Tuesday 21 February 2023

TRUNG QUỐC TO MỒM, HOA KỲ CỨNG RẮN, LIÊN BANG ĐỨC CHỜ XEM HÀNH ĐỘNG CỤ THỂ (Thục Quyên)

 



Trung Quốc to mồm, Mỹ cứng rắn, Đức chờ xem hành động cụ thể

Thục Quyên

21/02/2023

https://baotiengdan.com/2023/02/21/trung-quoc-to-mom-my-cung-ran-duc-cho-xem-hanh-dong-cu-the/

 

Bối cảnh Hội nghị An ninh Munich lần thứ 59 (năm 2023)

 

Các cuộc tranh luận giữa những tầm nhìn khác nhau về trật tự quốc tế trong tương lai thường trừu tượng và mang tính lý thuyết. Nhưng với cuộc xâm lăng Ukraine, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã biến cuộc đụng độ giữa những khuynh hướng đang cạnh tranh nhau, thành một hiện thực tàn khốc và chết chóc.

 

Các nền dân chủ tự do trên thế giới đang thức tỉnh trước những thách thức do độc tài và chủ nghĩa xét lại tạo ra, và họ đã thực hiện những bước quan trọng đầu tiên để đẩy lùi làn sóng này. Nhưng để các nguyên tắc tự do-dân chủ chiếm được ưu thế hơn các biến thể chuyên quyền, các nền dân chủ phải cải tổ tầm nhìn của họ về một trật tự quốc tế đáng mơ ước (1).

 

Một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và tự do, cần được phác họa lại, để củng cố khả năng phục hồi của nền dân chủ trong thời đại cạnh tranh khốc liệt mang tính hệ thống với các chế độ chuyên quyền. Theo ban tổ chức Hội nghị An ninh Munich, để trật tự mới này trở nên hấp dẫn hơn trong cộng đồng quốc tế rộng lớn và giúp nó chiến thắng trong cuộc tranh giành trật tự quốc tế trong tương lai, các nền dân chủ cũng phải lưu tâm đến những lời chỉ trích và quan ngại chính đáng của cộng đồng quốc tế rộng lớn (không chỉ thuộc phương Tây).

 

Với cuộc xâm lược tàn bạo và vô cớ vào một quốc gia có chủ quyền, Moscow đồng thời tiến hành một cuộc tấn công chống lại các nguyên tắc nền tảng của trật tự sau Thế chiến thứ hai. Tuy nhiên, nỗ lực của một cường quốc độc tài nhằm loại bỏ một nền dân chủ tại một quốc gia/ dân tộc có chủ quyền, không là dấu hiệu duy nhất cho thấy chủ nghĩa xét lại và chuyên quyền đang gia tăng. Mà thêm vào đó, sự ủng hộ ngầm của Trung Quốc đối với cuộc chiến của Nga, tư thế quân sự của Trung Quốc nhằm khẳng định phạm vi ảnh hưởng của riêng mình ở Đông Á, và những nỗ lực toàn diện của nước này nhằm thúc đẩy thay thế trật tự quốc tế tự do dựa trên luật lệ bằng chế độ chuyên quyền, thể hiện tầm thách thức cao độ của chiều hướng chuyên chế.

 

.

Mời Trung Quốc tham dự mà không mời Nga và Iran

 

Giải thích lý do không mời Nga và Iran, chủ tịch Hội nghị An ninh Munich Christoph Heusgen nói: Hội nghị An ninh không coi mình là trung lập. Chúng tôi là một tổ chức trong cơ chế quốc tế đề cao nền chính trị dựa trên luật lệ … và đó là lý do tại sao việc không theo nguyên tắc mời tất cả các quốc gia trong những trường hợp cực đoan như Nga và Iran là hợp lý… Chúng tôi không muốn cung cấp sân khấu cho những tên tội phạm chiến tranh của điện Kremlin tuyên truyền và cũng không cung cấp diễn đàn cho một chế độ vi phạm nghiêm trọng các quyền cơ bản của con người” (2).

 

Như vậy, khi Hội nghị An ninh Munich mời Trung Quốc tham dự, lời mời có thể được hiểu là gián tiếp chứng nhận nhà nước cộng sản Trung Hoa không đang gây chiến tranh và không phải là một chế độ vi phạm nghiêm trọng các quyền cơ bản của con người, đồng thời đặt hy vọng vào tầm ảnh hưởng của Trung Hoa đối với Nga.

 

Trung Quốc đã mau mắn nhận lời, thế giới thở phào, hy vọng một cuộc họp ngoài lề giữa Mỹ và Trung Quốc có thể hé mở một cơ hội cho Hoà bình.

 

.

Trung Quốc to mồm, Mỹ cứng rắn

 

Sự có mặt của Vương nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã ngăn không cho Hội nghị An ninh Munich chủ yếu trở thành một cuộc độc thoại của phương Tây.

 

Phía Vương Nghị, ông đã nắm cơ hội “trình diễn” của mình để trấn an thế giới rằng Trung Quốc cam kết tuân theo một trật tự dựa trên luật lệ và hòa bình thế giới (3) mà cơ sở của những mục tiêu này là sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của tất cả các quốc gia.

 

Tuy nhiên, những nguyên tắc này có vẻ chỉ liên quan đến Đài Loan, mà Vương Nghị một lần nữa nhấn mạnh chỉ là một tỉnh ly khai: “Đài Loan là một phần của lãnh thổ Trung Quốc. Nó chưa bao giờ là một quốc gia độc lập, và nó sẽ không bao giờ như vậy trong tương lai“. Trong khi đó, nhắc tới cuộc chiến Ukraine-Nga, bản thân Vương Nghị không bao giờ đề cập đến từ chiến tranh, mà thay vào đó luôn gọi là “vấn đề Ukraine” hoặc ” cuộc xung đột”.

 

Một mục đích quan trọng của Vương Nghị trong bài phát biểu tại Hội nghị là cố gắng chia rẽ Âu Châu và Hoa Kỳ, mà theo Bắc Kinh, có vẻ như cuộc chiến đã khiến hai bên xích lại gần nhau quá nhiều. Ông ủng hộ “quyền tự trị chiến lược” của Âu Châu và kêu gọi người Âu Châu phải hết sức thận trọng khi mưu đồ hòa bình tại Ukraine, vì theo Vương Nghị có các “thế lực” giấu tên không quan tâm đến một giải pháp hòa bình vì “lý do chiến lược”.

 

Reinhard Bütikofer, một chính trị gia Âu Châu thuộc Đảng Xanh, người hiểu biết về Trung Quốc, phê bình: Đây là sự ám chỉ đến Hoa Kỳ, mà Bắc Kinh coi là kẻ hiếu chiến thực sự.

Vương Nghị lớn tiếng quảng bá một Trung Quốc hùng mạnh là sự bảo đảm cho nhân tính và an ninh trên thế giới; kim chỉ nam của Trung Quốc là đối thoại và hiệp thương thay vì đối đầu như thời Chiến tranh Lạnh. (Tiếc thay bài diễn văn và thái độ của ông ta lại gợi nhớ đến chính những luận điệu của Chiến tranh Lạnh).

 

Đỉnh điểm bài phát biểu là tuyên bố của Vương Nghị sẽ công bố một kế hoạch hòa bình dựa trên sự toàn vẹn lãnh thổ, phản đối xung đột hạt nhân, lưu ý đến các mối quan tâm về an ninh của tất cả các bên liên quan – có lẽ ám chỉ mối lo ngại của Moscow về sự bành trướng NATO có thể xảy ra- nhưng lại hoàn toàn không lên án Nga.

 

Sử dụng vụ “khủng hoảng khinh khí cầu”(4) Vương Nghị thẳng tay công kích Hoa Kỳ, gọi việc Hoa Kỳ bắn hạ khinh khí cầu là “lố bịch và cuồng loạn”, được thúc đẩy bởi các lý do chính trị quốc nội riêng. Theo ông, đây là một lạm dụng vũ lực không thể chấp nhận được và là một cách phản ứng không phải của một quốc gia mạnh, mà của một quốc gia yếu.

 

Chỉ một giờ sau bài phát biểu của Vương Nghị , Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris lên diễn đàn xác nhận sự ủng hộ của Hoa Kỳ và phương Tây đối với Ukraine “sẽ tiếp tục cho tới chừng nào còn cần thiết”. Harris đanh thép cáo buộc Nga phạm tội ác chống lại nhân loại. Bà lo ngại vì Bắc Kinh đã mở rộng quan hệ với Moscow và cảnh báo Trung Quốc không được hỗ trợ vũ khí cho Nga trong cuộc chiến chống lại Ukraine.

 

Cuộc hội đàm kín bên lề giữa ông Vương Nghị và Ngoại trưởng Antony Blinken, theo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, cũng không được thân thiện lắm, nhưng ít ra hai bên đã chấp nhận nói chuyện thẳng với nhau.

 

.

Đức chờ hành động cụ thể của Trung Quốc

 

Bộ trưởng Ngoại giao Đức, bà Annalena Baerbock (thuộc đảng Xanh) khéo léo hoan nghênh Trung Quốc đã tự thấy có ” trách nhiệm bảo vệ hòa bình thế giới”. Được hỏi bà đón nhận tuyên bố lập kế hoạch hòa bình của Trung Quốc ra sao thì Baerbock trả lời: “Khi (tôi) suốt năm làm việc vì hòa bình, thì phải nắm bắt mọi cơ hội có thể giúp đưa tới hòa bình” (5).

 

Baerbock cũng cho biết, trong cuộc gặp kín với Vương Nghị bà đã chia sẻ sâu sắc về ý nghĩa của một nền hòa bình công bằng: “Không phải thưởng cho kẻ xâm lược, mà phải bảo vệ luật pháp quốc tế và bảo vệ những người bị tấn công“. Với tư cách là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp quốc, Trung Quốc có nghĩa vụ sử dụng ảnh hưởng của mình để bảo đảm hòa bình thế giới. Cũng như năm ngoái, đứng trước mối đe dọa hạt nhân từ Nga, Trung Quốc đã lên tiếng cảnh báo với tư cách là thành viên của Hội đồng Bảo An, giờ đây “thật là tốt nếu họ thấy có trách nhiệm đứng lên bảo vệ hòa bình thế giới”.

 

Hòa bình thế giới dựa trên cơ sở “tất cả chúng ta đều thừa nhận sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của mỗi quốc gia“. Đồng thời, một nền hòa bình công bằng cũng giả định rằng “kẻ vi phạm toàn vẹn lãnh thổ, cụ thể là Nga, phải rút quân khỏi quốc gia bị chiếm đóng“.

 

Trong khi đó, đa số các chính trị gia Đức như ông Wolfgang Ischinger, cựu chủ tịch Hội nghị An ninh Munich, ông Reinhard Bütikofer, thuộc Đảng Xanh, hoặc giới truyền thông Đức, đều tỏ vẻ hoài nghi về kế hoạch hoà bình của Trung Quốc.

 

Ischinger cho rằng “Sẽ là một bất ngờ lớn nếu Trung Quốc tự mình trình bày một lộ trình hòa bình hoàn chỉnh. Ai cũng mong đợi….” nhưng theo đánh giá của ông “chờ đợi điều này có vẻ là không thực tế cho lắm”.

 

Nghị viên Âu châu Reinhard Bütikofer (6) thẳng thừng đánh giá thái độ của Trung Quốc: Bài phát biểu của ông Vương Nghị thể hiện tham vọng đưa Trung Quốc trở thành trung tâm của các mối quan hệ quốc tế….. Bắc Kinh đang “chơi” với lòng cả tin của những người khao khát hòa bình. Điều đáng ngại là những người này sẽ không theo dõi kỹ những gì Trung Quốc thực sự đang làm, và kết quả là “ước muốn sẽ trở thành cha đẻ của sự ngu dốt”.

 

Lời tuyên bố của Trung Quốc về kế hoạch hoà bình theo Bütikofer chỉ là “một quả bóng bay Trung Quốc đã phóng thử nghiệm mà thậm chí không cần ai phải bắn hạ vì nó sẽ tự nổ tung trên không trung”.

_________

 

Tham khảo:

(1) https://securityconference.org/publikationen/munich-security-report-2023/executive-summary/

(2) https://www.rnd.de/politik/sicherheitskonferenz-muenchen-2023-russische-offizielle-nicht-eingeladen-JQRHFJ4OHWNATF752NCOLXXJ2E.html

(3) https://www.zdf.de/nachrichten/politik/china-sicherheitskonferenz-ukraine-krieg-russland-100.html

(4) https://www.zdf.de/nachrichten/politik/ballon-china-spionage-usa-wetterballon-100.html

(5) https://www.tagesschau.de/ausland/asien/china-ukraine-initiative-101.html

(6) https://www.rnd.de/politik/pekings-friedensplan-fuer-ukraine-laut-china-experte-keine-ernsthafte-initiative-3WPI4Q67PBCBFDPLA6MLL7W5YY.html





No comments:

Post a Comment

View My Stats