Nói
gì với những bài học giáo dục cho con em chúng ta?
https://nhacsituankhanh.com/2024/05/06/noi-gi-voi-nhung-bai-hoc-giao-duc-cho-con-em-chung-ta/
Có
lần ngồi nói chuyện nước non với một người chị sống ở Úc, chị kể cho nghe đời
giáo viên sau 1975 của chị có lắm vui buồn.
Chị
T. kể ông hiệu trưởng mới từ miền Bắc vào, cầm theo những giáo trình của chế độ
mới và yêu cầu chị phải học thuộc và dạy đúng như vậy. Chỉ trong vài ngày đầu,
chị đột nhiên trở thành người đối địch tư tưởng với ông hiệu trưởng mới, được
biết là lúc đó chưa học đến lớp 5.
Điều
chị T. không thể hiểu được rằng trong các bài giảng mới, chị phải dạy những bài
học gọi là “Con trâu đánh Mỹ”, “Con ong đánh Mỹ”… với những đứa học sinh nhỏ bé
của mình. Chị cảm thấy bất thường trong bài giảng cho nên đi gặp ông hiệu trưởng
và hỏi rằng tại sao cứ “dạy con gì cũng đánh Mỹ hết để làm gì?”, nhất là khi
chiến tranh đã chấm dứt và người Mỹ cũng không còn ở Việt Nam. Ông thầy hiệu
trưởng cũng không giải thích được, nhưng nói đó là chủ trương để giáo dục trẻ
em về lòng căm thù. Bắt buộc.
“Tại
sao không dạy con trâu cày ruộng giúp cho người nông dân, hay con ong hút mật để
đem hoa trái cho đời?”, chị T. hỏi với sự chân thành của một nhà giáo sau chiến
tranh và nghĩ về chuyện xây dựng đất nước trong thanh bình. Nhưng ông hiệu trưởng
gạt phắt và coi chị như là một đối tượng tàn dư nguy hiểm. Ít lâu sau chị xin
nghỉ dạy về nhà để buôn bán vì cảm thấy mình không còn ở trong một môi trường
làm việc bình thường. Đôi khi nhìn ra cửa sổ, chị thấy ông hiệu trưởng đeo súng
đang lén nhìn, như theo dõi buổi dạy của chị.
Chuyện
phản ứng với các chương trình giáo dục, bài học giáo khoa… vẫn là điều rất bình
thường trong xã hội. Vì theo nhu cầu của đời sống hay sự tiến bộ của xã hội mà
đôi khi, những tiếng nói đòi thay đổi vẫn xuất hiện với sức mạnh và lý lẽ của
nó.
Chẳng
hạn ở Mỹ, đã từng có những cuộc biểu tình lớn của sinh viên da màu về những bài
học lịch sử của ông cha họ khi đặt chân đến nước Mỹ, mà họ cho rằng hiện tại
không phản ánh hết về câu chuyện của người dân da màu đã sống, đã chịu đựng, kể
từ ngày đầu lập quốc. Việc đòi hỏi phải có chương trình giáo dục đúng và đủ về
sự có mặt của người da màu ở nước Mỹ, đã bắt đầu từ năm 1973, ở trường Trung học
Clarksdale, Mississippi, dấy lên thành nhiều phong trào.
“Với
quyền bình đẳng, người da màu không thể học mãi về lịch sử của người da trắng
và coi đó là lịch sử của mình”, Jonathon Harris, chủ tịch Hội Học sinh Trung học
Clarksdale, đã có câu nói quyết định với ban giám đốc của trường như vậy. Điều
đó đã khiến các nhà lập pháp các tiểu bang phải ngồi vào bàn họp và tranh cãi rất
nhiều về điều này.
Câu
chuyện nghề giáo viên của chị T. trở nên vô nghĩa và đi vào bóng tối khi phản ứng
về các bài giảng. Dù chị đứng lên một mình và đòi hỏi phải có được hình ảnh
giáo dục đúng về tự nhiên, mà không bị gán ghép vào một cuộc chiến tranh đẫm
máu, mà vốn đã chấm dứt.
Khi
kể đến đây, có lẽ nhiều người làm trong ngành giáo dục miền Nam sau năm 1975
cũng ít nhiều có những câu chuyện tương tự – và chắc chắn là thất bại – nhưng họ
đã không ngại cất tiếng nói cần thiết, đúng với lương tâm giáo chức về công việc
của mình.
Từ
đó đến nay, đã là một chặng dài với những thay đổi về giáo dục trong xã hội Việt
Nam, cũng như cách ứng xử của phụ huynh, xã hội đối với các bộ sách giáo khoa bị
cải cách liên hồi ở Việt Nam.
Người
ta nhìn thấy có không ít những bài phê bình sách giáo khoa về bài học, từ ngữ,
dụng ý lịch sử… và những lời tranh cãi cũng xuất hiện không ít. Nhưng tổng thể,
chủ yếu vẫn loanh quanh ở một số thứ “có thể góp ý”, còn ngoài ra những gì thuộc
về hệ thống, giới phụ huynh hầu như không dám để mắt đến. Một sự tránh né có tập
tính và chủ động.
Ví
dụ, chẳng có tiếng nói nào của giới phụ huynh về nhu cầu cho con em mình được học,
biết nhiều hơn về cuộc chiến 1979, hay cuộc xâm lược của Trung Quốc Gạc Ma năm
1988… Biểu thị quyền công dân và trách nhiệm với con cháu của mình, gần như đã
bị biến mất trong đa số phụ huynh, với một nỗi sợ mơ hồ, rồi lẩn tránh xung
quanh những chuyện ngày thường ruỗng mòn khác.
Mới
đây báo chí đưa tin về chuyện một phụ huynh ở trường quốc tế “kinh hãi”, khi biết
một giáo viên cho các học sinh lớp 11 của mình tham khảo về cuốn sách của nhà
văn Ocean Vương. Theo ngôn từ của việc phụ huynh này mô tả đây là cuốn sách hết
sức “khiêu dâm”. Lập tức ý kiến này trở thành chuyện tranh cãi của xã hội mạng
cũng như xuất hiện cách nói vuốt đuôi, cho qua chuyện của Sở Giáo Dục.
Bản
tin không nói rõ rằng vị giáo viên đó copy một số trang của sách (đã được kiểm
duyệt và in chính thức ở Việt Nam) để cho học sinh xem, hay copy cả một cuốn
sách. Và cũng không được nghe lời giải bày của vị giáo viên đó, trong việc giới
thiệu cuốn sách hay đoạn sách với học sinh của mình là tham khảo với mục đích
gì.
Xã
hội đột nhiên như nhỏ dại, và thiếu trưởng thành qua những tiếng hô hoán và sợ
hãi về từ ngữ “khiêu dâm” trong một tác phẩm văn học thuần túy, với nỗi lo lắng
rằng con em của mình đang bị nhiễm phải những điều hư tật xấu, bất luận dục
tính được mô tả và phơi bày trên báo chí giải trí Việt Nam, mỗi ngày bùng nổ,
thậm chí còn trực quan hơn những trang sách đó.
Chưa
thấy Hội phụ huynh hay Hội phụ nữ Việt Nam chẳng hạn, có được những ý kiến tập
thể phụ huynh gửi về, để đề đạt với báo chí, rằng hãy giảm bớt những câu chuyện
nhục dục câu khách trên báo chí, bớt những điều có hại với con trẻ của mình.
Tôi
còn nhớ thời niên thiếu của mình được học về câu chuyện chị Sứ trong sách giáo
khoa. Bài tập đọc đó mô tả thằng giặc cầm cây dao phay chặt đầu chị Sứ đến ba lần
nhưng không đứt, do tóc chị dày quá. Vất vả lắm, cuối cùng thì mới chặt được đầu
chị.
Câu
chuyện ghê sợ đó ám ảnh tôi suốt một thời gian dài, và tạo cho tôi một ác cảm
nhồi sọ về những “giặc ác” – cho đến một ngày, tôi như kẻ chìm tàu lên được bờ
– mới biết rằng đó chỉ là một cuốn tiểu thuyết, và câu chuyện chị Sứ đó, cũng
là một câu chuyện không có thật.
Nếu
tôi là phụ huynh cần phản ứng về một kiểu giáo dục nào đó, tôi sẽ đứng lên và
yêu cầu bỏ những bài tập đọc khủng khiếp đó ra khỏi những nền giáo dục Việt
Nam, bao gồm cả các câu chuyện hoang đường Kpa K’lơng một viên đạn bắn xuyên
táo chết 7, 8 thằng Mỹ, hay cậu thiếu niên nào đó tên Lê Văn Tám tự mình tẩm
xăng, chạy như một thiên thần Marvel băng vào đồn vũ khí của giặc, quyết tâm
như một con trâu, hay một con ong đánh giặc.
Tôi
sẽ đến gặp nhà trường, nơi có vị giáo viên đang giao tác phẩm của Ocean Vương
vào tay học sinh lớp 11, và nói rằng xã hội hôm nay có lẽ chưa đủ lớn để tiếp
nhận những điều này, mặc dù thế hệ cha anh của nó trước năm 1975 ở lớp 11, 12
đã ngồi thảo luận với nhau về tình dục phân tâm học của Sigmund Freud.
Nhưng
tôi sẽ cố gắng nói với nhà trường, nơi có những bài học về chuyện giỏi giết người
trong chiến tranh, vốn vẫn đang được nuôi dạy hàng ngày, rằng con cháu của tôi
ngày hôm nay không cần những câu chuyện như vậy, mà nó cần hơn những bài học về
tình yêu đất nước và thề trở thành những người không tham nhũng, vô trách nhiệm,
tàn hại quê hương của mình.
Tôi
cũng sẽ nói với nhà trường nào đó, vào dịp 30 tháng 04, đã tổ chức cho những học
sinh tiểu học mặc đồ bộ đội và đi trên xe tăng giả để diễu hành mừng “ngày giải
phóng miền Nam”, rằng tôi ước mơ được thấy hàng dài những học sinh tiểu học đó,
mỗi đứa nhỏ được thể hiện tương lai của mình, là phi công, bác sĩ, kỹ sư, phi
hành gia, nhà giáo… Ước mơ chúng đứng lên với những cuộc đời tử tế.
Cuộc
đời của chúng nhất định không bị lôi đi cùng với súng đạn và xe tăng, cùng với
sự kiêu hãnh ngu xuẩn; mà chúng sẽ dành sức để xây dựng đất nước này trong
thanh bình, trong tình người, cùng với sự dũng cảm nhìn thẳng vào những điều cần
phải thấy, và hơn hết, sẵn sàng lên tiếng đúng lúc, đúng chuyện, như một người
Việt thật sự trưởng thành.
No comments:
Post a Comment