Friday, 24 May 2024

BẠO ĐỘNG TẠI NOUVELLE CALÉDONIE : HỆ QUẢ CỦA TIẾN TRÌNH PHI THỰC DÂN HÓA CHƯA HOÀN TẤT (Minh Anh / RFI)

 



Bạo động tại Nouvelle-Caledonie: Hệ quả của tiến trình phi thực dân hóa chưa hoàn tất

Minh Anh  -  RFI

Đăng ngày: 23/05/2024 - 16:22

https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-ti%C3%AAu-%C4%91i%E1%BB%83m/20240523-b%E1%BA%A1o-%C4%91%E1%BB%99ng-t%E1%BA%A1i-nouvelle-caledonie-h%E1%BB%87-qu%E1%BA%A3-c%E1%BB%A7a-ti%E1%BA%BFn-tr%C3%ACnh-phi-th%E1%BB%B1c-d%C3%A2n-h%C3%B3a-ch%C6%B0a-ho%C3%A0n-t%E1%BA%A5t

 

Những vụ bạo động bùng phát tại Nouvelle – Calédonie từ hôm 13/05/2024 buộc Paris phải ban hành tình trạng khẩn cấp và điều quân đội để tái lập trật tự. Dự án cải tổ Hiến pháp mở rộng thành phần cử tri được cho nguyên nhân chính. Nhưng đối với nhiều nhà quan sát, Nouvelle – Calédonie đang gánh chịu những « vết thương cũ chưa lành từ thời thuộc địa ».

 

https://s.rfi.fr/media/display/25094a40-145b-11ef-9cc7-005056a90284/w:980/p:16x9/000_34RR8GD.webp

Một khu phố tại Nouméa, thủ phủ vùng Nouvelle - Calédonie, ngày 16/05/2024. AFP - DELPHINE MAYEUR

 

Nằm ở vùng Nam Thái Bình Dương, cách nước Pháp đến hơn 16 ngàn km, Nouvelle – Calédonie mang một số phận gần giống với Việt Nam : Cùng trở thành thuộc địa Pháp dưới thời hoàng đế Napoléon III. Nhưng theo nhà nhân chủng học Michel Naepels1, Nouvelle – Calédonie là một « thuộc địa không giống như bao thuộc địa khác ».

 

Từ định cư tù nhân đến định cư tự do

 

Ngược dòng lịch sử, ngoài yêu cầu của các nhà truyền giáo Công Giáo, một trong những mục đích ban đầu của việc xâm chiếm quần đảo Nouvelle – Calédonie ngày 24/09/1853 là nhằm đảm bảo sự hiện diện của hải quân Pháp tại Thái Bình Dương trước thế thống trị của người Anh, vốn đã có mặt tại Úc và New Zealand.

 

Nhưng khi biến Nouvelle – Calédonie bị biến thành thuộc địa hình sự ngoài biển thứ hai của đế quốc Pháp, sau Guyanne, vào năm 1863, số phận của Viên Sỏi, cách gọi khác của Nouvelle - Calédonie, xem như đã được định đoạt : Quần đảo này sẽ là thuộc địa định cư của Pháp.

 

Theo thống kê, trong giai đoạn từ năm 1864 – 1897, gần 30 ngàn tù hình sự hay chính trị đã bị đày đến Nouvelle – Calédonie. Nhưng đến những năm cuối thế kỷ XIX, chính sách thuộc địa của Pháp tại Nouvelle – Calédonie có sự chuyển hướng : Từ định cư tù nhân chuyển sang định cư tự do.

 

Nouvelle – Calédonie trở thành miền đất hứa cho những ai muốn tìm kiếm vận may đến mở trang trại chăn nuôi nhờ vào nguồn nhân công Kanak và Gia-va giá rẻ, hay hoạt động trong lĩnh vực khai thác mỏ, sử dụng chủ yếu nguồn lao động đến từ Việt Nam.

 

Kế hoạch định cư nông thôn thuộc địa này dẫn đến việc tước quyền sở hữu hàng loạt của người Kanak ở đảo chính Grande Terre. Và nhất là việc thiết lập các khu bảo tồn các nhóm mà thực dân Pháp chỉ định là « bộ lạc » đã khiến người Kanak, dân bản địa đến sống tại Nouvelle - Calédonie từ hơn 3000 năm trước, trong một thời gian dài chịu cảnh giam hãm và bị đối xử phân biệt sắc tộc.   

 

Sự hiện diện của người châu Âu và chính sách thuộc địa của Pháp đã làm cho dân số Kanak giảm mạnh từ 75-95% trong giai đoạn từ 1774 – năm James Cook phát hiện quần đảo – và 1920, do bệnh tật người châu Âu mang đến. Riêng trong giai đoạn 1853 – 1920, dân số Kanak giảm đến một nửa từ 55 ngàn người xuống còn 27 ngàn dân.

 

Không giống như Việt Nam, giành được độc lập vào năm 1954 sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Nouvelle – Calédonie trở thành lãnh thổ hải ngoại Pháp từ năm 1946 với lời hứa được trao thêm quyền tự chủ. Tất cả các quy định phân biệt đối xử đối với người Kanak được hủy bỏ.

 

Dù vậy, việc chính thức trở thành công dân Pháp hoàn toàn từ năm 1957 đã không giúp cải thiện điều kiện sống của người Kanak, do gánh nặng quá khứ thuộc địa là vô cùng lớn. Mối quan hệ giữa người Kanak hiện nay, chiếm đến 40% dân số, với hậu duệ những người di cư thuộc địa và tù nhân – còn được gọi là Caldoche (chiếm khoảng 25%) chưa bao giờ êm thắm. Nouvelle - Calédonie bị giằng xé giữa hai phe, những người Kanak đòi độc lập với phong trào Mặt trận Giải phóng Dân tộc Kanak và Xã hội (FLNKS) và phe chủ trương trung thành với chính phủ Pháp.

 

Theo giới quan sát, cuộc xung đột hiện nay tại Nouvelle – Calédonie cho thấy quá trình phi thuộc địa hóa đã bị khép lại một cách tồi tệ, mà cột mốc khởi đầu cho quá trình này là thỏa thuận Matignon được ký kết 1988 giữa ông Jean-Marie Tjibaou, lãnh đạo FLNKS và Jacques Lafleur, lãnh đạo phe trung thành với mẫu quốc Pháp, dưới sự chủ trì của thủ tướng Michel Rocard sau bốn năm gần như nội chiến đẫm máu. Một thỏa thuận cho phép tái cân bằng kinh tế, đào tạo chuyên viên người Kanak… đã khiến lãnh đạo FLNKS, Jean-Marie Tjibaou trả giá đắt bằng chính sinh mạng của ông một năm sau đó.

 

 

Thành phần cử tri : Cuộc đọ sức gay gắt giữa Kanak và Caldoche

 

Phải chăng tổng thống Macron đang lặp lại sai lầm của chính phủ Pháp trong những năm 1980 tìm cách áp đặt một quy chế mới cho quần đảo Nam Thái Bình Dương, nhưng bị phe đòi độc lập phản đối mạnh mẽ ? Việc ông Macron kiên quyết thông qua cải cách thành phần cử tri đã bị người Kanak chỉ trích là một nỗ lực tái thuộc địa, vi phạm tinh thần thỏa thuận Nouméa được ký năm 1998 dưới sự chủ trì của thủ tướng Lionel Jospin.

 

Văn bản này quy định việc thành lập hai thành phần cử tri đặc biệt tại Nouvelle – Calédonie. Thứ nhất, đối với tất cả các cuộc bầu cử lớn như bầu cử tổng thống, bầu cử châu Âu, chính quyền xã …, tất cả các cư dân trên đảo được bảo đảm toàn vẹn quyền hạn công dân. Thành phần thứ hai hạn hẹp hơn chỉ áp dụng cho bầu cử cấp tỉnh và Nghị viện (Congrès) Nouvelle - Calédonie. Theo đó, chỉ có những người định cư ở đảo trên 10 năm và tính từ năm 1998 mới được quyền tham gia bầu cử. Điều này có nghĩa là khoảng 1/5 số người sinh sống tại Nouvelle – Calédonie hiện nay không được quyền tham gia bầu cử chính quyền tỉnh và cơ quan hành pháp của Nouvelle – Calédonie.

 

Đối chiếu với nguyên tắc lá phiếu phổ thông, quy định hạn chế thành phần cử tri trong thỏa thuận là một sự phá lệ cho Nouvelle – Calédonie. Sự phá lệ này chỉ mang tính tạm thời và chuyển tiếp, theo yêu cầu của phe đòi độc lập đại diện cho người bản địa Kanak. Những người này muốn hạn chế sức ép cử tri đến từ mẫu quốc và nhiều đảo khác của Pháp ở Thái Bình Dương, nhất là từ Wallis và Futuna, vốn dĩ chống đối độc lập.

 

Theo đánh giá từ nhà báo độc lập Joseph Confavreux, cộng tác với trang mạng Médiapart, văn bản Nouméa là một trong số thỏa thuận tốt nhất của nền Cộng Hòa Pháp. Trên đài phát thanh France Culture, ông giải thích :

 

« Đây cũng là văn bản đầu tiên Cộng hòa Pháp thừa nhận thực tế thuộc địa, nhưng nói rằng “đã đến lúc phải thừa nhận những bóng đen của thời kỳ thuộc địa, ngay cả khi nó không thiếu ánh sáng”. Nghĩa là, người ta không có ý định ném một trong hai dân tộc, dù là người bản địa hay người đến từ Pháp quốc, xuống biển. Chúng ta thực sự có ý tưởng xây dựng những điều kiện cho một vận mệnh chung. Nhưng điều này đòi hỏi thời gian, sự nhạy cảm, một cuộc đối thoại, không may đã bị sụp đổ trong những tuần gần đây, thậm chí trong những tháng gần đây. »

 

 

Ba cuộc trưng cầu dân ý

 

Đối với phe trung thành, việc đóng băng thành phần cử tri ngày nay không còn ý nghĩa do việc chọn lựa độc lập đã bị từ chối trong ba lần bỏ phiếu trưng cầu dân ý : 2018 (56,7%), 2020 (53,3%) và 2021 (96,50% nói Không nhưng tỷ lệ tham gia bầu cử là chưa đến 50%). Theo lập luận của phe trung thành, giai đoạn chuyển tiếp mà thỏa thuận Nouméa mở ra đã khép lại.

 

Đây cũng là điểm mà chính phủ tổng thống Macron bị chỉ trích mạnh mẽ. Thỏa thuận Nouméa năm 1998 dự trù tổ chức trưng cầu dân ý về quyền tự quyết cho hòn đảo. Trong khuổn khổ thỏa thuận, đôi bên đồng ý tổ chức cuộc bỏ phiếu đầu tiên vào năm 2018 và nếu sau hai lần nói « Không », một cuộc bỏ phiếu lần ba sẽ được tiến hành. Các cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức theo nhịp hai năm một kỳ.

 

Tuy nhiên, vào tháng 2/2021, bộ trưởng phụ trách các vùng lãnh thổ Hải ngoại lúc bấy giờ là ông Sebastien Lecornu, giờ là bộ trưởng Quân Lực Pháp, đã thông báo cuộc tham vấn lần ba diễn ra ngày 12/12/2021, bất chấp lời hứa của thủ tướng Edouard Philippe không tổ chức bỏ phiếu trong giai đoạn giữa tháng 9/2021 và cuối tháng 8/2022.

 

Sự thiếu vắng đồng thuận này đã dẫn đến quyết định tẩy chay của phe đòi độc lập, vốn dĩ đã đề nghị hoãn bỏ phiếu vì lý do dịch bệnh Covid-19. Người Kanak hứng chịu nhiều thiệt hại nhân mạng và đang trong mùa tang lễ theo tập tục. Nhưng đề nghị này đã bị Paris bác bỏ.

 

Trả lời báo 20 Minutes ngày 11/12/2021, ông Mathias Chauchat, giáo sư luật công trường đại học Nouvelle – Calédonie, cho rằng thái độ cứng rắn của Paris là một sai lầm khi « tổ chức tham vấn về quyền tự quyết của đất nước mà không có sự tham dự của người dân thuộc địa ». Do vậy, cuộc trưng cầu dân ý này là vô nghĩa.

 

Cũng theo giải thích của ông, cuộc trưng cầu dân ý diễn ra vào một thời điểm tế nhị cho phe trung thành : « Nouvelle – Calédonie đang mất từ 2000-3000 dân châu Âu mỗi năm vào thời điểm này, trong khi ngược lại, người Kanak ghi nhận có thêm từ 3000-4000 cử tri mới mỗi năm nhờ vào dân số trẻ, đang dần dần đến tuổi bỏ phiếu. »

 

 

Paris đánh giá thấp tầm quan trọng của hồ sơ

 

Giờ đây, dưới sức ép của phe trung thành, chính phủ Pháp kiên quyết bằng mọi giá sửa đổi Hiến pháp, mở rộng thêm thành phần cử tri bất chấp các cảnh báo, khi vẫn duy trì thời hạn 10 năm định cư, nhưng tính từ năm 2014 so với yêu cầu từ năm 1998 trong thỏa thuận Nouméa.

 

Cải cách dự trù sẽ có hiệu lực cho cuộc bầu cử cấp tỉnh sắp tới, ban đầu được dự kiến vào tháng 5/2024, nhưng nay đã bị hoãn. Nhưng đối với phe đòi độc lập, hành động này của chính quyền trung ương là một lời « tuyên chiến », một hành động thiên vị, theo như phân tích từ nhà nhân chủng học Benoit Trepied trên đài RFI Pháp ngữ ngày 12/04/2024.

 

« Cuộc cải cách này sẽ sửa đổi sâu sắc sự cân bằng bầu cử và nhân khẩu học của đất nước, vì biết rằng trên thực tế, ý nghĩa thực sự của sự hạn chế cử tri này là quá trình phi thực dân hóa đang diễn ra ở Nouvelle - Calédonie. Nghĩa là, vì Nouvelle - Calédonie là một thuộc địa định cư và vẫn còn như thế ở một số khía cạnh nhất định, nên dân số bản địa thuộc địa chỉ chiếm thiểu số.

 

Và do vậy, kết quả của các cuộc đàm phán chính trị, của các cuộc đối đầu, v.v., là chúng ta hạn chế thành phần cử tri sao cho người dân bản địa không bị nhấn chìm trong dòng cử tri, mà còn có thể chia sẻ quyền tự quyết của mình với những người đã ở đó từ lâu, người Calédonie. Chính vì điều này mà người ta đã lập ra một dự án công dân Nouvelle - Calédonie. Nhưng tất cả những điều này đang gặp vấn đề do mong muốn thay đổi thành phần cử tri của chính phủ. »

 

Ngoài ra, phe đòi độc lập còn chỉ trích chính phủ tổng thống Macron đã đánh giá thấp tầm mức của vụ việc khi giao quyền xử lý hồ sơ cho bộ trưởng Nội Vụ, thay vì là phủ thủ tướng như thông lệ. Romuald Pidjot, trợ lý thư ký cho Liên hiệp Cadolénie, trên đài France Culture giải thích :

 

« Theo truyền thống, thủ tướng là người xử lý hồ sơ. Sự thay đổi này được coi là không tính đến tầm quan trọng của hồ sơ. Chúng tôi luôn nói rằng Nouvelle - Calédonie là một vấn đề phải được xử lý ở cấp độ luật pháp quốc tế. Vì vậy, người đối thoại của chúng tôi phải là thủ tướng. Khi chúng ta thay đổi người đối thoại này và đưa Bộ trưởng Nội vụ vào, điều đó giống như nói rằng Nouvelle - Calédonie là một vấn đề nội bộ. Nouvelle - Calédonie là lãnh thổ của Pháp. Và như vậy, chúng ta đang tiếp cận chủ đề này một cách rất tệ hại ».

 

Bị chỉ trích là vừa « châm lửa đốt nhà vừa chữa cháy » từ phe đối lập, hay « nỗ lực tái thuộc địa Nouvelle – Calédonie » từ phe đòi độc lập, tổng thống Macron hôm 22/05/2024 đã bất ngờ công du Nouvelle – Calédonie. Làm thế nào nối lại đối thoại trong khi niềm tin đã tan vỡ ? Đây sẽ là một bài toán khó cho ông Macron !

 

--------------------------

Các nội dung liên quan

 

PHÁP - NOUVELLE CALEDONIE - BẠO LOẠN

Khủng hoảng tại Nouvelle-Calédonie : Nhiều nghị sĩ Pháp đề nghị lập ủy ban đối thoại

 

PHÁP - NOUVELLE-CALEDONIE

Nouvelle-Calédonie : Tổng thống Pháp gặp lãnh đạo các phong trào đòi độc lập

 

PHÁP - NOUVELLE-CALEDONIE

Bạo động tại Nouvelle-Calédonie : Pháp triển khai thêm quân đội để « bảo vệ các công sở »

 

=======================================================

 

Nouvelle-Calédonie : Tổng thống Pháp gặp lãnh đạo các phong trào đòi độc lập

Thanh Hà  -  RFI

Đăng ngày: 23/05/2024 - 14:25

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A1p/20240523-nouvelle-cal%C3%A9donie-t%E1%BB%95ng-th%E1%BB%91ng-ph%C3%A1p-g%E1%BA%B7p-l%C3%A3nh-%C4%91%E1%BA%A1o-c%C3%A1c-phong-tr%C3%A0o-%C4%91%C3%B2i-%C4%91%E1%BB%99c-l%E1%BA%ADp

 

Tại Nouvelle-Calédonie hôm nay, 23/05/2024, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tiếp xúc với đại diện của « tất cả các phong trào đòi độc lập », nhưng tránh loan báo những bước kế tiếp về dự án sửa đổi thể thức bầu cử tại vùng lãnh thổ hải ngoại này. Chính dự án cải tổ Hiến pháp là nguyên nhân dẫn đến bạo động từ hơn 10 ngày qua, làm 6 người chết, trong đó có 2 hiến binh. Chuyến đi Nouvelle-Calédonie của tổng thống Macron nhằm « nối lại đối thoại, vãn hồi trật tự an ninh ». 

