Tuesday, 21 February 2023

LIỆU VIỆT NAM CÓ THỂ CÓ BẦU CỬ TỰ DO? (Vũ Đức Khanh)

 



Liệu Việt Nam có thể có bầu cử tự do?

Vũ Đức Khanh
viết cho VOA Tiếng Việt từ Ottawa, Canada

15/02/2023

https://www.voatiengviet.com/a/lieu-viet-nam-co-the-co-bau-cu-tu-do-/6963896.html

 

Hình : https://gdb.voanews.com/D5E595AC-EC1D-4754-AF84-997498705B54_w1023_r1_s.jpg

Nhà báo độc lập Phạm Đoan Trang, người cổ động cho nhân quyền tại Việt Nam, bị bỏ tù vì những vận động ôn hòa của mình.

 

Điểm khác biệt chính là quyền điều hành đất nước là do nhân dân uỷ thác bằng lá phiếu của mình, chứ không phải do ĐCSVN độc quyền như hiện nay.

 

 

Yêu thương những người thương yêu mình, hầu như ai cũng có thể làm được. Nhưng yêu thương cả những người đã làm cho ta đau khổ, hành hạ, thậm chí chà đạp lên nhân phẩm của ta là điều không phải ai cũng làm được. Tuy nhiên, không có gì là không thể, nếu chúng ta chân thành mở lòng hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn cho người Việt chúng ta.

 

Chiến tranh đã qua gần nửa thế kỷ, nhiều người Việt Nam ngày nay biết rất ít hoặc hầu như không biết gì về những gì đã xảy ra trước và ngay sau ngày 30/04/1975 hoặc 10 năm sau đó.

 

Các bạn ấy khó có thể hiểu nổi những gì mà nhân dân miền Nam nói riêng và nhân dân cả nước (hai miền Nam, Bắc) nói chung phải chịu đựng dưới chế độ Cộng sản trong những thập niên từ 1950 đến 1980 của thế kỷ trước.

 

Đấu tranh giai cấp, tù đày những người của chế độ Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), đàn áp, triệt tiêu những tiếng nói ôn hòa của những nhà bất đồng chính kiến với nhà cầm quyền, đẩy hàng triệu dân thường phải lìa xa quê cha đất tổ vượt biên tìm đường cứu thân, chế độ Cộng Sản Việt Nam (CSVN) đã đánh mất cơ hội thống nhất lòng dân.

 

Bên thắng cuộc muốn hạ nhục, triệt tiêu bên thua cuộc. Đất nước điêu tàn, hàng triệu gia đình ly tán. Nhưng dần dần nhiều người trong giới cầm quyền, trừ một thiểu số rất rất nhỏ, cũng đã bắt đầu nhận thức rằng cần phải thay đổi, nếu không tức nước vỡ bờ gây nguy hiểm cho gia đình, thân nhân và bản thân họ.

Xã hội Việt Nam ngày nay có quá nhiều dấu hiệu của một chế độ đến hồi diệt vong. Quan tham đầy dẫy trong nhà tù và cả ngoài xã hội, hiền tài xa lánh chốn công đường, người dân ca thán sưu cao thuế nặng, bị nhũng nhiễu đủ điều, lãnh đạo bỏ mặc dân tình, chỉ lo bòn rút tài nguyên quốc gia, vinh thân phì gia, tranh giành quyền lực trong khi ở ngoài biên cương, giặc đang lăm le xâm lấn.

 

Vậy, chúng ta cần phải làm gì?

.
Bầu cử tự do

 

Chúng ta không thể làm ngơ đứng nhìn vận nước nổi trôi theo dòng thời cuộc mà chúng ta cần phải ra sức kêu gọi, vận động, thuyết phục toàn dân đòi hỏi quyền làm chủ của họ. Đòi hỏi nhà cầm quyền phải tổ chức bầu cử tự do để chọn nhân tài lãnh đạo đất nước.

 

Công việc này không hề đơn giản và không một tổ chức, đoàn thể, đảng phái hay cá nhân nào có thể làm được một mình mà đó phải là công việc của toàn dân, của mọi người.

 

Vì vậy, chúng ta phải chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt của người khác, trừ những người đã vi phạm pháp luật. Ở đây, sự lên tiếng vì có những chính kiến khác biệt không thể coi là vi phạm pháp luật. Do đó, trên hết, chúng ta phải có một trái tim nhân hậu, gác bỏ mọi hiềm khích, hận thù của quá khứ để cùng nhau hướng tới tương lai, kiến tạo một xã hội nhân bản, dân tộc và dân chủ, một nước Việt Nam tự do, dân chủ, thịnh vượng không để ai bị bỏ lại phía sau, đứng bên lề dân tộc.

 

Bằng lá phiếu của mình, nhân dân Việt Nam quyết tâm bước sang một trang sử mới, một kỷ nguyên mà người Việt nhìn nhau là anh chị em, đồng bào ruột thịt, cùng chung vận mệnh.

 

 

Lộ trình bầu cử tự do cho Việt Nam

 

Để tiến tới tổng tuyển cử, bầu cử tự do cho Việt Nam, tôi mạo muội đưa ra lộ trình 7 điểm như sau :

 

1) - Cổ động, khuyến khích văn hóa đối thoại, thảo luận thẳng thắn và ôn hòa về hiện tình đất nước giữa các tiếng nói ôn hòa trong và ngoài nước.

 

2) - Vận động dư luận trong nước và quốc tế ủng hộ một thể chế tự do, dân chủ, đa nguyên đa đảng cho Việt Nam.

3) - Vận động, thuyết phục cán bộ, chiến sỹ, đảng viên, đoàn viên (cả cũ và mới) của ĐCSVN, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, và cả những người đứng đầu ĐCSVN chấp nhận sinh hoạt chính trị dân chủ, đa nguyên, đa đảng.

 

4) - Vận động, thuyết phục để có sự đối thoại thẳng thắn, ôn hòa và chân thành giữa Nhà nước Việt Nam với các thành phần dân tộc, trong đó có cộng đồng người Việt hải ngoại.

 

5) - Thúc giục Chính phủ Việt Nam sớm trả tự do cho tất cả các tù nhân tôn giáo, tù nhân lương tâm và tù nhân chính trị.

 

6) - Kêu gọi Quốc hội Việt Nam sửa đổi Luật bầu cử đại biểu Quốc hội, Luật tổ chức Quốc hội và các đạo luật liên quan hướng đến tổng tuyển cử, bầu cử tự do, trên cơ sở Hiến pháp năm 2013 phù hợp với công pháp quốc tế và các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.

 

7) - Kêu gọi Chính phủ Việt Nam sớm tổ chức tổng tuyển cử, bầu cử tự do, theo đúng tinh thần của các đạo luật liên quan đến quyền ứng cử và bầu cử vừa mới ban hành.

 

.

Đã đến lúc những người Việt còn quan tâm đến tương lai đất nước cùng đứng lên đòi lại quyền làm chủ của mình, nhằm bảo vệ quyền lợi của tất cả chúng ta hôm nay và cả tương lai con cháu của chúng ta sau này. Với chủ trương đối thoại ôn hòa, "lấy tình thương hóa giải hận thù", tôi thiết nghĩ đồng bào chúng ta có thể yên tâm về tiến trình dân chủ hóa sắp tới của Việt Nam.

 

Tôi không nghĩ ngày nay có nhiều người ủng hộ chủ trương dùng bạo lực để thay đổi chính quyền ở Việt Nam. Nhưng tôi cũng không chủ trương thụ động chờ đợi sự tự chuyển hóa của ĐCSVN. Vì thế, tôi đưa ra lộ trình này như một đề xuất cho một sự thay đổi ở Việt Nam, bắt đầu bằng tình đồng bào, xây dựng văn hóa đối thoại với tư duy chấp nhận sự khác biệt, tiến tới vận động, thuyết phục mọi thành phần xã hội ủng hộ giải pháp bầu cử tự do. Lá phiếu của người dân mang lại tính hợp pháp cho chính quyền.

 

Giải pháp này là yêu cầu đổi mới của thời đại mà nhiều người Việt Nam chúng ta hằng mong đợi. Điểm khác biệt cơ bản là, thay vì kêu gọi và thụ động chờ ĐCSVN đơn phương thay đổi, chúng ta cần tích cực thúc đẩy việc hình thành một giải pháp chính trị khả thi, tiến tới việc thiết lập một Quốc hội đa thành phần. Khi có một chính phủ thực sự do dân bầu ra, thì hầu hết các vấn nạn của xã hội sẽ có cơ hội được giải quyết nhanh chóng như độc tài, tham nhũng, quan liêu, và vi phạm nhân quyền và các quyền tự do cơ bản của người dân.

Đặc điểm của lộ trình này là bạo loạn khó xảy ra, trật tự xã hội được giữ ổn định, an ninh quốc phòng không bị đe dọa, kinh tế và đời sống nhân dân vẫn phát triển tốt. Điểm khác biệt chính là quyền điều hành đất nước là do nhân dân uỷ thác bằng lá phiếu của mình, chứ không phải do ĐCSVN độc quyền như hiện nay.

 

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats