Monday 27 May 2024

NHÀ CẦM QUYỀN BẤT LỰC VỚI TỘI PHẠM CÔNG NGHỆ CAO (Minh Triều / Việt Nam Thời Báo)

 



Nhà cầm quyền bất lực với tội phạm công nghệ cao

Minh Triều  |  Việt Nam Thời Báo

27.05.2024 1:39

https://vietnamthoibao.org/vntb-nha-cam-quyen-bat-luc-voi-toi-pham-cong-nghe-cao/

 

(VNTB) – Giữa thủ đô Hà Nội, nhưng lừa đảo lại ngày càng trở nên phổ biến và tinh vi hơn bao giờ hết

 

 

Lừa đảo lộng hành giữa thủ đô

 

Hiện nay các hình thức lừa đảo không còn dừng lại ở những mánh khóe đơn giản mà đã phát triển theo hướng công nghệ cao, phức tạp. Những kẻ lừa đảo thường giả danh là  công an, cán bộ tòa án, hoặc nhân viên ngân hàng, thông báo với nạn nhân về các khoản nợ giả hoặc yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân để giải quyết các “vấn đề pháp lý”. Chúng thường đe dọa nạn nhân rằng nếu không hợp tác, họ sẽ bị tù tội.

 

Thủ đoạn lừa đảo này không mới, nhưng thật vô lý khi không chỉ có các công nhân, người lao động bị lừa đảo qua mạng mà ngay cả những người có học thức, am hiểu pháp luật, cán bộ công chức cũng bị lừa mất hàng trăm triệu đồng với bọn tội phạm công nghệ cao. Bên cạnh đó, những người già được xem là con mồi béo bở của bọn lừa đảo.  

 

Một cụ bà ở quận Tây Hồ, Hà Nội đã bị mất gần 18 tỷ đồng khi sập bẫy thủ đoạn giả mạo công an. Bà T. có nhận được điện thoại của một người tự xưng là công an quận Hoàn Kiếm nói bà đang nợ ngân hàng 63 tỷ đồng. Sau đó yêu cầu bà chuyển tiền vào tài khoản của người này để xác minh. Do lo sợ bà T. đã chuyển khoản 6 lần với tổng số tiền là gần 18 tỷ đồng cho kẻ giả dạng công an. Sau khi biết mình bị lừa, bà đã trình báo với cơ quan công an. (1)

 

Hoặc ngày 5/4, công an TP Hà Nội phát thông báo tìm 28 bị hại trong các vụ giả danh công an, viện kiểm sát, tòa án gọi điện lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Theo công an thành phố Hà Nội, qua quá trình điều tra, cơ quan Công an xác định có 28 bị hại trên địa bàn Hà Nội. Các đối tượng lừa đảo đã sử dụng 18 tài khoản ngân hàng để nhận tiền từ các nạn nhân. Bước đầu, cơ quan Công an xác định tổng số tiền thiệt hại là 25,9 tỷ đồng (những người bị lừa từ 15 triệu đồng cho tới 10 tỷ đồng). (2)

 

Trong tháng 1/2024, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã tiếp nhận đơn trình báo của 6 nạn nhân với tổng số tiền bị chiếm đoạt gần 20,6 tỷ đồng;  người bị lừa nhiều nhất mất 15,3 tỷ đồng, người mất ít nhất là 252 triệu đồng.(3)

 

 

Tại sao nạn lừa đảo tinh vi lại hoành hành?

 

Tại hội nghị gặp gỡ, đối thoại với công nhân, người lao động thủ đô, ngày 23/5, chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh đề nghị Sở TT-TT Hà Nội lập các trang mang tính chất cảnh báo, phòng ngừa để người dân, đặc biệt là hơn 40 triệu người dùng mạng xã hội nâng cao nhận thức trên các nền tảng mạng xã hội…”. Chủ tịch Hà Nội nhấn mạnh và bày tỏ: “Xót lắm, giữa thủ đô mà lừa đảo vẫn hoành hành”. (4)

 

Cần lưu ý rằng Hà Nội là nơi đặt trụ sở của các cơ quan trung ương của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị – xã hội, cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế. Thủ đô là trung tâm về văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước. Cho nên nếu ở thủ đô mà tội phạm lộng hành như vậy thì những nơi khác còn nặng nề như thế nào nữa?

 

Được biết, trong năm 2023, tổng số tiền người dân cả nước bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt trên mạng khoảng 8.000 – 10.000 tỷ đồng, tăng gấp rưỡi so với năm 2022. Đây là con số được người dân đến trình báo cơ quan công an. Thực tế con số này có thể còn cao hơn vì nhiều người dân không đi trình báo. Bộ Công an cho biết, trong năm qua đã khởi tố 1.500 vụ án vì tội lừa đảo trên không gian mạng, nhưng có đến trên 1.200 vụ án phải tạm đình chỉ điều tra, gia hạn điều tra vì không xác định được thủ phạm của vụ việc, tương đương có đến trên 75% số vụ việc không thể điều tra tiếp. (5)

 

Với những trang thiết bị công nghệ cao được đầu tư hàng ngàn tỷ trong thời gian qua mà lực lượng an ninh mạng, cơ quan công an lại không truy bắt được triệt để tội phạm thì có lẽ số tiền này đã được sử dụng sai mục đích. Hoặc các cán bộ công an không đủ năng lực sử dụng các thiết bị công nghệ, hoặc chính các cán bộ lãnh đạo cũng nằm trong đường dây tội phạm nên mới bỏ lọt tội phạm với số lượng lớn như vậy

 

Phải biết rằng một trong những yếu tố quan trọng giúp các đối tượng lừa đảo thực hiện hành vi của mình là khả năng tiếp cận được thông tin cá nhân và lập tài khoản ngân hàng dễ dàng. Những kẻ lừa đảo lấy thông tin cá nhân của người dân từ đâu và tại sao chúng có thể lập tài khoản ngân hàng  dễ dàng như vậy? Liệu rằng có sự tiếp tay của cán bộ nhà nước, hay việc bảo mật thông tin của các cơ quan nhà nước quá yếu kém? Nếu không giải quyết triệt để vấn đề này thì tất cả người dân Việt Nam đều có thể bị mất tiền oan bất cứ lúc nào mà không biết nhờ ai xử lý…

 

______________

Tham khảo:

(1) https://vtv.vn/xa-hoi/sap-bay-gia-mao-cong-an-cu-ba-gan-80-tuoi-o-ha-noi-bi-lua-mat-18-ty-dong-20240514214653805.htm

 

(2) https://vtv.vn/phap-luat/ha-noi-28-nguoi-bi-lua-dao-259-ty-dong-vi-tro-gia-danh-can-bo-cong-an-toa-an-20240406063002229.htm

 

(3) https://www.laodong.vn/phap-luat/toi-pham-cong-nghe-cao-o-ha-noi-lua-dao-hon-20-ti-dong-trong-1-thang-1293775.ldo

 

(4) https://thanhnien.vn/chu-tich-ha-noi-giua-thu-do-ma-lua-dao-nhu-o-vung-sau-vung-xa-185240523160718888.htm

 

(5) https://vtv.vn/phap-luat/khoang-10000-ty-dong-bi-lua-dao-trong-nam-2023-20240115064508287.htm

 


 

Tin Bài Liên Quan:

 

VNTB – Công nhân giữa áp lực kinh tế và vòng vây lừa đảo 

VNTB – Tại sao bạo lực ở người trẻ gia tăng?

VNTB – Bảo vệ Vinhomes còn dám lạm quyền

VNTB – Công an bày trò thiện nguyện… để làm gì?

 

 

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats