Friday, 3 February 2023

LIÊN ÂU KHẲNG ĐỊNH HẬU THUẪN UKRAINA "CHỐNG XÂM LƯỢC NGA ĐẾN CÙNG" (Trọng Thành / RFI)

 



NỘI DUNG :

Liên Âu khẳng định hậu thuẫn Ukraina ‘‘chống xâm lược Nga đến cùng’’

Trọng Thành  -  RFI

.

Hoa Kỳ đồng ý cấp bom tầm xa cho Ukraina

Minh Anh  -  RFI

.

Cấp vũ khí cho Ukraina : Tổng thống Nga dọa trả đũa phương Tây

Minh Anh  -  RFI

.

=====================================================

.

.

Liên Âu khẳng định hậu thuẫn Ukraina ‘‘chống xâm lược Nga đến cùng’’

Trọng Thành  -  RFI

Đăng ngày: 03/02/2023 - 13:41

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20230203-li%C3%AAn-%C3%A2u-kh%E1%BA%B3ng-%C4%91%E1%BB%8Bnh-h%E1%BA%A....BA%BFn-c%C3%B9ng

 

Tiếng còi báo động phòng không vang lên tại thủ đô Ukraina ngay trước khi thượng đỉnh Liên Âu – Ukraina khai mạc tại Kiev hôm nay, 03/02/2023. Lần đầu tiên trong lịch sử Liên Hiệp Châu Âu (EU), ban lãnh đạo Ủy Ban Châu Âu đến một quốc gia đang trong chiến tranh.

 

https://s.rfi.fr/media/display/2b49fbc4-a3ab-11ed-a439-005056bfb2b6/w:980/p:16x9/2023-02-02T201632Z_1847461824_RC2Y2Z9K1YFV_RTRMADP_3_UKRAINE-CRISIS-EU.webp

Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen (T), tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky (G) và thủ tướng Denys Shmyhal tại thượng đỉnh EU-Ukraina ngày 02/02/2023, Kiev, Ukraina. © Ukrainian Presidential Press Service/Handout via REUTERS

 

Ngày hôm qua, 02/03, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen, đứng đầu phái đoàn với khoảng 15 ủy viên châu Âu, đã tới Kiev bằng tàu hỏa. Ngay từ hôm qua, bà Ursula von der Leyen đã họp với tổng thống Ukraina Volodymir Zelensky cùng nhiều bộ trưởng Ukraina. Theo một số giới chức châu Âu, trao đổi giữa phái đoàn châu Âu và chính quyền Kiev tập trung vào việc cung cấp vũ khí và trợ giúp tài chính bổ sung cho Ukraina, đồng thời mở rộng cửa thị trường châu Âu cho các sản phẩm Ukraina.

 

Khối 27 nước muốn gửi một tín hiệu đoàn kết mạnh mẽ đến Ukraina. Hôm qua, sau cuộc họp với tổng thống Ukraina, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu tuyên bố : ‘‘Tương lai của lục địa chúng ta đang được viết ở đây, tại Ukraina’’. Theo Reuters, dự thảo thông cáo chung của chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen, chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel và tổng thống Ukraina Volodymir Zelensky có đoạn: ‘‘Liên Âu sẽ hậu thuẫn Ukraina và nhân dân Ukraina chống xâm lăng Nga đến cùng’’.  

 

.

Kiev muốn sớm khởi động tiến trình gia nhập Liên Âu

 

Lộ trình Ukraina gia nhập khối 27 nước là một chủ đề chính của thượng đỉnh này. Trong lúc tổng thống Ukraina bày tỏ mong muốn nhanh chóng khởi động và hoàn tất tiến trình gia nhập, thì từ phía châu Âu vẫn dè dặt.

 

Thông tín viên Stéphane Siohan tường trình từ Kiev : 

 

‘‘Những người thân cận với tổng thống Ukraina Zelensky trông đợi rất nhiều từ thượng đỉnh này, thậm chí là trông đợi quá nhiều, theo nhận định của nhiều chuyên gia trên truyền thông trong những giờ qua. Mục tiêu của Kiev là đàm phán về tiến trình Ukraina gia nhập Liên Âu sẽ được tiến hành sớm nhất có thể. Thủ tướng Ukraina Denys Chmyhal tuyên bố là việc đàm phán có thể bắt đầu ngay từ năm nay, mở đường cho  Ukraina gia nhập Liên Âu trong vòng hai năm.

 

Tuy nhiên, giới ngoại giao châu Âu tỏ ra thận trọng hơn nhiều. Theo nhiều nguồn tin, thượng đỉnh này có mục tiêu tái khẳng định sự ủng hộ của khối 27 nước đối với việc gia nhập của Ukraina, nhưng với điều kiện Ukraina đáp ứng được các tiêu chuẩn.

 

Vào tháng 6/2022, khi đơn gia nhập của Ukraina được tiếp nhận, Ủy Ban Châu Âu xác định 7 điều kiện cho phép mở ra đàm phán gia nhập Liên Âu, trong đó có cải cách tư pháp, cải cách Tòa Bảo Hiến, chống tham nhũng, hay ra một đạo luật về truyền thông. Nếu như đã có một số tiến bộ, thì vẫn còn nhiều việc phải làm. Điều dễ hiểu là các cải cách ở Ukraina hiện đang gặp trở ngại trong bối cảnh chiến tranh. Và như vậy cuộc họp thượng đỉnh này đặc biệt là dịp để phái đoàn châu Âu thẩm tra xem Ukraina đã thực thi các nghĩa vụ này đến đâu.’’

 

Trả lời RFI hôm qua 02/03, ông Sébastien Maillard, giám đốc Viện Jacques Delors, trụ sở tại Pháp, chuyên gia về Liên Hiệp Châu Âu, cũng chỉ ra tính chất ‘‘phi thực tế’’ của chủ trương của chính quyền Ukraina nhanh chóng gia nhập Liên Âu. Giám đốc Viện Jacques Delors khẳng định, việc gia nhập Liên Âu ngay cả với một quốc gia không có chiến tranh cũng phải kéo dài trung bình mười năm, cần xác lập một lộ trình gia nhập ‘‘từng bước một’’ với Ukraina. 

 

==================================================

.

.

Hoa Kỳ đồng ý cấp bom tầm xa cho Ukraina

Minh Anh  -  RFI

Đăng ngày: 03/02/2023 - 12:10

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20230203-hoa-k%E1%BB%B3-%C4%91%E1%BB%93ng-%C3%BD-c%E1%BA%A5p-bom-t%E1%BA%A7m-xa-cho-ukraina

 

Sau nhiều tháng do dự, Hoa Kỳ đã đồng ý cấp bom tầm xa (longer-range bombs) cho Ukraina nhằm giúp nước này chiếm lại những vùng lãnh thổ đã bị Nga chiếm đóng trong những tấn công đầu tiên năm 2022. Thông báo chính thức được công bố trong ngày hôm nay, 03/02/2023. 

 

AP dẫn lời các quan chức Mỹ xin ẩn danh, hôm qua, cho biết, một phần trong gói viện trợ quân sự 2,17 tỷ đô la mà Mỹ cung cấp cho Ukraina, sẽ là bom tầm xa: đó là loại bom có đường kính nhỏ được phóng đi từ mặt đất và có thể ba xa khoảng 150 km, còn được biết đến dưới tên gọi là GLSDB.  

 

Gói hỗ trợ này còn bao gồm các thiết bị để kết nối tất cả các hệ thống phòng không khác nhau do phương Tây cung cấp và có thể tích hợp với hệ thống phòng không của chính Ukraina, giúp nước này phòng thủ tốt hơn trước các đợt tấn công bằng tên lửa của Nga. 

 

Bom tầm xa là hệ thống vũ khí tiên tiến nhất, sau xe tăng Abrams và hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot, mà Hoa Kỳ cuối cùng đã chấp nhận cung cấp cho Ukraina, sau nhiều lần từ chối vì e ngại Kiev sử dụng để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga, dẫn đến leo thang xung đột. 

Trước mối lo này từ Mỹ, bộ trưởng Quốc Phòng Ukraina, Oleksii Reznikov, hôm qua lên tiếng bảo đảm là sẽ không sử dụng các loại vũ khí do phương Tây cung cấp để tấn công vào lãnh thổ Nga, đồng thời nói thêm rằng Kiev vẫn cần đến các loại tên lửa có tầm bắn đến 300 km để đánh đuổi quân Nga xâm lược. 

 

Cho đến nay, tên lửa tầm xa nhất do Mỹ cung cấp chỉ có tầm bắn 80 km. Tuy nhiên, Hoa Kỳ cũng không nêu rõ sẽ mất bao lâu để đưa loại bom này đến chiến trường Ukraina. 

Về phần mình, Hội Đồng Châu Âu, hôm qua, cũng loan báo gói tài trợ quân sự thứ 7 cho Ukraina trị giá khoảng 500 triệu euro, cũng như 45 triệu euro để hỗ trợ các chương trình đào tạo binh sĩ Ukraina. 

 

===================================================

.

.

Cấp vũ khí cho Ukraina : Tổng thống Nga dọa trả đũa phương Tây

Minh Anh  -  RFI

Đăng ngày: 03/02/2023 - 11:53

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20230203-c%E1%BA%A5p-v%C5%A9-kh%C3%AD-cho-ukraina-t%E1%BB%95ng-th%E1%BB%91ng-nga-d%E1%BB%8Da-tr%E1%BA%A3-%C4%91%C5%A9a-ph%C6%B0%C6%A1ng-t%C3%A2y

 

Ngày 02/02/2023, tại lễ kỷ niệm 80 năm trận Stalingrad chiến thắng quân phát xít Đức được tổ chức tại Volgorad (tên cũ là Stalingrad, tây nam nước Nga), tổng thống Vladimir Putin đe dọa « trả đũa » những nước phương Tây cung cấp vũ khí cho Ukraina.  

 

Theo AFP, phát biểu tại lễ kỷ niệm, tổng thống Nga tạo dựng điểm tương đồng giữa cuộc tấn công của Nga chống nước láng giềng Ukraina và Đệ Nhị Thế Chiến. Ông tố cáo giới chức Ukraina là những thành phần « tân phát xít », chỉ huy cuộc « diệt chủng » cộng đồng nói tiếng Nga, đồng thời tuyên bố không từ một giới hạn nào để đáp trả những nước hỗ trợ quân sự cho Ukraina.  

 

Có mặt tại Volgograd, thông tín viên đài RFI, Anissa El Jabri tường trình : 

 

« Phát quốc ca Nga trên loa phóng thanh, bắn đại bác và trình diễn xe tăng được huy động cho chiến dịch đặc biệt như điện Kremlin vẫn thường nói, thông điệp mang tính biểu tượng to lớn được đưa ra vào thời điểm này, nhất là trận chiến Stalingrad đóng một vai trò quan trọng trong ký ức Nga : Đó là lịch sử đang tái diễn. 

 

Ở nước Nga này, luôn xem như là một sự kế thừa của Liên Xô, đối mặt với nước Đức của Hitler, do vậy, chính việc giao xe tăng của Đức là điều ông Vladimir Putin phản đối : "Thật không thể tin được là họ lại đe dọa chúng ta." Rồi ông nói tiếp : "Chúng ta có đủ phương tiện để đáp trả và điều này không chỉ giới hạn ở những chiếc xe bọc thép". 

 

Đương nhiên, đó là những lời lẽ bí hiểm nhưng lại làm bùng lên  những đồn thổi về khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân, và nhất là trong giai đoạn mà rất nhiều người dự đoán sẽ có một đợt tấn công sắp tới của Nga.  

 

Căng thẳng gia tăng thêm một nấc khi chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula Von Der Leyen nói đến khả năng đưa ra gói trừng phạt thứ 10 vào ngày 24/02 tới đây. 

 

Ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov tức thì đáp trả, xin trích, : "Chúng tôi sẽ làm mọi cách để những gì mà phương Tây tổ chức đánh dấu một năm chiến dịch đặc biệt tại Ukraina không phải là những sự kiện duy nhất thu hút sự chú ý của thế giới. » 

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats