Tác
giả ‘‘Địa chính trị Khí hậu’’: Đừng tin COP26 ngăn được biến đổi khí hậu
Trọng
Thành -
RFI
Đăng ngày: 07/11/2021 - 21:37
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20211107-dung-tin-cop26-ngan-duoc-bien-doi-khi-hau
Hội nghị khí hậu của Liên Hiệp Quốc tại Glasgow, nước
Anh (COP26), đang diễn ra (từ ngày 31/10 đến 12/11/2021). Trong lúc nhiều người
đặt hy vọng COP26 là « cơ hội cuối cùng » để ngăn được thảm họa khí hậu,
theo nhà chính trị học François Gemenne, cần ngừng đánh giá quá cao quyền lực của
các COP.
Biểu tình tại Luân
Đôn bên lề Hội nghị Khí hậu COP26 ở Glasgow, Anh quốc, ngày 06/11/2021. Một
trong những khẩu hiệu chính : SYSTEM CHANGE, NOT CLIMATE CHANGE (Thay đổi hệ thống,
không biến đổi khí hậu) AP - David Cliff
Cho đến nay, các COP (tức Hội nghị thường niên
của Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu)
vốn chủ yếu là nơi thương lượng giữa chính quyền các quốc gia. Trên thực tế, biến
đổi khí hậu đã bắt đầu từ hơn nửa thế kỷ này. Vấn đề chủ yếu hiện nay đối với cộng
đồng quốc tế là mở cửa các thương lượng về khí hậu cho các đối tác xã hội khác
(ngoài chính quyền các nước). Chính quyền các địa phương, các doanh nghiệp, xã
hội dân sự cần có tiếng nói trực tiếp và tham gia mạnh mẽ hơn vào tiến trình
thương lượng. Vấn đề mấu chốt hàng đầu, theo François Gemenne, là các nước giàu
cần tìm được cách để phối hợp với các nước – vốn chưa phải là các quốc gia phát
thải lớn - nhằm giúp cho các quốc gia này đi được theo lộ trình phát triển
không phụ thuộc vào các năng lượng hóa thạch.
Ông François Gemenne – thành viên của nhóm
chuyên gia liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc (GIEC / IPCC)
- chuyên về địa chính trị môi trường, di cư do nguyên nhân môi trường và nhân
quyền với môi trường (*). Ông giảng dạy tại Học viện Chính trị Paris
Sciences-Po và nhiều đại học khác tại Pháp và Bỉ. François Gemenne là tác giả
cuốn Géopolitique du climat (Địa chính trị Khí hậu), với phụ tựa là Các quan hệ
quốc tế trong một thế giới bị hâm nóng. « Géopolitique du climat »,
xuất bản lần đầu tiên năm 2009, nhân dịp COP15 tại Copenhagen.
Sau đây là bài phỏng vấn của trang mạng chuyên về môi trường Reporterre với tác giả cuốn
« Géopolitique du climat », tái ra mắt ngày 10/11/2021, đúng vào lúc
hội nghị Khí hậu COP26 đang bước vào hồi kết.
***
Reporterre — Ông hy vọng gì ở COP26 này ?
François Gemenne
— Chủ đề xuyên suốt COP2 này là làm thế nào để chuyển các hứa hẹn chung (mục
tiêu chung) của hội nghị COP21 thành các cam kết cụ thể. Từ COP21 đến nay, vấn
đề chính là người ta hứa hẹn hành động thay vì hành động. Kết quả là, như chúng
ta thấy đường đồ thị mô phỏng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính chỉ chúc đầu
đi xuống nhờ đại dịch Covid-19 (trong năm 2020), chứ không phải là do hành động
của chính phủ các nước. Như vậy, vấn đề không chỉ là các cam kết của chính quyền
các nước cuối cùng có ăn khớp với các mục tiêu của Hiệp định Paris hay không,
mà đặc biệt các cam kết đó cuối cùng có được tôn trọng hay không, và người ta
có ngừng đưa ra những cam kết chỉ như những lời chúc tụng được đưa ra mỗi dịp đầu
năm mới hay không… Bất luận thế nào, các COP cũng không thể giải quyết được mọi
thứ. Đây chỉ là những diễn đàn thảo luận giữa các chính phủ, cố gắng tổ chức việc
hợp tác quốc tế. Nhưng rút cục mọi thứ lại phụ thuộc vào chính quyền các nước.
.
Sự trở lại mạnh mẽ của Hoa Kỳ với cuộc chiến khí hậu,
trong thế liên kết với Liên Hiệp Châu Âu, phải chăng có thể khiến cán cân
nghiêng về phía tích cực, bất kể sự vắng mặt của các lãnh đạo Brazil hay Trung
Quốc ?
Sự vắng mặt của một số lãnh đạo các nước tự
thân không phải là vấn đề - trước COP15, nguyên thủ các nước rất hiếm khi
xuất hiện. Hiển nhiên là sự trở lại của Hoa Kỳ là một tin vui, đặc biệt là bởi
vì điều này cho phép tái lập lại tính toàn cầu của Hiệp định Khí hậu Paris, mà
tính toàn cầu là nền tảng. Tuy nhiên, chiếc huân chương này có mặt trái của nó.
Khi Hoa Kỳ đảm nhiệm trở lại vị trí lãnh đạo các thương thuyết, nước Mỹ cũng đồng
thời áp đặt quan điểm của họ về cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Có nghĩa là
một quan điểm chủ yếu dựa trên công nghệ và sự vắng mặt của các bó buộc. Châu
Âu có tiếp cận rất khác, và cách tiếp cận của châu Âu sẽ có nguy cơ khó khẳng định
được vị trí trong bối cảnh này.
.
Năm 2009, vào thời điểm ra mắt lần đầu tiên cuốn
sách của ông « Địa chính trị của khí hậu », mọi cái nhìn đang hướng về
COP15 ở Copenhagen. Mười hai năm sau, trước thềm COP26, theo ông đã có gì thay
đổi không ?
Không có gì thay đổi, nhưng cùng lúc đó mọi thứ
cũng đã đổi. « Không thay đổi » bởi vì việc khí thải gây hiệu ứng nhà
kính tiếp tục tăng mạnh, ngoại trừ năm 2020 với đại dịch Covid-19, đã từng để
ngỏ khả năng trỗi dậy một « thế giới mới », khi đại dịch dẫn đến việc
khí thải toàn cầu giảm 6%. Còn nói chuyện « thay đổi » là bởi vì Hiệp
định Paris đã được đúc kết vào năm 2015, cho dù có những thăng trầm như việc
Hoa Kỳ ra và trở lại với Hiệp định Khí hậu. Việc giới trẻ huy động mạnh mẽ đã
cho phép vấn đề khí hậu trở thành chủ đề trung tâm trong các xã hội dân chủ, và
trở thành đề tài của các tranh luận dữ dội về chính trị và liên quan đến bầu cử.
« Khí hậu » đã rời khỏi không gian hạn hẹp của những vấn đề dành
riêng cho giới môi trường như đã từng cơ bản là như vậy vào thời điểm 2009.
.
COP26 được giới thiệu như một hội nghị mang lại cơ
hội cuối cùng, như COP15 cũng đã từng được coi là như vậy. Cơ hội cuối cùng thực
sự là khi nào (hoặc đã là vào lúc nào) ?
Không phải vào COP15 cũng như vào COP26 !
Tổng cộng 11 COP đã trôi qua trong khoảng thời gian ngắn ngủi này, và chúng ta
vẫn luôn luôn có cảm giác ở chân tường. Cảm giác này gắn chặt với quan điểm nhị
phân của chúng ta về biến đổi khí hậu như một cuộc chiến mà chúng ta còn có thể
thắng hay thua. Tôi rất thận trọng với cách nhìn này. Nếu cứ mỗi 5 năm,
chúng ta lại giới thiệu với công chúng một kỳ COP như « cơ hội cuối
cùng », thì đến một lúc nào đó người ta sẽ không còn tin tưởng nữa. Năm
tháng trôi qua, chúng ta đã thấy rằng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính tập
trung trong bầu khí quyển ngày càng cao, nhiệt độ cũng ngày càng cao lên,
« các hiện tượng cực đoan » cũng ngày càng dồn dập xảy ra tại khắp
các khu vực trên hành tinh. Các « COP được coi là cơ hội cuối cùng »
đều đã không đảo ngược được xu thế này.
Đối với tôi, cơ hội cuối cùng đã trôi qua rồi.
Đó là vào những năm 1950 hoặc 1960. Biến đổi khí hậu mà chúng ta tạo ra là không
thể đảo ngược được. Không có cách nào có thể kéo lùi lại thời gian. Không
phải bởi vì một hội nghị COP thành công, mà đột ngột khí thải gây hiệu ứng sụt
giảm mạnh. Cần nhìn nhận về các COP này đúng như chúng : Đó là một diễn
đàn nơi các quốc gia trên thế giới cố gắng đạt đồng thuận để kéo lượng khí thải
đi xuống, giảm nhẹ các thiệt hại và thích ứng với các hệ quả của biến đối khí hậu.
Tuy nhiên, sẽ không có COP nào có quyền năng ngừng được biến đổi khí hậu lại.
.
Báo cáo Production Gap Report, do Chương trình Môi trường của Liên
Hiệp Quốc công bố, chỉ ra rằng lượng khí thải, do các năng lượng hóa thạch sản
sinh, theo dự kiến của chính quyền các nước là cao hơn gấp hai lần so với mức cần
thiết phải có, để thực hiện được các mục tiêu của Hiệp định Paris, có nghĩa là
giới hạn nhiệt độ Trái đất tăng không quá 2°C. Phải chăng điều đó có nghĩa là
các COP, và rộng hơn là các hợp tác quốc tế, là không có ý nghĩa gì trong cuộc
chiến chống biến đổi khí hậu ?
Không. Hợp tác quốc tế, dù không hoàn thiện và
gian nan đến thế nào, vẫn vô cùng cần thiết : Sự rối loạn của khí hậu mà
nhiều người phải gánh chịu hậu quả phụ thuộc vào hành động của những người khác.
Chúng ta không sống trong một thế giới mà mỗi quốc gia vun vén khoảng khí quyển
nhỏ bé của riêng mình, và lo lắng chỉ riêng cho những cây số vuông khí quyển
trên đầu quốc gia mình. Biến đổi khí hậu về bản chất là một vấn đề toàn cầu, và
chắc chắn là để xử lý chuyện này cần phải huy động một sự hợp tác toàn cầu.
Hành động của một quốc gia, đơn độc, chống lại biến đổi khí hậu không có tác động
gì đến khí hậu, có thể là không kể Trung Quốc.
Nhưng cùng lúc đó, các hội nghị Khí hậu này
(các COP) không có quyền buộc chính quyền các nước phải làm gì. Ở đây không có
chuyện một cơ quan trọng tài quốc tế quyết định về các luật chơi. Cuối cùng thì
tất cả phụ thuộc vào các lựa chọn của các chính phủ, các ngành công nghiệp, và
phụ thuộc một chút vào các công dân.
.
Ông muốn nói là các quyết định được đưa ra tại các
COP, như Hiệp định Khí hậu Paris, cần phải trở nên mang tính cưỡng chế
hơn ?
Giờ đây, lô-gic của những hứa hẹn thường trực
đang che lấp việc thiếu đi các hành động chính trị thực sự. Khoảng cách ngày
càng lớn giữa các cam kết cắt giảm khí thải của chính quyền nhiều nước và mục
tiêu tập thể của Hiệp định Khí hậu Paris - giữ nhiệt độ tăng không quá 2°C, thậm
chí cố gắng giữ không tăng quá 1,5°C. Có thể so sánh với hình ảnh một lớp học,
khi các học sinh đặt mục tiêu đạt trung bình 16/20 điểm, nhưng vào thời điểm
xem xét lại mục tiêu, mỗi học sinh lại cho biết : « mục tiêu của tôi
là 10 đến 12 điểm ». Trong bối cảnh này, không có gì khó khăn để tưởng
tượng rằng mục tiêu tập thể sẽ không bao giờ đạt được. Giờ đây, chính phủ nhiều
nước cũng giống như các học sinh, không còn tôn trọng các cam kết cá nhân của
mình nữa.
Tất nhiên là chúng ta cần phải tìm ra các
phương tiện để buộc chính quyền các nước tôn trọng các cam kết của họ, nhưng rất
ít có khả năng là họ sẽ đạt đồng thuận về một cơ chế ràng buộc mà họ tự áp dụng
với mình. Như vậy các công dân sẽ quay sang các giải pháp khác : chúng tôi
đã tham gia vào diễn tiến của một số tranh chấp khí hậu, như « Vụ kiện Thế
kỷ » tại Pháp, với nhiều nhóm xuất thân từ xã hội dân sự đã kiện lên các
tòa án để nhắc lại với các chính phủ rằng chính quyền có nghĩa vụ tôn trọng các
mục tiêu mà họ từ đề ra.
.
Các vụ kiện như vậy liệu có đủ để buộc các nước phải
đổi hướng hay không ?
Không. Đó là các tín hiệu mạnh, nhưng không đủ.
Đặc biệt bởi vì chúng chỉ nhắm vào một số nước công nghiệp hóa. Chúng ta có xu
hướng hình dung là mục đích của chúng ta là tự giúp mình tránh được thảm họa.
Nhưng đây là một quan niệm rất vị kỷ. Thảm họa trong hiện tại đã diễn ra tại
nhiều vùng trên thế giới, và đặc biệt đối với những nhóm dân cư dễ tổn thương
nhất. Tôi quan sát thấy một điều là, tác động đến biến đổi khí hậu mạnh nhất lại
là những yếu tố mà chúng ta không chủ động chọn lựa, ví dụ như đại dịch
Covid-19, hay quyết định của chính quyền Trung Quốc ngừng tài trợ cho các nhà
máy điện than ở nước ngoài. Đây là một đòn trí mạng nhắm vào thế lực tài chính
quốc tế trong ngành than.
.
Hợp tác quốc tế cần phải như thế nào để hiệu quả
hơn, để giảm lượng khí thải CO2, tương tự như đại dịch Covid đã gây ra, hay việc
chấm dứt tài trợ than như Trung Quốc đã làm ?
Vấn đề của các COP là đây chỉ là dịp thương
thuyết giữa chính phủ các nước, mà các quốc gia không có mọi phương tiện hành động
trong tay. Về bản chất, các COP, là các cuộc thương thuyết không ngừng, biến
đổi khí hậu là điều cần được giám sát liên tục, sát sao, và hành động quốc tế cần
phải được phối hợp. Bạn có muốn một COP67 hay COP87 giống với COP26 hay
không ? Tôi không nghĩ vậy. Cần phải đặt câu hỏi, xét cho cùng, ai là đại
diện chính đáng của chúng ta, trong lĩnh vực quản trị khí hậu.
Chắc chắn là cần phải mở các đàm phán ra với
các đối tác bên ngoài các tác nhân Nhà nước. Đó là các đối tác như chính quyền
các thị xã, thành phố, các vùng, các cộng đồng bản địa, các công ty đa quốc tế,
và xã hội dân sự. Họ có các phương tiện quan trọng. Tuy quan trọng như vậy, các
đối tác này lại không có được vị trí tại các hội nghị COP Khí hậu, nhiều đối
tác trong số họ phải tiến hành vận động bí mật. Chúng ta không thể điều hành kỷ
nguyên Nhân Sinh (Anthropocène) hiện nay với các phương tiện và định chế có từ
thời kỳ địa chất Toàn tân (Holocène), cách đây hơn 10.000 năm.
.
Nếu các công ty dầu mỏ lớn như Total ngồi vào bàn
đàm phán, liệu điều này có giúp gì cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu ?
Các doanh nghiệp này đã vận động cho chính
sách « greenwashing » (greenwashing tạm dịch là « ngụy trang như
là hành động vì sinh thái ») một cách bí mật, tại các bàn đàm phán. Tôi
cho rằng nên để cho các doanh nghiệp như vậy bảo vệ các lợi ích của họ một cách
minh bạch trên bàn thương lượng. Điều nguy hiểm hiện nay là họ làm điều này một
cách ngấm ngầm. Tôi không nói rằng phải dành cho họ quyền quyết định, nhưng cần
phải đặt họ đối diện với trách nhiệm của họ. Tất cả mọi người đều thống nhất
khi nói rằng các thương lượng này là rất hệ trọng đối với tương lai của nhân loại,
và chúng ta sẽ mất ít thời gian hơn, nếu như tất cả mọi người đều nhìn thấy rõ
về điều gì đang diễn ra một cách chính xác, về những khó khăn của mình, và về
các quyết tâm đối mặt với những thách thức đó.
.
Các nước giàu đã hứa sẽ đạt được 100 tỉ đầu tư hàng
năm cho khí hậu, dành cho các nước đang phát triển trước năm 2020. Năm 2019, họ
chỉ đạt được 79,6 tỉ, theo OCDE. Hơn nữa, con số này cũng đã bị phóng đại. Theo
Oxfam, số lượng này đã bị phóng đại đến ba lần, sau khi trừ đi các khoản tiền
cho vay, và các ước tính quá cao. Phải chăng có một nguy cơ quan hệ Bắc – Nam
tan vỡ ? (« Bắc » để chỉ các nước giàu, « Nam » để chỉ
các nước nghèo).
Hoàn toàn đúng như vậy, các nước
« Nam » có ấn tượng đã bị các nước « Bắc » phản bội, cả về
mặt tài chính, như bạn vừa dẫn ra, và cả về mặt cắt giảm khí thải. Căng thẳng sẽ
còn gia tăng cùng với sự gia tăng của các hậu quả của biến đổi khí hậu, sẽ ngày
càng trở nên tồi tệ hơn. Điều khiến tôi lo ngại, đó là khi nhìn thấy các nước
giàu dường như chỉ lo lắng về lượng khí thải của họ, hơn là cố gắng làm thế nào
có thể cộng tác được với các nước đang phát triển, các nước nghèo, trong việc cắt
giảm khí thải toàn cầu.
Điều đó dẫn đến những tình hình rất vô lý, như
để cắt giảm khí thải trong nước, các nước giàu phát triển một loạt các biện
pháp công nghệ sử dụng các nguồn tài nguyên tại các nước nghèo. Việc sử dụng
các nguồn tài nguyên đó gây ô nhiễm tại các nước nghèo, trong khi bên được hưởng
lợi là các nước giàu, và tệ hơn nữa là các nhóm xã hội ăn trên ngồi trốc tại
các nước giàu.
Tuy nhiên, khí hậu toàn cầu không hề phân biệt
là khí thải đến từ Dakar, từ Mêhicô, Bruxelles hay từ Washington ! Vấn đề
thực sự của hợp tác quốc tế hiện nay là vượt qua lô-gíc của khối các nước công
nghiệp hóa, chỉ quan tâm đến việc giảm khí thải của riêng họ. Điều quan trọng
là xem xem, có thể làm gì để phối hợp với các nước – vốn chưa phải là các quốc
gia phát thải lớn - nhằm giúp cho các nước này đi được theo lộ trình phát triển
không phụ thuộc vào các năng lượng hóa thạch.
.
Ghi chú
(*) Theo một điều tra của Ngân hàng Thế giới
công bố hồi tháng 9/2021, biến đổi khí hậu sẽ khiến khoảng 216 triệu người phải
tị nạn vì khí hậu trong vòng 30 năm tới (do thiếu nước ngọt, do đói, do nước biển
dâng cao…). Viện Institute for Economics and Peace (IEP), ở Sydney, Úc đưa ra
con số cao gấp 5 lần (khoảng 1,2 tỉ người). Một nghiên cứu của GIEC công bố trên tạp chí Proceeding of
National Academy of Science (hồi đầu năm 2021) đưa ra con số tồi tệ hơn : khoảng
3,5 tỉ người phải di cư do biến đổi khí hậu trước 2070.
https://s.rfi.fr/media/display/ba30184e-4008-11ec-8a4a-005056a97e36/Climat_Refugies.webp
Biểu tình chống biến
đổi khí hậu tại Melbourne, Úc, năm 2019. Khẩu hiệu trong ảnh : Climate change =
More Climate Refugiees (Biến đổi khí hậu = Nhiều người phải tị nạn Khí hậu) ©
Wikimedia
No comments:
Post a Comment