald Trump trở lại Nhà Trắng, chắc chắn là ông sẽ chuẩn bị « kỹ lưỡng cho nhiệm kỳ hai : nghĩa là ông sẽ dọn sạch từ trên xuống dưới cỗ máy hành chính để dẹp thù, vô hiệu hóa ngành tư pháp để gột tẩy hết những lỗi lầm cho phe phái của ông, (…) giải tán bộ Giáo Dục, đặt NATO vào thế việt vị, tái tạo những mối liên minh và cả chính sách đối ngoại » của Hoa Kỳ. Đó là những gì chờ đợi nước Mỹ và thế giới nếu như nhà tỷ phú New York đắc cử vào mùa thu năm nay.

 

 

Đại học Mỹ đang « sôi sục »

 

Trang nhất nhật báo Le Monde cũng hướng về Hoa Kỳ : Trên nền hình ảnh sinh viên New York biểu tình vì Palestine, tờ báo chạy tựa « Các trường đại học Mỹ sôi sục » và dành hai trang lớn để nói về hiện tượng, về những đòi hỏi của sinh viên Mỹ mà một trong số đó là đòi các trường đại học danh tiếng nhất Hoa Kỳ ngừng nhận tài trợ của nhà nước Do Thái.

 

Tác giả bài viết nêu lên một vài con số cụ thể : Harvard nhận 50 tỷ đô la đầu tư của Israel, Yale 40 tỷ, Standford 30 tỷ, hay Columbia, điểm khởi đầu của phong trào ủng hộ Palestine, trường đại học danh tiếng này của New York cũng đã nhận đến 14 tỷ đô la của Israel. Vậy làm thế nào để quay lưng lại với các nguồn tài trợ hào phóng đó ?

 

Báo Libération và Le Figaro cùng đăng một bức ảnh sinh viên Paris tập hợp trước đại học Sorbonne ủng hộ Palestine. Tờ Libération thiên tả trích lời sinh viên Pháp cho rằng việc chính phủ huy động cảnh sát giải tán người biểu tình cho thấy là « họ sợ chúng tôi chiếm đóng, nhưng cũng là cách để sinh viên quyết tâm hơn dù mùa thi cử đã đến ». Nhật báo thân hữu Le Figaro nhận định sinh viên Pháp « theo chân sinh viên các trường đại học ở Hoa Kỳ ».

 

 

Giáo dục : Một bước nhượng bộ của Chính phủ Pháp

 

Cũng về giáo dục, Le Monde chú ý đến một nhượng bộ của chính phủ Pháp : Chỉ trong vài ngày, chính phủ đã rút lại ý định đòi các trường trung học giảm giờ phụ trội để « tiết kiệm 100 triệu euro ».

 

Thông tin còn chưa chính thức về ý định của chính phủ cắt giảm số giờ phụ trội của giáo viên ở các trường trung học cấp 2 và 3 đã bị phản đối mạnh mẽ. Phủ thủ tướng và bộ Giáo Dục hôm 01/05/2024 đã chùn bước. Cắt giảm ngân sách giáo dục là điều khó hiểu khi mà thủ tướng Attal, người từng điều hành bộ này; và tổng thống Pháp Emmanuel Macron luôn khẳng định đầu tư vào tương lai của con em là « ưu tiên » của chính phủ.

 

 

Thời điểm thuận lợi để sang Nhật Bản chơi

 

Trước khi đóng lại các tờ báo Paris hôm nay, xin điểm qua một bài viết trên tờ Les Echos dưới tựa đề « Nhật Bản rơi vào bẫy Tam Giác Quỷ tiền tệ ». Đầu đề có vẻ khó hiểu này trước hết khuyên độc giả nên tranh thủ thời gian sang Nhật Bản du lịch, bởi đồng yen đang mất giá.

 

Nếu giá một tô mì Ramen trong một nhà hàng sang trọng ở Tokyo là 1.100 yen, tính ra bằng 6,5 euro, nhưng sắp tới đây, do đồng tiền Nhật tiếp tục trượt giá, cũng tô mì đó chỉ còn khoảng 5 euro. Trong 4 năm qua, yen mất 30 % trị giá so với euro và đô la.

 

« Tokyo không còn kiểm soát giá trị của đồng tiền », bởi sau nhiều năm Nhật Bản giữ lãi suất ngân hàng ở số âm, giờ đây khi mà Âu, Mỹ tăng lãi suất chỉ đạo, giới đầu tư không ngần ngại quay lưng lại với Nhật Bản để mua vào euro hay đô la, chuyển vốn sang những nơi trả lãi cao cho người gửi tiền tiết kiệm. Kinh tế Nhật lao đao.

 

Thông tín viên của tờ báo tại Tokyo, Yann Rousseau, đưa ra nhiều yếu tố mang tính kỹ thuật để giải thích hiện tượng này trước khi đi đến kết luận đồng yen quá « thấp » bất lợi cho kinh tế trên xứ hoa anh đào : bất lợi cho các doanh nghiệp phải nhập khẩu nguyên liệu bằng đô la hay euro, bất lợi cho các hộ gia đình của Nhật mua hoa quả nhập từ nước ngoài, bất lợi cho Ngân Hàng Trung Ương đã phải bán đi hàng tỷ đô la trái phiếu của Mỹ để mua vào đồng yen, hòng giữ giá đồng nội tệ …Nhưng đó là một cái vòng luẩn quẩn và lại càng kích thích vốn từ Nhật Bản « chạy sang Hoa Kỳ ».

Thành thử không chỉ có người tiêu dùng ở Mỹ mà cả Ngân Hàng Trung Ương Nhật cũng đang nóng lòng chờ đợi Cục Dự Trữ Liên Bang Hoa Kỳ sớm hạ lãi suất chỉ đạo.   






No comments:

Post a Comment

View My Stats