Sunday, 5 May 2024

NHÌN MÀ MUỐN KHÓC (Nguyễn Ngọc Chu / Boxit VN)

 



Nhìn mà muốn khóc

Nguyễn Ngọc Chu 

Posted on 04/05/2024 by Boxit VN

https://boxitvn.online/?p=88504

 

Có biết bao nhiêu điều cần nói mà không xuể. Còn bi quan hơn với bao nhiêu lời khuyên chân thành: “Họ biết cả đấy”, “Nói làm gì”, “Nói có nghe đâu”, “Chỉ nhận được thù oán, chửi bới, ghét bỏ”…

 

Những điều động đến thể chế có thể gọi là vùng cấm. Nhưng có bao nhiêu điều không thuộc về thể chế, lại thuộc về nhóm lợi ích, có góp ý cũng không mấy hy vọng. Nhưng thấy nguy hại cho cộng đồng, thà không biết, biết mà không nói, thì khác chi mù điếc câm.

 

Hình : https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEj_EwHKSc_IqC51jzLRHWLEk70P_47kmUCii5j8KwASueLxEgKBgLjB6hBHswWEm3EIj38NSRAlxreRcuh7U-GIRUoCRsC6j2zGxEdEQ7XXARz3NuPwSt7wtu2Grivp8mN2Z3H541FLsWgx80rf_mJIcUg4wz_7nszZz40QgPazNa1dH0_I9ruaX3bLQEY/w576-h640/31.jpeg

 

Nhìn vào bản đồ quy hoạch Đường sắt đô thị Hà Nội (ĐSĐT HN) mà trào nghẹn lên cổ. Chỉ người bình thường thôi, không phải hoạ sĩ, hay kỹ sư đồ hoạ, thì cũng thấy được đó là một bức tranh méo mó, vừa thiếu vừa dư thừa.

 

ĐSĐT HN theo bản đồ mới nhất như hình trên gồm 15 tuyến (14 tuyến và tuyến 2A). Theo Wikipedia [1], riêng 8 tuyến đã dài 318 km. Chỉ lấy giá thành trên cao của tuyến Cát Linh – Hà Đông, chứ không phải ngầm dưới đất, cũng tốn đến 66,5 triệu USD/km (868,04 triệu USD cho 13,05 km) [2]. Nếu tính theo giá thành của tuyến Cát Linh – Hà Đông, thì 318 km của 8 tuyến ĐSĐTHN có giá thành 21 tỷ 147 triệu USD. 

 

Theo quy hoạch chỉ với 10 tuyến ĐSĐT HN chiều dài 417 km mà tổng mức đầu tư dự kiến đã là 40,5 tỷ USD [3], vậy thì chi phí cho 15 tuyến sẽ là con số bao nhiêu?

 

Trong khoa học có lĩnh vực “Lý thuyết Tối ưu”, trong đó có các bộ môn “Quy hoạch Toán học”, “Lý thuyết Đồ thị” giúp cho tìm ra quãng đường ngắn nhất đi qua các điểm cho trước. Hàng ngày, chúng ta dùng Google Maps tìm đường đi, đều nhờ sự trợ giúp của các thuật toán trong “Lý thuyết Tối ưu”. 

 

Nếu dùng các thuật toán của “Lý thuyết Tối ưu” để thiết kế các tuyến đường, mà xuất phát ở đâu cũng đến được tất cả các bến của 10 tuyến ĐSĐT HN đã biết trước, thì sẽ có một mạng lưới có tổng số chiều dài sẽ ngắn hơn nhiều kilomet so với mạng lưới ĐSĐT HN đang quy hoạch hiện hành.

 

Chỉ cần chi cho các nhà khoa học không quá 1 triệu USD, họ sẽ cho ra một Đồ thị tối ưu về mạng ĐSĐT HN, bao phủ tối ưu tất cả các điểm vận chuyển hành khách, với tuyến đường ngắn nhất, ngắn hơn mạng lưới ĐSĐT HN hiện quy hoạch nhiều chục km. Tiết kiệm nhiều tỷ USD.

 

Năm 1969, khi còn chiến tranh, nền kinh tế VNDCCH còn sơ khai, mà cụ Hồ đã mời GS Hoàng Tuỵ đến để trình bày về “Vận trù học”. Nay ĐSĐT HN đang cần đến “Vận trù học” để có một quy hoạch mạng lưới tối ưu, khoa học, không dư thừa, không xấu xí.

 

Xin các ông Bí thư Thành uỷ Hà Nội và ông Chủ tịch UBND TP Hà Nội hãy lưu tâm đến mạng lưới ĐSĐT HN. Không chỉ là tiết kiệm nhiều tỷ USD, mà còn để lại cho đời sau một hệ thống đường sắt đô thị MỞ, hài hoà KẾT NỐI, hài hoà MỞ RỘNG. Các thuật toán “Vận trù học” sẽ cho một mạng lưới ĐSĐT HN MỞ RỘNG, khi có tài chính là tiếp tục xây dựng, chứ không chắp vá. Không đồng tình sử dụng các thuật toán tối ưu để điều chỉnh mạng lưới ĐSĐT HN chỉ có thể là do lợi ích và sự sợ hãi trách nhiệm. 

 

Sử dụng hữu ích trí tuệ của các nhà khoa học cụ thể là ở đây, tốt hơn các đề tài nghiệm thu đóng tủ không sử dụng, hay hơn các lời hoa mỹ trong các bài diễn văn. 

 

Tài liệu dẫn

[1] https://vi.wikipedia.org/…/%C4%90%C6%B0%E1%BB%9Dng_s%E1…

[2] https://vi.wikipedia.org/…/Tuy%E1%BA%BFn_s%E1%BB%91_2A…

[3] https://laodong.vn/…/12-nam-cho-4048km-duong-sat-do-thi….

 

N.N.C.

 

Tác giả gửi BVN





No comments:

Post a Comment

View My Stats