Wednesday, 22 May 2024

SAU TUYÊN THỆ NHẬM CHỨC CỦA TÔ LÂM, 'CUỘC CHIẾN CUNG ĐÌNH' CÓ ĐẢO CHIỀU? (Trần Đông A / Blog VOA)

 



Sau tuyên thệ của Tô Lâm, ‘cuộc chiến cung đình’ có đảo chiều?

Trần Đông A

23/05/2024

https://www.voatiengviet.com/z/6794

 

https://gdb.voanews.com/01000000-0aff-0242-fff8-08dc7a0d6b91_w1023_r1_s.jpg

Ông Tô Lâm tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch nước Việt Nam tại Quốc hội Việt Nam ngày 22 tháng Năm.

 

Nếu trường hợp Quốc hội sẽ phê chuẩn Phan Đình Trạc làm Bộ trưởng Công an thì ‘chung kết’ giữa Đình Trạc, Tô Lâm và Minh Chính sẽ kịch chiến. ‘Tấn trò đời’ (La Comédie Humaine) từ ĐCSVN sẽ có nhiều tập hay hơn của Balzac.

 

Khúc khuỷu đường dẫn đến lễ tuyên thệ

 

Sáng 22/5/2024, Đại tướng Công an Tô Lâm đã tuyên thệ để trở thành Chủ tịch nước (CTN) mới của Việt Nam. Ông Lâm cam kết sẽ thực hiện nghiêm túc, đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn của CTN đã được Hiến định (1). Đáng chú ý là buổi lễ tại Quốc hội có sự tham dự của đầy đủ các lãnh đạo hàng đầu của Việt Nam, nhưng lại vắng mặt Tổng bí thư (TBT) Nguyễn Phú Trọng vốn theo thông lệ trước giờ đều phải có mặt tại những buổi lễ như thế này, đồng thời cũng không có cả sự hiện diện của cựu Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng để chúc mừng người kế nhiệm (2). Sau khi bầu ông Lâm làm CTN, Quốc hội (QH) đã xúc tiến quy trình miễn nhiệm chức Bộ trưởng Công an (BTCA) cũng trong buổi sáng cùng ngày.

 

Tin nội chính của Việt Nam những ngày này xoay như chóng chóng. Mới sáng hôm 19/5, báo chí nhà nước vẫn ‘đồng ca’ bài ‘chưa phê chuẩn hoặc miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Công an tại kỳ họp thứ 7’ (3). Bời lẽ, sau bế mạc Hội nghị Trung ương bất thường (TW9) ngày 18/5 trước đó, các bên vẫn chưa thể thống nhất được, chọn ra ai sẽ ngồi vào ghế BTCA thay Đại tướng Tô Lâm.

 

Việc CTN kiêm nhiệm BTCA tưởng như đã là thắng lợi chắc chắn của Đại tướng Tô Lâm. Ấy vậy nhưng trưa ngày 21/5, ‘gió đã đột ngột đảo chiều’. Truyền thông nhà nước đồng loạt thông tin, QH căn cứ ý kiến ‘cấp có thẩm quyền’ (Bộ Chính trị và Cuộc họp của các lãnh đạo chủ chốt), căn cứ quy định pháp luật, sẽ bổ sung thêm nội dung miễn nhiệm chức vụ BTCA đối với Tô Lâm, sau khi ông sẽ được bầu làm CTN trong buổi sáng 22/5. Tức là vào phút 89 của trận đấu, ‘cơ quan có thẩm quyền’ lại lật kèo, từ chỗ đồng ý cho ‘ngồi hai ghế’ đến quyết định chỉ cho ‘ngồi một ghế’, cứu cho Hiến Pháp khỏi bị khủng hoảng. Trước đó, trả lời BBC ngày 19/5, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu cao cấp từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore) nói rằng, theo quy định hiện hành của Hiến pháp, CTN không thể kiêm nhiệm chức vụ BTCA. Việc kiêm nhiệm như thế sẽ dẫn đến xung đột thẩm quyền và vi phạm nguyên tắc phân công, phân nhiệm, phân quyền trong bộ máy nhà nước (4). Tấm hình Tô Đại tướng mà tất cả báo chí nước ngoài chuyển tải trưa 20/5, không thể nào ‘chua’ bên dưới là ‘Nụ cười chiến thắng’ của Tô Lâm! Chưa thấy Nguyên thủ quốc gia nào nhậm chức mà thiểu não đến như vậy!

 

Sáng 22/5, Thượng tướng – Thứ trưởng Công an Trần Quốc Tỏ đã được Thủ tướng Phạm Minh Chính phân công điều hành hoạt động của BCA cho đến khi ‘cấp có thẩm quyền’ – tức Bộ Chính Trị, kiện toàn chức danh BTCA. Chỉ có thể giải thích sự ‘lật kèo’ này bằng quyết định trong cuộc họp của lãnh đạo chủ chốt nói trên. Ở đây mới thấy hết ‘tài thao lược’ của TBT Nguyễn Phú Trọng. Khi BCT đã ‘trám’ được 4/6 ghế trống trong cơ quan quyền lực cao nhất nước, tức BCT đã có 14 thành viên, lại hầu hết là người bên Đảng, đủ để thay đổi tương quan lực lượng trong BCT, nên đã ‘thuyết phục’ được ông Tô Lâm ‘buông ghế’ BTCA! Trong tay ‘Cơ quan có thẩm quyền’ có Phan Đình Trạc, Trần Cẩm Tú, Nguyễn Hòa Bình. Tất cả đều là Ủy viên BCT, đã từng lãnh đạo ngành, địa phương và đều đang là đại biểu Quốc hội, 100% đạt tiêu chuẩn BTCA, nhưng phía ông Tô Lâm chưa chịu buông. Trong khi đó, các Thứ trưởng của Tô Đại tướng lại ‘còn non xanh’, tuy đều Ủy viên trung ương nhưng chưa tròn một khóa, lại không phải là đại biểu QH, thì rõ ràng đã không thể ‘trám vào’ một trong hai ghế trống của BCT như ý muốn của Tô Đại tướng trước khi chấp nhận rời BCA.

 

 

Không ‘trám’ được hai chiếc ghế trống

 

Đằng sau câu chuyện BCT không ‘trám đủ’ số ghế trống có thể hé lộ mấy điều sau đây.

 

Thứ nhất, phơi bày một sự thật là TW9 vừa qua đã vỡ trận! Vấn đề nhân sự cấp cao xưa nay phần lớn bàn trong BCT là xong, chỉ đưa ra Trung ương để bỏ phiếu lấy lệ (Ít khi nào TW chống lại BCT). Trường hợp đưa ra mà không kỷ luật nổi Nguyễn Tấn Dũng cách đây mấy năm là một ngoại lệ hiếm hoi. Nếu có vị trí nào liên quan bên nhà nước hoặc Chính phủ thì đưa thêm ra Quốc hội để ‘bấm nút’. ‘Đảng chỉ tay, Quốc hội giơ tay, Mặt trận vỗ tay’ là quy trình chán ngắt đến mức người dân chẳng mấy ai quam tâm. Nhưng câu chuyện của tuần qua lại hoàn toàn khác, nó không thể ngụy tạo như từ trước tới nay rằng, ‘TW9 đã thành công tốt đẹp’.

 

Thứ hai, hệ lụy của việc ‘để trống’ hai vị trí trong BCT sẽ kéo dài cuộc đấu đá giữa ‘các lãnh đạo chủ chốt’ chưa biết đến bao lâu. Các bè phái trong Đảng phải tiếp tục dàn quân để cho người của mỗi cánh phải ‘trám’ được vào những vị trí béo bở. Theo tin nội bộ không muốn nêu danh tính, QH sẽ phê chuẩn Phan Đình Trạc làm Bộ trưởng Công an. Nếu thế thì ‘cuộc chung kết’ giữa Phan Đình Trạc, Tô Lâm và Phạm Minh Chính có thể kịch chiến.

 

Thứ ba, không ‘trám đủ’ chỗ trống còn liên quan đến việc tái phân công, phân nhiệm phạm vi công tác của bốn ‘tân Ủy viên BCT’. Ai được kiêm nhiệm công tác cũ, ai phải đưa lại phần việc cho người khác? Lại một cuộc ‘xáo bài’ mới sẽ tiếp diễn…

 

Nhưng việc ‘trám’ được hai ghế trống ‘nóng’, để Tô Lâm và Trần Thanh Mẫn tuyên thệ nhậm chức cũng lại gây nên nhiều dư âm trong dân. Theo báo chí nhà nước mô tả, dưới cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội và đồng bào, cử tri cả nước, hai tân thành viên ‘Tứ trụ’ đã thề bồi bằng những đoạn văn mẫu. Lâu nay, thề bồi là quy trình bắt buộc nhưng chả mấy ai để ý. Quốc hội, đồng bào và cử tri cả nước từng nghe quá nhiều các lời thề như thế từ mấy ông Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng, Vương Đình Huệ… đọc thuộc lòng các ‘đoạn văn mẫu’ ấy và cũng như những phát biểu theo các công thức định sẵn. Chẳng có cách nào thẩm định được các lời thề ấy có xuất phát tự đáy lòng hay không và ràng buộc người đứng ra thề bồi như thế nào? Điều nghịch lý trớ trêu là những người dân chưa bao giờ được biết, các ‘Tứ trụ’ bị ‘rớt đài’ từng thề thốt trước ống kính và ‘dưới cờ đỏ thiêng liêng’ cho đến nay, đã mắc phải những tội danh cụ thể gì? Nặng nhẹ đến mức nào? Phạm tội vì không giữ được liêm chính trong thực thi công vụ hay phạm tội do phản bội nhân dân, phản bội Tổ quốc? Người dân giễu nhại ‘thề cá trê chui ống’ (trôi tuột và khó nắm bắt) có phải hàm ý như vậy không? Bởi vì tất cả thề trước dân nhưng dân không biết chuyện gì thực sự đã xảy ra ở ‘những chỗ lõm…. lồi trên mặt trăng sao, những vết bùn trên tận đỉnh chín tầng cao?’ (Thơ Việt Phương).

 

 

Thể chế vẫn chưa đến điểm tới hạn

 

Trước khi ông Tô Lâm chính thức trở thành CTN, Tiến sĩ Bill Hayton đã viết trên trang web của Chatham House, Viện nghiên cứu Quốc tế Hoàng gia Anh quốc rằng, Việt Nam sẽ ngày càng tô đậm ấn tượng về một ‘nhà nước công an trị’ (5). ‘Tứ Trụ’ giờ đây quy tụ hai người đi lên từ ngành công an là CTN Tô Lâm và Thủ tướng Phạm Minh Chính. Tính cả các nhân vật khác như các ông Trạc, Tú và Bình thì Bộ Chính trị có năm nhân vật xuất thân từ tướng tá công an. Nếu tính thêm hai ông Đại tướng (Giang và Cường) và một Thượng tướng (Nghĩa) có gốc gác quân đội thì BCT có tám Ủy viên là từ các lực lượng vũ trang. Tám trên mười sáu, đúng 50%. Bốn nhân vật vừa bổ sung chủ yếu cũng lại là người làm công tác Đảng, trừ Lê Minh Hưng có chuyên môn về Ngân hàng. Nhưng có lẽ ông Hưng giờ đây chẳng muốn ai nhắc lại thời ông làm Thống đốc Ngân hàng, vì đó là những năm tỷ phú Trương Mỹ Lan ‘tác oai tác quái’ trên địa bàn của ông như chỗ không người. Cũng chưa ai chất vấn ông về ‘trách nhiệm người đứng đầu’ từ ngày ông về đầu quân làm Trợ lý cho TBT.

 

Với một thể chế mà đội ngũ “tinh hoa” gồm những thành phần ‘ưu việt’ như trên thì không có gì lạ là những ngày qua, khối ngoại đã bán ròng hơn 5.000 tỷ VND. Nếu tính từ đầu năm đến nay, nhóm này bán ròng 25.000 tỷ VND tương đương với gần 1 tỷ USD, vượt cả giá trị bán ròng trong suốt cả năm 2023 (6). Bên cạnh việc vốn ngoại ồ ạt rút khỏi sàn chứng khoán, Việt Nam đã mất ít nhất 2,5 tỷ USD viện trợ nước ngoài trong ba năm qua và có thể mất thêm 1 tỷ USD nữa do tình trạng tê liệt bộ máy hành chính. Thông tin này từ lá thư do người đứng đầu Liên hợp quốc và Ngân hàng Thế giới gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính, kèm theo chữ ký của 18 Đại sứ, trong đó có Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản và người đứng đầu Ngân hàng Phát triển Châu Á tại Hà Nội (7). Trong một diễn biến liên quan, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái hôm 20/5 đã thừa nhận nền kinh tế Việt Nam đang đối mặt với áp lực ngày càng tăng và cho biết chính phủ sẽ cố gắng duy trì các chính sách hỗ trợ tăng trưởng, dù sản xuất công nghiệp phục hồi chậm. Sản xuất nông nghiệp, nhất là tại vùng đồng bằng sông Cửu Long gặp nhiều khó khăn do hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài và nặng nề hơn (8).

 

Với những thách thức kể trên, thể chế lạc lõng của Việt Nam vẫn chưa đến điểm tới hạn. Mặc dầu có nhiều dự báo bi quan, nhưng với một thể chế lấy ‘thành tích’ bạo lực và đàn áp dân chúng làm tiêu chí duy nhất để ‘ổn định xã hội’, thể chế đó vẫn còn không gian tồn tại trong một thời gian dài. Dân chúng tuy đã chán ngấy dàn lãnh đạo hiện nay, nhưng tâm lý chung là vẫn là nhẫn nhịn và cam chịu. Chế độ toàn trị không chỉ diệt hết mọi tư duy sáng tạo, mà còn triệt tiêu tất cả mầm mống phản biện và đổi mới trên tất cả các lĩnh vực của đời sống hàng ngày. Cả xã hội hầu hư nghẹt thở và lay lắt với những nỗi lo cơm áo. Trình độ cả dân lẫn quan không khá hơn thời kỳ cụ Phan Chu Trinh kêu gọi ‘Khai dân trí – Chấn dân khí – Hậu dân sinh’ cách đây trăm năm. Phải nhìn thẳng vào sự thật như thế để tránh mọi ảo tưởng! Đừng thấy lãnh đạo đánh nhau trên thượng tầng mà ngộ nhận rằng, đất nước đứng trước bước ngoặt. Các cuộc tiến hóa không từ trên trời rơi xuống, nó phải từ người dân đi lên. Chừng nào người dân còn thái độ cam chịu, thì không có lý do gì để hy vọng vào bước ngoặt hay sự chuyển đổi hệ thống một cách ngoạn mục.

 

---------------

Tham khảo:

(1) https://baochinhphu.vn/tan-chu-tich-nuoc-to-lam-thuc-hien-nghiem-tuc-day-du-nhiem-vu-quyen-han-cua-chu-tich-nuoc-da-duoc-hien-dinh-102240522100253473.htm

(2) https://www.voatiengviet.com/a/tan-chu-tich-nuoc-to-lam-tuyen-the-ong-nguyen-phu-trong-vang-mat/7622043.html

(3) https://tuoitre.vn/chua-phe-chuan-hoac-mien-nhiem-bo-truong-bo-cong-an-tai-ky-hop-thu-7-20240519083042417.htm

(4) https://www.bbc.com/vietnamese/articles/ckddwe5k9pjo

(5) https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cd1816966m9o

(6) https://vneconomy.vn/xa-rong-1-ty-usd-tu-dau-nam-nhung-khong-tiec-tien-gom-mot-co-phieu-khoi-ngoai-da-tot-nghiep-va-truong-thanh-hon.htm

(7) https://www.reuters.com/world/asia-pacific/vietnam-forfeits-billions-dollars-foreign-aid-amid-anti-graft-freeze-document-2024-05-17/

(8) https://www.voatiengviet.com/a/7619468.html

 

 

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats