Friday, 26 November 2021

VÌ SAO CÓ TIỀN NHƯNG VIỆT KIỀU VẪN CHỌN VỀ VIỆT NAM QUA NGÃ CAMPUCHIA? (Bùi Thư - BBC News Tiếng Việt)

 


Vì sao có tiền nhưng Việt kiều vẫn chọn về VN qua ngả Campuchia? 

Bùi Thư

BBC News Tiếng Việt

25 tháng 11 2021

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-59383616

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/9AB6/production/_121560693_hk.jpg

Ảnh minhh họa một chuyến bay thương mại "trọn gói" từ Anh về Việt Nam.

 

Bay đến Campuchia và vào Việt Nam qua cửa khẩu Mộc Bài thay vì chọn chuyến bay thương mại thẳng đến Việt Nam là lựa chọn của nhiều người Việt Nam muốn về nước.

 

Chia sẻ hành trình về Việt Nam từ Pháp qua ngả Campuchia, Gia Bảo nói với BBC News Tiếng Việt: "Tôi muốn tự tìm hiểu để cho một số người Việt Nam ở nước ngoài cũng muốn về bằng đường Campuchia biết được thế nào. Trước ngày khởi hành tôi cũng rất lo sợ nhưng vẫn vui vẻ chấp nhận rủi ro, kể cả khả năng bị kẹt lại Campuchia."

 

"Thà chấp nhận rủi ro nhưng mình không chấp nhận bỏ khoản tiền lớn cho bất kỳ công ty lữ hành nào, tôi kiên quyết không ủng hộ bất kì chuyến bay cứu trợ hay hồi hương mà có giá 70-80 triệu VND."

 

Hành trình từ Pháp về VN qua đường Campuchia

 

Gia Bảo sang Pháp du học vào năm 2017 và hiện đang làm việc tại Pháp. Vì dịch bệnh, anh bị kẹt ở Pháp không về tham gia đình được gần ba năm.

"Ý định về Việt Nam đã có cách đây 3, 4 tháng nhưng tôi đợi chuyến bay thương mại lẫn cứu trợ có rẻ hơn không. Tôi đã liên hệ với một vài công ty du lịch ở Việt Nam và được báo các mức giá khác nhau: 66 triệu VND, 70 triệu VND và 86 triệu VND."

 

"Thậm chí có nơi còn bảo giá vé sẽ đắt hơn vào dịp Tết. Ngày nào cũng mong đọc được tin tức, thông báo Việt Nam mở một phần chuyến bay thương mại nhưng do thấy tình hình không khả quan nên tôi đã quyết định tìm đường khác."

 

Gia Bảo nói vào ngày 15/11, sau khi Campuchia thông báo không yêu cầu cách ly nữa thì trong sáng ngày hôm đó, anh đã gọi ngay lên Bộ ngoại vụ của Campuchia để xác minh lại.

"Sau khi sắp xếp mọi thứ, cùng trong ngày tôi đặt vé của hãng Singapore Airlines bay thẳng đến Campuchia với giá khoảng 530 euro," anh cho hay.

 

Người Việt ở nước ngoài: ‘Xuân này con không về’ vì Covid?

Covid: 'Vượt biên' về VN qua ngả Campuchia để không bị giá cắt cổ?

 

Sau khi ra khỏi khu cách ly, Gia Bảo xác nhận rằng hành trình của anh khá gian nan và cần có nhiều sức khỏe vì thời gian di chuyển gần một ngày.

 

"Bạn cần đến sân bay Charles de Gaulle trước 4 tiếng để làm thủ tục. Bạn cần có giấy xét nghiệm PCR âm tính trong vòng 72 tiếng trước khi bay, chứng nhận đã tiêm đủ vaccine. Bay từ Pháp đến quá cảnh ở Singapore rất thoải mái, không phải mặc đồ bảo hộ như chuyến bay cứu hộ."

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/6805/production/_121792662_0db3ba69-841f-4719-991d-e196644f54e2.jpg

Dòng người đông đúc tại sân bay Charles de Gaulle tại thành phố Paris chờ đợi làm thủ tục bay

 

Gia Bảo kể: "Tới Campuchia nhập cảnh, mất 45 phút để họ kiểm tra giấy tờ và làm xét nghiệm nhanh tại chỗ, âm tính thì được ra ngoài và tôi bắt taxi về khách sạn nghỉ ngơi một đêm trước khi về Việt Nam. Tôi đã đặt trước xe đến cửa khẩu Mộc Bài với giá 100 đô la, hành trình mất khoảng 3 tiếng rưỡi di chuyển."

 

Ở cửa khẩu, Gia Bảo kể chỉ cần khai báo y tế, báo tên khách sạn đã đặt, làm xét nghiệm nhanh và chở về nơi cách ly với tổng chi phí 800.000 VND.

 

Theo Bảo, tiền khách sạn cho cách ly là khoảng 10 triệu VND, chưa tính phí xét nghiệm PCR hai lần.

 

Như vậy, tổng số tiền anh phải chi trả cho chuyến về Việt Nam là khoảng 1 ngàn rưỡi đô la, thay vì giá rẻ nhất là 3 ngàn đô la mà anh được báo trước đó.

 

An toàn hay không?

 

Gia Bảo cũng chia sẻ hành trình của mình trên Facebook cá nhân. Phía dưới phần bình luận, nhiều người bày tỏ lo lắng liệu chuyến đi như vậy có an toàn về mặt dịch tễ hay không.

 

Một người đặt câu hỏi:

 

"Cảm ơn bạn đã chia sẻ bài viết chi tiết. Mình cũng đang tìm hiểu thông tin để về Việt Nam, nhưng mọi người xung quanh thì cứ khuyên ngăn bảo đi về đường biên giới ko an toàn làm mình cũng hơi lo. Bạn cho mình hỏi khi nhập cảnh Campuchia họ có hỏi kỹ lắm không, mình trả lời tới du lịch là được hay sao bạn? Theo bạn, con gái đi một khi đi xe từ sân bay về cửa khẩu thì có an toàn và dễ đi không."

 

Trả lời BBC về vấn đề này, Gia Bảo nói: "Tôi thấy rất an toàn vì Campuchia có độ phủ vaccine đã trên 80% và trong quá trình nhập cảnh, tôi quan sát thấy nhân viên sân bay rất thận trọng, giữ khoảng cách đúng quy định và khi di chuyển tôi cũng đi một mình nên không quá lo lắng."

 

Anh cũng chia sẻ thêm rằng anh mua sim dùng một ngày tại Campuchia, báo họ tên, số xe của tài xế cho người thân và cập nhật liên tục chặng đường của mình để yên tâm.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/8F15/production/_121792663_0180d5f6-f6d3-4fe9-9ed3-5b00da5aa9db.jpg

Gia Bảo nghỉ ngơi tại Campuchia một đêm trước khi đón xe về cửa khẩu Mộc Bài

 

"Tôi phải ở 9 ngày thay vì 7 ngày tại khách sạn vì phải đợi lấy kết quả PCR nhưng may mắn gặp chị chủ khách sạn có tâm đã đồng ý giữ mức giá cho 7 ngày mà chúng tôi đã thỏa thuận trước đó." Bảo nói.

 

Một người lao động ở Thái nói với BBC News Tiếng Việt rằng từ Thái Lan có thể đi về Việt Nam bằng xe hoặc là bay sang Campuchia qua hãng Cambodia Air.

 

"Họ có chuyến bay từ Bangkok đến Phnom Penh vào thứ tư hàng tuần, chỉ cần đủ bảo hiểm, chứng nhận PCR, chứng nhận tiêm đủ vaccine là lên đường."

 

"Sau đó thì thuê xe taxi hoặc đặt xe trước từ sân bay về thẳng cửa khẩu Mộc Bài, ở Campuchia gọi là Bavet với giá tầm 2 triệu và bạn cần đến biên giới trước 5 giờ chiều vì khoảng 7-8 giờ tối sẽ làm thủ tục một lần cho lượt người qua cửa khẩu trong ngày." người này chia sẻ.

 

Nỗi lòng người muốn về nhà

 

Theo Gia Bảo, việc chính phủ Việt Nam vẫn quy định cách ly 7 ngày với người tiêm đủ hai liều vaccine gây khó khăn rất nhiều cho người Việt ở nước ngoài vì có nhiều người chỉ về thăm nhà được 14 ngày mà phải cách ly 9 ngày nên thời gian ở trong nước rất ngắn.

 

"Hơn nữa, Việt Nam vẫn tổ chức các chuyến bay charter rất đều đặn, nhất là tháng 11, tháng 12, tháng 1, các công ty du lịch rao bán rất rầm rộ các chuyến bay, nghĩa là họ nắm bắt được nhu cầu của kiều bào là dịp cuối năm muốn về thăm nhà. Mà các chuyến bay charter này rất đắt đỏ, gấp năm sáu lần chuyến bay thường và vẫn dồn khách đủ các chuyến bay chứ không phải cách chỗ ngồi như trước."

 

"Tôi có thể thấy điều này khiến cho kiều bào rất bức xúc. Tại sao hãng bay và các công ty lữ hành tăng giá chuyến bay thiếu cơ sở? Nếu vì tình hình dịch bệnh chỉ khai thác 1/2 chỗ thì còn có thể hiểu được."

 

"Thử nghĩ một chuyến charter khoảng 300 chỗ, mỗi người trả 70-80 triệu mà đồ ăn bị cắt xén và cách ly ở khách sạn dù 4 sao nhưng là 2 người một phòng nên tôi thấy quá vô lý. Tôi không muốn bỏ tiền trả một thứ gì đó không đúng giá trị thật. Và tôi quyết định về bằng đường Campuchia cũng là để chia sẻ với mọi người rằng về bằng cách này không có gì khó khăn," Bảo giải thích.

 

Trước đó, Ngọc Minh hiện ở Thái Lan nhận định với BBC: "Tôi biết mình muốn về thì có thể qua đường xe đi từ Thái sang Campuchia rồi về cửa khẩu Mộc Bài, nhưng tôi cảm thấy không an tâm và rất mong Việt Nam mở cửa hoàn toàn, dỡ bỏ việc cách ly."

 

"Vì nếu mục tiêu của nhà nước là ngăn dịch thì việc người dân phải tự tìm cách lắt léo, đi vòng qua một nước nữa càng không đảm bảo an toàn cho dân. Thành ra nhà nước một mặt đang khổ, làm khó dân, một mặt tăng thêm rủi ro dịch tễ."

 

Ngọc Minh cũng chia sẻ thêm rằng, người Việt Nam đi làm xa như cô có nhu cầu mới về mà giá một chuyến bay charter từ Bangkok về Việt Nam các công ty du lịch báo rằng 45 triệu tính luôn cách ly.

 

"Trên nhóm Hội người Việt ở Thái Lan, một số người còn chia sẻ giá vé từ Bangkok về Đà Nẵng trọn gói là 79 triệu, nghe mà hết hồn. Những người lao động ở nước ngoài như tôi thì phải quay lại Thái để làm việc, nên sẽ tốn thêm một khoản nữa, chưa kể trong lúc ở Việt Nam thì tiền nhà ở Thái Lan vẫn phải trả nên chi phí cộng lại sẽ rất cao."

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/14364/production/_121788728_gettyimages-1235974455.jpg

 

"Khi thấy Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp gỡ Thủ tướng Thái Prayut Chan-o-cha để công nhận hộ chiếu vaccine, tôi cũng rất hy vọng. Nhưng nhìn lại thì thấy các nước láng giềng mở cửa cho Việt Nam chứ Việt Nam đâu chịu mở cho họ dù ngoại giao thì cứ hứa như vậy." Ngọc Minh nói.

 

Cụ thể, đầu tháng này, Bộ Ngoại giao Thái Lan đã công bố bổ sung mở cửa cho 63 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam. Theo đó, người từ các nước này đã tiêm chủng đầy đủ có thể nhập cảnh không cần cách ly từ ngày 1/11. Còn Campuchia, sau ngày 15/11 cũng thực hiện chính sách tương tự.

 

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn áp dụng quy định cách ly 7 ngày đối với người nhập cảnh đã tiêm đủ hai liều vaccine, 14 ngày đối với người chưa tiêm vaccine.

 

                                                         ***

TIN LIÊN QUAN

 

Người Việt Nam ở nước ngoài phải 'vượt biên' về nước qua ngả Campuchia?

24 tháng 11 năm 2021

.

Covid-19: Bao giờ Việt Nam 'hé cửa' thử nghiệm cho du lịch như Thái Lan?

13 tháng 7 năm 2021

.

Phú Quốc có cạnh tranh được với Phuket và đẩy mạnh du lịch Việt Nam?

1 tháng 7 năm 2021

.

VN: Doanh nghiệp du lịch 'ngấm đòn' vì làn sóng Covid thứ hai

12 tháng 8 năm 2020

.

Chủ tịch Bamboo Airways 'tự tin về đường bay thẳng Việt - Anh'

3 tháng 11 năm 2021

.

Người Việt ở nước ngoài: ‘Xuân này con không về’ vì Covid?

14 tháng 11 năm 2021.







No comments:

Post a Comment

View My Stats