Friday, 3 February 2023

MỸ, ẤN GIA TĂNG HỢP TÁC CÔNG NGHỆ và QUÂN SỰ ĐỂ ĐỐI ĐẦU TRUNG QUỐC, CÔ LẬP NGA (Trọng Thành / RFI)

 



Mỹ-Ấn gia tăng hợp tác công nghệ và quân sự để đối đầu Trung Quốc, cô lập Nga

Trọng Thành  -  RFI

Đăng ngày: 02/02/2023 - 15:36

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20230202-my-an-gia-tang-hop-tac-cong-nghe-quan-su-de-doi-dau-tq-co-lap-nga

 

Tham vọng toàn cầu của Trung Quốc khiến Mỹ, Ấn siết chặt hợp tác. Ngày 31/01/2023, Washington và New Delhi chính thức khởi động dự án về các công nghệ mũi nhọn, trong đó chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và công nghệ quân sự là ba lĩnh vực hàng đầu. Dự án được coi là một ‘‘phần căn bản trong chiến lược tổng thể (của Mỹ) nhằm đặt toàn bộ thế giới dân chủ ở vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương trong thế thượng phong’’. RFI tổng hợp thông tin về chủ đề này.

 

https://s.rfi.fr/media/display/eaafd40a-a2ae-11ed-a2d2-005056a90321/w:980/p:16x9/2023-01-31T185753Z_31653415_RC24MX9PQOC5_RTRMADP_3_USA-INDIA.webp

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden (T) nói chuyện với thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại phiên khai mạc Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Nusa Dua, Bali, Indonesia, ngày 15/11/2022. via REUTERS - G20 MEDIA CENTER

 

1/ Dự án hợp tác Mỹ - Ấn về công nghệ cao, chế tạo vũ khí chung cụ thể ra sao ?

 

Cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan và người đồng cấp Ấn Độ Ajit Doval đã chủ trì buổi làm việc tại Washington hôm thứ Ba, 31/01/2023. Hai bên đã công bố một loạt hợp tác trong những lĩnh vực như máy tính lượng tử, trí tuệ nhân tạo, chuỗi cung ứng các sản phẩm bán dẫn, mạng không dây 5G, 6G, và đặc biệt là cơ chế để tạo điều kiện cho việc ‘‘phát triển và sản xuất vũ khí chung’’.

 

Tham dự cuộc họp, dưới sự chủ trì của cố vấn an ninh quốc gia hai nước, về phía Mỹ có sự tham gia của lãnh đạo hoặc đại diện Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Quốc gia Mỹ, Quỹ Khoa học Quốc gia - tổ chức khoa học chuyên về các khoa học cơ bản, Hội đồng Vũ trụ Quốc gia, và bộ Ngoại Giao, bộ Thương Mại, bộ Quốc Phòng và Hội đồng An ninh Quốc gia. Về phía Ấn Độ, có đại sứ Ấn Độ tại Hoa Kỳ, cố vấn khoa học chính của chính phủ Ấn Độ, chủ tịch Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ, bộ trưởng bộ Viễn Thông, cố vấn Khoa học của bộ trưởng Quốc Phòng, tổng giám đốc Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng, và các quan chức cấp cao của bộ Điện tử và Công nghệ Thông tin và Ban Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia. Sau buổi họp, hai bên Mỹ - Ấn ra một thông báo chung chi tiết về các mảng hợp tác.

 

Riêng về mảng hợp tác quân sự, Hoa Kỳ và Ấn Độ tập trung trước hết vào các dự án liên quan đến động cơ phản ứng. Phía Mỹ cho biết đã nhận được đơn từ tập đoàn General Electric về dự án sản xuất động cơ phản lực tại Ấn Độ, và cam kết sẽ nhanh chóng xem xét. Theo báo mạng Ấn Độ NDTV, ‘‘việc cho phép lắp ráp động cơ phản lực của General Electric ở Ấn Độ sẽ là một bước hướng tới việc giảm bớt sự phụ thuộc lịch sử của nước này vào Nga về khí tài quân sự - một động lực thúc đẩy chính sách ngoại giao của Mỹ trong nỗ lực cô lập Matxcơva do cuộc xâm lược Ukraina. Ấn Độ hiện sử dụng hỗn hợp các phi cơ phản lực của Nga, của châu Âu với phi cơ sản xuất trong nước trong phi đội máy bay chiến đấu của mình’’. Ngoài động cơ phản lực của GE, theo NDTV, hai bên còn hợp tác về pháo binh, xe bọc thép chở bộ binh và an ninh hàng hải.

