Cuộc
chiến gián điệp “không có lửa nhưng có khói” giữa hai miền Triều Tiên
Mỹ Anh -
Saigon Nhỏ
29 tháng 11, 2021
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2021/11/GettyImages-944540452-1024x682.jpg
Một chốt kiểm soát
quân sự của Bắc Triều Tiên tại khu vực Bàn Môn Điếm (ảnh: Chung Sung-Jun/Getty
Images)
Bình Nhưỡng và Seoul chưa bao giờ ngưng rình rập
nhau. Cuộc chiến gián điệp giữa hai miền Nam-Bắc Triều Tiên không ồn ào như những
vụ thử hỏa tiễn vang động của Kim Jong-un nhưng cũng bốc nhiệt không kém…
Song Chun-son chỉ là một công nhân trang trại
nuôi vịt. Thế rồi, cô bị ép làm việc cho Bộ An ninh Nhà nước Bắc Triều Tiên.
Song Chun-son đào thoát sang Hàn Quốc năm 2018. Tại vùng đất mới, Song Chun-son
học chăm sóc bệnh nhân viện dưỡng lão và kiếm thêm bằng nghề nhân viên phục vụ
nhà hàng. Song Chun-son không yên thân. Ngày nọ, nhân viên phản gián Hàn Quốc
điều tra được các chi tiết quá khứ của Song Chun-son và họ tin rằng sau khi đến
Nam Hàn, đương sự vẫn tiếp tục làm việc cho Bắc Hàn. Tháng Năm, Song Chun-son bị
an ninh Nam Hàn bắt. Thứ Ba 23 Tháng Mười Một 2021, một tòa án ở Suwon (Seoul)
đã kết án Song Chun-son ba năm tù – theo New York Times (ngày
29-11-2021).
Dưới thời nhà lãnh đạo Kim Jong-un, Triều Tiên
tăng cường chiến dịch đưa những người Triều Tiên đào tẩu nương thân ở miền Nam
trở về “cố hương” bằng bất cứ cách nào có thể, trong đó có việc tuyển mộ những
người như Song Chun-son. Kể từ thập niên 1990 đến nay, hơn 33,800 người Bắc Triều
Tiên đã đào tẩu sang Hàn Quốc. Tuy nhiên, từ khi Kim Jong-un lên nắm quyền cách
đây một thập niên, ít nhất 28 người trong số họ đã tái xuất hiện một cách bí ẩn
ở Triều Tiên. Làm thế nào và tại sao họ quay lại một đất nước nghèo nàn nằm dưới
sự cai trị độc tài tàn ác, nơi họ trước đó liều mạng chạy trốn, là một trong những
bí ẩn lớn nhất trong quan hệ liên Triều.
Song Chun-son kể với tòa về con đường vượt
biên vào Hàn Quốc của mình. Sống ở Onsong, một thị trấn Triều Tiên gần biên giới
Trung Quốc, Song Chun-son có thời làm nghề môi giới, giúp những người đào tẩu
Triều Tiên ở miền Nam chuyển tiền mặt cho người thân của họ ở miền Bắc. Năm
2016, nhân viên Bộ An ninh tiếp cận và tuyển dụng cô. Đối mặt khả năng bị truy
tố và thậm chí bị bỏ tù vì làm nghề chuyển tiền bất hợp pháp, Song Chun-son buộc
phải hợp tác với an ninh. Từng bị tống vào trại cải tạo từ năm 2007 đến năm
2009 vì tội nhập cảnh trái phép vào Trung Quốc kiếm thực phẩm khi Triều Tiên chứng
kiến nạn đói khủng khiếp, việc trở lại trại lao động hay nhà tù là điều Song
Chun-son chẳng bao giờ muốn.
Tháng Tám 2016, Bộ Công an Bắc Hàn phái Song
Chun-son đến Trung Quốc để do thám những người Bắc Triều Tiên trốn ở đây (trước
đó đào thoát khỏi đất nước với sự giúp đỡ của các nhà truyền giáo Cơ đốc). Bộ
Công an Triều Tiên đặt cho Song Chun-son mật danh “Hoa cúc”. Hai năm sau, Song
Chun-son trốn sang Hàn Quốc, khai ra những gì từng mình làm cho Bộ Công an Bắc
Hàn… Trong phiên tòa hôm Thứ Ba, thẩm phán Kim Mi-kyong bác đơn kháng cáo, nói
rằng Song Chun-son đã giúp công an Triều Tiên vì lợi ích cá nhân. Trong phiên
xét xử, Song Chun-son thừa nhận có cung cấp cho một mật vụ Bắc Hàn tên là Yon
Chol-nam số điện thoại của một người Bắc Triều Tiên đào tẩu ở Hàn Quốc mà mình
quen khi còn làm môi giới. Song Chun-son cũng thừa nhận có gọi điện cho người
đào tẩu này để nhờ anh ta giúp Yon, nói dối rằng Yon là chồng mình và Yon đang
giúp các gia đình Triều Tiên móc nối người thân của họ ở miền Nam.
Nhờ sự giúp đỡ của Song Chun-son, điệp viên Bắc
Hàn Yon Chol-nam tìm được chỗ ở của ba người Triều Tiên đào tẩu và thuyết phục
họ trở lại miền Bắc. Yon thậm chí giúp họ gọi điện nói chuyện với thân nhân ở
miền Bắc. Một trong những người từng đào tẩu, Kang Chol-woo, và bạn gái của
đương sự (cũng là người Triều Tiên đào tẩu xuống miền Nam) cuối cùng đã trở về
miền Bắc qua ngả Trung Quốc vào năm 2016 và sau đó xuất hiện trên truyền hình
Bình Nhưỡng.
Dưới thời Kim Jong-un, Triều Tiên thắt chặt kiểm
soát biên giới với Trung Quốc, lối thoát chính cho những người đào tẩu; đồng thời
truy quét băng đĩa điện ảnh-ca nhạc Hàn Quốc nhập lậu từ Trung Quốc. Kết quả, số
người tị nạn Triều Tiên xuống miền Nam giảm xuống còn 1,047 người vào năm 2019,
so với 2,914 người năm 2009. Năm 2019, số người Bắc Hàn vượt lọt vào miền Nam
chỉ vỏn vẹn 229. Triều Tiên gọi những đối tượng đào tẩu là “kẻ phản bội” và “cặn bã loài người”. Truyền hình Bắc Hàn thường
xuyên phát các chương trình phỏng vấn những gia đình có người đào tẩu, với cảnh
họ sụt sùi khóc lóc, kêu gọi người thân ở Nam Hàn hãy trở về “quê nhà”, lãnh đạo
Kim hứa tha hết “tội ác” của họ, rằng đảng và nhà nước Triều Tiên luôn nhân từ
khoan hồng…
No comments:
Post a Comment