Monday, 13 February 2023

OLYMPIC PARIS 2024 THỬ THÁCH TÍNH TRUNG LẬP THỂ THAO CỦA ỦY BAN OLYMPIC QUỐC TẾ (Anh Vũ / RFI)

 



Olympic Paris 2024 thử thách tính trung lập thể thao của CIO

Anh Vũ  -  RFI

Đăng ngày: 13/02/2023 - 13:49

https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-th%E1%BB%83-thao/20230213-olympic-paris-2024-th%E1%BB%AD-th%C3%A1ch-t%C3%ADnh-trung-l%E1%BA%ADp-th%E1%BB%83-thao-c%E1%BB%A7a-cio

 

Còn hơn một năm nữa đến kỳ Thế vận hội mùa hè Paris 2024, những ồn ào về sự tham dự của các vận động viên Nga và Belarus lại nổi lên, kéo theo các đe dọa tẩy chay sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh, của Ukraina và được nhiều nước đồng minh ủng hộ. Chính trị lại một lần nữa thử thách tính trung lập của thể thao. 

 

Từ sau cuộc chiến tranh Nga xâm lược Ukraina nổ ra hồi cuối tháng 2/2022, các vận động viên Nga và Belarus đã bị loại khỏi hầu như tất cả các cuộc thi đấu thể thao quốc tế theo khuyến nghị của Ủy Ban Olympic Quốc Tế (CIO). Các tranh cãi nổi lên khi cuối tháng Giêng vừa qua CIO bất ngờ thông báo việc soạn thảo các điều kiện và hình thức cho phép các vận động viên của hai nước trên hội nhập trở lại với thể thao thế giới, trong khi sự kiện thể theo lớn nhất hành tinh, Thế vận hội mùa hè Paris sẽ khai mạc vào ngày 26/07/2024. Một số các điều kiện đó là các động viên đó phải thi đấu trong màu cờ trung lập, không có hành vi “ ủng hộ tích cực cuộc chiến tranh tại Ukraina” và tuân thủ các quy định chống doping  của quốc tế, các điều kiện trên phải được kiểm chứng.... 

 

Mới chỉ là các cuộc tham khảo, tư vấn, CIO chưa có một quyết định nào, nhưng ngay lập tức Ukraina đã có phản ứng gay gắt, dọa tẩy chay Thế vận hội mùa hè Paris 2024, nếu các vận động viên Nga và Belarus được phép tham dự sự kiện.  

 

Sự việc có vẻ như đi theo chiều hướng phức tạp hơn khi hôm 10/02,  bộ trưởng thể thao của khoảng ba chục nước họp hội nghị trực tuyến, dưới sự chủ trì của Luân Đôn, để bàn về chủ đề trên. Hội nghị tuy không thảo luận cụ thể về khả năng tảy chay Thế vận hội Paris 2024, nhưng theo AFP, gần như toàn bộ các nước tham dự hội nghị đều bày tỏ ủng hộ cấm các vận động viên Nga và Belarus tham gia Olympic Paris 2024, riêng bộ trưởng  thể thao của Pháp,  Hy Lạp và Nhật Bản không không tỏ quan điểm. Tất cả những ý kiến, lập trường của lãnh đạo chính trị của các nước, kể cả nước chủ nhà đều mang tính chất tham khảo. Quyền quyết định cuối cùng thuộc về Ủy Ban Olympic Quốc Tế. 

 

.

Trả lời phỏng vấn RFI Pháp ngữ, ông Patrick Clastre, nhà nghiên cứu lịch sử và địa chính trị thể thao quốc tế thuộc Đại học Lausanne, Thụy Sĩ phân tích lý do CIO, cụ thể của ông chủ tịch Thomas Bach lật lại vấn đề vận động viên Nga và Belarus cũ 

 

 Ông Patrick Clastre : Ông Thomas Bach dường như đang đứng trước một hoàn cảnh chưa từng thấy khi mà một số quốc gia, nhất là ở châu Âu phẫn nộ với ý kiến đề xuất các vận động viên Nga và Belarus có thể tham dự thế vận hội. Quyết định đầu tiên là ông đã đề nghị các liên đoàn thể thao quốc tế không cho các vận động viên của hai nước trên tham dự thế vận hội và bây giờ ông lùi lại. Điều gì xảy ra ở  giữa 2 quyết định đó.   

