Friday, 3 February 2023

NHẬN XÉT VỀ NHỮNG THÔNG TIN HÓNG ĐƯỢC TỪ CUỘC CHIẾN TRANH NGA – UKRAINE NGÀY 2/2/2023 (Bình Đoàn)

 



NHẬN XÉT VỀ NHỮNG THÔNG TIN HÓNG ĐƯỢC TỪ CUỘC CHIẾN TRANH NGA – UKRAINE NGÀY 2/2/2023   

Bình Đoàn

2-2-2023  11:20   

https://www.facebook.com/groups/tintucukraina.thegioi/posts/3145562318920727/

 

Bài phân tích chiến sự của bác Phúc Lai Gb

 

1. Về tình hình chiến sự chiến trường miền đông Ukraine.

 

Tuần trước Prigozhin chủ tập đoàn phát-xít mới Wagner tuyên bố lính của hắn ta đã chiếm được làng Blahodatne, phía tây Soledar và phía bắc thị xã Bakhmut. Tuy nhiên cũng ngay lập tức phía Ukraine bác bỏ tuyên bố trên.

 

#Bình_loạn_của_Phúc_Lai: làng này chỉ cách điểm địa giới đầu tiên của Bakhmut về phía bắc có 4,3 ki-lô-mét. Chúng ta không có căn cứ cho rằng Prigozhin bịa ra tin trên mà thực tế có thể những trận đánh ở đây là “giành đi giật lại.” Các nguồn tin mạng xã hội cũng mô tả nhiều về cách của quân Ukraine chiến đấu ở đây: nếu Nga đánh rát quá thì rút và sau đó bắn pháo vào. Việc giành đi giật lại kiểu này cũng như chiến thuật biển người của quân Nga đem lại những tổn thất kinh khủng về nhân sự của họ.

 

Đến hôm kia thì nhiều nguồn tin trên mạng xã hội cũng như tin chính thức hôm qua đều xác nhận làng này đã bị quân Ukraine chiếm lại và chưa có những chỉ dấu cho thấy tập đoàn Wagner có thể tổ chức tấn công tái chiếm nó một lần nữa.

 

Cũng liên quan đến chiến trường, một người bạn gửi link bài báo của “Việt Nam tàu nhanh” có tiêu đề: “Lính Ukraine lo ngại trước khả năng thích ứng của quân đội Nga.” Sau khi đọc bài báo tui chỉ lôi ra hai chi tiết:

 

- “Theo ông (...) và một số người khác, lực lượng chính quy Nga đang ẩn nấp và phân tán kho đạn tốt hơn nhiều.”

 

- Tuy nhiên, vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy lực lượng Nga có thể ngay lập tức tạo ra đột phá chiến lược.

 

Đây chính là những điều mà chưa đọc bài báo tui đã định trả lời cho người bạn, và khi đọc thì hoá ra trong bài cũng có. Thứ nhất, đúng là quân Nga buộc phải thích ứng với tình hình mới, nghĩa là phân tán các kho hậu cần tiền tuyến và những kho lớn ở hậu phương thì phải chuyển ra xa sau chiến tuyến, ngoài tầm pháo của người Ukraine – như trước đây chúng ta đã có thông tin là phải cỡ 90 ki-lô-mét. Thậm chí các sở chỉ huy từ cấp Sư đoàn đến Tập đoàn quân cũng phải rời đến khoảng cách như thế.

 

Chúng ta lại nhớ câu chuyện buồn cười của “đồng chí” trung tướng Andrei Sychevoi. Đồng chí này được bổ nhiệm Tư lệnh quân khu miền tây từ tháng Bảy 2022, và khi HIMARS xuất hiện trên chiến trường thì cả sở chỉ huy của hắn cũng phải chuyển ra sau chiến tuyến 90 ki-lô-mét. Khổ cái đo khoảng cách thì đúng rồi, nhưng là đo từ... Izyum từ nam lên bắc trong khi người Ukraine còn có một mũi tấn công nữa từ đông sang tây và chỉ một cú hành tiến đã vượt quá sở chỉ huy của hắn ta và hắn ta bị tóm gọn khi mặc quân phục đeo quân hàm trung tá, ngày 2 tháng Chín năm 2022 cùng với nguyên Ban tham mưu của mình. Đúng là không kịp trở tay.

 

Quay lại với gạch đầu dòng thứ nhất trên đây: vậy thì nếu họ (người Nga) tổ chức đánh lớn, tình hình xe tải sẽ ra sao? Đường sá cầu cống thế nào? Việc tấn công đòi hỏi phải tập trung một số đơn vị lớn lên tuyến xuất phát, dù có phân tán đến đâu thì cũng chỉ ở trong một khoảng cách nhất định thôi. Theo truyền thống, khí tài của Liên Xô (1) ăn nhiên liệu như quỷ đói và (2) chứa được rất ít đạn vì vậy hệ thống hậu cần nếu cứ giữ ở xa, lại yêu cầu nhiều xe tải... Câu chuyện sẽ lại lặp lại, có điều chưa phải là bây giờ.

 

Do đó chúng ta có gạch đầu dòng thứ hai. Vì hậu cần vẫn là điểm yếu cố hữu, theo quan điểm cá nhân của tui không thể giải quyết được ngay trong cuộc chiến tranh này, vì nó là vấn đề của HỆ THỐNG, nếu có cố gắng cũng chỉ khắc phục được phần nào thôi. Do vậy có thể rút ra nhận xét: khi phân tán hậu cần, phía Nga phải chấp nhận xé nhỏ các lực lượng tác chiến.

 

Điều đáng nói là tác chiến với những đơn vị nhỏ ở đây là cưỡng bức, không phải là chủ động. Theo một chuyên gia quân sự từ thời Liên Xô, thì học thuyết quân sự Xô-viết tập trung đơn vị tác chiến cơ bản là trung đoàn vì nó có cơ quan tham mưu riêng, độc lập mà các đơn vị cấp dưới không có. Trong khi đó khi hình thành mô hình BTG (cụm tác chiến cấp tiểu đoàn) V. Gerasimov muốn đưa nó thành một đơn vị có sức tấn công mạnh và cơ động tương đương trung đoàn trước đây, việc hỗ trợ hoả lực như thế cũng tương đương cấp trung đoàn.

 

Cuộc chiến tranh của Nga Putox tiến hành ở Ukraine đã làm phá sản mô hình BTG, do đó lúc này họ đang đứng trước thời điểm khó khăn rất lớn. Ngay cả việc lúc này họ đang xé nhỏ các BTG ra để tiến hành tấn công ở Soledar và bây giờ, Bakhmut dù có chút kết quả (tiến lên được vài trăm mét một ngày nhưng khả năng bị pháo sát thương và đòi lại từ người Ukraine là trong nửa nốt nhạc) thì vẫn đang thể hiện một sự bế tắc. Chẳng qua là bản thân việc tổ chức hoả lực hỗ trợ cho các đơn vị tấn công hiện nay của Nga cũng suy giảm, do đó họ mới tiếp tục duy trì được cách tác chiến đó mà thôi.

 

Do phương án “xé lẻ các đơn vị” nhưng tấn công đồng loạt với quân số đông, trong khi quân Ukraine phòng thủ với quân số ít hơn rất nhiều, nên người Nga vẫn đang đạt được những kết quả nhất định. Như hôm qua tui đã viết: Wagner không dựa trên tổ chức hoàn toàn giống như quân đội mà có lẽ, tổ chức của họ linh hoạt hơn, mềm dẻo hơn nhưng lại thiếu cấu trúc cơ bản dạng khung như quân đội.

 

Vì vậy lúc này chiến thuật xé lẻ sẽ phù hợp với giai đoạn duy trì chiến tranh cục bộ với những mục tiêu hạn chế (còn thu nhỏ hơn nữa so với thời #The_Battle_of_Donbas). Như bác nào đã viết khi comment vào bài của tui: V. Gerasimov sẽ không dám bỏ mô hình BTG. Để khắc phục điểm yếu của nó, ông ta hẳn sẽ cho các đơn vị nhỏ hơn như Wagner hoặc lính mới được huy động để đi bảo vệ hai bên sườn của BTG.

 

Đồng thời để phục hồi mô hình này đòi hỏi bộ máy chiến tranh Nga sẽ phải chuẩn bị những số lượng rất lớn: pháo, xe tăng, xe bọc thép chở quân. Đó là lý thuyết, có thực hiện được hay không còn chưa biết.

 

2. Tin RFI ngày 1/2/2023 đưa: theo ông Kuleba – Bộ trưởng ngoại giao Ukraine tổng số xe tăng hạng nặng Ukraine được nhận đến nay đạt con số 120 chiếc.

 

#Bình_loạn_của_Phúc_Lai: vậy là sắp đủ con số tui dự báo trước Tết chục ngày rồi: từ 150 đến 200 chiếc. Tui vẫn tin là họ sẽ kiếm được 200 chiếc khi chiến dịch tấn công sắp tới bắt đầu.

 

Hôm qua tui đã báo cáo các bác về gói viện trợ quân sự mới của Hoa Kỳ cho Ukraine hơn 2 tỉ đô, như một sự nối tiếp cho thái độ hoảng loạn. Chằng hạn “anh bạn” D. Peskov, người phát ngôn Kremlin nói: những tên lửa tầm xa loại Hoa Kỳ sắp viện trợ cho Ukraine chẳng đem lại bước ngoặt cho chiến tranh.

 

Cái này đúng à nha – đặc biệt là đối với các cháu DLV kiểu “bão lửa” hay “mắt thần” suốt ngày ca ngợi vũ khí Nga: xem nhiệt áp Nga trút lửa xuống chỗ này chỗ kia... Hồi đó (cách đây gần hai chục năm khi còn giao du trên các diễn đàn quân sự) tui còn hay hỏi móc: vậy bây giờ nếu chiến tranh nổ ra giữa nước Nga thân yêu của các chú với... ai đó, nước Nga sẽ đánh nhau như thế nào nếu vẫn dựa trên nền tảng Itel? Câm tịt luôn. Bây giờ ở cuộc chiến tranh này khi mà Nga đang bòn mót từng con chip trong máy giặt để lắp tên lửa, thật quá xấu hổ.

 

Nhân tiện nhắc thằng à ông #Trạng_sư_Trạm_Biến_Áp nó viết: “ở nước ngoài con chip chỉ ở trong tủ lạnh còn về Nga nó thành tên lửa chính xác.” Cũng đúng luôn – đồ quân sự nó chỉ cần vậy. Câu chuyện là Nga thân yêu của nó đến chip tủ lạnh còn chẳng làm được, đi bòn từng con một như bòn khố rách. Chán đời.

 

Quay lại với các cháu DLV “bão lửa” và cả thằng chú Peskov của chúng nó: chỉ cần hỏi chú cháu các ông một câu như thế này thôi: vậy giải pháp xe tải của các ông thế nào? Lại câm tịt tiếp. Chẳng phải bây giờ mà hồi HIMARS chuẩn bị được giao cho người Ukraine, người Nga đã om xòm lên những câu tương tự, rồi thì nó được người Ukraine dùng một cách hết sức thông minh và sáng tạo. Điều quan trọng là họ dùng nó để “quại” vào các điểm yếu về hệ thống của các ông.

 

Trong khi đó tên lửa của các ông chỉ bắn nhà dân với trạm điện – có thể làm người ta rét nhưng không bao giờ thắng được với cách tiến hành chiến tranh đó, mà chỉ làm người ta căm phẫn hơn.

 

Đến đây có lẽ, chúng ta sang phần tiếp theo được rồi.

 

3. Hôm qua đúng ngày 1/2/2023, tui xem phim “Hunt” (tên tiếng Hàn “Heonteu” năm 2022) nhưng không phải trên Netflix, mà bản Blueray (lậu) kéo về để xem bằng máy chiếu cho nó sướng.

 

Không rõ người dịch phụ đề cố tình hay bị nhầm, mà để cơ quan tình báo Hàn quốc trong phim là KCIA, với bối cảnh phim là năm 1983. Thời đó KCIA có tên là Cơ quan Kế hoạch An ninh Quốc gia (ANSP) từ năm 1981 – 1999. Xem phim, khán giả nếu hiểu biết một chút hẳn sẽ có thắc mắc rằng tại sao hai Ban: nội địa và hải ngoại của Cơ quan tình báo Hàn quốc lại đi tìm gián điệp. Thực tế cơ quan này là một siêu cơ quan, nhiệm vụ của nó bao gồm cả tình báo lẫn phản gián. Không như ở đâu đó tình báo nôm na là gián điệp, là nhiệm vụ của Cục tình báo trung ương và đi bắt tình báo tức “công an bắt gián đọp” là nhiệm vụ của cơ quan phản gián, hay an ninh nội địa, hoặc cục điều tra Liên bang.

 

Nhưng với Uỷ ban an ninh quốc gia Liên Xô trước đây – KGB thì không thế. Trong lực lượng của nó có cả các đơn vị xe tăng, có bộ đội biên phòng... và nó làm cả nhiệm vụ tình báo lẫn phản gián. Như trường đại học tổng hợp quốc gia Mátxcơva vốn là một đơn vị đặc biệt, do đó cũng được bảo vệ kiêm bị theo dõi đặc biệt. Trong khuôn viên trường có những khu vực mà Uỷ ban an ninh quốc gia chiếm để... làm gì không rõ, như toà nhà chính của họ FSB bây giờ vẫn chiếm cả một tầng, thang máy không bao giờ đỗ lại đó và trong trường có những tầng hầm rất gớm chẳng ai biết.

 

Khi xem phim “Hunt” sẽ thấy nhân viên an ninh / tình báo Hàn quốc làm việc toàn... tra tấn và tui liên tưởng tới cuốn tiểu thuyết phản gián rất hay của Liên Xô “Sợi chỉ mỏng manh” của I.A. Naumov và A. Iakovlev (“Тонкая нить” – Я. Наумов, А. Яковлев) mà tui gửi kèm ảnh bìa bản xuất bản ở Việt Nam năm 1976. Trong tiểu thuyết các nhân viên phản gián của KGB Liên Xô làm việc rất thận trọng và bài bản, đến mức tinh tế. Tất nhiên việc liên quan đến các quan chức ngoại giao nước ngoài thì làm như vậy là đúng, nhưng nhìn chung là đã sa vào nanh vuốt của cơ quan an ninh, nhiều khi bị bắt bí mật không ai biết – coi như là mất tích thì cũng chẳng biết họ sẽ làm gì với mình và số phận của mình sẽ ra sao.

 

Lại dông dài tiếp: công nhận từ “тонкий” nghĩa là “mòng, mảnh, mịn” mà các dịch giả dịch là “mỏng manh” quá là hay. Bọn phiên dịch Tấn Gánh Tây cứ là khóc thét.

 

Quay lại với cơ quan an ninh Liên bang Nga: hiện nay họ có 3 cơ quan chính là FSB (Uỷ ban an ninh quốc gia, như KGB ngày xưa, nó còn có cả Bộ đội biên phòng trong đó và đương nhiên các lực lượng chiến đấu vẫn giữ được như KGB), Cơ quan tình báo đối ngoại (sếp hiện nay là Naryskin) và Tình báo quân sự của Bộ quốc phòng.

 

Trong chiến dịch chống Ukraine, vai trò chính vẫn là FBS của Nga cụ thể là Cục 9 của Tổng cục 5 thuộc Uỷ ban. Những thất bại của nó trong cuộc chiến tranh các bác biết cả rồi. Chung quy là ở cái xứ độc tài, lãnh đạo chỉ thích nghe những điều họ muốn do đó ngay cơ quan quan trọng nhất để nói sự thật là cơ quan an ninh và tình báo mà cũng còn bịa và thêu dệt, không thua mới là lạ.

 

4. Một số tin khác.

 

• Pushilin (người đứng đầu cái gọi là “nước cộng hòa nhân dân Donetsk”) nói về một chiến thắng giả định của Nga là “chiếm Bakhmut” càng chứng tỏ rằng người Nga đang tiếp tục đối mặt với những thách thức trong việc đánh giá chính xác mối quan hệ về thời gian và không gian với khả năng của quân sự Nga.

 

Cá nhân tui thì thấy trận chiến Bakhmut của Nga thể hiện sự sa lầy nghiêm trọng chứ không như cụ LVC thiếu tướng Tây Phi nói là “Nga sẽ không bao giờ sa lầy” đâu. Trước đây tui đã viết liều: “Bakhmut sẽ không bao giờ thất thủ” và ISW cũng đồng ý với tui. Họ không dự báo Bakhmut sẽ thất thủ trước quân Nga, mặc dù bộ chỉ huy Ukraine có thể chọn rút lui hơn là mạo hiểm với những tổn thất không thể chấp nhận được. ISW đánh giá rất khó có khả năng lực lượng Nga có thể tiến hành một cuộc bao vây bất ngờ lực lượng Ukraine ở Bakhmut. Đây cũng là lý do mà nhiều bác đưa ý kiến, có lần comment ở tường nhà tui rất bi quan về tình hình Bakhmut và tui không dám trả lời sợ trở nên to tiếng.

 

Thứ nhất, Nga có vây được thị xã, rất khó. Thứ hai, chiếm được nó thì cũng còn lâu, với tình hình như bây giờ có thể là hàng tuần đến cả tháng nữa, mà đến lúc đó biết những chuyện gì có thể xảy ra. Thứ ba, dù có phải bỏ nó lại thì vị trí của nó cũng không phải là quá chiến lược. Dân cư thì chỉ còn vài trăm người không thể di chuyển.

 

• Cũng trong kế hoạch giả định mình sẽ chiếm được Bakhmut, Bộ Quốc phòng Nga có thể đang cố gắng thay thế hoàn toàn lực lượng Wagner đang tấn công trong khu vực Bakhmut và lân cận. Họ đang tiến hành đưa khung cơ cấu chỉ huy quân sự truyền thống của Nga sau đó sẽ ca khúc khải hoàn với tư cách là bên chiến thắng duy nhất xung quanh Bakhmut.

 

Hôm qua bác bạn Facebook nhắn cho tui về một phương án giả định khác, xin mạn phép bác ấy trích về đây: “Soha vừa đưa tin dẫn nguồn báo Quốc tế và Báo Diễn đàn doanh nghiệp (là 2 tờ cuồng N_ga có tiếng) rằng: Khả năng cao Nga sẽ cố gắng chiếm Bakhmut rồi tuyên bố chiến thắng, hoàn thành chiến dịch quân sự đặc biệt rồi có thể sẽ rút hết quân khỏi Zaporizhizhia, Kherson và một nửa Donbass như trước khi xảy ra chiến sự để cố thủ vùng còn lại của Donbas đã chiếm từ 2014 và cố thủ ở Crimea để hoà hoãn với Ukraine và Phương Tây; tập trung giữ quyền lực cho chế độ Putox và giải toả bớt áp lực trừng phạt, đối phó với bất ổn nội bộ tiềm tàng ngày 1 rõ nét. Trung Quốc được cho là “đã khuyên Nga như họ làm hồi chiến tranh biên giới Việt Trung 1979, nghĩa là chỉ cần chứng minh là “đấy, mày láo là tao đánh. Và tao đánh là không thằng nào dám vào can.”

 

Câu trả lời của tui là: “He he, không tệ.” Có vẻ giả định này tương đồng với ý kiến trước đây của tui: Nga Putox phải có phương án khoanh gọn chiến tranh, nghĩa là cục bộ hoá nó, từ đó đóng băng xung đột, và cũng lại phải giả định rằng phía Ukraine cũng sẽ mệt mỏi và không duy trì được tình trạng chiến tranh lâu hơn nữa. Tuy nhiên kế hoạch khoanh gọn chiến tranh như thế này của người Nga, người Ukraine có chấp nhận hay không lại là một chuyện khác.

 

Có một câu hỏi đố như thế này – “cuộc chiến tranh nào là bất tận?” – Trả lời: “Chiến tranh Triều Tiên” (trong phim Hunt vừa dẫn). Nếu “khoanh gọn chiến tranh” như trên đây mà người Ukraine không đồng ý, thì hậu quả của nó sẽ là một cuộc chiến lâu dài. Nếu như trước đây ở Ukraine có nội chiến 8 năm từ 2014 đến 2022 giữa hai phe li khai được Nga hậu thuẫn, hai nước Cộng hoà tự xưng Donetsk và Luhansk và xung đột đó là hạn chế, cục bộ và lâu dài. Hậu quả của nó là tình trạng đất nước có nội chiến bất ổn cho quốc gia Ukraine. Còn nếu bây giờ nước Nga của Putox lâm vào tình trạng như thế, thì cùng với lệnh trừng phạt / cấm vận / cô lập gần như triệt để nước Nga của Putox sẽ chảy máu đến chết.

 

Putox và chóp bu Nga biết thừa hậu quả sẽ là như vậy nên chắc cũng sẽ cố đánh một trận cuối cùng, như hôm qua tui viết: để còn bầu cử chứ.

 

Cũng trong quan hệ “quân sự ngoài luồng – outsourcing” và “quân sự chính thống” của Nga, các milbloggers nổi tiếng của Nga tiếp tục phơi bày công khai những thất bại của quân đội Nga ở Ukraine trên mạng xã hội và các diễn đàn online. Thậm chí trên truyền hình trực tiếp của nhà nước Nga người ta thản nhiên nói rằng Lực lượng Dù Nga (VDV) đã mất 40 – 50% nhân sự từ khi bắt đầu cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine đến tháng Chín năm 2022. Con số quan trọng này được công khai hoá bất kể nó có chính xác hay không, là đòn đánh thẳng vào các nỗ lực của Bộ quốc phòng Nga nhằm giảm thiểu các thiệt hại của quân đội nước này trong cuộc chiến.

 

Nếu xem truyền hình Nga thì sẽ thấy tình hình càng ngày càng trống đánh xuôi, kèn thổi ngược. Một mặt các DLV Nga vẫn hoạt động nhiệt tình, mặt khác thì ngày càng có những thông tin trái chiều bất lợi cho chiến dịch quân sự đặc biệt của họ ở Ukraine. Kết luận xin nhờ các bác.

 

Trước đây đã có lần tui báo cáo các bác: Dù Putox ký luật đặt toàn bộ nền kinh tế sản xuất Nga vào tình trạng phục vụ chiến tranh, nhưng hoàn toàn không có nghĩa là các tài phiệt Nga (phần lớn kinh tế Nga đã rơi vào tay các tài phiệt) muốn lao động quần quật phục vụ mặt trận như thời Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. Và bây giờ thì ngay các Milblogger Nga cũng than vãn về vấn đề này.

 

Các doanh nghiệp của Nga trong khu vực công nghiệp quốc phòng đang buộc phải mua kim loại từ các nhà luyện kim của chính nước Nga với giá của... Sở giao dịch chứng khoán Luân Đôn. Đồng thời, thị phần cung cấp cho công nghiệp quốc phòng trong hoạt động kinh doanh của công nghiệp luyện kim Nga không đạt nổi tỉ lệ 9% - nhóm “Повёрнутые на Z войне” viết trên Tweeter ngày 1/2.

 

Hồi đó tui đã viết rằng, “ngộ nghĩnh” nhất với Nga là cường quốc quân sự thứ hai thế giới đi đánh nhau với một nước yếu hơn nhiều lần, sau một thời gian đối thủ yếu đó chỉ được bơm vũ khí nhỏ giọt, mà Nga đã phải bước vào một cuộc chiến tổng lực. Tuy nhiên các cháu DLV Pro-Putox xứ Tây Phi sẽ không nhìn thấy một đất nước lao vào chiến tranh như Chiến tranh Vệ quốc ngày xưa, khi mà cả trẻ con cũng đứng máy tiện tiện đạn pháo.

 

Và bây giờ thì sau khoảng 5 tháng Putox ký lệnh, nền kinh tế Nga vẫn... ì thần cụ ra như thế.

 

Nói thêm trước trận đánh sắp tới. Chưa có xe tăng của phương Tây gửi thì người Ukraine cũng đã có nhiều xe tăng hơn rồi. Tui kèm theo bài này ảnh minh hoạ tầm phủ của cái món tên lửa tầm xa GLSDB – đạn cho HIMARS, chứa bom lượn GBU-39. Theo minh hoạ này thì những địa điểm “được cover” sẽ có: Belostok, Brest, Gomel của Belarus; Bryansk, Orel, Kursk, Belgorod, Stary Oskol của Nga; vùng đất của Ukraine tạm bị chiếm có toàn bộ Donbas, hai tỉnh Zaporizhzhia và Kherson và khoảng 4/10 chiều sâu bán đảo Crimea.

 

#Nga_xâm_lược_Ukraine

#bưng_bô_cho_hòa_bình

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats