Sunday 28 November 2021

KIẾN NGHỊ MỘT BIỆN PHÁP GIÁO DỤC GÓP PHẦN “KHAI PHÓNG" (Mạc Văn Trang)

 


KIẾN NGHỊ MỘT BIỆN PHÁP GIÁO DỤC GÓP PHẦN “KHAI PHÓNG"   

Mạc Văn Trang 

28/11/2021  20:53  

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=1383543122106284&id=100013518285955

 

Ý tưởng này nảy ra khi nhà giáo Thái Hạo cho biết, tình cờ thấy “một cô bé lớp 3 có ba mẹ là lao động chân tay, chứ không phải trí thức văn nghệ sĩ gì” vẽ bức tranh “lạ" và nhà giáo viết: “Tôi cũng không phải dân hội họa, không sành về tranh nhưng bằng cảm nhận thuần túy trực giác tôi thấy bức tranh có hồn và đẹp. Tôi nghĩ về giáo dục Việt Nam, đứa bé này có thể tiếp tục theo đuổi đam mê của nó với một núi bài tập, với môn chính môn phụ, với thi cử thành tích…?”...

 

Từ lâu những năm 1990, nhiều người đã phê phán nền giáo dục “xã hội chủ nghĩa" mang tính áp đặt, “đúc khuôn", “bình quân về nhân cách"... Nền giáo dục đó đặt ra MỤC TIÊU cho MẪU CON NGƯỜI MỚI XHCN và rèn luyện từ Tiểu học trở đi theo khuôn khổ quy định và quy trình được thiết kế để đạt tới mục tiêu đã định.

 

Ông Tố Hữu từng nói: Mỹ có tên lửa 3 tầng, nhưng ta có tên lửa 4 tầng, đó là cơ chế đào tạo nên những con người mới XHCN: Đội Nhi Đồng => Đội Thiếu niên Tiền phong => Đoàn Thanh niên => Đảng. Những con người đã được đào luyện qua 4 tầng theo một mục tiêu nhất quán như vậy, sẽ là vô địch…

 

Nhưng kết quả đã không như mong muốn, nên TBT Nguyễn Phú Trọng từng than phiền về nạn “khô Đoàn, nhạt Đảng". Còn những người ngoài Đoàn, ngoài Đảng thì sao?

 

Quan niệm áp đặt duy ý chí, rập khuôn, đào tạo ra những mẫu người có niềm tin như nhau, nghĩ như nhau, nói giống nhau, ngoan ngoãn phục tùng làm theo lệnh “trên" vô điều kiện đã phát huy sức mạnh của chính quyền chuyên chính vô sản trong giai đoạn chiến tranh vệ quốc. Nhưng nó triệt tiêu cá tính độc đáo, sáng tạo cá nhân, dập tắt mọi khuynh hướng, ý kiến khác lạ, khuyến khích học thuộc, sao chép dập khuôn theo mẫu ...

 

Dù đã “đổi mới" giáo dục nhiều lần nhưng quan điểm chỉ đạo giáo dục vẫn như cũ, có điều nó bị rệu rã trong cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế. Hơn nữa, nền giáo dục lại phải chịu đựng tệ nạn “Làm nghề gì ăn nghề ấy": Học sinh bị sách giáo khoa và các loại sách ăn theo “ĂN" cho kiệt quệ; bị học thêm “ĂN" cho bơ phờ, đờ đẫn; bị các hoạt động vô bổ “ĂN" cho mất hồn, không biết mình là ai! (Thư tuyệt mệnh (năm 2020) của một học sinh lớp 10 viết, con học đến nỗi mụ người đi, không còn biết mình là ai, không muốn sống nữa!...).

 

Trong cái bể giáo dục hỗn độn hiện nay, chưa mong có cải cách giáo dục tiến bộ để học sinh “đi học là hạnh phúc"; chưa thể để trẻ được “phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em" (Hồ Chí Minh, 1945); chưa có môi trường cho học sinh được tự do suy nghĩ, tự do biểu đạt, tự do sáng tạo, xin kiến nghị một biện pháp góp phần “khai phóng".

 

Đó là: Giảm tải chương trình giáo dục phổ thông; thay dạy thêm, học thêm bằng những CÂU LẠC BỘ YÊU THÍCH dành cho học sinh phổ thông.

 

Giảm tải chương trình để học sinh học ít thôi, cốt đạt được kiến thức, kỹ năng cơ bản phổ thông chắc chắn. Trên nền tảng đó, dành thời gian cho học sinh được hoạt động trong lĩnh vực mình yêu thích và có năng khiếu/sở trường. Hầu hết người lớn chúng ta đều thấy hối tiếc vì thời trẻ đã mất thời gian, tâm sức học bao nhiêu cái nhồi nhét đầy đầu óc, nhưng ra đời có dùng được bao nhiêu. Trong khi đó cái năng khiếu/ sở trường không được thể hiện. Mà ra đời chỉ chủ yếu phát huy giá trị cái năng khiếu/sở trường của mình mà thôi, còn vứt bỏ hầu hết cái đã học vô bổ. Hơn nữa, thời đại internet toàn cầu, điều gì cần biết thì tìm kiếm dễ dàng, sao phải học thuộc, nhét đầy bộ nhớ làm gì?

 

Các giáo viên nào có sở trường/năng khiếu về Toán, Lý, Hoá, Tin, Ngoại ngữ, Văn thơ, Sử, Địa, Thể thao, Âm nhạc, Hội hoạ, Kỹ thuật, Nữ công… đều cần được khuyến khích tổ chức các CLB YÊU THÍCH cho học sinh. (Giáo viên nào chẳng có sở trường gì để thu hút được học sinh, xin kiếm thêm tiền bằng việc khác, không được phép bắt ép học sinh học thêm).

 

Thay vì mất thời gian và trả học phí học thêm, học sinh tham gia CLB sẽ đóng tiền cho hoạt động yêu thích của mình. Như vậy CLB sẽ là nơi giúp học sinh được “khai phóng" cái “năng lực sẵn có” trong hoạt động yêu thích. Các em hoạt động tìm tòi sáng tạo cá nhân hay nhóm, mỗi tuần chỉ cần sinh hoạt chung một buổi để được hướng dẫn, chia sẻ, chủ yếu xem trình bày sản phẩm sáng tạo... Như vậy phần nào đem lại hứng thú, say mê cho học sinh và năng khiếu/sở trường không bị thui chột, mà còn có cơ hội nảy nở, phát triển.

 

Trong công đồng, xã hội cũng cần mở những CLB YÊU THÍCH cho thanh, thiếu niên hoạt động, sẽ khiến giới trẻ phát triển lành mạnh, bớt những hoạt động vô bổ.

 

Chuyện thằng cháu tôi là một ví dụ. Cháu thích vẽ và thích chơi đá bóng từ bé từ Mẫu giáo. Theo mẹ sang Ba Lan, cháu học kém toàn diện, chỉ mỗi môn Võ (thể thao) và Vẽ là xuất sắc. Tuy học kém, nhưng đá bóng giỏi, được nhiều bạn bè quý mến, có một cái để tự hào, nên không hề tự ti. Đến lớp 12, “Ra sức phấn đấu", môn Tiếng Anh khá, các môn khác trung bình yếu. Giữa năm thầy chủ nhiệm đã hướng nghiệp cho cháu vào học làm giáo viên Thể dục. Nhưng gia đình hỏi ý kiến cháu, rồi cháu quyết định thi vào Kiến trúc và cho cháu học thêm vẽ Kiến trúc.

 

Trường Kiến trúc thi một bài Toán, một bài tiếng Anh và mấy bài vẽ. Các bài vẽ được tính hệ số cao, nên cháu đỗ vào trường Kiến trúc và học tốt. Ngay khi là sinh viên đã cùng nhóm bạn Thi quốc tế được mấy giải, được Công ty Kiến trúc Đan Mạch mời đi Thực tập 6 tháng. Tốt nghiệp làm cho một Công ty Hà Lan và thăng tiến tốt. Đặc biệt là cháu rất yêu nghề, say sưa sáng tạo, thành công.

 

Cho nên chỉ cần học sinh học trung bình các môn, nhưng mỗi em được tự do yêu thích một, hai môn, được tạo điều kiện phát triển năng khiếu/sở trường của mỗi em thì sẽ có say mê sáng tạo, mỗi em phát triển tài năng trong một lĩnh vực thì xã hội sẽ có nhiều tài năng.

 

Tất nhiên có học sinh xuất chúng, giỏi toàn diện thì quý quá; nhưng cuối cùng thì em giỏi toàn diện đó có thành công hay không, cũng chỉ trong một/hai lĩnh vực hoạt động nào đó.

 

Lại nhớ ngày xưa, nhiều nhà văn, thơ, như Nguyên Hồng, Tô Hoài … chỉ học hết Tiểu học rồi đi làm, tự do viết văn theo ý thích mà thành tài.

 

Lĩnh vực nào cũng vậy, học sinh, sinh viên cần có niềm say mê yêu thích môn mình học, được tự do sáng tạo, phát huy “năng lực sẵn có" của mình thì mới có hạnh phúc và phát triển.

 

Ps: Tranh của cô bé lớp 3 lấy từ FB Thái Hạo (https://www.facebook.com/profile.php?id=100059910855657)

 

29/11/2021

MVT

 

.

12 BÌNH LUẬN  





No comments:

Post a Comment

View My Stats