 

Thông báo Mỹ - Ấn cũng khởi động sáng kiến “Cầu nối đổi mới” (‘‘Innovation Bridge”) cho phép kết nối các công ty khởi nghiệp quốc phòng của Hoa Kỳ và Ấn Độ.

 

Các hợp tác công nghệ cao và chế tạo vũ khí nói trên được hai chính quyền Mỹ - Ấn thông báo là bước đầu tiên trong việc thực thi cụ thể ‘‘Sáng kiến Mỹ - Ấn Độ về Công nghệ Trọng yếu và Mới nổi’’ (U.S.-India initiative on Critical and Emerging Technology), gọi tắt là iCET, được tổng thống Mỹ Joe Biden và thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đưa ra hồi tháng 5/2022, bên lề hội nghị thượng đỉnh của nhóm Bộ Tứ Ấn Độ - Thái Bình Dương (Quad), tổ chức tại Nhật Bản. 

 

Báo Anh Financial Times dẫn lời cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, Jake Sullivan, cho biết tinh thần chính của Sáng kiến iCET: Trước hết với chính quyền Mỹ - Ấn, ‘‘đây là một ván bài chiến lược’’, hai bên tin tưởng việc tạo ra ‘‘một hệ sinh thái sâu sắc hơn’’ (‘‘deeper ecosystem’’), hay nói cách khác các hợp tác mật thiết mang tính hệ thống, ‘‘sẽ phục vụ cho lợi ích chiến lược, kinh tế và công nghệ của cả hai nước.”

 

Bên cạnh đó, sáng kiến này là một phần trong chiến lược của chính quyền Biden nhằm tăng cường quan hệ với các đồng minh và đối tác trên toàn khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trong đó có liên minh Aukus với Úc và Anh, cũng như sự hồi sinh của nhóm “Bộ Tứ” – cơ chế hợp tác Mỹ, Nhật, Úc, Ấn. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ nhấn mạnh đây là một phần cơ bản quan trọng khác ‘‘của chiến lược tổng thể nhằm đặt toàn bộ thế giới dân chủ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vào thế thượng phong. ”

 

.

2/ Lý do nào thúc đẩy Ấn Độ hợp tác với Mỹ trong các lĩnh vực nhạy cảm và chiến lược này ?

 

Cho đến gần đây Ấn Độ vẫn duy trì chính sách không liên kết về quân sự. Tuy nhiên, căng thẳng về lãnh thổ với Trung Quốc vài năm trở lại đây buộc New Delhi xem xét một phần nào chính sách này. Báo Anh Financial Times dẫn lời một quan chức Hoa Kỳ cho biết Ấn Độ quyết tâm hợp tác chặt chẽ hơn với Mỹ, vì căng thẳng biên giới với Trung Quốc, đặc biệt sau vụ đụng độ đẫm máu tại thung lũng Galwan năm 2020. Cố vấn an ninh Sullivan lưu ý là tham gia Sáng kiến iCET với Mỹ (‘‘Sáng kiến Mỹ - Ấn Độ về Công nghệ Trọng yếu và Mới nổi’’) không có nghĩa là New Delhi thay đổi cơ bản trong định hướng địa chính trị, nhưng điều này nhấn mạnh đến tác động mà hành vi tiêu cực của Trung Quốc đang gây ra đối với các quốc gia trên thế giới.

 

Bà Tanvi Madan, một chuyên gia về Ấn Độ tại Viện Brookings, cũng thừa nhận Ấn Độ nhìn chung vẫn duy trì chính sách truyền thống ‘‘không liên kết’’, nhưng chính sách này ít được áp dụng với Trung Quốc.

 

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Sullivan đưa ra một hình ảnh để công chúng dễ hình dung hơn về tác động của các vụ gây hấn của Trung Quốc tại vùng biên giới Trung - Ấn gần đây: ‘‘Ấn Độ không quảng cáo điều này... nhưng nó có tác động kiểu như vụ 11/9 (vụ AlQaida tấn công tòa tháp đôi New York), hay vụ Trân Châu Cảng (quân đội đế quốc Nhật tấn công quân Mỹ ở đảo Hawaii, Thái Bình Dương trong Thế chiến Hai)’’, vụ này tác động mạnh đến ‘‘tư duy chiến lược của giới tinh hoa Ấn Độ’’.

