Thursday, 16 February 2023

KHINH KHÍ CẦU DO THÁM và THÁI ĐỘ CỦA TRUNG QUỐC (Hiếu Chân / Người Việt)

 



Khinh khí cầu do thám và thái độ của Trung Quốc

Hiếu Chân/Người Việt

February 14, 2023
https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/khinh-khi-cau-do-tham-va-thai-do-cua-trung-quoc/

 

Mười ngày sau khi quả khinh khí cầu gián điệp của Trung Quốc bị bắn hạ ngoài bờ biển South Carolina, vụ do thám này vẫn gây thêm căng thẳng trong quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington. Lối hành xử của Bắc Kinh, biến thủ phạm thành nạn nhân, đang làm cho triển vọng giải quyết xung đột trở nên khó khăn hơn.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/02/BL-Thai-Do-Trung-Quoc.jpg

Hải Quân Mỹ thu hồi quả khinh khí cầu của Trung Quốc sau khi bị bắn rơi trên Đại Tây Dương. (Hình minh họa: US Navy)

 

Theo giới quan sát chính trị, thái độ của chính phủ Trung Quốc đối với sự việc đã chuyển từ mềm mỏng sang cứng rắn và có phần gây hấn.

 

Khi quả khinh khí cầu bị người Mỹ phát hiện chỉ vài ngày trước chuyến công du quan trọng của Ngoại Trưởng Antony Blinken đến Bắc Kinh, tòa Đại Sứ Trung Quốc tại Mỹ vội vã thanh minh rằng đây chỉ là khinh khí cầu nghiên cứu thời tiết bị bay lạc và tỏ ý “lấy làm tiếc.” Thế nhưng, sau đó, khi chuyến công du của ông Blinken bị hủy bỏ và quả cầu bị bắn hạ, nhất là sau khi Mỹ cảnh báo cho khoảng 40 quốc gia đồng minh và đối tác về chương trình do thám toàn cầu bằng khinh khí cầu của Trung Quốc, Bắc Kinh lập tức thay đổi thái độ.

 

Thay vì đàm phán để giải quyết vụ xâm nhập bất hợp pháp vào không phận nước Mỹ, Bộ Quốc Phòng Trung Quốc từ chối tiếp nhận điện thoại của người đồng cấp phía Mỹ như một cách trả đũa. Họ lên án hành động của Mỹ là “thái quá!” Ông Hạ Phong, thứ trưởng Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, người được cho là sắp làm đại sứ tại Mỹ, nói thẳng: “Những gì Mỹ làm đã gây hại trầm trọng và phá hủy nỗ lực cùng tiến bộ của cả hai phía trong việc ổn định quan hệ Mỹ-Trung.” Ông không thừa nhận chính hành vi xâm phạm chủ quyền nước Mỹ của Trung Quốc là cội rễ của vấn đề.

 

Rồi tại buổi họp báo thường kỳ sáng Thứ Hai, 13 Tháng Hai, ông Uông Văn Bân, người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, lên tiếng tố cáo Mỹ đã hơn 10 lần thả khinh khí cầu tầm cao bay vào không phận Trung Quốc từ đầu năm ngoái. Ông Uông nói việc khinh khí cầu tầm cao của Mỹ “xâm nhập trái phép không phận của các quốc gia khác” là “chuyện thường xảy ra” mà không cung cấp thêm chi tiết. Ông kêu gọi người Mỹ hãy “tự kiểm điểm và sửa chữa đường lối của mình thay vì vu khống, bôi nhọ hoặc kích động đối đầu,”  theo tường thuật của The New York Times.

 

Không dừng lại ở những lời tố cáo vô căn cứ – và bị các phát ngôn viên chính phủ Mỹ bác bỏ thẳng thừng – như vậy, bộ máy tuyên truyền của Trung Quốc còn diễn giải hành động “thái quá” của chính quyền Biden là triệu chứng của cuộc suy thoái không thể đảo ngược của siêu cường Hoa Kỳ (!).

 

Nhật báo China Daily, bản tiếng Anh của Nhân Dân Nhật Báo – cơ quan ngôn luận chính của đảng Cộng Sản Trung Quốc – đăng bài xã luận khẳng định: “Cách xử lý của chính phủ Biden với quả cầu Trung Quốc tuần trước chứng tỏ cho thế giới thấy nước Mỹ non nớt như thế nào, vô trách nhiệm, thậm chí hoang tưởng như thế nào.” Đảng CSTQ giải thích quả khinh khí cầu bị bắn hạ là do Tổng Thống Joe Biden muốn lấy điểm với cử tri và do sự cạnh tranh trong nội bộ nước Mỹ, giữa Dân Chủ và Cộng Hòa, xem đảng nào cứng rắn với Trung Quốc hơn. “Quyết định của chính phủ Biden trong vụ khinh khí cầu bị chính trị nội bộ Mỹ cưỡng đoạt,” tờ báo viết.

 

Bà Mao Ninh, một phát ngôn viên khác của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, còn khẳng định “Bắc Kinh có quyền đưa ra hành động tiếp theo.” Không tìm thấy ở Trung Quốc gần đây một phát ngôn, hay một hành động chứng tỏ họ nhận trách nhiệm về việc đột nhập không phận một nước khác để do thám.

 

                                                           ***

 

Quan hệ Mỹ-Trung đã căng thẳng từ lâu, nhưng vụ khinh khí cầu do thám bị bắt quả tang là sự kiện chưa từng có trước đây. Nó đánh dấu nguy cơ bùng nổ xung đột nóng và gây lo ngại sâu sắc về tương lai mối quan hệ giữa hai cường quốc. Đã hiện hình một cuộc chiến tranh lạnh mới, trong đó quân đội hai nước cạnh tranh quyết liệt với nhau trong tất cả các lĩnh vực – trên đất liền, trên biển, trong không gian, trên vũ trụ và nay là trong khoảng không gần mặt đất.

 

Lẽ ra Bắc Kinh nên có thái độ đúng mực của một nước lớn, nhận trách nhiệm và chấm dứt hành vi gây hấn. Đằng này thì họ làm ngược lại. Không chỉ quả khinh khí cầu mà chính cách hành xử trịch thượng của đảng CSTQ khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn nhiều.

 

Tại sao lại như vậy? bà Tinh Nguyệt, giáo sư về quan hệ quốc tế của Đại Học Thanh Hoa uy tín nhất Trung Quốc, nhận định: “Bởi vì tuyên truyền trong nhiều năm gần đây, Trung Quốc không thể nhượng bộ hoặc xin lỗi Hoa Kỳ. Người dân Trung Quốc không thể chấp nhận chính phủ của họ có một thái độ mềm yếu (!).”

 

Nếu nói chính sách đối ngoại của một nước bị chính trị đối nội cưỡng đoạt như ngôn từ của Nhân Dân Nhật Báo thì hiện tượng đó bộc lộ ở Trung Quốc. Chính chủ nghĩa dân tộc cực đoan, coi Trung Quốc là trung tâm vũ trụ, mà đảng CSTQ và nhà lãnh đạo Tập Cận Bình nhồi nhét vào đầu óc của 1.4 tỉ dân khiến nước này lúc nào cũng phải lên gân, hung hăng, dọa nạt trên trường quốc tế, kể cả khi họ không chối được hành vi sai trái của mình.

 

Nước Mỹ đang có sự chia rẽ sâu sắc về chính trị, người Mỹ không che giấu sự thật đó. Trong vụ khinh khí cầu do thám, một số chính trị gia Cộng Hòa phê phán gay gắt cách ứng phó của quân đội và chính quyền Mỹ; sự phê phán đó là hiển nhiên, thậm chí cần thiết trong một xã hội đa nguyên và dân chủ. Nhưng nhìn chung, trong chính sách đối xử với Trung Quốc, đường lối của Cộng Hòa và Dân Chủ rất nhất quán. Và đa số người Mỹ đều nghĩ Trung Quốc độc tài là một mối đe dọa, không chỉ với nước Mỹ mà với cả thế giới. Tâm lý đó phần lớn là do chính cách hành xử của Trung Quốc gây ra.

 

Một số học giả Mỹ không đồng ý với việc chính quyền Biden hủy bỏ chuyến công cán tới Bắc Kinh của Ngoại Trưởng Blinken. Họ cho rằng, dù thế nào thì Mỹ cũng nên gắn bó với Trung Quốc và cùng Bắc Kinh thiết lập những đường dây nóng để xử lý khủng hoảng, tránh những sự ngộ nhận nguy hiểm. Trong bình luận đăng trên The Washington Post ngày 14 Tháng Hai dưới nhan đề “Engage, don’t cancel, China over the balloon,” ông Robert Zoellich, cựu chủ tịch Ngân Hàng Thế Giới và là cựu thứ trưởng Bộ Ngoại Giao Mỹ, lập luận rằng, thay vì đình hoãn chuyến đi Trung Quốc của ông Blinken để phản đối “hành động vô trách nhiệm” của Bắc Kinh, Tổng Thống Biden nên chỉ thị cho Bộ Trưởng Blinken trao cho Chủ Tịch Tập Cận Bình những khuyến nghị nhằm gia tăng tính minh bạch và giảm thiểu các mối nguy.

 

“Blinken nên đi Bắc Kinh. Các quốc gia thực hiện ngoại giao để theo đuổi lợi ích chứ không phải để nhượng bộ nước khác. Cả thế giới đều hiểu tại sao Mỹ phải bảo vệ không phận của mình, nhưng họ tự hỏi tại sao Washington không khéo léo biến sai lầm của Trung Quốc thành một nghị trình cho sự cởi mở phục vụ cho lợi ích và giá trị của Mỹ,” ông Zoellick viết.

 

Thiện chí tránh xung đột của những học giả như ông Zoellick là đáng ghi nhận nhưng khó mà áp dụng với một đối thủ như Trung Quốc chừng nào Bắc Kinh vẫn nuôi giấc mộng bá chủ của những ông trời con (thiên tử), coi thường lợi ích hợp pháp của các dân tộc khác. [đ.d.]

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats