https://www.facebook.com/hksanh/posts/4718396828219340
“Tiên học
lễ hậu học văn”, cái slogan học đường đó đang bị thiên hạ lôi ra, một bên bảo bỏ,
một bên bảo không. Nhớ lại, có lẽ đó là 6 chữ tôi đọc được trong ngày đầu tiên
đến trường sau khi học xong lớp vỡ lòng tại nhà anh họ tôi. Sáu chữ đó tôi nhớ
suốt đời, mỗi khi nhẩm lại chỉ thấy vô cùng dễ chịu, chẳng có chút gì gọi là bị
câu thúc trong “lễ giáo phong kiến” cả.
Dù từ nguyên của chữ “Lễ” là như thế nào, dù
nó được người xưa dùng với nghĩa đen nghĩa bóng cách điệu như thế nào thì đối với
dân ta nó vẫn là một chữ chỉ mang ý nghĩa đẹp đẽ : là lễ phép, là lòng biết ơn,
là sự khiêm nhường, là đạo làm người. Vua chúa biết lễ sẽ bớt đi sự ngạo mạn,
dân thường biết lễ sẽ sống với nhau thuận hoà tử tế.
Tôi may mắn có một thời gian làm việc và quen
thân với hai nhà lãnh đạo lễ phép với dân nhất. Người thứ nhất là Thủ trưởng cũ
của tôi, ông Võ Văn Đặng, Phó Bí thư Tỉnh uỷ QN-ĐN. Là người phụ trách công tác
dân vận, nhưng ông rất dị ứng với cụm từ “vận động quần chúng”. Ông thường nói
với cán bộ, rằng “quần” là sự tụ tập thành bầy, “chúng” là đám đông, “quần
chúng” là một bầy đông người. Gọi nhân dân như vậy là hỗn xược. Có cán bộ đến
cơ quan gọi một số vị giám mục, linh mục bằng mặt không bằng lòng với chế độ mới
là “thằng”này “thằng” kia. Ông mắng anh ta vô lễ. Anh này giải thích rằng anh
ta chỉ nói ở cơ quan thôi, chớ ra ngoài vẫn gọi là “ông” là “ngài” đàng hoàng.
Ông bảo “nói tại đây cũng vô lễ”.
Người thứ hai là ông Mai Thúc Lân. Làm Phó Chủ
tịch Quốc hội nhưng ông vẫn ở trong một căn hộ chung cư bình thường (sau khi về
hưu mới chuyển đến ở một nơi khác), không rào không cổng. Hồi đó tôi ở căn hộ tầng
trên căn hộ của ông nên tôi biết rõ, hàng ngày những người dân bị oan vẫn đón
ông trên lối đi. Dù rất phiền toái, sáng đi làm gặp họ, chiều về cũng gặp họ,
nhưng ông vẫn không né tránh, ông từ tốn nói chuyện với họ khi có thời gian, hướng
dẫn họ đến những nơi cần đến và giúp họ những gì ông có thể giúp được. Tôi từng
có cuộc phỏng vấn ông đăng trên Thanh Niên, ông đề nghị thay tất cả các “Đơn
xin” bằng “Giấy yêu cầu” khi người dân có việc cần đến cơ quan công quyền. Ông
bảo nói dân là chủ còn cán bộ là công bộc mà dân muốn làm gì cũng phải làm “đơn
xin” thì thật là vô lễ với dân.
Tất nhiên lễ phép với dân không chỉ là chuyện
nằm trong chữ nghĩa, mà chủ yếu nằm trong định chế của nhà nước, nhưng cẩu thả
trong nói năng thì không thể tạo ra một định chế trọng dân nghiêm cẩn được. Từ
nhỏ mà không biết khiêm tốn kính trên nhường dưới thì lớn lên sẽ không tránh
thói ngạo mạn thượng tôn hạ đạp, khi có quyền thế sẽ ức hiếp dân lành.
Tôi không có ý định theo trend câu chuyện
“Tiên học lễ hậu học văn” đang tranh cãi. Nhân đọc cái tút rất hay của giáo sư
Trần Văn Thọ (Tran
Van Tho) , nên viết phụ hoạ mấy dòng trên.
https://www.facebook.com/tran.vantho.90226/posts/699107101474988
Là một trí thức lớn, là một kinh tế gia uyên
bác từng làm trong Ban Tư vấn kinh tế cho 5 đời Thủ tướng Nhật, nhưng giáo sư
Thọ là người vô cùng khiêm nhường, ông cương trực thẳng thắn nhưng không đao to
búa lớn và luôn “giữ lễ” trong các cuộc tranh biện.
HOÀNG HẢI VÂN
P/s 1 : Một cách ngẫu nhiên, cái
trend “Tiên học lễ hậu học văn” này diễn ra trong khi Hội nghị văn hoá toàn quốc
vừa tiến hành. Đối chiếu với chương trình nghị sự của Hội nghị văn hoá toàn quốc
lần thứ 2 vào năm 1948 thì Hội nghị này vừa thừa thừa vừa thiếu thiếu. Có quá
nhiều chuyện cũ mèm, nhưng lại có quá ít những vấn đề mới. Tại hội nghị năm
1948, ngoài những vấn đề tư tưởng, giáo dục, văn chương, hội hoạ, âm nhạc …
trong chương trình nghị sự còn có những thuyết trình giới thiệu về phương hướng
mới của khoa Toán Lý của nhà khoa học Tạ Quang Bửu và những đóng góp cho toán học
thế giới của giáo sư Lê Văn Thiêm, những bước tiến của khoa giải phẩu sau một
năm kháng chiến của bác sĩ Hồ Đắc Di và Tôn Thất Tùng, công bố những hiểu biết
về muỗi Anophèle ở Việt Nam (một giống muỗi gây bệnh sốt rét), những nhận xét mới
về y lý của bệnh lao…, đều là những vấn đề thiết thực không tách khỏi phạm trù
văn hoá. Còn tại hội nghị này, những thành tựu sáng tạo mang tầm quốc tế của
các nhà khoa học Việt Nam hầu như vắng bóng.
P/s 2 : Nhân đề cập đến “tàn dư
phong kiến”, xin lưu ý : Chẳng có cái tàn dư nào như vậy cả ở nước ta, đơn giản
là chế độ phong kiến chưa hề tồn tại ở Việt Nam. “Phong kiến”, viết tắt của từ
“phong tước kiến địa”, tương đương với chữ féodalité trong tiếng Pháp có gốc
feod trong tiếng Latinh nghĩa là "lãnh địa cha truyền con nối", là một
chế độ có một ông vua (thiên tử) bên trên, xung quanh là các công thần hay con
cháu được phong đất làm vua các nước chư hầu hoặc làm lãnh chúa các lãnh địa,
nước chư hầu hay lãnh địa tồn tại như một quốc gia riêng, chỉ phụ thuộc một
cách lỏng lẻo vào thiên tử hay vua. Chế độ này tồn tại trong lịch sử Trung Quốc,
ở châu Âu, ở Nhật Bản, nhưng chưa hề tồn tại ở Việt Nam trong suốt mấy ngàn năm
kể từ khi lập quốc. Các triều đại từ Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê, Nguyễn đều là chế
độ quân chủ tập quyền, không phải phong kiến. Từ những năm 30 của thế kỷ trước,
để trả lời những người học mót khái niệm của phương Tây mang vào áp dụng một
cách khiên cưỡng ở Việt Nam, học giả Phan Khôi đã có một bài viết hết sức rõ
ràng “Lịch sử Việt Nam không có chế độ phong kiến” đăng trên Phụ nữ Tân văn số
268 (29 Novembre 1934).
https://nghiencuulichsu.com/.../co-hay-khong-che-do.../amp/
.
No comments:
Post a Comment