Tội
vu cáo tại Đài Loan: Không phải cứ nói sai là bị khép tội
MẪN NHI - Luật Khoa
27/11/2021
https://www.luatkhoa.org/2021/11/toi-vu-cao-tai-dai-loan-khong-phai-cu-noi-sai-la-bi-khep-toi/
Tố cáo người khác
không thành không đồng nghĩa sẽ bị khép tội vu cáo.
Hành vi vu cáo. Minh họa: Luật Khoa.
A tố cáo B phạm tội. Sau quá trình điều tra,
viện kiểm sát kết luận không đủ chứng cứ nên không khởi tố. Sau đó, B kiện A tội
vu cáo. Vậy A có bị kết tội vu cáo?
Đây là thắc mắc phổ biến của nhiều người dân
Đài Loan.
Trong suy nghĩ thông thường, nói sai đã là phạm
tội vu cáo. Huống hồ như trường hợp trên, lời tố cáo bị bác bỏ thì đương
nhiên người này sẽ bị kết tội vu cáo.
Hệ thống luật pháp của Đài Loan không định tội
vu cáo một cách dễ dàng và đơn giản như vậy.
Tố cáo sai vẫn
không bị kết tội
Vào tháng 6/2015, sau bữa tiệc rượu, một nữ
hành khách và bạn của mình tại Đài Bắc đón xe
taxi về nhà. [1] Trên đường đi, cô phát hiện tài xế đi lòng vòng
không đúng đường. Nghi ngờ tài xế có ý đồ xấu, cô liên tục gọi điện cho người
thân. Theo lời của cô, họ đã cố gắng trốn thoát khỏi taxi khi tìm cớ xin dừng ở
trạm để đi vệ sinh, nhưng sau đó bị buộc phải lên lại xe. Phải đến khi cô lấy gậy
kích điện ra để tự vệ thì tài xế mới chịu thả người. Cô trình báo và tố cáo
hành vi giam giữ người của tài xế.
Phía tài xế trong khi đó trình ra các băng ghi
âm và lịch sử hành trình để chứng minh mình không đi sai đường. Lời kể của tài
xế cho biết hai hành khách lên xe trong tình trạng say rượu, nói năng không rõ
ràng, thay đổi địa chỉ nên dẫn đến việc ông phải đổi lộ trình. Vụ việc ồn ào
trên mạng xã hội và báo chí suốt một năm trời. Gia đình tài xế chịu vô số áp lực
từ dư luận. Ông quyết định tố ngược lại hành khách tội vu cáo.
Dựa trên các chứng cứ có được, viện kiểm sát
bác cáo buộc của nữ hành khách. Các kiểm sát viên nhận định tài xế đã đi đúng
như yêu cầu lộ trình, đồng thời do cô không quen thuộc đường xá nên hiểu lầm
tài xế có ý đồ xấu.
Cáo buộc bị bác, vậy có phải cô phạm tội vu
cáo?
Kiểm sát viên cũng bác yêu cầu khởi tố tội vu
cáo từ gia đình tài xế. Lý do đưa ra là vì không chứng minh được cô gái này cố
tình ngụy tạo sự thật nhằm buộc tội tài xế.
Viện kiểm sát kết luận toàn bộ sự việc là do
hiểu lầm – hai hành khách lên xe trong tình trạng say xỉn, không rõ đường, tưởng
rằng tài xế có ý đồ xấu, còn bác tài nghe hành khách đọc địa chỉ khác trong điện
thoại lại tưởng khách muốn thay đổi địa điểm đến.
“Hiểu lầm” nghe qua là lý do khó chấp nhận, nhất
là đối với gia đình tài xế. Khi sự việc được lan truyền trên mạng xã hội, gia
đình họ phải trải qua “quãng thời gian đau khổ, khó khăn nhất trong cuộc đời”,
theo lời người vợ.
Theo phán quyết, cô gái này đã tố cáo sai. Việc
tố cáo sai của cô gây hậu quả xấu đến một người vô tội. Nhưng theo tiêu chuẩn định
tội của luật pháp nước này, cô không thể bị kết tội vu cáo.
https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/11/Mine-1-1.jpg
Nữ hành khách cáo
buộc tài xế taxi có ý đồ bất chính và bài viết cô đăng trên mạng xã hội sau khi
sự việc xảy ra (trái). Nguồn: ettoday.net. Vợ chồng tài xế taxi đến văn phòng
viện kiểm sát tố cáo nữ hành khách tội vu cáo. Nguồn: ltn.com.tw.
Ba tiêu chuẩn để xử
tội vu cáo
Tội
vu cáo, được quy định trong Điều
169 Bộ luật Hình sự của Đài Loan, được định nghĩa là hành vi cố ý ngụy tạo sự
thật với mục đích làm người khác bị xử lý hình sự hoặc khiến công chức bị xử phạt.
[2]
Có ba yếu tố để xem xét trong việc cấu thành tội
vu cáo.
Một là chỉ các vụ việc có yếu tố hình sự hoặc
liên quan đến công chức mới có thể bị xem xét tội vu cáo. Trong các tranh chấp
dân sự, luật không có quy định về hành vi vu cáo.
Ví dụ như việc A mượn tiền B quá hạn không trả,
B tố cáo A có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền. Viện kiểm sát kết luận đây là
tranh chấp dân sự, không đủ chứng cứ cho thấy A có ý đồ lừa đảo từ đầu, do đó
bác yêu cầu khởi tố của B. Sau đó, A tố cáo B có hành vi vu cáo. Tuy nhiên, do
đây thuần túy là tranh chấp dân sự, viện kiểm sát cũng bác cáo buộc vu cáo của
A.
Yếu tố xem xét thứ hai là chứng cứ ngụy tạo hoặc
cố tình dối trá.
Trong một vụ án
ngoại tình vào năm 2017, người vợ kiện chồng và nhân tình ra
tòa vì quan hệ ngoài luồng. [3] Người chồng xin lỗi và được vợ chấp nhận tha thứ.
Người vợ vẫn quyết tâm kiện người thứ ba tội phá hoại gia đình. Người thứ ba thấy
anh chồng quay về với vợ, quyết định tố cáo anh ta phạm tội xâm hại đời tư, nhiều
lần chụp lén ảnh riêng tư của cô. Người chồng kiện ngược lại cô tội vu cáo.
Tòa xem xét các chứng cứ là những bức ảnh
riêng tư, phát hiện cô gái trong các bức ảnh đều nhìn thẳng vào ống kính, còn
nhiều lần làm tư thế tạo dáng. Tòa nhận định đây không phải là ảnh chụp lén như
cô tố cáo mà có sự đồng thuận. Việc cô đưa ra lời khai với tư cách nhân chứng rằng
nhân tình chụp lén mình là hành vi ngụy tạo sự thật. Từ đó, tòa phán quyết cô
phạm tội vu cáo.
Ngụy tạo sự thật hay làm giả bằng chứng thường
là điều kiện tiên quyết để xác định hành vi vu cáo. Đó là lý do điều luật về
“ngụy chứng” (perjury) và “vu cáo” (malicious accusation) được xếp vào
cùng Chương 10 trong Bộ luật Hình sự của Đài Loan.
[4]
Tiêu chuẩn thứ ba để xem xét tội vu cáo, cũng
là tiêu chuẩn khắt khe nhất, là bản thân người tố cáo phải có ý đồ muốn hãm hại
người khác.
Tiêu chuẩn này loại trừ những trường hợp tố
cáo với chứng cứ không đầy đủ, bị sai sót, hay do hiểu lầm, hoặc do người tố
cáo thiếu hiểu biết về pháp luật.
Nếu không thể chứng minh người tố cáo cố tình
tìm cách vu cáo để hãm hại người khác, tội vu cáo không thể được thành lập.
Việc đặt tiêu chuẩn cao như vậy là để đảm bảo
người dân có thể yên tâm thực hiện quyền tố cáo các hành vi sai phạm mà không sợ
bị phản tố chỉ vì hiểu lầm, sơ suất hay do năng lực còn hạn chế.
Vu cáo, phỉ báng
và sỉ nhục
Luật pháp Đài Loan đưa ra các điều luật riêng
quy định cho những tội danh này.
Tội sỉ nhục công khai (公然侮辱 hay “insult” như bản dịch
tiếng Anh) và tội phỉ báng (誹謗罪 hay “slander”) lần lượt được quy định trong
Điều 309 và 310 của Bộ luật Hình sự. [5]
Hai khái niệm này thường được dùng lẫn lộn
không phân biệt trong lời nói hàng ngày. Trong ngôn ngữ pháp
luật của Đài Loan, tội sỉ nhục là việc mô tả một cách
trừu tượng thông qua lời nói, chữ viết, động tác hoặc các hình thức biểu
đạt khác để làm nhục người khác ở nơi công cộng; còn tội phỉ báng là mô
tả cụ thể một sự việc nhắm đến người nào đó để làm tổn hại danh dự, lợi
ích của đối phương. [6]
Hai hành vi trên được xếp vào cùng Chương 27
thuộc nhóm tội xâm hại danh dự và uy tín của người khác.
Tội vu cáo (誣告罪 hay “malicious
accusation”), như đã đề cập, được quy định trong Điều 169 Bộ luật Hình sự nước
này.
Xét về định nghĩa, các khái niệm sỉ nhục và phỉ
báng trong luật hình sự của Đài Loan gần với khái niệm “vu khống” được quy định
tại Điểm a, Khoản 1, Điều 156 trong Bộ luật Hình sự của Việt Nam. Ngoài ra, nó cũng gần
gũi với quy định về “tội làm nhục người khác” được ghi trong Khoản 1, Điều 155
Bộ luật Hình sự, phạt những hành vi “xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của
người khác”, bất luận thông tin đưa ra có đúng sự thật hay không. [7]
Nhiều người Đài Loan cho rằng nhà nước cần phi hình sự hóa các hành vi sỉ nhục và phỉ báng
để đảm bảo tự do ngôn luận. [8]
Trong khi đó, quy định về tội vu cáo trong luật
hình sự có vẻ chưa gặp phản ứng gì trong dư luận nước này.
Với tiêu chuẩn khắt khe hơn nhiều so với các tội
sỉ nhục và phỉ báng, các điều luật về tội vu cáo vẫn đang được áp dụng nhằm hạn
chế những người lợi dụng hệ thống tư pháp để thực hiện ý đồ hãm hại người khác
chứ không nhắm đến việc triệt tiêu quyền tự do ngôn luận của công dân.
Đọc thêm:
Vu
khống và vu cáo, cớ sao loạn cào cào?
Xu
hướng bãi bỏ tội vu khống trên thế giới
Ứng
xử với Phương Hằng – phép thử tính cách độc đoán cho mỗi người
Chú thích:
1. ETtoday新聞雲. (2017, June 14). 正妹爆料運將「恐怖計程車」被告!吵1年大結局:都無罪. Retrieved 2021, from https://www.ettoday.net/news/20170614/945225.htm
2. 劉. (2020, May 29). 認識誣告罪. 法律百科. Retrieved 2021,
from https://www.legis-pedia.com/article/crime-penalty/228
3. 自由時報. (2017, January 31). 控情郎偷拍 女星小三比YA入鏡. Retrieved 2021, from https://news.ltn.com.tw/news/society/paper/1074890
4. Criminal Code of the Republic of
China – Chapter – Laws & Regulations Database of The Republic of China.
(2021). Laws & Regulations Database of The Republic of China. Retrieved
2021, from https://law.moj.gov.tw/ENG/LawClass/LawParaDeatil.aspx?pcode=C0000001&bp=26
5. Criminal Code of the Republic of
China – Article Content – Laws & Regulations Database of The Republic of
China. (2021). Laws & Regulations Database of The Republic of China.
Retrieved 2021, from https://law.moj.gov.tw/ENG/LawClass/LawAll.aspx?pcode=C0000001
6. 法. (2019, February 26). 「公然侮辱」和「誹謗」的差別在哪裡?. The News Lens 關鍵評論網. Retrieved 2021, from https://www.thenewslens.com/article/112942
7. Thư viện Pháp luật. (2021). Bộ
luật Hình sự 2015. https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Trach-nhiem-hinh-su/Bo-luat-hinh-su-2015-296661.aspx
8. 台北時報. (2020, March 3). EDITORIAL: Libel
should be a civil matter. Taipei Times. Retrieved 2021, from http://www.taipeitimes.com/News/editorials/archives/2018/01/14/2003685725
No comments:
Post a Comment