 

Bên cạnh vấn đề an ninh biên giới, theo cố vấn an ninh Jack Sullivan, ‘‘các hành xử về kinh tế, các động thái quân sự hung hăng, nỗ lực thống trị các ngành công nghiệp của tương lai và kiểm soát chuỗi cung ứng của tương lai (của Trung Quốc), đã có tác động sâu sắc đến suy nghĩ’’ của giới lãnh đạo Ấn Độ. Ấn Độ đang cố gắng tăng cường năng lực công nghệ trong nước do lo ngại về sự dẫn đầu của Trung Quốc trong các lĩnh vực trọng yếu. New Delhi cũng đang cố gắng xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn, và thúc đẩy các lĩnh vực mới nổi mà Ấn Độ đang theo đi sau Trung Quốc, bao gồm xe hơi chạy điện và viễn thông. Chính quyền Ấn Độ muốn Apple, Samsung và nhiều công ty đa quốc gia khác đầu tư nhiều hơn vào nước này, khi họ tìm cách chuyển một phần chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc. 

 

.

3/ Trung Quốc phản ứng ra sao về dự án ang cường hợp tác công nghệ cao Mỹ - Ấn ?

 

Chính quyền Trung Quốc đã có phản ứng ngay lập tức về dự án Mỹ - Ấn siết chặt hợp tác về các công nghệ mũi nhọn, trong đó có bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và công nghệ quân sự. Một bài viết trên Hoàn Cầu Thời Cầu - một ấn phẩm của Nhân Dân Nhật Báo, cơ quan phát ngôn của đảng Cộng Sản Trung Quốc, đăng tải hôm 01/02/2023 - một mặt nêu bật ý đồ của Mỹ lôi kéo Ấn Độ cô lập Trung Quốc, mặt khác tỏ ý không tin tưởng vào thành công của dự án này.

 

Hoàn Cầu Thời Báo dẫn lời của chuyên gia Lou Chunhao, giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu Nam Á tại Viện Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc: ‘‘Mỹ muốn bắn một mũi tên trúng hai đích bằng cách lôi kéo Ấn Độ tham gia sáng kiến của mình nhằm ngăn chặn sự phát triển công nghệ của Trung Quốc”. Dự án iCET là một phần trong chiến lược của Mỹ ‘‘nhằm bao vây Trung Quốc bằng cách thúc ép các nước khác phải chọn phe và hình thành nhiều liên minh nhỏ nhằm loại trừ Trung Quốc, vì Mỹ coi Trung Quốc là đối thủ chính… Mặt khác, Mỹ muốn lợi dụng mối bất hòa nảy sinh giữa Trung Quốc và Ấn Độ trong những năm gần đây để thổi bùng căng thẳng Trung-Ấn, và giảm sự phụ thuộc của Ấn Độ vào Nga’’.

 

Về khả năng thành công của dự án, Hoàn Cầu Thời Báo cho rằng, theo giới chuyên gia Trung Quốc, ‘‘giấc mộng’’ nói trên của Hoa Kỳ rất khó thành công, vì ba lý do. Thứ nhất là nước Ấn Độ với chính sách không liên kết sẽ khó lòng đi theo kịch bản của Hoa Kỳ. Thứ hai là Ấn Độ và Trung Quốc có nhiều lợi ích trong việc phát triển hợp tác kinh tế song phương và khu vực, vì hai nước có cơ cấu kinh tế bổ trợ cho nhau và tình hình trong nước có nhiều điểm tương đồng, trao đổi mậu dịch song phương lên đến mức kỷ lục là hơn 135 tỉ đô la trong năm 2022 (theo dữ liệu Hải quan Trung Quốc). Và lý do thứ ba, được một số chuyên gia như ông He Weiwen, một thành viên của Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa (Center for China and Globalization), nêu ra là, ‘‘với cơ sở hạ tầng công nghiệp lạc hậu của Ấn Độ, sẽ chỉ có một quy mô nhỏ trong hợp tác sản xuất trong lĩnh vực công nghệ cao’’.

 

------------------

Tham khảo

 

1/ US and India launch ambitious tech and defence initiatives, Financial Times, ngày 01/02.

 

2 / Made-In-India Jet Engines In US Plan To Isolate Russia, Counter China, NDTV, 01/02.

 

3/ US' political trick to coax India to contain China's tech rise 'wishful thinking', Global Times, 01/02.

 

--------------------------------

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

PHÂN TÍCH

Ấn Độ và chính sách thực dụng mới « đa liên kết »

 

PHÂN TÍCH

Nga - Trung tìm cách lôi kéo Ấn Độ để chống lại ảnh hưởng của Mỹ

 

CHIẾN TRANH UKRAINA - MỸ - ẤN ĐỘ

Chiến tranh Ukraina : Mỹ và Ấn Độ cố tìm tiếng nói chung

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats