Thursday, 9 May 2024

NHỮNG DIỄN BIẾN ĐÁNG LO NGẠI CHO VIỆT NAM NHÂN DỊP 30-4-2024 (Thục Quyên / Báo Tiếng Dân)

 



Những diễn biến đáng lo ngại cho Việt Nam nhân dịp 30-4-2024

Thục Quyên

09/05/2024

https://baotiengdan.com/2024/05/09/nhung-dien-bien-dang-lo-ngai-cho-viet-nam-nhan-dip-30-4-2024/  

 

Tin kêu cứu từ trại giam số 6, tỉnh Nghệ An lọt ra trong ngày 30-4-2024, nên chúng tôi cần viết thư báo động ngay lập tức cho các tổ chức bảo vệ Nhân quyền quốc tế và các tòa đại sứ tại Hà Nội, nhờ can thiệp về vấn đề một số tù nhân lương tâm đang bị nhốt ở Việt Nam trong những phòng giam chật hẹp dưới mái tôn, không có quạt hay chỉ có một cái quạt, khi nhiệt độ lên tới 43 độ C vào ban ngày và 28 độ C vào ban đêm.

 

Gần nửa tháng qua, một số tù nhân đã lên tiếng phản đối hoặc kiến nghị những phương pháp giảm nhiệt, nhưng không có kết quả.

 

Việt Nam hiện là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, nhiệm kỳ 2023-2025. Do đó các tổ chức bảo vệ Nhân quyền quốc tế đang ráo riết vận động hai vị: Báo cáo viên đặc biệt về tình hình của những người bảo vệ nhân quyền và Báo cáo viên đặc biệt về tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ nhục. Cần hai vị này đến thăm các tù nhân lương tâm gấp, cũng như kiểm tra tình trạng các nhà tù ở Việt Nam.

 

                                                      ***

 

Ngày 30-4-2024 là mốc thời gian đánh dấu tình trạng khẩn trương, liệu ngành thủy sản Việt Nam có thể khắc phục được mọi vi phạm IUU (1) (hoạt động đánh bắt bất hợp pháp, không khai báo và không theo qui định) để không bị nhận thẻ đỏ. Nếu nhận thẻ đỏ, Việt Nam sẽ bị cấm xuất khẩu hải sản sang Liên minh Âu châu.

 

Sáng ngày 3-5-2024, trả lời một số phóng viên, ông Julien Guerrier, đại sứ EU tại Việt Nam cho biết, ông đã có buổi làm việc với Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hồi cuối tháng 4, để bàn tính, nhằm ấn định thời điểm đoàn thanh tra EU sẽ qua Việt Nam kiểm soát và quyết định tình trạng Việt Nam, nước này đã nhận thẻ vàng từ năm 2017.

 

Theo đại sứ Guerrier, phía Việt Nam tuy thể hiện quyết tâm chính trị cao, tạo được một khuôn khổ pháp lý về vấn đề này qua những nỗ lực như lắp đặt thiết bị giám sát hành trình của các tàu đánh cá để theo dõi, nhưng về thực thi lại chưa đạt được kết quả cần có.

 

Về câu hỏi xoáy thẳng vào con số mà các tỉnh thành chưa làm đủ tốt, vị đại sứ không trả lời chi tiết, nhưng ông cho biết, danh sách những tỉnh thành này còn tương đối khá dài.

 

Đại sứ Guerrier cũng nhắc nhở, Việt Nam đang là đối tác thương mại hàng đầu của EU tại ASEAN, là nước tiếp nhận ODA lớn nhất của EU trong khu vực. Hai bên đang phối hợp chặt chẽ nhiều vấn đề toàn cầu như, chống biến đổi khí hậu và JETP (Just Energy Transition Partnership: Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng). Các lĩnh vực đó đều có định hướng quan trọng từ Nghị viện Âu châu.

 

 

Hoạt động gián điệp của Việt Nam liên quan đến tình trạng “thẻ vàng thủy sản”

 

Bên cạnh nỗi lo “thẻ vàng/ thẻ đỏ thủy sản” còn có một “thanh gươm Damocles” nữa: Đó là bản câu hỏi P-001059/2024 được nghị sĩ Saskia Bricmont, một thành viên Quốc hội Âu châu, gửi đến Ủy ban Âu châu ngày 10-4-2024, hỏi về kết quả cuộc điều tra vụ Việt Nam dùng phần mềm gián điệp Predator để do thám các quan chức Liên minh Âu châu và Nghị sĩ thuộc Nghị viện Âu châu (2). Nội dung như sau:

 

“Đầu tháng 10 năm 2023, một cuộc điều tra của Hiệp hội Hợp tác Điều tra Âu châu, một tập đoàn các nhà báo, tiết lộ rằng, các cơ quan mật vụ Việt Nam đã mua được phần mềm gián điệp Predator, thông qua công ty Nexa của Pháp, để cố gắng xâm nhập vào điện thoại của các quan chức Liên minh Âu châu và các nghị sĩ thuộc Nghị viện Âu châu, bao gồm cả Chủ tịch Nghị viện, Roberta Metsola, và Chủ tịch Ủy ban Thủy sản của Nghị viện.

 

Các báo cáo cho rằng hoạt động gián điệp này có liên quan đến tình trạng ‘thẻ vàng thủy sản’ là thẻ phạt mà Liên minh Âu châu đã phạt Việt Nam trong khuôn khổ ‘khai thác thủy sản bền vững’, có nghĩa là hiện đang có những hạn chế đối với chương trình nhập khẩu từ Việt Nam. Ủy ban và Cơ quan Hành động Đối ngoại Âu châu dường như đã tiến hành một cuộc điều tra và vụ việc hiện đã kết thúc.

 

1. Xin Ủy ban cho biết cuộc điều tra được tiến hành theo những điều kiện nào và những yếu tố nào cho phép kết thúc cuộc điều tra? Việt Nam đã đưa ra những bảo đảm gì?

 

2. Việt Nam đã rút ra bài học gì từ vụ việc này, đặc biệt là dựa trên các khuyến nghị của Ủy ban Điều tra về việc sử dụng Pegasus và phần mềm gián điệp giám sát , sau khi Ủy ban này đã kết thúc công việc vào tháng 6 năm 2023?”

 

Theo nguyên tắc chung, các câu hỏi từ Nghị viện sẽ được người nhận trả lời trong vòng sáu tuần kể từ khi nhận được.

 

 

Cảnh sát biển Việt – Trung kết thúc tốt đẹp chuyến tuần tra chung ở Vịnh Bắc Bộ

 

Liên quan đến tình hình đánh bắt thủy sản, ngày 17-10-2023, Nghị viện Âu châu đã ra nghị quyết (3) đòi hỏi việc minh bạch và giám sát gắt gao hơn các hoạt động đánh bắt cá của Trung Quốc, vì các chính phủ và tổ chức phi chính phủ đã chỉ ra một số hành vi (của Trung Quốc) mà EU tin rằng có thể là bất hợp pháp và gây nguy hiểm cho an toàn thực phẩm.

Cuối tháng 2-2024, Cơ quan quản lý nghề cá Philippines (4) cáo buộc ngư dân Trung Quốc sử dụng chất cực độc xyanua để đánh bắt tại bãi cạn Scarborough, gần đảo Luzon của Philippines ở Biển Đông. Họ dùng phương pháp đánh bắt trái phép này nhằm mục đích “cố tình hủy hoại môi trường để ngăn cản các tàu đánh cá Philippines đánh bắt cá trong khu vực”.

 

Thế nhưng, phía Việt Nam chẳng quan tâm đến chuyện Trung Quốc hủy hoại môi trường biển như thế nào. Ngày 29-4-2024, báo đảng Cộng sản Việt Nam hồ hởi loan tin “Cảnh sát biển Việt Nam và Trung Quốc kết thúc tốt đẹp chuyến tuần tra liên hợp” (5). Đây là cuộc tuần tra chung lần thứ 27 mà hai nước thực hiện kể từ năm 2006, mà họ cho rằng, nhằm quan sát và kiểm tra các tàu đánh cá của cả hai nước khi tuần tra dọc theo các tuyến đường đã được lên kế hoạch trong vùng biển.

 

Ngày 30-4-2024, Tân Hoa xã, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, đưa tin (6) cuộc tuần tra chung này góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở Vịnh Bắc Bộ, duy trì trật tự sản xuất thủy sản, trấn áp tội phạm hàng hải và bảo vệ an ninh và ổn định khu vực. Cảnh sát biển Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng cường trao đổi và hợp tác thiết thực với phía Việt Nam để xử lý đúng đắn (?) các tình huống khẩn cấp trên biển và cùng nhau duy trì an ninh, ổn định hàng hải.

 

Qua đó, chúng ta có thể thấy, Trung Quốc luôn láu lỉnh, không đi được cửa trước thì luồn cửa sau.

 

                                                  ***

Ngày 30-4-2024 còn là ngày đánh dấu 49 năm sau khi chiến tranh chấm dứt. Lãnh đạo Việt Nam đang cần nhận ra rằng, bản lĩnh quốc gia không thể đến từ những lời tuyên bố có cánh, mà phải từ thực lực.

 

Gần nửa thế kỷ không có chiến tranh hiện diện trên đất nước, lãnh đạo Việt Nam có bao giờ tự hỏi: Việt Nam đang đứng ở đâu trên bản đồ thế giới? Từ GDP, chỉ số phát triển con người, chỉ số hội nhập quốc tế của khoa học Việt Nam, xếp hạng tự do báo chí… Việt Nam đang đứng ở vị trí nào?

 

Nửa thế kỷ trôi qua, có lẽ người dân Việt Nam đã thấy rõ rằng, các nhà lãnh đạo đất nước này đã làm được gì cho dân chúng, sau khi họ “đánh cho Mỹ cút, ngụy nhào“!?

_______

Ghi chú:

 

(1) https://www.bbc.com/vietnamese/forum-66886405

 

(2) https://www.europarl.europa.eu/doceo/document/P-9-2024-001059_EN.html

 

(3) https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c3g2wln6lz9o

 

(4) https://maritime-executive.com/article/philippine-official-accuses-chinese-fishermen-of-using-cyanide-on-reef

 

(5) https://dangcongsan.vn/bien-dao-viet-nam/tin-tuc/canh-sat-bien-viet-nam-va-trung-quoc-ket-thuc-tot-dep-chuyen-tuan-tra-lien-hop-664081.html

 

(6) https://english.news.cn/20240430/1276cfd8760d4b02a4f2dd38a8ed869b/c.html

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats