Monday 29 November 2021

[VỀ "TIÊN HỌC LỄ..."] : RẤT THÔNG CẢM và QUÝ TRỌNG CÁC VỊ, CÁC BẠN, NHƯNG. . . (Nguyễn Đình Cống)

 


Rất thông cảm và quý trọng các vị, các bạn, nhưng…

Nguyễn Đình Cống

29/11/2021

https://baotiengdan.com/2021/11/29/rat-thong-cam-va-quy-trong-cac-vi-cac-ban-nhung/

 

Đó là các vị, các bạn đang ra sức bênh vực cho khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn”.

 

Tôi rất thông cảm với các vị, các bạn vì trong nhiều năm tôi đã từng bênh vực khẩu hiệu đó. Nhưng rồi tôi ngộ ra rằng, thực hành nó sẽ có lợi nhỏ mà mang lại cái hại lớn hơn. Lợi hại như thế nào đã có nhiều phân tích. Riêng tôi ngộ ra được là nhờ đã học, dạy và viết sách về Phương pháp luận nghiên cứu và sáng tạo, nghiên cứu và viết sách Học làm phản biện.

 

Khi chưa có những hiểu biết sâu sắc và thực hành về sáng tạo, về phản biện thì rất dễ chấp nhận khẩu hiệu “Tiên học lễ” vì thấy ở đó những cái lợi trước mắt. Nhưng thấy rồi thì xin suy nghĩ sâu hơn về hai câu sau.

 

Câu thứ nhất là của người đề lên rất cao việc học và thực hành lễ, đó là Khổng Tử. Ngài nói: “Kiến lợi tư nghĩa”. Tôi giải thích như sau: Thấy điều lợi thì chưa nên vội làm ngay mà phải nghĩ đến nghĩa, xem làm như vậy có hợp đạo nghĩa không, có gây ra tác hại nào không. Rõ ràng việc đề cao khẩu hiệu “Tiên học lễ” có vài điều lợi nào đó, nhưng cái hại nó kéo theo khá nhiều. Một số người có thể dựa vào nó mà huấn luyện trẻ con trở thành những kẻ chỉ biết vâng lời, mà chống lại những người dám phản biện.

 

Câu thứ hai là của người Ba Tư cổ đại, rằng: “Khi định làm điều gì thì phải thấy cho hết những điều hại mà nó có thể đem lại”. Tôi xin thuyết minh: Định làm điều gì vì thấy nó cần, nó mang lại một lợi ích nào đó. Nhưng xin chớ vội để điều lợi làm mờ mắt, làm rối trí. Hãy tìm và thấy cho hết những điều hại không mong muốn đi kèm theo. Những người đề nghị bỏ khẩu hiệu “Tiên học lễ” vì họ đã thấy rõ những điều hại kèm theo là lớn hơn vài điều lợi trước mắt.

 

Tôi quý trọng các vị, các bạn, vì tấm lòng tốt, vì nghĩ đến việc chấn hưng đạo đức. Tôi cũng rất mong muốn như vậy. Sau năm 1975, khi biết được trẻ em, học sinh ở Miền Nam rất ngoan ngoãn, rất lễ phép, tôi ao ước làm sao để trẻ em trên khắp cả nước đều ngoan như vậy. Nhưng rồi tôi ngộ ra rằng, sự lễ phép và ngoan ngoãn ấy là những bông hoa đẹp, thể hiện ra bên ngoài. Cái đẹp ấy phải dựa vào gốc rễ vững chắc thì mới lâu dài, còn khi không có gốc rễ vững chắc thì đó chỉ là trò dối trá và nhanh chóng lụi tàn. Gốc rễ là tình thương yêu và tôn trọng con người. Phải dạy, phải làm gương (bằng thân giáo) về tình thương yêu và tôn trọng đó trước khi dạy lễ phép.

 

Các vị, các bạn rất thiết tha với việc chấn hưng đạo đức, không những cho trẻ em, cho học sinh mà cho cả dân tộc. Đó là điều quý giá, rất đáng trân trọng.

 

Nhưng… dùng biện pháp “Tiên học lễ” thì tuy có một chút tác dụng mà không giải quyết được gốc rễ. Sự xuống cấp đạo đức trong trường học và trong xã hội không phải do nhà trường không thực hành khẩu hiệu “Tiên học lễ” mà là do nhiều nguyên nhân khác quan trọng hơn, cơ bản hơn, (xin bàn ở nơi khác). Khi những nguyên nhân này vẫn còn tác dụng mạnh mẽ thì dù cho có đề cao khẩu hiệu “Tiên học lễ” đến bao nhiêu, ngay cả mỗi buổi sáng bắt tất cả học sinh hô to khẩu hiệu đó, ngay cả trước khi hướng dẫn học sinh học bài mới, thầy cô hô khẩu hiệu đó rồi học sinh hô theo, thì khẩu hiệu vẫn chỉ là khẩu hiệu, đạo đức cứ xuống cấp không ngăn lại được.

 

Tôi thông cảm và quý trong các vị, các bạn, nhưng tôi không tán thành cách các vị, các bạn dùng những xảo thuật ngụy biện để bảo vệ khẩu hiệu đã lỗi thời. Ngụy biện cơ bản của các vị, các bạn là đánh tráo khái niệm, cho rằng cơ bản của lễ là đạo đức làm người. Trong ‘lễ’ có một chút là đạo đức làm người, đó là do các vị thêm vào, còn cơ bản của ‘lễ’ là sự phục tùng, là các quy định khắt khe về giao tiếp.

 

Trên một tấm áo cũ nát có ai gắn vào một bông hoa thì hãy cắt rời bông hoa đó để gắn vào chiếc áo mới, còn đưa chiếc áo rách nát ấy vào nơi cất giữ nếu cần. Không nên vì bông hoa mà vui sướng khi mặc cả chiếc áo cũ nát, hôi hám.

 

Thế bỏ khẩu hiệu “Tiên học lễ” thì nền giáo dục sẽ dựa vào khẩu hiệu gì. Không cần khẩu hiệu gì cả mà theo phương châm giáo dục với 4 trụ cột như Liên Hiệp Quốc đã khuyến cáo.





No comments:

Post a Comment

View My Stats