 

Một mặt, ông Thomas Bach bị áp lực của Nga và các đồng minh của họ. Ta không nên quên là các liên đoàn bộ môn thể thao quốc tế có vai trò đáng kể trong Ủy Ban Olympic Quốc tế. Có lẽ giờ đây ông cảm thấy đi quá xa và có thể điều đó sẽ mở cửa cho những chương khác tương tự. Nếu mà tất cả các nước gây chiến tranh đều bị loại khỏi Thế vận hội thì có lẽ sẽ không còn Olympic nữa. Đó là hoàn cảnh của ông Thomas Bach hiện nay.  

 

Ta cũng có thể thêm ý cho rằng có thể ông đã loại bỏ ảnh hưởng của Nga trong các liên đoàn thể thao quốc tế vì sau cuộc xâm lược Ukraina, 5 lãnh đạo các liên đoàn quốc tế bộ môn olympic đã phải từ chức hay điều chuyển công việc. Giờ ông muốn trả lại vị trí cho người Nga trên phương diện các vận động viên.   

 

.

Có nhiều ý kiến cho rằng  CIO có ý định mở cửa cho các vận động viên Nga và Belarus tham gia Olympic là nhằm tránh không để Nga quy tụ  các nước bè bạn lập  liên minh thể thể thao để tổ chức các cuộc thi đấu riêng. Ở góc độ này chuyên gia Patrick Clastre phân tích

 

Patrick Clastre : Đó cũng là một nguy cơ cho ông Thomas Bach và sẽ là một nguy cơ lịch sử cho Ủy Ban Olympic Quốc tế khi có các tổ chức khác ra đời bên ngoài phong trào Olympic và quy tụ các quốc gia. Thí dụ đã được biết đến đó là việc Liên Xô đã tổ chức đại hội Spartakiad riêng trong những năm 1930 để đối lại với Olympic. Một thí dụ khác cũng đã được biết đến đại hội thể thao của thế giới thứ 3 trong những năm 1960, sự kiện khi đó đã được Trung Quốc bảo trợ. CIO luôn ám ảnh nỗi lo có những tổ chức thể thao quy mô quốc tế đối lại với phong trào của mình.

CIO hẳn vẫn nhớ, cách đây không lâu Nga đã có một vài bước đi nhằm lôi kéo các nước như Trung Quốc, Ấn Độ và một số quốc gia châu Phi, thậm chí cả châu Mỹ Latin tham gia tổ chức các cuộc thi đấu thể thao ngoài khuôn khổ của Ủy Ban Olympic Quốc tế. Nga liệu có khả năng tạo ra những cuộc thi đấu thể thao đối lại với Olympic không? Chắc chắn là không, nhưng ông Thomas Bach không muốn có rắc rối đó. Ông muốn đoàn kết đại gia đình Olympic, như ông vẫn nói và tránh hiện tượng ly khai thể thao ở nơi này hay nơi khác trên thế giới. Nên biết, Ủy Ban Olympic Quốc tế chỉ lãnh đạo nửa địa cầu thể thao mà thôi.   

 

.

Chủ tịch CIO đã có thư trả lời cứng rắn lên án việc Uklraina đe dọa tẩy chay Thế vận hội nếu Nga tham dự. Nhưng không chỉ riêng Kiev, các đe dọa tương tự đang lan rộng ở bán đảo Scandinavi, các nước khu vực Baltic, Ba Lan cũng sẵn sàng làm như vậy, nếu như từng đó nước nước vắng mặt sẽ là rắc rối lớn cho định chế Olympic.   

 

Patrick Clastre : Đây là vấn đề tương quan sức mạnh. CIO có thể diện đạo đức. Nhưng thực tế, cũng giống như mọi định chế khác, CIO cũng có cân nhắc địa chính trị. Trong trường hợp mà có quá nhiều nước mà lại là những quốc gia dân chủ đe dọa tẩy chay Thế vận hội, thì Ủy ban sẽ chỉ cách duy nhất là không mời vận động viên Nga và Belarus. CIO có quyền đó. Ủy ban tổ chức của một kỳ Thế vận hội cũng có quyền đó. Ở đây, quả bóng đang trong chân ông Tony Estanguet, chủ tịch Ủy ban tổ chức Paris 2024. Nhưng dù gì, CIO vẫn là cấp có quyền cao nhất, ra quyết định cuối cùng. Như vậy là trước mặt ông Thomas Bach đang có một kiểu như cái bẫy về tính trung lập.

 

.

Hồ sơ tế nhị đối với Pháp 

 

Trong một bức thư gửi Ủy Ban Olympic Quốc gia Ukraina đề ngày 31/01/2023 mới được tiết lộ, chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc Tế đã   phê phán mạnh mẽ các đe dọa và kêu gọi tẩy chay Thế vận hội Paris của Ukraina nếu các vận động viên Nga và Belarus được tham dự. Ông Thomas Bach lên án thái độ lập trường như vậy của các lãnh đạo chính trị ở Kiev là « đi ngược lại các nguyên tắc cơ bản của phong trào Olympic », đồng thời ông nhấn mạnh các áp lực của của Ukraina được đa số các Ủy ban Olympic quốc gia và các liên đoàn thể thao quốc tế. đánh giá là « cực kỳ đáng tiếc ». Trong thư ông viết : « Như lịch sử đã chứng minh, các vụ tẩy chay trước đây đều đã không đạt mục đích chính trị và chỉ có tác dụng trừng phạt các vận động viên » của những nước liên quan. 

 

Bản thân ông Thomas Bach cũng có thể coi là một nạn nhân của tẩy chay thể thao. Khi còn là vận động viên đấu kiếm, ông đã mất cơ hội bảo vệ huy chương vàng Olympic tại Thế vận hội Matxcơva 1980 vì Berlin tẩy chay. 

 

Lãnh đạo định chế Olympic quốc tế cũng nhắc lại, mọi hành động tẩy chay thể thao đều bị coi là « vi phạm Hiến chương Olympic ». Dù ông không nhắc đến chuyện trừng phạt vì vi phạm Hiến chương, nhưng giới quan sát đều còn nhớ trường hợp của Bắc Triều Tiên đã bị CIO cấm tham dự Olympic mùa đông Bắc Kinh 2022 chỉ vì tẩy chay Thế vận hội mùa hè Tokyo 2021. 

 

Ông Thomas Bach bảo đảm rằng việc tham gia của các vận động viên Nga và Belarus dưới mầu cờ trung lập thậm chí vẫn còn chưa đưa đề cập đến, vì thế những nỗ lực gây áp lực của Kiev nhằm ngăn chặn là « non nớt ». 

 

Tuy nhiên Anh Quốc, nước ủng hộ nhiệt tình Ukraina từ đầu cuộc chiến tranh, cũng như nhiều nước Châu Âu như Cộng Hòa Séc, Island, Na Uy, Thụy Điển và không thể thiếu Ba Lan đã chỉ trích lập trường của CIO.  Bộ trưởng Thể thao Anh Lucy Frazer tuyên bố : « Chúng ta phải yêu cầu CIO chứng minh được rằng các giá trị của phong trào Olympic phải mang ý nghĩa nào đó. Chúng ta phải rõ ràng về những hệ quả của cuộc xâm lược phi pháp này. » 

 

Trong khi đó Hoa Kỳ cho biết lập trường ủng hộ để các vận động viên Nga và Belarus thi đấu dưới màu cờ trung lập. Riêng với nước Pháp cũng như thủ đô Paris, thành phố đón Thế vận hội, vấn đề này ngày càng trở nên nhạy cảm.  Tổng thống Pháp Emmanuel Macron dù bị hối thúc của đồng nhiệm Ukraina, cho biết sẽ bày tỏ quan điểm cá nhân vào « mùa hè » tới. Hiện tại lãnh đạo Pháp vẫn rất thận trọng với hồ sơ này. Như dịp World Cup Qatar 2022, ông Macron đã quả quyết rằng « không nên chính trị hóa thể thao ». 

 

Ủy ban Olympic quốc tế lúc này vẫn khẳng định chỉ có các liên đoàn thể thao quốc tế là có quyền quản lý điều hành các cuộc thi đấu ở Thế vận hội. Đến lúc này các liên đoàn đó đều giữ im lặng 

 

------------------------------

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

TẠP CHÍ THỂ THAO

Chiến tranh Ukraina : Thể thao thế giới từ bỏ nguyên tắc trung lập chính trị tẩy chay Nga

NGA - BELARUS - OLYMPIC 2024

Paris 2024 : CIO nêu điều kiện để các VĐV Nga và Belarus được thi đấu trở lại

 

 

 

 

No comments:

Post a Comment

View My Stats