Saturday, 27 November 2021

TRUNG QUỐC - ASEAN : TỪ BẤT NHẤT ĐẾN THỐNG NHẤT (TS Đinh Hoàng Thắng)

 


Trung Quốc – ASEAN: Từ bất nhất đến thống nhất

Phân tích của TS. Đinh Hoàng Thắng
2021-11-26

https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/china-asean-from-divergence-to-convergence-11262021095421.html

 

Trong cùng một không – thời gian, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Triệu Lập Kiên đã "sửa lại" phát biểu của ông Tập Cận Bình tại Hội nghị Cấp cao giữa Trung Quốc với ASEAN. Vậy là ngay tuyên bố của người có thẩm quyền cao nhất ở Trung Quốc từ đầu đã "bị" điều chỉnh, chưa nói tới các tính toán cũ và mới của Bắc Kinh.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/china-asean-from-divergence-to-convergence-11262021095421.html/@@images/5363e864-1d3e-4992-aa57-ef973215999a.jpeg

Lãnh đạo các nước ASEAN và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Thượng đỉnh đặc biệt ASEAN Trung Quốc hôm 22/11/2021 - AP

 

Ngày 22/11/2021, tại cuộc họp báo thường kỳ, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã tái khẳng định quan điểm của Bắc Kinh bác bỏ phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA), đồng thời tuyên bố rằng chủ quyền lãnh thổ cũng như quyền và lợi ích hàng hải của nước này ở Biển Đông dựa trên căn cứ pháp lý và lịch sử đầy đủ. Triệu Lập Kiên tuyên bố : "Bất kỳ nỗ lực nào nhằm thách thức chủ quyền và lợi ích của Trung Quốc (trên Biển Đông) sẽ không thành công". Trong khi trước đó, cũng từ Bắc Kinh, vào sáng 22/11/2021, Chủ tịch nước Tập Cận Bình đã long trọng tuyên bố trước thế giới và tại Hội nghị Cấp cao đầu tiên với chín các quốc gia ASEAN : "Trung Quốc sẽ không tìm kiếm bá quyền ở Đông Nam Á, thậm chí càng không bắt n ạt các nước láng giềng nhỏ bé hơn". Tuyên bố của ông Tập được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng đang ngày càng dâng cao, do chính sách "vùng xám" trong quan hệ giữa Trung Quốc với một số quốc gia ở khu vực liên quan đến tranh chấp Biển Đông [1].

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/china-asean-from-divergence-to-convergence-11262021095421.html/ap21326409552855.jpg/@@images/4752cde8-e597-467d-8405-cef700a144f3.jpeg

Chủ tịch TQ Tập Cận Bình tại Thượng đỉnh đặc biệt ASEAN Trung Quốc hôm 22/11/2021. AP

 

Trung Quốc bất nhất

 

Vậy là lần đầu tiên trong lịch sử, chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, ASEAN đã hai lần "tẩy chay", không cho phép tập đoàn quân phiệt Myanmar (đã đảo chính lật đổ chính quyền hợp pháp của bà Aung San Suu Kyi) tham gia các sinh hoạt quốc tế của khối. Lần thứ nhất (từ 26 – 28/10), hơn nửa thế kỷ nay, Hội nghị Cấp cao ASEAN 38 và 39, đã thực hiện được công thức "10-X" ; tức là chín nhà lãnh đạo của khối vẫn quyết định nhóm họp Thượng đỉnh sau khi "loại" Myanmar ra khỏi "cuộc chơi". Lần thứ hai (22/11), Thượng đỉnh ASEAN – Trung Quốc lấy quyết định cứng rắn hơn, không mời Tổng tư lệnh quân đội Myanmar Min Aung Hlaing tham gia Cấp cao. Sở dĩ nói cứng rắn hơn, vì đích thân Trung Quốc, quốc gia bị dư luận cho là đứng đằng sau cuộc đảo chính ngày 1/2/2021, đã tích cực vận động ASEAN để Myanmar được dự Thượng đỉnh. Cuộ c gặp Cấp cao này do Bắc Kinh khởi xướng để kỷ niệm 30 năm bang giao với ASEAN, đồng thời để tuyên bố chính thức nâng quan hệ với ASEAN lên "đối tác chiến lược toàn diện" (CSP) [2].

 

Tuy nhiên, ASEAN đã không vì sức ép về kinh tế và an ninh nhân dịp 30 năm quan hệ với Trung Quốc, mà từ bỏ lập trường của toàn khối về vấn đề Myanmar. Trong khi đó, việc Chủ tịch nước Tập Cận Bình xuất hiện lần đầu tại một Cấp cao như thế này là một động thái lịch sử. Bởi vì các Hội nghị tới đây, về phía Trung Quốc vẫn sẽ do Thủ tướng Lý Khắc Cường đồng chủ trì. Theo giới quan sát, sau Mao Trạch Đông, cho đến nay không có một nhà lãnh đạo nào của Trung Quốc đã tập trung được nhiều quyền lực như Chủ tịch Tập Cận Bình. Nghị quyết lịch sử thứ ba được thông qua tại Hội nghị trung ương 6 Đảng cộng sản Trung Quốc mới đây, vừa nâng cao vừa khẳng định vị thế của ông Tập ở trong Đảng và Nhà nước. Trung Quốc càng trở nên có ý nghĩa quan trọng hơn bao giờ hết đối với thịnh vượng của khu vực Đông Nam Á, thông qua các hoạt động kinh tế, thương mại và các mối ràng buộc về an ninh [3].

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/china-asean-from-divergence-to-convergence-11262021095421.html/ap21291392469801.jpg/@@images/8a0b6c10-6491-4fdc-97cf-da1bf534906b.jpeg

Tướng Min Aung Hlaing của Myanmar. AP

 

Giờ đây, ASEAN đối diện với ông Tập Cận Bình, nhà chỉ huy lực lượng hải quân lớn nhất thế giới. Hiện nay, các tàu hải quân và hải cảnh cũng như dân quân biển được vũ trang của Trung Quốc thường xuyên xuất hiện trên Biển Đông, ngay cả trong vùng EEZ của một số nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, thể hiện thái độ uy hiếp các nước Đông Nam Á trên Biển Đông. Tại Cấp cao vừa diễn ra, Philippines mạnh mẽ cáo buộc tàu Trung Quốc đã phun vòi rồng vào các tàu tiếp tế Philippines trên đường đến Bãi Cỏ Mây (thuộc Trường Sa). Tổng thống Duterte tuyên bố : "Chúng tôi bất bình trước sự việc gần đây ở bãi bãi Cỏ Mây và quan ngại sâu sắc đối với những sự việc tương tự. Điều này không thể hiện tốt mối quan hệ giữa các nước và quan hệ đối tác của chúng ta (với Trung Quốc)" [4].

 

Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob cũng đề cập đến Biển Đông khi phát biểu tại Thượng đỉnh. Tuyên bố của Văn phòng Thủ tướng Malaysia nêu rõ : "Tất cả các bên cần tự kiềm chế và tránh những hành động có thể bị coi là mang tính gây hấn mà có thể làm phức tạp thêm tình hình và leo thang căng thẳng trong khu vực" [5]. Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính cũng kêu gọi các bên "xây dựng Biển Đông thành vùng biển hoà bình, an ninh, ổn định và hợp tác. Trên cơ sở đó, các nước tham gia Hội nghị nhấn mạnh tầm quan trọng của xây dựng lòng tin, tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển 1982 (UNCLOS), giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình. Các bên cam kết triển khai đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố DOC, thúc đẩy xây dựng COC hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982". [6]. So với Philippines và Malaysia, phản ứng của Việt Nam tại Cấp cao này thuộc loại "hiền lành" và ai cũng hiểu nguyên nhân vì sao. Phải chăng, Việt Nam thiên về hành động hơn là "khẩu chiến", đặc biệt ở một buổi lễ được tổ chức liền kề với Hội nghị TW6 Đảng cộng sản Trung Quốc, tại đó vị trí của ông Tập trong lịch sử Đảng cộng sản Trung Quốc (ngang với Mao Chủ tịch) đã xác lập [7].

 

 

Từ "bất nhất" tới "thống nhất"

 

Ngay sau Thượng đỉnh với Trung Quốc, ông Phạm Minh Chính lên đường thăm Nhật Bản. Hai Thủ tướng Fumio Kishida và Phạm Minh Chính nhất trí tăng cường hợp tác an ninh trong khi chia sẻ "quan ngại nghiêm trọng" về các động thái gây hấn ở các vùng biển trong khu vực nhằm che đậy sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc. Tuyên bố chung hôm 25/11 cho biết, hai bên nhất trí về tầm quan trọng của việc duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật pháp, đồng thời khẳng định sẽ cùng nhau hướng tới phục hồi kinh tế sau đại dịch. "Việt Nam là đối tác quan trọng của Nhật Bản và sẽ đóng vai trò là trụ cột trong nỗ lực nhằm hiện thực hóa một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở" (FOIP), ông Kishida nói khi họp báo chung với ông Chính sau cuộc hội đàm. Hai nhà lãnh đạo đã "bày tỏ quan ngại nghiêm trọng về tình h ình ở Biển Đông và bất kỳ nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng và gia tăng căng thẳng" ; nhất trí đẩy mạnh các cuộc thảo luận về việc sử dụng một thỏa thuận đã ký cho phép xuất khẩu sang Việt Nam các thiết bị quốc phòng do Nhật sản xuất [8].

 

Trong khi Trung Quốc "vừa đấm vừa xoa" trên Biển Đông, Việt Nam cùng với một số thành viên ASEAN khác trông đợi từ hiệu ứng của các "tiểu đa phương" gần đây, từ AUKUS đến QUAD, để đạt tới một sự cân bằng chiến lược mới. [https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/summit-asean-china-xi-plays-rough-while-sweet-talking-11242021123945.html]. Đó là bối cảnh của những đón đợi lạc quan từ Úc, Nhật Bản, Ấn Độ là các thành viên chủ chốt trong chiến lược "Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương Tự do và Rộng mở" (FOIP). Đặc biệt, gần đây khi Hoa Kỳ tuyên bố công khai, xem Việt Nam và Ấn Độ là các quốc gia "chiến địa" trong chiến lược FOIP thì giới quan sát nhận thấy các tuyên bố đối ngoại của Việt Nam có dấu hiệu biến chuyển theo hướng tự tin hơn. [9]. Tuyên bố chung Việt – Nhật khẳng định, Nhật Bản ghi nhận vai trò ngày càng tăng và đóng góp xây dự ng của Việt Nam đối với các vấn đề quốc tế và khu vực ; khẳng định tầm quan trọng của Việt Nam trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Dư luận chú ý đến cam kết giữa Bộ trưởng Phan Văn Giang và đồng nhiệm Nhật Bản Nobuo Kishi : Việt Nam và Nhật Bản hợp tác để "duy trì trật tự quốc tế" trên Biển Đông và chống lại một cách mạnh mẽ mọi nỗ lực đơn phương nhằm làm thay đổi hiện trạng ở các vùng biển trong khu vực. [10].

 

https://live.staticflickr.com/65535/51706764111_829a3a78a8.jpg

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tại Tokyo hôm 24/11/2021. AP

 

Không chỉ Việt Nam, các thành viên khác của ASEAN đều mong muốn Trung Quốc "thống nhất" giữa tuyên bố chính sách với các hành động trên thực địa, nhất là sau khi có CSP. Tuy nhiên, thông qua một số chủ đề động chạm đến lễ kỷ niệm 30 năm bang giao, tiến trình từ "bất nhất" tiến đến cái "thống nhất" thật không đơn giản. Trung Quốc muốn vận động ASEAN đứng về phía mình để chống lại AUKUS và FOIP, nhưng chính các nước ASEAN lại bị chia rẽ bởi các mạng lưới "tiểu đa phương" này. Bản thân Trung Quốc tuy rất lão luyện trong vấn đề "chia để trị" nhưng không phải không có những lúc vẫn duy trì "mập mờ chiến lược" (strategic ambiguity). Một mặt, Trung Quốc lo Mỹ có thể lợi dụng một Đông Nam Á bị chia rẽ để chống lại ảnh hưởng của Bắc Kinh trong khu vực. Nhưng m ặt khác, một ASEAN khi bị chia rẽ có thể lại tốt cho Bắc Kinh vì không bao giờ thống nhất thành một khối để chống lại Trung Quốc [11].

 

Đấy là chưa nói, lộ trình từ "bất nhất" đến "thống nhất" đòi hỏi trước hết, cả Trung Quốc lẫn ASEAN phải điều chỉnh đối với đàm phán COC trong thời kỳ tới. Sự ra đời của liên minh AUKUS có nguy cơ thúc đẩy Trung Quốc xúc tiến nhanh hơn nữa tiến trình COC trước khi Mỹ gia tăng ảnh hưởng trong khu vực. Tuy nhiên, cũng có quan ngại ngược lại, AUKUS sẽ làm cho cuộc đàm phán COC thêm phần phức tạp. AUKUS phản ánh rõ quyết tâm của Mỹ và đồng minh muốn đẩy lùi ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực. Quyết tâm này của Mỹ có thể khiến cho Trung Quốc cứng rắn hơn trong việc ký kết một COC mà ASEAN, nhất là những nước "tiền tuyến" muốn hạn chế Trung Quốc bằng mọi cách. Nhưng còn một lập luận theo hướng thứ ba cho rằng, AUKUS sẽ không tạo ra bất kỳ thay đổi nào về các hoạt động quân sự củ a nước ngoài trên Biển Đông, do đó sẽ không có tác động đáng kể đến đàm phán COC. Dù sao mặc lòng, nếu không có một đột phá về tư duy từ cả hai phía, tiến trình COC cũng như việc triển khai CSP Trung Quốc – ASEAN còn đứng trước nhiều bất định [12].

 

Đinh Hoàng Thắng

 

 

---------------

Tham khảo :

 

1. https://www.fmprc.gov.cn/mfa_eng/zxxx_662805/t1919524.shtml

 

2. https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/asean-states-object-as-china-lobbies-for-myanmar-junta-to-join-summit-sources-say-11192021065119.html

 

3. https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/summit-asean-china-xi-plays-rough-while-sweet-talking-11242021123945.html

 

4. https://newsinfo.inquirer.net/1518599/duterte-tells-summit-ph-abhors-sino-action-at-ayungin-shoal

 

5. https://www.malaymail.com/news/malaysia/2021/11/22/pm-ismail-sabri-calls-on-asean-china-to-boost-multilateral-cooperation-effo/2022738

 

6. https://mpm.chinhphu.vn/hoat-dong/30-nam-quan-he-aseantrung-quoc-tin-cay-chinh-tri-hop-tac-huu-nghi-va-ton-trong-lan-nhau-21787.html

 

7. https://viettimes.vn/hoi-nghi-trung-uong-6-khoa-xix-dang-cs-trung-quoc-xac-lap-vi-tri-cua-ong-tap-can-binh-trong-lich-su-post152064.html

 

8. https://www.japantimes.co.jp/news/2021/11/25/national/japan-vietnam-meeting/

 

9. https://www.voatiengviet.com/a/my-viet-nam-quoc-gia-chien-dia-chien-luoc-an-do-duong-thai-binh-duong/6322913.html

 

10. https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-59398018

 

11. https://www.eurasiareview.com/19112021-myanmar-south-china-sea-to-be-discussed-at-upcoming-asean-china-summit-analysis/

 

12. https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-vi%E1%BB%87t-nam/20211122-kho-tin-vao-thuc-tam-dam-phan-coc-ve-bien-dong-cua-trung-quoc

 

--------------------------------------

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

 

 

Tin, bài liên quan

·         Thượng đỉnh với ASEAN: Trung Quốc vừa đấm vừa xoa

·         Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam kêu gọi các nước ngoài ASEAN có trách nhiệm ở Biển Đông

·         Liệu ASEAN và Trung Quốc có thể đạt được COC vào năm tới?

·         Việt Nam - Nhật Bản cam kết tăng cường quan hệ an ninh, quốc phòng trước mối nguy Trung Quốc

·         COC - “Kiếp nào có yêu nhau” hay “Xin một lần yêu nhau”?

·         Biển Đông sau QUAD và AUKUS

·         Trực tuyến Trung – Mỹ: Ổn trước mắt, bất trắc lâu dài

·         Nhật Bản và Việt Nam phản đối các hành động đơn phương làm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông

·         Hành trang mang theo trong chuyến công du Nhật Bản của Thủ tướng Phạm Minh Chính

·         Đóng tàu vỏ sắt cho ngư dân giữ biển, vì sao thất bại?





No comments:

Post a Comment

View My Stats