Thursday, 2 February 2023

TÂM TƯ TỔNG TRỌNG NGÀY 3/2 : NỖI LÒNG ỨC TRAI và TỐ NHƯ (Nguyễn Hữu Liêm)

 



Tâm tư Tổng Trọng ngày 3-2: Nỗi lòng Ức Trai và Tố Như

Nguyễn Hữu Liêm

03/02/2023

https://baotiengdan.com/2023/02/03/tam-tu-tong-trong-ngay-3-2-noi-long-uc-trai-va-to-nhu/

 

Thử hình dung Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng trong thư phòng trước giờ đi ngủ – sau một ngày lễ lạc bận rộn kỷ niệm 93 năm thành lập Đảng CSVN. Trên bàn viết là hai tập sách ông ưng ý nhất: “Nguyễn Trãi Toàn tập” và “Kim Vân Kiều”. Ông thường mở hai cuốn đó đọc ít dòng trước khi tắt đèn đi nghỉ tối.

 

Hôm nay, ông đọc “Quân trung từ mệnh” của cụ Trãi trước. Cuốn nầy thì ông đã đọc nhiều lần. Ông chỉ lướt qua các hàng có gạch dưới. “Đánh kẻ có tội cứu vớt nhân dân là thánh nhân làm việc đại nghĩa”. Ông cảm thấy một niềm khẳng khái dâng lên trong buồng ngực. Ông lật tiếp thêm vài trang, “Trời và người không ưa, vận hưng thịnh gần hết…” ông cảm thấy bức xúc bồn chồn tự hỏi có thể nào câu nầy của cụ Trãi viết trả lời Vương Thông nêu lên những nhược điểm của quân nhà Minh có thể nói về tình thế của Đảng ta hay không.

 

Ông nhìn qua tấm gương ở góc phòng và thấy chính mình qua câu thơ trong “Quốc Âm thi tập”: “Tuổi cao tóc bạc cái râu bạc; Nhà ngặt đèn xanh con mắt xanh. Ở thế đằng nào là của trọng?” Tự nhiên ông run tay khi đọc đến chữ “trọng”. Tự nhủ lòng với kỳ công chính trị cho đến tuổi nầy, ông nhớ đến câu Kiều khi Từ Hải xưng vương, “Thừa cơ trúc chẻ, ngói tan; Binh uy từ đấy sấm ran trong ngoài. Triều đình riêng một góc trời. Gồm hai văn võ, rạch đôi sơn hà”. Ông ngồi xuống ghế suy nghĩ mênh mang. Nay ta đã đến khúc nầy. Bước đi kế tiếp phải hay cỡ nào!

 

.

Bước chuyển cho ván cờ lưỡng nan 

 

Thế cờ chiến lược của Tổng Trọng đang đi vào hồi nguy khó khi kịch tính cao độ của chính trường đang chuyển động trong câu chuyện mà ông đã tự tay tạo tác. Ông đang giở từng trang giấy để viết lên những đỏan khúc chiến thuật cho chân lý vương triều của Đảng – mà không và chưa thể hình dung ra được một lối thoát chiến lược cho đoạn kết phải đến cho tổ chức và của chính con người ông.  Chỉ trong một thời gian ngắn, rất ngắn, có thể chưa đến một năm thôi, ông sẽ phải dừng bút cho vở kịch lôi cuốn nầy.

 

Tổng Trọng không muốn Đảng sẽ phải như Từ Hải với một kết cuộc bi đát của một anh hùng đầy bi lụy. Ai là kẻ có năng lực, ý chí lớn với viễn kiến cao xa, uy tín cá nhân để lèo lái con thuyền của Đảng trong thời gian tới? Ông biết rằng mình là người cộng sản trung kiên cuối cùng trong cái tổ chức mang danh cộng sản nhưng tự bản chất rất chống cộng sản nầy. Khối đảng viên thực chất chỉ là những kẻ mang tâm ý phản bội lý tưởng Đảng.

 

Hai nhân tố, con người với phẩm chất cách mạng vô sản, ông biết, đang là hai phản đề đối nghịch lẫn nhau trong chính trường quyền lực và chức vụ đang xẩy ra. Ông không muốn buông tay trước bản chất hời hợt chính trị của tập thể lãnh đạo hiện nay – để rồi tất cả sẽ rơi vào tay những con khủng long quyền lực chỉ biết đến quyền lợi bè phái nhân danh lòng ái quốc mà không còn yếu tố cộng sản.

 

Ông không muốn con đường chân lý Hồ Chí Minh trở nên lạc lối và lạc đề trong thế hệ lãnh đạo mà ông đang phải trao truyền. Là một học trò nghiêm túc, chân thành của biện chứng Mác xít, ông thấy được cái nguy cơ phủ định trật tự quốc gia càng ngày càng lớn hơn là ý chí xác định của ông và các đồng chí tuổi già. Vận nước và Đảng từng là Một từ thưở cụ Hồ của ta đi tìm đường cứu nước và dấn thân cách mạng; nay định mệnh quốc gia đang từng ngày bỏ rơi số phận Đảng trong bản sắc mâu thuẫn giữa con người đảng viên đối nghịch lại lòng dân. Làm sao mà trách nhiệm công dân không thể chỉ là quyền lực của đảng viên – mà không làm loảng đi tính trong sáng của ý thức hệ? Tổng Trọng băn khoăn trong thế cờ tiến thoái lưỡng nan nầy.

 

Tổng Trọng nhớ đến câu viết của Nguyễn Trãi, “Tướng là người giữ vận mệnh của quân”. Và nhất là, “Thời có thịnh suy, quan hệ ở vận trời. Thế có kẻ mạnh, kẻ yếu; cũng là lẽ trời lòng người, thuận hay nghịch, hướng theo hay trái nghịch”. Ông băn khoăn lo rằng lòng dân đang đi về hướng đối nghịch.  Đảng ta sẽ không như là một cây cổ thụ già được bứng từ rừng hoang về chôn rễ nơi phố xá để cho quan chức đảng viên làm lễ trồng cây qua bình nước lã. Ông rất ghét hình thức hoa hòe nặng phần lễ nghi của đảng viên đầy thô kệch và tốn kém. Nhưng nói mãi bọn chúng vẫn không nghe. Vẫn những lẵng hoa phủ mặt các diễn giả lùn đứng sau bục giảng đọc những bài sớ quen thuộc xưa nay. Cái nét phong hóa cung cách sớ cầu đó vừa cùng lúc gìn giữ giềng mối trật tự cho làng xóm và cũng gây bao nhiêu phiền toái chịu đựng cho thần dân. Ông mơ hồ thấy rằng cái cung cách thô kệch và hợm hĩnh của đảng viên chính là những phấn bụi gây dị ứng cho thế hệ đảng viên mới. Ngày nay, bọn đảng viên trẻ đi họp chỉ để chờ xong diễn văn là kéo nhau ra quán nhậu được cung cấp bởi ngân sách công tác. Có phải Đảng ta đang tiếp nước cho cây cổ thụ phong hóa nông dân nhân danh lý tưởng bần cố nông của người cộng sản? Ông biết mình là tướng đang giữ vận mệnh của quân nhưng lại bất lực nhìn đám dưới trướng không biết lo cho số phận của chuyến tàu chung.

 

.

Trang sách người xưa dẫn lối cho Đảng

 

Về đối ngoại, Tổng Trọng thấy hài lòng. Chuyến đi Trung Quốc vừa qua gặp mặt Tập Cận Bình thật tốt đẹp. Trong buổi yến tiệc chiêu đãi ông ở cấm thành Bắc Kinh, trong phần phát biểu cảm tạ, ông đã trích Mạnh Tử rằng, “Chỉ có người nhân giả là có thể mình là nước lớn mà đi lại tốt với nước nhỏ; người trí giả là có thể mình là nước nhỏ mà hòa hảo với nước lớn. Nước lớn mà đi lại với nước nhỏ chính là biết vui theo đạo trời”. Ông Tập gật đầu vỗ tay khi nghe đến đó. Ta phải khôn khéo đi với cọp dữ. Gữa cảnh long tranh hổ đấu giữa Mỹ và Trung, ta phải biết uyển chuyển tìm thế cân bằng, trung dung. Quan hệ mật thiết với Tập là củ cà rốt lớn ngăn ngừa tham vọng lãnh thổ bá quyền của nhà Trung. Chắc Tập sẽ sợ mất lòng ta và Đảng mà giữ thái độ chiến lược ôn hòa – ít nhất là khi ta đang tại vị. Thế nước nhỏ của ta là đi cờ phòng thủ với nỗi sợ hãi cùng lúc giao thiệp bắt tay với thế giới và láng giềng bằng niềm hy vọng. Tổng Trọng hài lòng với kết quả ngoại giao đạt được.

 

Mỗi thời đại chính trị và số phận quốc gia được ảnh hưởng bởi cuốn sách mà lãnh tụ đọc. Của thời Tổng Trọng hôm nay là hai sách cổ xưa của cụ Trãi và cụ Du; Tập Cận Bình thì Chiến Tranh và Hòa Bình của Tolstoy và Nghệ thuật chiến tranh của Tôn Tử. Trước đó, Mao Trạch Đông say mê Hồng Lâu Mộng và Quân Vương của Machiavelli; Hitler thì có Ý chí quyền lực của Nietzsche; Winston Churchill ngâm nga King Lear của Shakespeare. Xa xưa thì có Alexander Đại Đế thì luôn cặp tay The Illiad trên đường chinh chiến; John Adams của Mỹ thì của Thucydides với Cuộc chiến Peloponnesia; Abraham Lincoln thì gối đầu với tập thơ Lá Cỏ của Whitman.

 

Văn chương dẫn lối cho định mệnh nước non bằng ngôn từ khẩu hiệu ngầm chứa ý chí qua số phận con người ở buổi giao thời. Tổng Trọng rất say mê Kiều nhưng đồng thời ngán ngẩm với hướng đi bi đát của phận người mà cụ Tố Như diễn tả. Chính Kiều đã giam hãm ý chí giải phóng số phận con người để rồi hệ quả là một sự cám dỗ yếu đuối mời gọi thực dân đế quốc đến. Từ bối cảnh đó, Đảng ta đã vươn dậy từ Kiều để chuyển hóa ý chí nhân dân qua sức mạnh tổ chức và trí tuệ tập thể. Cơ đồ chuyển hóa đó vẫn còn đang tiếp tục. Lò củi lửa đốt tham nhũng hiện nay đang cung cấp nguyên liệu đủ mạnh cho sự thanh lọc ý chí lịch sử Đảng – tức là lịch sử Việt Nam – ông nghĩ thế.

 

Tổng Trọng tâm tư tiếp. Từ Kiều mà Đảng ta xác định được căn cước tính quốc gia bằng ý chí phủ quyết quá khứ để làm lại từ đầu. Đảng – nói theo lời Mác – chính là Thượng đế mới dẫm lên đống gạch vụn để chuyển hóa ý thức nhân quần. Đảng đã có nhiều lúc sai lầm; nhưng con đường vinh quang là đại lộ chính. Ta không muốn đưa Đảng nầy đi vào ngõ hẹp của một tập thể nhân dân thiếu ý thức chính trị quốc gia và đạo đức cá nhân. Ta không muốn những sai lầm thối nát của tập thể cán bộ bây giờ quyết định số phận của Đảng. Đây là cơ đồ phục hưng quốc gia bằng chính sách phục sinh đạo lý cho đảng viên. Không còn con lộ nào hơn. Đây chính là số mệnh mà ta phải hòan tất cho nàng Kiều Việt Nam – nếu không thì con sông Tiền Đường sẽ nhận chìm tương lai Đảng. Không lẽ sau ta sẽ là hồng thủy!

 

.

Nhất tâm về một con đường

 

Không, không thể được. Cách mạng mang tên Hồ Chí Minh chính là cách mạng đạo đức con người. Tổng Trọng nói đến nguyên lý sinh học “ontogeny recapitulates phylogeny” – phát huy cá nhân sẽ thâu gặt sinh mệnh giống nòi. Bác Hồ đã nhìn ra chủ nghĩa cộng sản là đại lộ dân tộc vốn mang lý tưởng phục sinh đạo đức cá nhân. Nhưng cơ đồ chân lý đó đang bị khối đảng viên thiếu căn cơ làm suy thoái và hư hỏng từ nội hàm ý thức hệ. Không lẽ ta bó tay và rút lui lúc nầy!

 

Thao thức mãi, Tổng Trọng vẫn không ngủ được. Ông ra lại thư phòng, lần nữa cầm đến sách Nguyễn Trãi. Ông mang kiếng vào, đọc lại mấy vần thơ trong Ức Trai Thi Tập:

 

“Chiêm bao nước thẳm non càng ngái;

Lìa cách thư không nhạn biệt tăm.

Đêm khách thức chong dồn thắc mắc;

Thì thanh trung há phải âm thầm!

Nam châu bạn cũ như ai hỏi,

Nhờ bảo rằng ta vẫn nhất tâm”.

 

Và từ câu thơ nhất tâm ấy, Tổng Trọng nhìn thấy con lộ Đảng Cộng Sản Việt Nam đang được tái hiện thành.

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats