Tuesday, 7 February 2023

NĂM THỨ HAI CỦA CUỘC CHIẾN UKRAINE SẮP TRỞ NÊN ĐÁNG SỢ HƠN CHÚNG TA TƯỞNG (Thomas L. Friedman / The New York Times)

 



Năm thứ hai của cuộc chiến Ukraine sắp trở nên đáng sợ hơn chúng ta tưởng

Thomas L. Friedman  -   The New York Times

Cù Tuấn, chuyển ngữ

06/02/2023

https://baotiengdan.com/2023/02/06/nam-thu-hai-cua-cuoc-chien-ukraine-sap-tro-nen-dang-so-hon-chung-ta-tuong/

 

Khi chúng ta sắp kỷ niệm một năm cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine — và sự đáp lại dữ dội của Ukraine được hỗ trợ bởi liên minh phương Tây do Mỹ lãnh đạo — câu hỏi sau đây cần được trả lời khẩn cấp: Làm thế nào mà vào ngày 23 tháng 2 năm 2022, hầu như không có ai ở Mỹ lập luận rằng lợi ích quốc gia cốt lõi của người Mỹ là tham gia vào một cuộc chiến tranh gián tiếp với Nga để ngăn nước này xâm chiếm Ukraine, một quốc gia mà hầu hết người Mỹ không thể tìm thấy trên bản đồ dù sau 10 lần tìm kiếm? Và bây giờ, gần một năm sau, các cuộc thăm dò cho thấy đa số người Mỹ vẫn kiên định (mặc dù hơi thu hẹp lại) ủng hộ Ukraine bằng vũ khí và viện trợ, mặc dù điều này có nguy cơ dẫn đến xung đột trực tiếp với nước Nga của Vladimir Putin.

 

Đó là một sự thay đổi chóng mặt của ý kiến dân chúng nước Mỹ. Chắc chắn điều này có thể giải thích được một phần bởi thực tế là, không có lực lượng chiến đấu nào của Mỹ ở Ukraine, vì vậy, có vẻ như tất cả những gì chúng ta đang mạo hiểm lúc này chỉ là vũ khí và tài nguyên — trong khi toàn bộ gánh nặng của cuộc chiến đều do người Ukraine gánh chịu.

 

Nhưng có một cách giải thích khác, ngay cả khi đó là cách giải thích mà hầu hết người Mỹ có thể không nói rõ ra và nhiều người chỉ có thể miễn cưỡng đồng ý.

 

Ở một mức độ sâu xa nào đó, mọi người Mỹ đều biết rằng, thế giới chúng ta đang sống ngày nay đang ổn định nhờ có sức mạnh của Mỹ. Điều đó không có nghĩa là chúng ta luôn biết sử dụng sức mạnh của mình một cách khôn ngoan, chúng ta cũng không thể thành công nếu không có các đồng minh. Nhưng trong phạm vi mà chúng ta đã sử dụng sức mạnh của mình một cách khôn ngoan và phối hợp với các đồng minh, chúng ta đã xây dựng và bảo vệ một trật tự thế giới tự do kể từ năm 1945, vốn mang lại lợi ích to lớn cho chúng ta — cả về kinh tế và địa chính trị.

 

Đây là một trật tự trong đó các cường quốc độc đoán như Đức Quốc xã, đế quốc Nhật Bản hay Nga và Trung Quốc hiện đại không được phép tự do nuốt chửng các nước láng giềng của họ. Và đây là trật tự mà nhiều nền dân chủ có thể phát triển hơn bao giờ hết, và là nơi thị trường tự do và thương mại mở đã giúp nhiều người dân thoát khỏi đói nghèo hơn bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử thế giới. Trật tự này không phải lúc nào cũng hoàn hảo — nhưng trong một thế giới mà sự hoàn hảo không bao giờ có trong thực đơn, trật tự này đã tạo ra gần 80 năm mà không có một cuộc chiến tranh giữa các cường quốc nào, vốn có thể gây bất ổn cho toàn thế giới.

 

Duy trì trật tự tự do này là logic cơ bản đã khiến Mỹ và các đồng minh NATO của họ giúp Kyiv lật ngược cuộc xâm lược “em phải cưới anh hoặc anh sẽ giết em” của Putin vào Ukraine – cuộc tấn công dữ dội đầu tiên của một quốc gia ở châu Âu chống lại một quốc gia khác kể từ Thế chiến II.

 

Bây giờ là tin xấu. Trong năm đầu tiên của cuộc chiến này, Mỹ và các đồng minh có được một thời gian tương đối dễ dàng. Chúng ta có thể gửi vũ khí, viện trợ và thông tin tình báo – cũng như áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Moscow – và người Ukraine sẽ làm phần việc còn lại, hủy diệt quân đội của Putin và đẩy lực lượng Nga trở lại miền Đông Ukraine.

Tôi không nghĩ rằng năm thứ hai sẽ dễ dàng như vậy.

 

Giờ thì rõ ràng là Putin đã quyết định đặt cược gấp đôi, với lệnh tổng động viên trong những tháng gần đây có thể lấy thêm 500.000 tân binh để chuẩn bị một cuộc tấn công mới vào dịp kỷ niệm một năm của cuộc chiến. Số lượng quân lớn rất quan trọng trong chiến tranh – ngay cả khi số lượng quân đó bao gồm một số lượng lớn lính đánh thuê, tù nhân và lính nghĩa vụ chưa qua đào tạo.

 

Về cơ bản, Putin đang nhắn nhủ với Biden: Tôi không thể để thua cuộc chiến này và tôi sẽ trả bất cứ giá nào và chịu bất kỳ gánh nặng nào để bảo đảm rằng tôi sẽ chiếm được một phần Ukraine để có thể biện minh cho những tổn thất của mình. Còn bạn thì sao, Joe? Còn những người bạn châu Âu của bạn thì sao? Bạn đã sẵn sàng trả bất cứ giá nào và chịu bất kỳ gánh nặng nào để duy trì “trật tự tự do” của mình chưa?

 

Điều này sẽ trở nên đáng sợ. Và bởi vì chúng ta đã trải qua gần một thế hệ không có chiến tranh giữa các cường quốc, rất nhiều người đã quên mất điều gì tạo nên kỷ nguyên hòa bình lâu dài của các cường quốc.

 

Trong khi tôi lập luận trong cuốn sách “Chiếc Lexus và cây ô liu” xuất bản năm 1999, rằng sự bùng nổ lớn của kinh doanh, thương mại và kết nối toàn cầu đóng vai trò quan trọng trong kỷ nguyên hòa bình bất thường này, tôi cũng lập luận rằng “bàn tay ẩn giấu của thị trường sẽ không bao giờ hoạt động nếu thiếu một nắm đấm – McDonald’s không thể phát triển nếu không có McDonnell Douglas, người chế tạo máy bay F-15“. Ai đó sẽ cần phải giữ trật tự và thực thi các quy tắc.

 

Đó là nước Mỹ, và tôi tin rằng vai trò đó sẽ được thử thách nhiều hơn bao giờ hết kể từ cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962. Chúng ta vẫn sẵn sàng cho thử thách này chứ?

 

Có một cuốn sách mới quan trọng đã đặt thách thức này trong bối cảnh lịch sử rộng lớn hơn. Trong “Bóng ma trong bữa tiệc: Nước Mỹ và sự sụp đổ của trật tự thế giới, 1900-1941”, nhà sử học Robert Kagan của Viện Brookings lập luận rằng bất cứ điều gì khiến người Mỹ ưa chuộng chủ nghĩa biệt lập có là gì đi nữa, thì thực tế là, trong hơn một thế kỷ qua, đa số trong số họ đã ủng hộ việc sử dụng sức mạnh của Mỹ để định hình một trật tự thế giới tự do giữ cho thế giới nghiêng về các hệ thống chính trị cởi mở và thị trường mở tại nhiều nơi hơn theo nhiều cách hơn trong nhiều thời gian hơn — đủ để giữ cho thế giới không trở thành một khu rừng nhiệt đới Hobbesia.

 

Tôi đã gọi cho Kagan và hỏi ông ấy tại sao ông ấy coi cuộc chiến Ukraine không phải là thứ mà chúng ta đã vấp phải mà là sự mở rộng tự nhiên của vòng cung chính sách đối ngoại kéo dài hàng thế kỷ này của Mỹ mà ông ấy đang viết về nó. Câu trả lời của Kagan sẽ an ủi một số người và khiến những người khác khó chịu, nhưng điều quan trọng là phải có cuộc thảo luận khi chúng ta bước vào năm thứ hai của cuộc chiến này.

 

Trong cuốn sách của tôi”, Kagan nói, “tôi trích dẫn từ bài diễn văn Thông điệp Liên bang năm 1939 của Franklin Roosevelt. Vào thời điểm mà an ninh của Mỹ chưa hề bị đe dọa — Hitler vẫn chưa xâm chiếm Ba Lan và sự sụp đổ của nước Pháp gần như không ai tưởng tượng được — Roosevelt khẳng định rằng, có những lúc ‘trong công việc của con người khi họ phải chuẩn bị để bảo vệ không chỉ nhà của họ, mà còn phải bảo vệ các nguyên lý của đức tin và nguyên lý của nhân loại mà các giáo hội, chính phủ và chính nền văn minh dựa trên đó.’ Trong cả hai cuộc chiến tranh thế giới và trong suốt Chiến tranh Lạnh, người Mỹ đã hành động không phải để tự vệ ngay lập tức mà để bảo vệ thế giới tự do trước những thách thức từ các chính phủ độc tài quân phiệt, giống như họ đang làm ngày nay ở Ukraine“.

 

Nhưng tại sao lại ủng hộ Ukraine trong cuộc chiến này không chỉ vì lợi ích chiến lược của chúng ta mà còn phù hợp với các giá trị của chúng ta?

 

“Người Mỹ liên tục đấu tranh để dung hòa những cách giải thích trái ngược nhau về lợi ích của họ – một bên tập trung vào an ninh của quê hương và một bên tập trung vào việc bảo vệ thế giới tự do bên ngoài bờ biển nước Mỹ. Điều đầu tiên phù hợp với sở thích của người Mỹ là được để yên và tránh các chi phí, trách nhiệm và gánh nặng đạo đức khi thực thi quyền lực ở nước ngoài. Điều thứ hai phản ánh sự lo lắng của họ với tư cách là những người theo chủ nghĩa tự do về việc trở thành thứ mà Roosevelt gọi là ‘hòn đảo đơn độc’ trong một biển các chế độ độc tài quân phiệt. Sự dao động giữa hai quan điểm này đã tạo ra những cú đánh lặp đi lặp lại trong chính sách đối ngoại của Mỹ trong thế kỷ qua”.

 

Kagan nói thêm, các nhà lý thuyết quan hệ quốc tế “đã dạy chúng ta xem ‘lợi ích’ và ‘giá trị’ là khác biệt, với ý tưởng rằng đối với tất cả các quốc gia, ‘lợi ích’ – nghĩa là các mối quan tâm vật chất như an ninh và phúc lợi kinh tế – nhất thiết phải chiếm ưu thế hơn các giá trị. Nhưng trên thực tế, đây không phải là cách các quốc gia ứng xử. Nước Nga sau Chiến tranh Lạnh đã được hưởng mức an ninh cao hơn ở biên giới phía Tây so với bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử của nước này, ngay cả với sự mở rộng của NATO. Tuy nhiên, Putin sẵn sàng làm cho nước Nga trở nên kém an toàn hơn để thực hiện các tham vọng cường quốc truyền thống của Nga, vốn liên quan nhiều đến danh dự và bản sắc hơn là an ninh”. Điều này dường như cũng đúng với Chủ tịch Tập Cận Bình khi đề cập đến việc lấy lại Đài Loan.

 

Tuy nhiên, điều thú vị cần lưu ý là, ngày càng có nhiều đảng viên Cộng hòa, ít nhất ở Hạ viện và trên Fox News, không tin vào lập luận này, trong khi một tổng thống Dân chủ và Thượng viện của ông ta lại ủng hộ. Có gì ở đây vậy?

 

Các cuộc tranh luận về chính sách đối ngoại của Mỹ không bao giờ chỉ là về chính sách đối ngoại,” Kagan trả lời. “Những người theo chủ nghĩa biệt lập trong những năm 1930 chủ yếu là những người theo Đảng Cộng hòa. Nỗi sợ hãi lớn nhất của họ, hoặc họ tuyên bố như vậy, là Roosevelt đang lãnh đạo đất nước theo chiều hướng chủ nghĩa cộng sản. Do đó, trong các vấn đề quốc tế, họ có xu hướng thông cảm với các cường quốc phát xít hơn là những người theo Đảng Dân chủ tự do. Họ nghĩ tốt về Mussolini, phản đối việc hỗ trợ Đảng Cộng hòa Tây Ban Nha chống lại phát xít Franco được Đức Quốc xã hậu thuẫn và coi Hitler như một bức tường thành hữu ích chống lại Liên Xô.

 

Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi ngày nay rất nhiều đảng viên Cộng hòa bảo thủ có thiện cảm với Putin, người mà họ coi là nhà lãnh đạo của cuộc thập tự chinh chống lại tự do trên quy mô toàn cầu. Cần nhắc nhở Kevin McCarthy rằng Đảng Cộng hòa đã bị hủy hoại về mặt chính trị bởi sự phản đối của họ đối với Thế chiến thứ hai và chỉ có thể hồi sinh bằng cách bầu Dwight Eisenhower, người theo chủ nghĩa quốc tế vào năm 1952”.

 

Tuy nhiên, cũng có nhiều tiếng nói từ cánh tả đang đặt câu hỏi một cách chính đáng: Có thực sự cần phải mạo hiểm trong Thế chiến III để đẩy Nga ra khỏi miền Đông Ukraine? Chẳng phải bây giờ chúng ta đã làm tổn thương Putin nặng nề đến mức ông ta sẽ không sớm thử lại một điều gì đó như việc đánh Ukraine nữa sao? Đã đến lúc cho một thỏa thuận bẩn thỉu chưa?

 

Vì tôi nghi ngờ rằng, câu hỏi này sẽ là trung tâm của cuộc tranh luận về chính sách đối ngoại của chúng ta vào năm 2023, nên tôi đã yêu cầu Kagan bắt đầu tranh luận.

 

Ông nói: “Bất kỳ cuộc đàm phán nào khiến lực lượng Nga ở lại trên đất Ukraine sẽ chỉ là một thỏa thuận ngừng bắn tạm thời trước nỗ lực tiếp theo của Putin. Putin đang trong quá trình quân sự hóa hoàn toàn xã hội Nga, giống như Stalin đã làm trong Thế chiến II. Ông ta sẽ ở trong trạng thái này trong một thời gian dài, và Putin đang trông chờ vào việc Mỹ và phương Tây sẽ trở nên mệt mỏi trước viễn cảnh xảy ra một cuộc xung đột kéo dài – vì cả những người theo chủ nghĩa cô lập cánh tả và cánh hữu tại Viện Quincy và tại Quốc hội đều đã chỉ ra rằng họ đã mệt mỏi lắm rồi“.

 

Việc nước Mỹ luôn có sai sót và đôi khi sử dụng sức mạnh của mình một cách ngu ngốc là điều không cần bàn cãi. Nhưng nếu bạn không thể đối mặt thẳng thắn với câu hỏi, điều gì sẽ xảy ra trên thế giới nếu Mỹ chỉ bo bo giữ mình, thì bạn đã chẳng đặt ra những câu hỏi khó khăn này một cách nghiêm túc”.

 

.

22 BÌNH LUẬN

 

------------------------

Cù Tuấn

Bài gốc

https://www.nytimes.com/.../opinion/ukraine-war-putin.html

NYTIMES.COM

Opinion | Year Two of the Ukraine War Is Going to Get Scary

Opinion | Year Two of the Ukraine War Is Going to Get Scary





No comments:

Post a Comment

View My Stats