Nho
giáo và chữ “Lễ” có trói buộc con người?
Nguyễn
Văn Nghệ
29/11/2021
https://baotiengdan.com/2021/11/29/nho-giao-va-chu-le-co-troi-buoc-con-nguoi/
Năm 2016 GS.TSKH. Trần
Ngọc Thêm khẳng định: “Giáo dục hỏng chính là do triết lý giáo dục sai lầm”.
Ông phân tích: “Chính là do ảnh hưởng của triết lý giáo dục ‘con ngoan
trò giỏi’ mà chúng ta đã khôi phục khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” ở
khắp nơi, cứ tưởng rằng xã hội lộn xộn thì chỉ cần gò trẻ em vào lễ là xong. Nề
nếp do lễ mang lại ở đâu chưa thấy, trong khi ai cũng biết rằng, Nho giáo và chữ
Lễ trói buộc con người, không cho sáng tạo thì rất rõ. Không sáng tạo làm sao
có phát triển?”
Ngày 21/11/2021 tại Hội thảo giáo dục chủ
đề “Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới Giáo dục – Đào tạo” do Ủy Ban Văn
hóa Giáo dục của Quốc hội tổ chức, ông Trần Ngọc Thêm đã đề nghị “Cần chấm dứt
sử dụng khẩu hiệu ‘Tiên học lễ. hậu học văn’ để khai mở tư duy phản biện, giải
phóng sức sáng tạo”.
Nho giáo và chữ Lễ có trói buộc con người,
không cho sáng tạo như nhận định của ông Trần Ngọc Thêm không?
Tác dụng của Lễ
trong cuộc sống
Ý nghĩa của chữ “Lễ” rất là rộng, không chỉ
gói gọn trong lễ nghi, lễ giáo. Nếu ai đã đọc qua phần khái quát chữ Lễ trong tác
phẩm Nho giáo của cụ Trần Trọng Kim thì mới thấy chữ Lễ rất là thâm thúy. Lễ
đã làm cho tất cả sinh hoạt trong xã hội đều có quy củ: “Đạo đức nhân nghĩa,
không có lễ không thành; dạy bảo, sửa đổi phong tục, không có lễ không đủ; xử
việc phân tranh kiện tụng, không có lễ không quyết; vua tôi, trên dưới,cha con,
anh em, không có lễ không định; học làm quan, thờ thầy, không có lễ không thân;
xếp đặt thứ vị trong triều, cai trị quân lính, đi làm quan, thi hành pháp lệnh
không có lễ không uy nghiêm; cầu khấn tế tự, cung cấp quỷ thần, không có lễ
không thành kính, không trang chính. Bởi thế cho nên quân tử dung mạo phải
cung, trong bụng phải kính, giữ gìn pháp độ, thoái nhượng, để làm sáng rõ lễ”.
(Lễ ký: Khúc lễ thượng).
Lễ khiến cho sự hành vi của con người có chừng
mực, để lúc nào cũng hợp với đạo trung: “Cung kính mà không có lễ thì phiền,
cẩn thận mà không có lễ thành ra sợ hãi, dũng mà không lễ thì loạn, trực mà
không có lễ thành ra vội vã”. (Luận ngữ: Thái Bá, XIII).
Nếu không có lễ, lấy gì mà phân biệt nghĩa vua
tôi, trên dưới cho có đạo lý? “Trong những cái của dân cậy mà sinh hoạt thì
lễ là to hơn cả. Không có lễ thì không phân biệt ngôi vua tôi, trên dưới , lớn
bé; không có lễ thì không có thể phân biệt cái lòng thân của trai gái, cha con,
anh em, sự giao tiếp về hôn nhân về người thân hay người sơ”. (Lễ ký: Ai
công vấn, XXVII).
Những cái tình của con người thì ẩn khuất ở
trong lòng không sao biết được, chỉ có Lễ mới ngăn giữ mà thôi: “Cái đại
dục của người ta là ở việc ăn uống, trai gái, bao giờ cũng có, cái đại ố của
người ta là ở sự chết mất, nghèo khổ , bao giờ cũng có. Cho nên dục, ố là cái mối
lớn của tâm vậy, người ta giấu kín cái tâm không thể dò xét được; cái hay cái dở
đều ở trong tâm, không hiển hiện ra ngoài. Nếu muốn tóm lại làm một để biết cho
cùng mà bỏ Lễ (xả lễ) thì lấy gì mà biết được”. (Lễ ký: Lễ vận, IX).
Lễ giống như con đê ngăn lũ: “Phù lễ cấm loạn
chi sở do sinh, do phường chỉ thủy chi tự lai dã”. (Lễ là sự cấm loạn sinh
ra, như đường đê giữ nước không đến vậy – Lễ ký: Kinh giải, XXVI).
Tác dụng của lễ thật là quảng đại, thật là
tinh vi, đủ chứng là tâm lý học của Nho giáo sâu xa vô cùng. Tác phẩm “Trung Quốc
triết học sử” ghi lời nhận xét của Hồ Thích: “Trong cái nghĩa rộng chữ Lễ có
hàm cái tính chất pháp luật, nhưng lễ thì thiên trọng về cái quy củ tích cực,
mà pháp luật thì thiên trọng về cái cấm chế tiêu cực. Lễ thì dạy người ta nên
làm điều gì và không nên làm điều gì; pháp luật thì cấm không cho làm những việc
gì, hễ làm thì phải tội. Người làm điều trái Lễ thì chỉ bị người quân tử chỉ
nghị chê cười, chứ người làm trái pháp luật thì có hình pháp xét xử”.
Dùng Lễ có lợi hơn là có thể ngăn cấm được việc
chưa xảy ra, mà dùng pháp luật thì chỉ để trị cái việc đã có rồi, bởi vậy thánh
nhân chỉ trọng Lễ, chứ không trọng hình: “Phàm cái biết của người ta chỉ biết
được cái đã có rồi, không biết được cái sắp có. Lễ là để cấm trước cái sắp có,
pháp luật là để cấm sau cái đã có rồi… Lễ vậy, lễ vậy, lễ quý là dứt được điều
ác từ lúc chưa nảy mầm ra, dấy lòng kính ở chỗ người ta không trông thấy, để
cho dân ngày ngày đến gần điều thiện, xa điều tội, mà tự mình không biết”.
(Đại đái Lễ ký: Lễ tế).
Người
xưa dùng đức trị, Lễ trị chứ không muốn dùng pháp chế: “Đạo chi dĩ chính, tề chi dĩ hình, dân miễn nhi vô sỉ. Đạo chi dĩ đức,
tề chi dĩ lễ, hữu sỉ thả cách”. (Nếu nhà cầm quyền chuyên dùng pháp chế, cấm
lệnh mà dẫn dắt dân chúng, chuyên dùng hình phạt mà trị dân, thì dân sợ mà chẳng
dám phạm phép thôi, chớ họ chẳng biết hổ ngươi. Vậy muốn dẫn dắt dân chúng, nhà
cầm quyền phải dùng đức hạnh, muốn trị dân, nhà cầm quyền phải dùng Lễ tiết,
thì chẳng những dân biết hổ ngươi, họ lại còn cảm hóa và trở nên tốt lành – Luận
ngữ: Vi chính, II)
Nho giáo và chữ Lễ
không hề trói buộc con người
Ông Trần Ngọc Thêm bảo: “Trong khi ai cũng
biết rằng, Nho giáo và chữ Lễ trói buộc con người…” có vẻ như võ đoán. Theo
tôi không phải “ai cũng biết rằng…”, chỉ có những
người nghiên cứu Nho giáo một cách hời hợt và bị ảnh hưởng cách giáo dục
theo đường lối cộng sản mới có kết luận về Nho giáo như vậy.
Nhiều người nghiên cứu về Nho giáo một cách hời
hợt bảo rằng: Người Âu Mỹ nào có “tiên học lễ” mà vẫn văn minh! Xin thưa là quốc
gia, dân tộc nào cũng đều có hấp thụ chữ Lễ cả, nhưng cách thể hiện Lễ thì mỗi
nơi mỗi khác. Nếu không có Lễ thì làm sao trong quốc gia của họ lại có tôn ti
trật tự được?
