Nói thêm về điều ông Thêm không
dám nói…
Hiếu
Chân/Người Việt
November 26, 2021
https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/noi-them-ve-dieu-ong-them-khong-dam-noi/
Ông Thêm trong đề bài là giáo sư, tiến sĩ khoa học
Trần Ngọc Thêm, làm việc tại trường đại
học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn ở Sài Gòn. Mấy bữa nay, giới sĩ phu trong và
ngoài nước sôi nổi bàn luận về đề nghị của ông Thêm bãi bỏ khẩu hiệu “Tiên Học
Lễ, Hậu Học Văn” trong nhà trường Việt Nam. Người ủng hộ ông có nhiều, nhưng
người phản đối ông cũng không ít, thậm chí có người miệt thị ông bằng những từ
ngữ nặng nề trên mạng xã hội, đó là điều không hay.
https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2021/11/A1-Ong-Them-khong-dam-noi-1-1068x799.jpg
Ông Trần Ngọc Thêm
đòi bãi bỏ khẩu hiệu “Tiên Học Lễ, Hậu Học Văn” trong nhà trường Việt Nam.
(Hình minh họa: Hoang Dinh Nam/AFP via Getty Images)
Theo truyền thông trong nước, ông Thêm đưa ra
đề nghị nói trên trong bài phát biểu nhan đề “Tạo triết lý giáo dục và văn hóa
giáo dục để xây dựng một xã hội phát triển” tại cuộc hội thảo “Xây dựng văn hóa
học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục đào tạo,” do Ủy Ban Văn Hóa Giáo Dục
của Quốc Hội Cộng Sản Việt Nam tổ chức ngày 21 Tháng Mười Một vừa qua. Nhưng thực
tình, đọc hết bài phát biểu dài gần 2,000 chữ của ông Thêm đăng lại trên báo
Văn Hóa tôi không thấy ông nói tới việc bãi bỏ khẩu hiệu “Tiên Học Lễ, Hậu Học
Văn,” còn ông có “nói vo” (tức là ứng khẩu, không có trong văn bản) trên diễn
đàn của hội thảo hay không thì tôi chưa biết. Đề nghị bãi bỏ này chỉ được ông
nói tới trong các bài trả lời phỏng vấn báo chí sau hội thảo, như một sự bổ
sung cho bài phát biểu đã đọc. Dường như dư luận chỉ xoáy vào đề nghị gây tranh
cãi này là từ các phát biểu trên báo của ông Thêm.
Ông Thêm đã nói gì? Lược đi những từ ngữ rối rắm,
những thuật ngữ mơ hồ và những lời rào đón che chắn của ông, nội dung bài phát
biểu có thể tóm tắt trong một ý chính: “Để có xã hội phát triển thì cần phải có
con người sáng tạo. Mà để có con người sáng tạo thì trước hết phải có con người
chủ động và con người trung thực.”
Ý
kiến đó, theo tôi, chẳng có gì sai và cũng chẳng hề mới. Ông Thêm đã vận dụng
cái sự thật hiển nhiên đó vào thực tiễn giáo dục ở Việt Nam để chỉ ra rằng nền
giáo dục đó vận hành ngược quy luật, kìm hãm sự sáng tạo, sinh ra bốn căn bệnh:
“Bệnh thành tích,” “bệnh phong trào,” “bệnh đối phó” và “bệnh giả dối,” cùng vô
số những triệu chứng của chúng như cách dạy học thuộc lòng, làm bài theo văn mẫu,
chấm thi theo đáp án có sẵn, học để đối phó với thi cử, thi cử cốt để đỗ lấy bằng…
Ông tìm thấy nguyên nhân gây các căn bệnh kể
trên trong truyền thống văn hóa của dân tộc Việt, mà ông cho là “thiên về âm
tính,” giống như các nước Đông Nam Á, sản sinh từ nền kinh tế nông nghiệp, ưa ổn
định và lấy sự yên ổn làm hạnh phúc. “Bản chất âm tính của văn hóa và người thừa
hành là nguồn gốc của căn bệnh thụ động, khép kín, bảo thủ và cùng với nó là
thói dựa dẫm, ỷ lại,” ông Thêm nhận xét.
Từ đó, ông cho rằng muốn có con người sáng tạo
thì phải xây dựng một môi trường khuyến khích người học thể hiện tính chủ động,
sự tự tin, phải rèn luyện tư duy phản biện, người học phải có bản lĩnh để nghĩ
khác, nói khác, cần coi trọng bản lĩnh, đề cao dân chủ trong giáo dục. “Tư duy
phản biện, khai phóng đến lượt mình là điều kiện cần cho sự sáng tạo,” ông Thêm
nói.
Nếu dừng lại ở đó thì bài phát biểu của ông
Thêm không có gì mới, không hoàn toàn đúng nhưng cũng không sai nhiều lắm;
trong môi trường Việt Nam nói lên những điều đó trước bàn dân thiên hạ đôi khi
được coi là một hành vi can đảm. Thế nhưng công luận phản ứng rất sôi nổi khi
ông Thêm tiếp tục đẩy vấn đề đi chệch hướng bằng việc quy những căn bệnh trì trệ
của giáo dục, và cả xã hội Việt Nam vào chữ “Lễ” để yêu cầu xóa bỏ nó trong nhà
trường.
Ông cho rằng, “Tiên
Học Lễ” đề cao sự phục tùng, do đó là một lực cản đối với tư duy sáng tạo. “Khẩu
hiệu ‘Tiên Học Lễ, Hậu Học Văn’ là sản phẩm của nền giáo dục Nho Giáo, phục vụ
cho mục tiêu đào tạo người thừa hành, coi việc đòi hỏi người dưới phải phục
tùng và giữ ‘lễ’ với người trên là yêu cầu số 1. Một nguồn nhân lực như vậy giỏi
lắm chỉ có thể giữ cho xã hội ổn định, chứ không thể giúp xã hội phát triển,” ông
nói với báo Tuổi Trẻ.
“‘Tiên Học Lễ’ rồi thì con người sẽ trở nên thụ
động, sẽ không còn tư duy phản biện nữa. ‘Tiên Học Lễ’ đòi hỏi quan hệ một chiều,
người dưới tôn trọng người trên. Còn sức sáng tạo và sự phản biện tồn tại trong
quan hệ hai chiều, người dưới và người trên cần có sự tôn trọng lẫn nhau,” ông
nói thêm.
Cách hiểu của ông Thêm về chữ “Lễ” trong câu
cách ngôn “Tiên Học Lễ…” rõ ràng có vấn đề. Chữ “Lễ” ở Việt Nam không đồng nhất
với chữ “Lễ” trong “ngũ thường” của Khổng Giáo Trung Hoa (Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí,
Tín) mà biểu thị cách đối nhân xử thế của con người, không phải là sự phục tùng
thụ động của người thừa hành đối với cấp trên. “Lễ” trong câu “Tiên Học Lễ”
nên hiểu là “lễ phép,” là những phép tắc giao tiếp với người khác để tỏ lòng
kính trọng.
Trong nhà trường miền Nam Việt Nam trước đây,
câu cách ngôn “Tiên Học Lễ…” được treo cao bên trên bảng đen mỗi lớp học là để
học trò luôn nhớ phải cư xử với người khác theo lễ phép. Đi thưa về trình là lễ.
Gặp đám tang phải đứng lại ngả mũ chào là lễ. Thương người khốn khó là lễ… Nói
như Giáo Sư Nghiêm Toản mà mới đây một học trò của ông đã nhắc lại: “Chúng ta
ngày nay đã theo tân học, chữ Lễ cũng nên hiểu theo thời đại mới. Xã hội đã dân
chủ, xã hội không thể không có Lễ, nhưng là Lễ giữa những người bình đẳng, tự
do.” Chữ “Lễ” trong một quan niệm như vậy không phải là sản phẩm của Nho Giáo,
không hề là lực cản cho sự sáng tạo.
Quy những bệnh tật của xã hội, của nền văn hóa
giáo dục hiện nay vào “truyền thống văn hóa dân tộc” là điều không đúng. Trên
đường phát triển, xã hội nào cũng đi từ nông nghiệp sang công nghiệp hiện đại,
nhưng không thể lấy quá khứ tăm tối để biện minh cho những sai lầm tệ lậu của
ngày nay. Xã hội Việt Nam thời các vua chúa có trì trệ, có khép kín, có bảo thủ
và nhiều “hủ tục” khác, nhưng đó cũng là nơi vun trồng lòng yêu nước, tinh thần
đoàn kết tương thân tương ái và ý chí tiến thủ của con người. Rồi khi tiếp xúc
với văn minh phương Tây, người Việt đã dần dần hội nhập với văn hóa mới, bãi bỏ
dần những thứ lạc hậu, cổ hủ, cắt cái búi tó trên đầu, thay áo dài đen bằng áo
sơ mi quần tây, áo váy và “đoạn tuyệt” – tên một cuốn tiểu thuyết năm 1934 của
Nhất Linh – với những tàn dư của thời đại trước. Quá trình hội nhập đó kéo dài
đã hơn thế kỷ, đã làm thay đổi căn bản nếp sống, nếp nghĩ của người Việt.
Thế tại sao xã hội và giáo dục Việt Nam hiện
nay vẫn lâm nhiều bệnh nan y như vậy? Giáo Sư Thêm bắt mạch mà không dám chẩn
đoán nguyên nhân gây bệnh, cho nên ra toa điều trị trật lất. Những thảm nạn của xã hội
và giáo dục Việt Nam có gốc gác từ chủ nghĩa Cộng Sản – một thứ ý
thức hệ ngoại lai, sai lầm và không phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc
– được du nhập vào Việt Nam, giành được quyền cai trị và trở thành hệ tư tưởng
duy nhất mà cả xã hội bị buộc phải đi theo.
Đặc điểm của mọi thể chế Cộng Sản là không
dung thứ mọi tư tưởng khác, mà không tôn trọng sự khác biệt thì không có sáng tạo.
Khi “phản biện” bị coi là “phản động,” người phản biện bị chụp mũ “thế lực thù
địch,” bị bắt bớ, tù đày, sinh kế bị phong tỏa, gia đình bị quấy nhiễu… thì còn
ai phản biện? Khi trí thức bị giới chính trị gia cầm quyền trong đảng nghi ngờ
và khinh bỉ thì ai sẽ là người sáng tạo? “Trí thức là cục phân, nhưng còn kém cục
phân vì không có ích gì cả,” Mao Trạch Đông, “lãnh tụ vĩ đại” của đảng Cộng Sản
Trung Quốc, đã tuyên bố như vậy tại hội nghị Diên An năm 1943. Không có trí thức
thì trông mong gì ở sức sáng tạo dưới chế độ xã hội chủ nghĩa?
Người dân Việt Nam, kể cả những người được coi
là hiểu nhiều biết rộng, vẫn giữ thái độ “im lặng là vàng” để yên thân mà không
“phản biện,” không dám bộc lộ những suy nghĩ thực của họ trước hiện tình đất nước
không phải vì họ tuân theo châm ngôn “Tiên Học Lễ” – phục tùng người trên như
cách hiểu của ông Thêm – mà vì sự đàn áp của cả một guồng máy cai trị, trong đó
tự do không được bảo đảm, ngôn luận không được tự do, tư tưởng cũng không được
tự do. Khi công an có thể bắt giam, tòa án có thể kết tội ngay cả những ý nghĩ
trong đầu người dân hay những lời bình luận thoáng qua của họ trên mạng xã hội
thì làm sao có cái gọi là “tư duy phản biện” và “sáng tạo.” Kêu gọi “người học
phải có bản lĩnh để nghĩ khác, nói khác, đề cao dân chủ trong giáo dục…” nghe
thì hay đấy, nhưng trong môi trường như vậy, thì người kêu gọi hoặc quay lưng với
thực tế và suy nghĩ viển vông, hoặc cố tình lừa mị người nghe.
Hãy xem bốn căn bệnh của giáo dục Việt Nam mà
ông Thêm chẩn đoán trong bài phát biểu của ông.
Các căn bệnh “bệnh thành tích,” “bệnh phong
trào” mà ông Thêm đề cập là những thứ riêng có của xã hội Cộng Sản, khó mà tìm
thấy ở các nước văn minh. Trẻ em Việt Nam ngay từ tuổi mẫu giáo đã được dạy phải
“thi đua lập thành tích” để cuối tuần được thưởng phiếu “Bé Ngoan,” lớn lên thì
“người người thi đua, nhà nhà thi đua” dù càng thi đua, càng lập thành tích thì
sản xuất càng lụn bại, xã hội càng bế tắc.
https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2021/11/A1-Ong-Them-khong-dam-noi-2-1068x1068.jpg
Ông Trần Ngọc Thêm.
(Hình: Tuổi Trẻ)
Bệnh giả dối, bệnh đối phó thì không chỉ xã hội
Cộng Sản mới có nhưng chỉ trong xã hội Cộng Sản nó mới biến thành nan y, nhiễm
vào thường dân, cán bộ đảng viên cho đến quan chức cấp cao nhất; chức vụ càng
cao, quyền lực càng lớn thì càng gian manh dối trá. Hôm trước trong mục này
chúng tôi có bình về chuyện Tướng Tô Lâm, ủy viên Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản Việt
Nam, bộ trưởng Công An, ăn thịt bò dát vàng hàng ngàn đô la một phần ở London,
Anh, sau khi viếng mộ “tri ân” ông tổ cách mạng vô sản Karl Marx như một biểu
hiện về sự gian trá tận cùng của cán bộ Cộng Sản cao cấp. Mà đó cũng chỉ là một
trong vô số những trường hợp đang xảy ra hằng ngày hằng giờ của các quan chức
Việt Nam.
Nói vắn tắt, Cộng Sản là kẻ tiêu diệt
sáng tạo. “Để có con người sáng tạo, con người chủ động và con người trung thực”
nhằm cứu vớt nền giáo dục, phát triển xã hội như mong muốn trong bài phát biểu
của ông Thêm thì điều kiện cần và đủ là giải thể chế độ Cộng Sản, đưa đất nước
vào con đường dân chủ, tự do như bao nhiêu quốc gia khác trên thế giới. Trở ngại lớn nhất trên con đường
phát triển của đất nước và xã hội Việt Nam chính là đảng Cộng Sản chứ không phải
cái khẩu hiệu “Tiên Học Lễ, Hậu Học Văn,” và do đó cái cần phải bãi bỏ càng sớm càng tốt là chế độ độc tài toàn
trị mà đảng này áp đặt lên toàn bộ đất nước chứ không chỉ bãi bỏ câu khẩu hiệu
vốn dĩ đã bị xếp xó và thay bằng “5 điều bác Hồ dạy” từ sau ngày miền Nam thất
thủ. (Hiếu Chân) [qd]
No comments:
Post a Comment