 

https://s.rfi.fr/media/display/f0f364ce-18fc-11ef-a211-005056a97e36/w:980/p:16x9/2024-05-23T001631Z_1064643917_RC20W7AULGXM_RTRMADP_3_NEWCALEDONIA-VIOLENCE-MACRON.webp

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gặp các quan chức địa phương ở Nouvelle-Calédonie tại tư dinh của Cao ủy Pháp Louis Le Franc tại Noumea, ngày 23/05/2024. via REUTERS - LUDOVIC MARIN

 

Ngay trong những giờ đầu khi vừa đặt chân đến Nouvelle-Calédonie, tổng thống Pháp đã tiếp xúc với đại diện của phe chủ trương vùng lãnh thổ hải ngoại này vẫn thuộc Pháp. Với phe này, ông Macron cam kết « nhanh chóng đưa ra những quyết định » để chấm dứt khủng hoảng. Tổng thống Pháp cũng cho biết là nếu cần, ông có thể ở lại Nouvelle-Calédonie lâu hơn dự kiến.

 

Đến cuối ngày, nguyên thủ quốc gia Pháp đã tiếp đại diện của tất cả các phong trào đòi ly khai và khẳng định lại quyết tâm « nối lại đối thoại, tái lập an ninh » cho Nouvelle-Calédonie. Song một cách gián tiếp tổng thống Macron xác nhận rằng « làm dịu tình hình », « đối thoại mang tính xây dựng », « tìm kiếm một giải pháp chính trị » không có nghĩa là phủ nhận nguyện vọng của người dân ở Nouvelle-Calédonie được thể hiện qua ba cuộc trưng cầu dân ý, bác bỏ việc tách rời vùng lãnh thổ hải ngoại này khỏi nước Pháp.

 

Cũng trong ngày đầu tiên đến Nouvelle-Calédonie, ông Macron đã ghé một trụ sở cảnh sát ở thủ phủ Nouméa. Tại đây, tổng thống Pháp đã mạnh mẽ lên án một « cuộc nổi dậy hoàn toàn chưa từng thấy ».  Bạo loạn từ nhiều ngày qua làm 6 người thiệt mạng, trong đó có 2 hiến binh.

 

Tình hình tại chỗ hôm nay yên ắng hơn hẳn so với những ngày qua. Theo các giới chức địa phương, tính từ ngày 12/05/2024, có 281 người bị bắt giữ, đại đa số là do đập phá các thiết bị công cộng. Tuy nhiên, giới quan sát ghi nhận đây mới chỉ là một sự lắng dịu tạm thời.

 

Phóng viên của AFP cho biết, ở một số khu đông dân cư thuộc các cộng đồng người Kanak và bản địa, thanh niên vẫn đằng đằng sát khí, sẵn sàng tiếp tục đập phá. Nhiều biểu ngữ của phe đòi độc lập kêu gọi « không khoan nhượng » vẫn được trông thấy. Phe này vẫn một mực bác bỏ dự án cải tổ quy chế bầu cử tại Nouvelle-Calédonie được cho là bất lợi cho các cộng đồng người bản địa.

 

Nhiều hàng rào vẫn được duy trì để kiểm soát an ninh. Sự hiện diện của cảnh sát, hiến binh được tăng cường tại khu vực thủ phủ Nouméa. Ông Macron loan báo lực lượng 3.000 cảnh sát và hiến binh được điều đến Nouvelle-Calédonie sẽ tiếp tục hiện diện tại đây « khi nào còn cần, kể cả trong giai đoạn diễn ra Thế Vận Hội và Paralympic Paris », nghĩa là cho tới đầu tháng 9/2024. Nhưng tổng thống Pháp không thiên về giải pháp kéo dài tình trạng khẩn cấp  tại vùng lãnh thổ hải ngoại này, với điều kiện là ổn định phải được tái lập.

 

----------------------------

Các nội dung liên quan

 

PHÁP - NOUVELLE-CALÉDONIE

Tổng thống Pháp bất ngờ công du Nouvelle – Calédonie

 

PHÂN TÍCH

Tại sao Azerbaijan bị cáo buộc kích động bạo loạn chưa từng có ở Nouvelle-Calédonie ?

 

PHÁP - NOUVELLE-CALEDONIE

Bạo động tại Nouvelle-Calédonie : Pháp triển khai thêm quân đội để « bảo vệ các công sở »

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats