Sunday, 7 November 2021

TUẦN ĐẦU TIÊN COP26 : NHIỀU CAM KẾT MẠNH MẼ VÌ KHÍ HẬU, GIỚI MÔI TRƯỜNG KÊU GỌI THẬN TRỌNG (Trọng Thành - RFI)

 


Tuần đầu tiên COP26: Nhiều cam kết mạnh mẽ vì khí hậu, giới môi trường kêu gọi thận trọng

Trọng Thành  -  RFI

Đăng ngày: 07/11/2021 - 14:36

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20211107-tu%E1%BA%A7n-%C4%91%E1%BA%A7u-ti%C3%AAn-cop26-nhi%....BA%ADn-tr%E1%BB%8Dng

 

COP26, Hội nghị khí hậu của Liên Hiệp Quốc tại Anh, vừa khép lại tuần làm việc đầu tiên (31/10 – 06/11/2021). Nước Anh, quốc gia chủ nhà COP26, tỏ ra vui mừng với nhiều cam kết quy mô vì khí hậu, cho phép mang lại hy vọng. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, nhà hoạt động môi trường, hiện còn quá sớm để đánh giá tác động thực sự của các cam kết mới.

 

https://s.rfi.fr/media/display/b8cbb37c-3e7e-11ec-8405-005056bfb2b6/w:1024/p:16x9/9112ca6a6cc46711da0b074386d1bbd9b84fca4b.webp

Hình ảnh thanh niên biểu tình "Thứ Sáu vì tương lai" nhân Hội nghị khí hậu COP26. Ảnh tại Glasgow, Scotland, ngày 05/11/2021. DANIEL LEAL-OLIVAS AFP

 

Hãng tin Pháp AFP hôm nay, 07/11/2021, dẫn lời một người phát ngôn của ban tổ chức COP26, sau tuần làm việc đầu tiên của Hội nghị khí hậu, theo đó trong tuần lễ vừa qua « đã có một sức bật thực sự của các hành động vì khí hậu ». Nước Anh chủ nhà quảng bá rầm rộ cho hình ảnh của quốc gia tiên phong trong cuộc chiến khí hậu, với các kế hoạch loại trừ than đá, xe hơi chạy xăng, bảo vệ rừng, đầu tư tài chính cho một thế giới không phát thải.

 

Tuy nhiên, đối với ông Mohamed Adow, phụ trách nhóm tư vấn về khí hậu của Power Shift Africa, ở Nairobi, rõ ràng có « hai hiện thực », một bên là « các tuyên bố với báo chí của chính phủ Anh, nhấn mạnh đến hàng loạt các sáng kiến, tạo ấn tượng là mọi việc đang đi theo hướng đúng, và chúng ta gần như đã giải quyết được cuộc khủng hoảng khí hậu », và bên kia là thực tại trần trụi, « hoàn toàn nằm ngoài thế giới khép kín của các hoạt động truyền thông chính thức ».

 

Nhiều cam kết gây ấn tượng

 

Nhiều cam kết gây ấn tượng đã được đưa ra trong những ngày đầu tiên của hội nghị, như cam kết của hơn 100 nước giảm 30% khí thải mê-tan trước 2030, loại khí hâm nóng Trái đất mạnh gấp hàng chục lần so với khí cacbon. Thêm nhiều quốc gia đưa ra cam kết trung hòa về khí thải. Theo chính phủ Anh, các quốc gia quản lý 85% diện tích rừng nhiệt đới khẳng định sẽ chấm dứt nạn phá rừng trước năm 2030… Cựu thống đốc Ngân Hàng Trung Ương Anh, Mark Carney, thông báo một quỹ « trung hòa về khí thải » có thể huy động được sự đóng góp của hàng trăm đại gia, với tổng số tài sản tài chính lên đến 130.000 tỉ đô la.

 

Giám đốc Cơ Quan Năng Lượng Quốc Tế (AIE), Faith Birol, đã nhanh chóng bảo đảm là, theo các tính toán của AIE, tính tổng cộng các cam kết mới, nhiệt độ Trái đất có thể giữ ở mức không tăng quá 1,8°C. Trong nhiều cuộc họp báo, nhiều quan chức Anh ca ngợi các nỗ lực quốc tế, và con số 1,8°C đầy hy vọng.

 

« Mục tiêu 1,8°C » của AIE thiếu cơ sở

 

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia về môi trường cũng ngay lập tức bác bỏ dự báo của giám đốc AIE. Hiệp hội Climate Analytics nhận định kịch bản mà AIE đề xuất « hoàn toàn không tương thích với mục tiêu về dài hạn của Hiệp định Khí hậu Paris 2015 ». Chuyên gia môi trường Simon Lewis, đại học College Luân Đôn, cảnh báo cần xem xét tính toán của AIE một cách « thận trọng ». Hoàn toàn thiếu các cam kết cụ thể cho phép biến các mục tiêu đầy tham vọng trở thành hiện thực, cụ thể trong lĩnh vực bảo vệ rừng, là nhận định của chuyên gia Damian Fleming của WWF (Quỹ Thiên Nhiên Thế Giới). Trong số 32 quốc gia sở hữu rừng lớn nhất hành tinh, mới chỉ có Ấn Độ là đưa ra được các cam kết cụ thể. Về mặt đầu tư tài chính, nhiều nhà quan sát cũng chỉ ra là, nhiều ngân hàng, công ty bảo hiểm, các quỹ tài chính chỉ cần tuyên bố đầu tư một phần tiền nhỏ cho các « dự án xanh » để có được danh hiệu là thân thiện với môi trường, vì khí hậu, trong lúc vẫn tiếp tục đầu tư mạnh mẽ cho các năng lượng hóa thạch. 

 

Trên thực tế, Cơ Quan Năng Lượng Quốc Tế không phải là định chế có thẩm quyền trong lĩnh vực này. Hôm 04/11, cơ quan phụ trách Khí hậu của Liên Hiệp Quốc đã đưa ra một tổng hợp sơ bộ về tác động của các cam kết mới. Theo tính toán này, tổng cam kết mới cho thấy khí thải – cho dù dự kiến sẽ được cắt giảm khá mạnh – vẫn sẽ tăng 13,7% vào năm 2030 (so với 2010), trong lúc phải giảm đến 45% mới cho phép giữ nhiệt độ không tăng quá 1,5°C. Theo Chương Trình Phát Triển Liên Hiệp Quốc, hiện còn quá sớm để đánh giá tác động của các biện pháp mới đưa ra.

 

Tuần lễ thứ hai sẽ không dễ dàng

 

Kể từ ngày mai, 08/11, Hội nghị COP26 bước vào tuần làm việc thứ hai. Chủ tịch COP26, Alok Sharma, thừa nhận là « tuần lễ thứ hai sẽ không dễ dàng : đã có những tiến bộ, nhưng không đủ. Nếu như có một khoảng cách vào cuối hội nghị, giữa các cam kết với mục tiêu của Thỏa thuận Khí hậu Paris, cộng đồng quốc tế sẽ phải quyết định làm cách nào để có thể lấp đầy khoảng cách này trong những năm tới ».

 

                                                       ***

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

 

COP26 : Hình thành liên minh chống năng lượng hóa thạch  

 

Tại COP26, TT Biden khẳng định sự trở lại với khí hậu của nước Mỹ

 

Giới tài chính thế giới ‘‘tổng động viên’’ vì khí hậu: Nói có đi đôi với làm?




No comments:

Post a Comment

View My Stats