Saturday, 27 November 2021

“HỌC LỄ” CÓ PHẢI LÀ HỌC “THỪA HÀNH”, “PHỤC TÙNG” NGƯỜI TRÊN? (Hoàng Tuấn Công)

 


“HỌC LỄ” CÓ PHẢI LÀ HỌC “THỪA HÀNH”, “PHỤC TÙNG” NGƯỜI TRÊN?   

Hoàng Tuấn Công

26/11/2021  11:56  

https://www.facebook.com/TuancongThuphong/posts/3150575331839831

 

GS. Trần Ngọc Thêm cho rằng, phải bỏ câu khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn”, vì đây là “sản phẩm của nền giáo dục Nho giáo, phục vụ cho mục tiêu đào tạo người thừa hành, coi việc đòi hỏi người dưới phải phục tùng và giữ "lễ" với người trên là yêu cầu số 1”.

 

Vậy có đúng trong thực tế, “học lễ” trong “Tiên học lễ, hậu học văn” được hiểu là học “thừa hành”, “phục tùng” người trên không?

 

Chúng ta thử tra từ điển xem sao:

 

-"Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam" (Vũ Dung – Vũ Thuý Anh – Vũ Quang Hào – NXB Văn Hoá - 2000) giải thích: “tiên học lễ, hậu học văn: […] Một kinh nghiệm giáo dục trẻ em: trước hết là phải học lễ nghĩa đạo đức, sau mới học chữ nghĩa văn chương”.

 

“Đại từ điển tiếng Việt” (Nguyễn Như Ý chủ biên) và “Từ điển từ và ngữ Việt Nam” (GS. Nguyễn Lân) có cách giải thích tương tự.

 

Cách hiểu về “học văn” của các nhà biên soạn từ điển hơi máy móc, nhưng giải thích “học lễ” như vậy là phù hợp với cách hiểu, cách dùng của các nhà biên soạn sách quốc văn cách đây hơn 100 năm.

 

Cụ thể, trong lời tựa của Quan chánh Đốc-học Bắc-kỳ (1915) cho cuốn sách “Sơ-học độc-bản” của Nguyễn Quang Ánh và Nguyễn Đình Quế, có câu “Tiên học lễ, hậu học văn”. Lời tựa như sau:

 

“Các con

Sách học bây giờ ngày càng nhiều thêm lên, là cốt để các con dùng; này đây là một quyển sách bài ngắn, dễ hiểu, ta chắc các con xem tất phải lấy làm thích.

 

Các con tuổi còn thơ, nguyên lý của các sự vật các con chưa hiểu thấu, nên các con chưa thiết mấy. Các con chỉ thích những chuyện vui, bài ngụ-ngôn trong có lắm điều kì dị mà lại hợp với sự thực, có súc vật, có cây cối ăn nói như người mà vẫn giữ được nguyên tính, vì cái tưởng tượng của các con còn non nớt, nên các con xem những chuyện này vẫn lấy làm vui.

 

Đọc sách này các con mới biết được điều gì nên làm điều gì nên tránh. Mục đích của người làm sách này là khai tâm tính của các con trước khi luyện trí: “Tiên học lễ, hậu học văn”, nghĩ như thế là rất phải vì biết ăn ở cho phải đạo là điều nên học trước hết. Học giỏi là điều nên khen, nhưng học giỏi lại có nết na mới thực đáng khen hơn mà vừa được mọi người quý mến.

 

PÉRALLE

Quan chánh Đốc-học Bắc-kỳ

Hà-nội, ngày 30 tháng mười một năm 1915”.

 

Chúng ta thấy “lễ” trong “Tiên học lễ, hậu học văn” đã được các nhà biên soạn sách quốc văn hồi đầu thế kỷ 20 giảng giải một cách ân cần, thân thiện, dễ hiểu, phù hợp với nhận thức của lứa tuổi nhỏ. Lễ là nết na, đức hạnh. “Học lễ” là tu dưỡng đạo đức, học đạo lý làm người, chứ không phải học phục tùng, thừa hành cấp trên theo kiểu “lễ trị”.

 

Như vậy, nếu lấy lý do “Tiên học lễ, hậu học văn” là “đào tạo người thừa hành, coi việc đòi hỏi người dưới phải phục tùng và giữ "lễ" với người trên”, nên phải loại bỏ khỏi môi trường giáo dục như GS. Trần Ngọc Thêm đề xuất là không có cơ sở.

 

P/S: Đáng chú ý đến năm 1923, cuốn sách "Sơ-học độc- bản" này đã được tái bản tới lần thứ 7. Trong sách có nhiều bài tập đọc nội dung giản dị, lời lẽ ân cần, giáo dục đạo đức cho trẻ rất hay.

 

Ở đây không bàn chuyện bỏ hay không bỏ câu khẩu hiệu, mà chỉ bàn về chữ nghĩa, cách hiểu khái niệm "học lễ" trong "Tiên học lễ, hậu học văn".

 

.

Ảnh chụp sách "Sơ-học độc-bản". Nguồn: Thư viện QGVN.

https://www.facebook.com/photo/?fbid=3150571325173565&set=pcb.3150575331839831

 

.

87 BÌNH LUẬN  




No comments:

Post a Comment

View My Stats