Có những học thuyết mới ra đời chỉ mươi năm mà
đã bộc lộ những sai lầm một cách rõ rệt, huống chi học thuyết Nho giáo xuất hiện
đã hơn hai ngàn năm thì làm sao tránh khỏi những khiếm khuyết! Khi tiếp thu văn
hóa, ta đón nhận những cái tinh hoa, còn những gì lạc hậu, lỗi thời thì ta loại
bỏ. Nhà nghiên cứu Will Durant đã nhận xét về Nho giáo: “Không nên trách Khổng
tử về tất cả những nhược điểm ấy. Không ai lại đòi một triết gia phải suy tư
cho hai chục thế kỷ. Trong một đời người làm sao có thể tìm được con đường đưa
tới tri thức cho hết thảy các đời sau. Mà rất ít người làm nhiệm vụ ấy một cách
đầy đủ như Khổng tử. Càng hiểu rõ ông, chúng ta càng ngạc nhiên rằng chỉ có một
phần nhỏ trong đạo của ông là không hợp với khoa học, với những sự biến đổi do
thời gian. Khi ta nhận thấy rằng ngay ở thời đại chúng ta, ông vẫn còn là người
chỉ đường chắc chắn cho chúng ta, thì chúng ta quên những lời đôi khi hơi nhàm
của ông và đức độ quá hoàn toàn của ông làm cho ta có lúc chịu không nổi”.
Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, cựu Phó Chủ nhiệm Văn
phòng Quốc hội đã luyến tiếc cho truyền thống Nho giáo đã “bị đứt gãy” ở Việt
Nam: “Với đội ngũ hành chính – công vụ ở các nước Đông Bắc Á,
tôi thấy truyền thống Nho giáo sâu xa đã giữ gìn được sự liêm sỉ đích thực.
Ở các nước ấy truyền thống Nho giáo liền mạch, chứ
không bị đứt gãy như ở Việt Nam. Thời phong kiến xưa, ở Việt Nam ta từng
có những ông quan sẵn sàng xây dựng kênh rạch tưới tiêu xuyên qua đất của mình.
Có liêm chính, có tinh thần phụng sự quốc gia, những người này sẳn sàng hy sinh
lợi ích cá nhân vì lợi ích quốc gia, chứ tuyệt đối không nắn chỉnh kênh rạch
thành một ‘đường cong mềm mại’.
Tất nhiên vào những thời suy, quan lại phong kiến
tha hóa, xấu xa không phải là không có, nhưng vào những thời thịnh, số lượng
quan thanh liêm là rất nhiều. Sự thịnh trị có được chính là nhờ vào đội ngũ
quan lại thanh liêm như vậy.
Bây giờ chúng ta phải tìm cách khơi gợi, nuôi
dưỡng trở lại cái tinh thần bị đứt gãy ấy. Lương bổng là cần, nhưng lương bổng
chỉ là một nửa của vấn đề. Một nửa còn lại chính là tinh thần, đạo đức, cốt
cách và sự liêm sỉ”.
Cách nhận định về Nho giáo của ông Trần Ngọc Thêm rất
là hời hợt. Trong tác phẩm “Cơ sở
văn hóa Việt Nam” của ông có 13 trang viết về Nho giáo và Văn hóa Việt Nam, ông
đã đưa ra nhiều dẫn chứng sai lạc về Nho giáo. Ông đã cố ca ngợi ông Hồ Chí
Minh: Chính vì đặt nước lên trên mà một người xuất thân từ dòng dõi Nho gia như
Hồ Chí Minh dám đi ngược lại giáo huấn của Nho giáo: Dám bỏ lại cha già để đi
tìm đường cứu nước tại trời Tây xa xôi (theo Nho giáo thì “phụ mẫu tại bất viễn
du” – cha mẹ còn, con không được đi xa).
Cách giải thích như vậy
chúng tôi gọi là giải thích theo kiểu “tắc tử”, “nửa vời”. Nho giáo nào cấm khi
cha mẹ còn, con không được đi xa. Sách Luận ngữ, ở thiên Lý nhân ghi rõ ràng: “Phụ
mẫu tại, bất viễn du, du tất hữu phương”. (Trong khi cha mẹ còn sanh tiền,
phận làm con chớ có đi chơi xa, như có đi chơi xa thì thưa trước cho cha mẹ biết
để cha mẹ an tâm).
Trong câu ấy gồm hai vế,
nhưng ông Trần Ngọc Thêm chỉ lấy vế đầu giải thích để đạt được mục đích là cố
ca ngợi ông Hồ Chí Minh, để rồi quy kết “Nho giáo và chữ Lễ trói buộc con
người”!
Ông Trần Ngọc Thêm nghiên cứu về Nho giáo một
cách hời hợt “Khẩu hiệu ‘Tiên học lễ, hậu học văn’ là sản phẩm của nền giáo dục
Nho giáo, phục vụ cho mục tiêu đào tạo người thừa hành, coi việc đòi hỏi người
dưới phải phục tùng và giữ “lễ” với người trên là yêu cầu số 1”. Có phải “Tiên
học lễ đòi hỏi quan hệ một chiều” không?
Vua Định công nước Lỗ hỏi Khổng tử: “Vua
khiến bề tôi, bề tôi thờ vua phải như thế nào?” Khổng tử đáp: “Vua lấy Lễ
mà đãi bề tôi, bề tôi lấy trung mà thờ vua” – (Luận ngữ: Bát dật, 19). Hoặc
Mạnh tử bảo với Tề Tuyên vương: “Vua xem bề tôi như tay chân, thì bề tôi xem
vua như bụng như lòng. Vua xem bề tôi như chó ngựa, thì bề tôi xem vua như người
lạ trong nước. Vua xem bề tôi như đất như cỏ, thì bề tôi xem vua như giặc như
thù”. (Mạnh tử: Ly lâu, Chương cú hạ 3). Như vậy quan hệ về Lễ trong Nho
giáo là quan hệ hai chiều chứ không phải như nhận định của ông Trần Ngọc Thêm!
Do nghiên cứu hời hợt nên ông Trần Ngọc Thêm
khẳng định: “Chừng nào còn đề cao chữ ‘Lễ’ thì người học còn bị trói buộc
trong quan hệ kính trọng một chiều. chấm dứt sử dụng khẩu hiệu ‘Tiên học lễ, hậu
học văn’ sẽ là điều kiện cần để khai mở tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo”.
Tác giả Lê Học Lãnh Vân không quan niệm như
ông Trần Ngọc Thêm: “Tư duy phản biện không bị trói buộc bởi quan niệm ‘Tiên
học lễ’. Nó bị trói buộc bởi cả một cách tổ chức xã hội, trong đó ngôn luận
không được tự do. Khi không có tự do báo chí, thì rõ ràng không có tự do ngôn
luận. Khi luật pháp có thể bỏ tù người dân vì ý nghĩ trong đầu của họ thì rõ
ràng không có tự do tư tưởng rồi”. Tự do sẽ là chìa khóa cho sự Khai phóng!
Hậu quả của việc bỏ
cũ theo mới ở Việt Nam hiện nay
Trong thời gian trước đây, những ai sinh ra và
lớn lên được giáo dục dưới mái trường xã hội chủ nghĩa đều bị nhồi nhét tư tưởng
cho rằng “Nho giáo là bảo thủ lỗi thời và kiềm hãm sự phát triển của xã hội”.
Khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” là “tàn dư tệ hại của Khổng giáo”
cho nên “chúng ta không thể dung hòa được với Khổng giáo và hệ tư tưởng phản
động và bảo thủ của nó” và “chúng ta phải kiên trì đấu tranh để quét sạch
nó ra khỏi mọi lãnh vực của đời sống xã hội như quét sạch những đống rác bẩn vậy!”
Dân tộc Việt Nam đã trải qua một thời gian dài
chịu ảnh hưởng Nho giáo. Khi những người cộng sản Việt Nam nắm chính quyền ở miền
Bắc thì quyết tâm phá bỏ nền văn hóa cũ để xây dựng một nền văn hóa mới xã hội
chủ nghĩa. Về đạo đức chỉ dạy “đạo đức cách mạng”. Riêng ở Miền Nam, vào năm
1958, Tổng thống Ngô Đình Diệm ra lệnh thành lập Hội Khổng học trên tất cả các
tỉnh thành để tiếp tục duy trì quảng bá đạo đức cương thường của tổ tiên. Về
triết lý giáo dục dựa trên nền tảng: Nhân bản – Dân tộc – Khai phóng.
Việc bỏ cũ theo mới được cụ Trần Trọng Kim nhận
xét trong “lời phát đoan” của tác phẩm Nho giáo: “Xét ra cho kỹ, sự bỏ cũ
theo mới của ta hiện thời bây giờ không phải là không cần cấp, nhưng vì người
mình nông nổi, không suy nghĩ cho chín, chưa gì đã đem phá hoại cả đi, thành thử
cái xấu, cái dở của mình thì vị tất đã bỏ đi được, mà lại làm hỏng mất cái phần
tinh túy đã giữ cho xã hội của ta được vững bền hàng mấy nghìn năm nay. Phàm
người ta muốn bỏ cái cũ đã hẩm nát, tất là phải có cái mới tốt hơn, đẹp hơn để
thay vào. Nay ta chưa có cái mới mà đã vội vàng bỏ cái cũ đi, thành ra đổ nát cả,
mà không có cái gì thay vào được. Ấy là cái tình trạng nước ta ngày nay là thế,
khác nào như chiếc thuyền đi ra giữa biển, đánh mất địa bàn chỉ nam, không biết
phương hướng nào mà đi cho phải đường, cứ lênh đênh mãi, không khéo lại bị sóng
gió va vào đá vỡ tan mất cả. Đó là điều ta nên biết để tìm cách mà chữa lại được
chút nào chăng”.
Chính
do những người cộng sản chủ trương đoạn tuyệt với nền luân lý đạo đức duy lý
nhã nhặn mà tổ tiên ta đã hấp thụ qua biết bao nhiêu thế hệ, để chạy theo học
thuyết duy lý hung hăng của Đức, Nga mà hậu quả theo kết quả điều tra ở Việt
Nam vào năm 2006 cho thấy: Tỷ lệ nói dối cha mẹ ở học sinh cấp Tiểu học là 22%,
cấp Trung học Cơ sở là 50%, cấp Trung học Phổ thông là 64%, Sinh viên là 80%.
Chữ Lễ không hề trói buộc con người như lập luận
của ông Trần Ngọc Thêm. Người Việt Nam ai cũng sợ mang tiếng là “đồ vô lễ”. Con
người mà “vô lễ” thì sẽ không từ bỏ bất cứ hành động gian ác nào.
Để ngày càng hoàn thiện trên con đường đạo đức,
mỗi người phải luôn tu thân tức là “khắc kỷ phục lễ” (chế thắng lòng tư dục của
mình và theo về lễ tiết – Luận ngữ: Nhan Uyên, XII), phải “ước ngã dĩ lễ” (dùng
lễ tiết mà ước thúc thân tâm ta – Luận ngữ: Tử Hãn, IX). Tu thân không miễn trừ
một ai (Tự thiên tử dĩ chí ư thứ nhân nhất thị giai dĩ tu thân vi bản). Sau
khi đã “khắc kỷ phục lễ” thì mọi người sẽ: “Phi lễ vật thị, phi lễ vật
thính, phi lễ vật ngôn, phi lễ vật động” (không phải lễ thì chớ trông,
không phải lễ thì chớ nghe, không phải lễ thì chớ làm – Luận ngữ: Nhan Uyên,
XII).
Người giàu sang biết Lễ thì không dâm tàn,
không kiêu căng; người bần tiện biết Lễ thì không nản chí, không làm bậy; cán bộ,
viên chức mà biết Lễ thì biết cách lo cho dân, cho nước.
Nếu như cán bộ quan chức trong bộ máy đảng và
chính quyền nước ta hiện nay biết “khắc kỷ phục lễ”, biết “ước ngã dĩ lễ” thì
đâu đến nỗi bà cựu Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Doan phải thốt lên trước bàn dân
thiên hạ: “Cái liều vacxin tiêm cho một cháu lại san ra tiêm cho hai cháu
ngay tại Hà Nội. Tôi càng đi càng thấy buồn, ‘ăn’ của dân không từ một
cái gì”. Nói theo ngôn ngữ dân gian thì quan tham “ăn tận đáy quần chúng”.
Những gì là tinh hoa văn hóa của nhân loại
(không cần phân biệt là “sản phẩm của Nho giáo” hoặc Phật giáo hoặc Ki tô
giáo…) thì chúng ta sẵn sàng tiếp nhận để làm cho nền văn hóa của dân tộc ta
ngày càng thêm phong phú!
Nguyễn
Văn Nghệ, Diên Khánh – Khánh Hòa
No comments:
Post a Comment