Saturday, 25 September 2021

VIỆT NAM MỘT THẾ KỶ QUA - NGUYỄN TƯỜNG BÁCH và TÔI (Ngô Thế Vinh)

 


Việt Nam Một Thế Kỷ Qua    Nguyễn Tường Bách và Tôi   

Ngô Thế Vinh

24/09/2021

https://www.voatiengviet.com/a/nguyen-tuong-bach-hua-bao-lien/6242958.html

 

https://gdb.voanews.com/CAE1042E-4734-4B9D-A6A6-949434881310_cx0_cy9_cw0_w650_r1_s.jpg

Hình chụp một buổi ca nhạc trong gia đình Nguyễn Tường Bách - Hứa Bảo Liên ở Phật Sơn, 1967. (Hình: Tư liệu Hứa Bảo Liên)

 

Dẫn nhập : Việt Nam Một Thế Kỷ Qua, Nguyễn Tường Bách và Tôi là tên hai tác phẩm hồi ký của bác sĩ Nguyễn Tường Bách và cô giáo Hứa Bảo Liên, người bạn trăm năm của Nguyễn Tường Bách. Đây là hai bộ hồi ký đặc sắc về cuộc tình lãng mạn của một chàng trai Việt và một cô gái người Hoa ở Hà Nội cùng nổi trôi theo vận nước cho tới khi họ gặp lại nhau trên đất Côn Minh Vân Nam và trở thành đôi vợ chồng sắt son thuỷ chung với bao nhiêu tận tuỵ và hy sinh – nhưng quan trọng hơn thế nữa, đây chính là một phần của lịch sử sinh động và đầy biến động trong ngót một thế kỷ qua trong những cơn bão táp của Cách Mạng Việt Nam và cả lục địa Trung Hoa.

 

https://gdb.voanews.com/3AC5C139-BC29-4039-8703-B226B62E1965_w650_r0_s.jpg

BS Nguyễn Tường Bách và cô giáo Hứa Bảo Liên trong cuộc phỏng vấn của Luật sư Lâm Lễ Trinh, ngày 24.09.2005. [nguồn: Little Saigon TV, hình ảnh Đinh Xuân Thái] (6)

 

 

TIỂU SỬ

 

Nguyễn Tường Bách sinh ngày 26 tháng 3 năm 1916, tại Cẩm Giàng một huyện lỵ nhỏ thuộc tỉnh Hải Dương, nhưng gốc từ một gia đình làng Cẩm Phô, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, đã ra miền Bắc từ hai đời trước. Gia đình Nguyễn Tường có bảy anh em: Nguyễn Tường Thuỵ, Nguyễn Tường Cẩm, Nguyễn Tường Tam – Nhất Linh, Nguyễn Tường Long – Hoàng Đạo, Nguyễn Thị Thế, Nguyễn Tường Lân – Thạch Lam, và Nguyễn Tường Bách – Viễn Sơn.

 

 

THỜI NIÊN THIẾU TỪ CẨM GIÀNG LÊN HÀ NỘI

 

Nguyễn Tường Bách bắt đầu học tiểu học ở Hải Dương, rồi Thái Bình, sau đó lên Hà Nội học trường Hàng Vôi. Vào học trung học trường Bưởi một thời gian, rồi bỏ trường vì không thích không khí bảo hộ thực dân Pháp. Ở nhà mua sách tự học rồi đi thi. Đậu tú tài I, nhưng sau đó trượt tú tài II do học không đủ môn. Năm cuối trung học, Nguyễn Tường Bách trở lại trường, lần này vào học Albert Sarraut, sau đó thi đậu tú tài II ban Triết với ưu hạng. Sẵn có máu nghệ sĩ không thích y khoa mà Nguyễn Tường Bách cho là khô khan nhưng rồi vẫn theo học trường Y Hà Nội theo lời khuyên của gia đình. [6]. Sau bảy năm học, Nguyễn Tường Bách tốt nghiệp bác sĩ hạng xuất sắc năm 1944, cùng năm với các BS Vũ Văn Cẩn (Bộ trưởng Y tế Hà Nội), Đặng Văn Chung (Giáo sư Y khoa), Nguyễn Trinh Cơ ở lại ngoài Bắc và các BS Trần Đình Đệ (Bộ trưởng Y tế Sài Gòn), Nguyễn Đình Cát (Giáo sư Y khoa), Nguyễn Đình Hào sau 1954 di cư vào Nam.

 

Thế hệ sau có lẽ chỉ biết tới Nguyễn Tường Bách qua hình ảnh một nhà cách mạng lão thành nhưng vẫn có đó một Nguyễn Tường Bách tuổi niên thiếu rất vui nhộn. Cho dù lúc ấy đã là sinh viên trường Thuốc, nhưng mỗi khi về thăm quê ở trại Cẩm Giàng vào những ngày giỗ Tết, thì vẫn cứ là một Chú Bẩy – con thứ bảy trong một gia đình bảy anh em, rất vui tính nghịch ngợm, và đã được cô cháu Nguyễn Tường Nhung, con gái của nhà văn Thạch Lam mô tả sinh động qua những dòng hồi tưởng mới đây:

 

“Thời gian chúng tôi sống ở trại Cẩm Giàng với Bà Nội, những ngày lễ Tết hay cúng giỗ đều có chú về tham dự. Chú vui tính, hay đùa với các cháu. Mỗi khi Bà sai chú đem lễ vật ra mộ cụ Huyện bà, dưới gốc một cây đa cổ thụ, có hình dáng xòe tròn như cái mâm (dân làng thường gọi là cây đa Mâm Xôi), không cách xa trại mấy. Lễ vật thường có: xôi, gà, hoa, quả, hương, và những hình người cao to như người thật, giấy tiền, áo quần, mũ mãng, để cúng ông Thần Đất. Tất cả đều làm bằng giấy màu ngũ sắc, óng ánh rất đẹp. Vừa ra khỏi trại, chú tôi nghịch lấy mũ giấy đội lên đầu, rồi chia mỗi đứa cầm một thứ, cả lũ cháu đi theo chú ca hát vang vang. Phận sự là đem lễ vật để cúng cụ bà, nhưng chúng tôi không có một ý niệm gì về cụ, chỉ biết cụ là cụ Huyện bà. Cũng không biết cụ mất năm nào, chỉ nhớ ngày giỗ cụ là ngày mùng 5 tháng Giêng âm lịch. Bà Nội tôi người miền Trung. Việc cúng giỗ bà rất kỹ. Những thức ăn để cúng, lúc nấu không được nếm, vì vậy phải liệu mà nêm cho vừa, mặn, nhạt đó là những đầu bếp được đánh giá khéo hay vụng, do con dâu, con gái, thực hiện. Trước giỗ mấy ngày chỉ có cô Năm (bà Nguyễn Thị Thế, là mẹ của Duy Lam và Thế Uyên – ghi chú của người viết) về phụ với mẹ tôi để lo sắp đặt. Còn các người dâu ở Hà Nội chỉ gửi thực phẩm khô như nấm hương, bóng cá v.v... Các bác dâu chỉ về trước giỗ một ngày. Trong lúc đó Mẹ tôi phải lo thức dậy từ bốn, năm giờ sáng cả tuần lễ trước để lo liệu, ngâm, rửa, những vật liệu khô để nấu cỗ, sắp đặt, sai bảo người làm chùi đánh lư đèn, dọn dẹp nhà cửa, vườn tược. Sinh hoạt của trại thật vui nhộn. Mấy ngày đó có các anh chị theo bố mẹ về. Tôi lại được nghỉ học. Mấy chị em gái chơi đùa với nhau. Còn các anh trai thì thường chơi ở trong vườn hoặc chạy ra ngoài đồng ruộng. Đồ vật cúng lễ trên bàn thờ, phải đợi tàn ba tuần hương, khoảng hơn hai giờ đồng hồ mới được hạ xuống. Mặc dù tất cả đã đói, nhưng cũng phải đợi khi hạ cỗ mới được ăn. Tuy là ngoài thức ăn đã đơm lên cúng, còn lại nhiều ở trong bếp, nhưng Bà Nội cũng cấm không được ăn trước khi hạ cỗ. Có một lần chú kéo tụi tôi vào buồng thờ, chú ra hiệu đi trong yên lặng. Rồi chú lấy đĩa xôi đang cúng trên bàn thờ, lật ngửa lên lấy tay móc xôi từ mé dưới. Nhìn đĩa xôi chỉ vơi đi nhưng bề mặt thì vẫn như còn nguyên. Chú chia cho chúng tôi mỗi người cũng được một nắm bằng quả trứng gà. Tuy chưa thấm tháp gì lúc bụng đói, nhưng chúng tôi rất thích thú về cách ăn vụng xôi mà Bà Nội không biết. [trích hồi ký, Tháng ngày qua, Nguyễn Tường Nhung]

 

https://gdb.voanews.com/438DFFD1-8CD8-46F3-926D-852C18965D3E_w650_r0_s.jpg

Tác phẩm sơn mài Trước Cơn Giông, của nhà cách mạng / họa sĩ Nguyễn Gia Trí, có hình một cây đa cổ thụ, dáng xòe tròn như cái mâm nên dân làng thường gọi là Cây Đa Mâm Xôi. [tranh sưu tập của Nguyễn Tường Giang]

 

Nguyễn Tường Bách tốt nghiệp y khoa, nhưng đã chọn bước sang con đường khác – cầm bút để chiến đấu! Ngay từ thời trai trẻ, rất sớm Nguyễn Tường Bách đã cùng các anh như Nguyễn Tường Tam – Nhất Linh, Nguyễn Tường Long – Hoàng Đạo, Nguyễn Tường Lân – Thạch Lam hoạt động viết báo, viết văn, làm thơ chủ yếu đăng trên hai tờ báo Phong Hóa và Ngày Nay, cơ quan ngôn luận của Tự Lực Văn Đoàn. Khi Thạch Lam qua đời (1942), Nguyễn Tường Bách thay anh trông coi nhà xuất bản và tờ báo Ngày Nay. Các thành viên Tự Lực Văn Đoàn lúc đó gồm bảy người: Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Thạch Lam, Tú Mỡ, Thế Lữ, Xuân Diệu, nhưng không có Nguyễn Tường Bách. Có thể nói Nguyễn Tường Bách là một trong số bác sĩ thế hệ tiên phong của thập niên 1940 đã đi vào lãnh vực báo chí và văn nghệ sớm như vậy.

 

Nguyễn Tường Bách hoạt động chính trị rất sớm (1939) tham gia đảng Đại Việt Dân Chính cùng với Nguyễn Tường Tam, Nguyễn Gia Trí, Trần Khánh Giư / Khái Hưng, Nguyễn Tường Long / Hoàng Đạo… qua các giai đoạn: Đại Việt Dân Chính kết hợp với Việt Nam Quốc Dân Đảng (1943), Việt Nam Quốc Dân Đảng kết hợp với Đại Việt Quốc Dân Đảng và sau đó với chung một danh xưng Quốc Dân Đảng (1945).

 

Tháng 3 năm 1945, sau khi Nhật đảo chính Pháp, Nguyễn Tường Bách vẫn làm giám đốc báo Ngày Nay bộ mới, với sự cộng tác của Hoàng Đạo, Khái Hưng…[2]

 

Tháng 8 năm 1945, Nhật đầu hàng, Việt Minh cướp chính quyền, Việt Nam Quốc Dân Đảng và Cách Mệnh Đồng Minh Hội cùng ra hoạt động công khai. Nguyễn Tường Bách là uỷ viên trung ương, phụ trách công tác tổ chức đảng, và tuyên truyền, ra mắt tờ Việt Nam Thời Báo sau đổi thành tờ Việt Nam, cơ quan ngôn luận của Việt Nam Quốc Dân Đảng với quan điểm công khai chống đối chính sách của đảng Cộng Sản, đồng thời sáng lập Quốc Gia Thanh Niên Đoàn.

 

Tình trạng rất khẩn trương với đầy rẫy những khó khăn, các phe phái Việt Minh và quốc gia xô xát nhau, mỗi khi ra ngoài Nguyễn Tường Bách phải có người bảo vệ, và phải ở luôn trong tòa báo làm việc ngày đêm. Tháng 5 năm 1946, tình hình biến chuyển bất lợi cho phe quốc gia, trước nguy cơ khủng bố của Việt Minh, Nguyễn Tường Bách cùng với các đồng chí bỏ Hà Nội rời lên chiến khu – Đệ Tam Khu của VNQDĐ, để tiếp tục cuộc chiến đấu.

 

Đệ Tam Khu là một vùng khá rộng lớn bao gồm từ Vĩnh Yên lên tới Lào Cai. Tại đây, Nguyễn Tường Bách cùng với Vũ Hồng Khanh là đảng trưởng phụ trách bộ chỉ huy quân sự (theo Nguyễn Tường Thiết, Vũ Hồng Khanh từng tốt nghiệp Trường Quân Sự Hoàng Phố). Do Việt Nam Quốc Dân Đảng (VNQDĐ) chỉ trấn giữ được các vùng thành thị, trong khi Việt Minh thì kiểm soát được nông thôn, họ tiếp tục bao vây gia tăng tấn công vũ trang vào Đệ Tam Khu. Để bảo toàn lực lượng VNQDĐ, phải rút lên Việt Trì, rồi Yên Báy, Lào Cai. Cuối cùng, theo quyết định của Trung ương Đảng bộ VNQDĐ, thì Vũ Hồng Khanh ở lại Đệ Tam Khu, Nguyễn Tường Bách đi Côn Minh để cùng với Nguyễn Tường Tam phụ trách hải ngoại vận.

 

 

CUỘC HÀNH TRÌNH GIAN TRUÂN

 

Tháng 8 năm 1946, đoàn Nguyễn Tường Bách gồm 8 người, từ Lào Cai đi qua cây cầu sắt trên sông Nam Khê sang Hà Khẩu / Hekou – một vùng tự trị của sắc tộc Dao, là cửa ngõ để đi vào phía nam tỉnh Vân Nam. Vân Nam có diện tích lớn hơn Việt Nam. Hành trang mỗi người chỉ đeo theo một túi dết – loại túi vải lớn và cũng từ đây bắt đầu những bước chân lưu vong trên đất khách quê người. Và chẳng thể nào ngờ được rằng đây là khởi điểm cho một cuộc hành trình lưu lạc kéo dài hơn 40 năm của chàng trai nước Việt Nguyễn Tường Bách trên một đất nước Trung Hoa loạn lạc trầm luân [1946-1988].

 

Chặng đường dài hơn 1.500 cây số từ Hà Khẩu / Hekou tới Côn Minh là một cuộc hành trình đầy gian truân. Do từ cuộc chiến tranh Trung Nhật, đa phần đường sắt đã bị bóc, di chuyển chủ yếu bằng đôi chân. Các chàng trai ấy đã phải trèo đèo, lội suối, băng sông, leo núi cao, xuống lũng sâu, qua những thảo nguyên, qua bao nhiêu thôn bản, các vùng dân cư với những sắc dân: người Hán, người Mán, người Hui – là người Hoa theo đạo Hồi, rồi thỉnh thoảng đoàn còn được gặp đôi ba gia đình người Việt tha phương lưu lạc sang đây không biết tự bao giờ.

 

Họ đi ngày, nghỉ đêm, tá túc dưới những mái nhà xa lạ, không biết an ninh ra sao nên đêm ngủ anh em phải cắt phiên thay nhau canh gác. Để rồi hôm sau lại lên đường, có chặng họ ráp theo các đoàn ngựa thồ, nhưng hiểm nguy vẫn thường trực nếu gặp phải các nhóm thổ phỉ hay bọn quân phiệt có võ trang cướp bóc và cả giết chóc.

 

“Cảnh tượng rùng mình khi thấy bên cạnh đường, trong hốc đá một xác chết co ro, chỉ còn là một bộ xương vẫn còn mặc bộ quần áo rách tả tơi, cái nón lá còn quẳng bên cạnh…” [3]

 

Đi mãi rồi họ cũng tới được đoạn đường còn đường sắt, nhưng lại được biết vùng phía trước đang bị ngập lụt và không biết đến bao lâu tàu mới lại lưu thông trở lại. Không thể chờ, chỉ còn cách đi bộ tiếp theo con đường tắt cho dù biết trước là vô cùng khó khăn. Dân làng cho biết nếu may mắn đi thông suốt cũng phải đi thêm 4-5 ngày đường mới tới được Bình Biên / Pingbian trước khi có con đường cái để đi Mông Tự / Mengzi.

 

Tuổi trẻ tự tin, họ đã chọn con đường gai góc để đi, nhưng không thể tưởng tượng được là khó khăn gian nan đến thế nào. Phải vượt qua những đoạn đường nhỏ hẹp, với những dốc cao cheo leo, phải bám lấy từng gốc rễ cây để trèo lên từng bậc, có chỗ phải phạt cỏ, chặt cây để mở đường. Gần như kiệt sức, phải tới mấy ngày hôm sau đoàn mới tới được một vùng đồi núi thấp dần, để từ đây, từ cao nguyên xuống được vùng đồng bằng.

 

Rồi đoàn cũng tới được Bình Biên / Pingbian, trạm lớn đầu tiên của cuộc hành trình. Sáng hôm sau, 8 “chinh nhân” lại dậy sớm để kịp gia nhập đoàn ngựa thồ đi Mông Tự / Mengzi – địa danh nổi tiếng với những trái đào Mông Tự. Từ đây sẽ có đường xe lửa đi Khai Viễn / Kaiyuan, nơi có Chi bộ Việt Quốc, nhưng cả đoàn ai cũng nôn nóng mong sớm tới được Côn Minh / Kunming. [Hình 3]

 

*

 

https://gdb.voanews.com/5EB34ADA-F9D4-4AC8-BBD9-D9015DD5D36D_w650_r0_s.jpg

trái, [định vị các địa danh được đánh số trên bản đồ] hành trình đường bộ của Nguyễn Tường Bách cùng 7 “chinh nhân” đi từ (1) Lào Cai qua (2) Hà Khẩu / Hekou, (3) Bình Biên / Pingbian, (4) Mông Tự / Mengzi, (5) Khai Viễn / Kaiyuan, (6) Côn Minh / Kunming. [source: The Contemporary Atlas of China (Boston : Houghton Mifflin Co., 1988), p. 31.]; phải, một phần bản đồ Việt Nam – Trung Hoa và trục hoạt động chính của Nguyễn Tường Bách và Hải ngoại vụ VNQDĐ: Côn Minh / Kunming – tỉnh Vân Nam / Yunnan, Quảng Châu / Guangzhou – tỉnh Quảng Đông / Guangdong, Hồng Kông, Thượng Hải / Shanghai.

 

Chàng thanh niên Nguyễn Tường Bách, gốc dân thành thị, vừa tốt nghiệp trường thuốc, chưa đầy tuổi 30, mà đã phải trải qua những bước phong trần của cuộc hành trình hơn 1.500 cây số gian nan. Nhìn nhau, cả đoàn ai trông cũng gầy và nước da thì đen sạm. Trên thềm ga Côn Minh, ra đón đoàn có Nguyễn Tường Tam, Nguyễn Tường Long, Trần Đức Thi, Xuân Tùng và nhiều anh em khác thuộc đảng bộ Côn Minh, đặc biệt có cả cô bạn gái nhỏ người Hoa Hứa Bảo Liên nay đang là sinh viên khoa Văn của Đại học Vân Nam.

 

Như một cuộc “kỳ ngộ”, một ngẫu nhiên của lịch sử, Hứa Bảo Liên gọi đó là “duyên tiền định” khi đôi bạn được gặp lại nhau và đến cuối năm 1946, Nguyễn Tường Bách chính thức lập gia đình với Hứa Bảo Liên tại Côn Minh – thành phố của Bốn Mùa Xuân.

 

“Chúng tôi gặp nhau trên đất xa lạ này, thực là không ngờ. Sự trùng phùng nhanh chóng này làm tôi không khỏi nghĩ đến nhiều khi người ta chỉ khác nhau ở một bước đi, mà cuộc đời đã thay đổi hẳn… Cuối năm đó chúng tôi đã thành hôn với hình thức đơn giản, không thủ tục và cũng không có nhẫn cưới. Chỉ có lòng tin ở nhau, can đảm cùng bước vào tương lai còn mờ mịt.” [5]

 

Trong Thế chiến Thứ Hai, Côn Minh từng được biết như “một thị trấn Đông phương hẻo lánh im ngủ” như ghi nhận của viên tướng không quân huyền thoại Claire Chennault của phi đoàn Flying Tigers từng trú đóng ở đây.

 

Nhưng trên thực tế, Côn Minh chẳng phải là an toàn khu cho những nhà hoạt động cách mạng Việt Nam, do người Pháp vẫn còn ảnh hưởng ở Vân Nam. Vẫn còn đó một tòa lãnh sự Pháp, với cả mật thám Pháp thường xuyên theo dõi hoạt động của các nhà cách mạng Việt Nam chống Pháp để tìm cách phá hoại lung lạc hay cả mua chuộc. Ngoài ra, còn hiện diện nơi đây một bệnh viện Paul Doumer của người Pháp. Nguyễn Tường Bách viết:

 

“Một điều kỳ cục, là có người định giới thiệu tôi vào làm bác sĩ cho nhà thương đó, và cũng có vài bạn học ở trường Y Khoa Hà Nội đương hành nghề ở đây. Nghĩ cũng lạ, nếu là người khác vào làm ở đó cũng tốt, đủ sống phong lưu trong cảnh êm ả ở đây.” [3]

 

Nhưng bả vinh hoa trước mắt và trong tầm tay ấy đã không lay chuyển được chàng trai trẻ Nguyễn Tường Bách khi ông đã chọn bước đường cách mạng gian nan như hai câu thơ của Thế Lữ:

 

Ta là một khách chinh phu
Dấn bước truân chuyên khắp hải hồ

 

Hơn ai hết, Nguyễn Tường Bách hiểu rằng, đặt chân tới Côn Minh, tuy được gọi là căn cứ địa của Cách Mạng Việt Nam, nhưng cũng chỉ là bước tạm thời để bắt đầu một cuộc hành trình khác. Mục đích trước mắt của Hải ngoại bộ VNQDĐ Côn Minh là tranh thủ sự hỗ trợ của Quốc Dân Đảng Trung Hoa cho công cuộc giải phóng Việt Nam. Chặng đường “ngoại vận” ấy sẽ kéo dài bao lâu, có thành công hay không, không sao lường trước được.

 

 

CÔ GÁI TRUNG HOA TRƯỜNG HÀNG BUỒM

 

Hứa Bảo Liên, sinh ngày 8 tháng 4 năm 1925, cha mẹ người Hoa, sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Bố là một bang trưởng người Hoa giàu có nhưng ông có thêm một gia đình khác với cơ ngơi làm ăn ở Nam Định. Suốt tuổi thơ Bảo Liên sống trong một gia đình vắng vẻ chỉ với mẹ và bà ngoại. Tới tuổi đi học, được mẹ gửi vào trường tiểu học Hoa Kiều Hàng Buồm. Liên rất thích đi học, tuy là con gái nhưng lại rất ưa chuộng các môn thể thao nhất là bóng bàn, Liên đã từng đoạt nhiều giải thưởng với những chiếc cúp bày la liệt trong nhà.

 

Có được một bà mẹ hết lòng lo cho con, quý cả những bạn học của con nên được tụi nó gọi là mẹ. Lên đến bậc trung học, nhà trường mời được các thầy cô giáo có danh tiếng từ Hồng Kông hay Quảng Đông qua dạy. Và khi quân Nhật xâm lăng Trung Quốc, thêm nhiều trí thức có bằng cấp đại học đã lánh nạn sang Việt Nam, chủ yếu là Hà Nội và cũng tới dạy học ở trường này. Sau này Hứa Bảo Liên mới được biết trong số các thầy cô, có người là đảng viên Quốc Dân Đảng, có người là đảng viên đảng Cộng Sản.

 

Học sinh được huấn luyện theo chương trình Hướng Đạo với kỷ luật nghiêm ngặt. Các thầy cô còn du nhập vào trường phong trào “đời sống mới” từ Trung Hoa, vận động cuộc sống lành mạnh, bỏ phong kiến cổ hủ, nam nữ bình quyền, cả quyền tự do luyến ái. Phòng đọc sách của nhà trường luôn luôn có thêm nhiều sách tư tưởng mới, có cả tác phẩm của các nhà văn có tiếng như Lỗ Tấn, Ba Kim… Tất cả những cuộc vận động chính trị lúc đó ở nhà trường đã ảnh hưởng đến tư tưởng, hình thành nhân cách phóng khoáng tự lập và cứng cỏi của Hứa Bảo Liên về sau này. Nhất là từ khi cả hai người thân yêu nhất của Liên là bà ngoại và mẹ đã qua đời. Thời gian mỗi ngày tới bên giường bệnh chăm sóc mẹ trong nhà thương, cô gái nhỏ Hứa Bảo Liên đã trở thành khuôn mặt quen thuộc với bệnh viện Phủ Doãn và cả được nhiều người yêu mến.

 

Liên sống một mình sau khi mất mẹ và bà ngoại, nhưng sẵn tinh thần hướng đạo, nên cứ mỗi chiều thứ Bảy hay các ngày nghỉ lễ, thay vì ở nhà hay đi rong chơi, cô học sinh Hứa Bảo Liên thường vào nhà thương Phủ Doãn, như một thiện nguyện viên, cả được theo chân các bác sĩ vào những phòng bệnh. Có khi còn được ở lại ăn cơm và đánh bóng bàn, mãi đến tối mới về. Hứa Bảo Liên có dịp gặp anh sinh viên trường thuốc Nguyễn Tường Bách trong thời gian này.

 

Chiến tranh Trung - Nhật lan rộng, Hứa Bảo Liên tuy còn ở tuổi vị thành niên nhưng đã nhiệt tình tham gia các đoàn thể tuyên truyền chống Nhật, nhưng khi quân Nhật tiến vào Đông Dương, mọi tổ chức hầu như tan rã, chỉ còn một số ít tiếp tục hoạt động bí mật chống Nhật. Chương trình học ở trường nay có thêm giờ học tiếng Nhật. Hè 1945, trong một hoàn cảnh rất đặc biệt như thế, Hứa Bảo Liên tốt nghiệp ra trường cùng với 13 học sinh khác.

 

Thêm một sự kiện đang ghi nhớ: tháng 8 năm 1945, Hứa Bảo Liên đã thắng giải “Vô Địch Bắc Bộ Việt Nam” về Bóng Bàn mà đối thủ của cô là một nữ danh thủ Việt Nam, sau này là đại diện đội bóng bàn Việt Nam sang thăm Trung Quốc.

 

 

VỚI NHÀ THƯƠNG PHỦ DOÃN

 

Hứa Bảo Liên viết: “Nhà thương này vì định mệnh đã có quan hệ bất bình thường với cuộc sống và ảnh hưởng sâu xa tới tương lai của tôi. Nhiều sự buồn vui, tang tóc đã bắt nguồn từ chỗ này. Dù may rủi hay hạnh phúc, lúc nào tôi cũng nhớ đến giai đoạn này vì đó vẫn là một thời kỳ quyết định đối với tôi. Kỳ ngộ nhất là khi tôi thường lui tới nhà thương để săn sóc cho người thân cũng như trăm nghìn người khác, nhưng các bác sĩ và y tá trong bệnh viện đều có cảm tình với tôi – một cô học trò nhỏ, mới mười mấy tuổi, ngây thơ, chất phác, chân thành biết ơn những người đã hết lòng cứu chữa cho mẹ mình. Với tôi, họ là những người bạn tốt, những người cha, người chú, và là anh chị thân quý của tôi, đã giúp tôi trong những lúc khó khăn, cô đơn và lạc lõng nhất.

 

Một cô bé người Hoa, bỗng dưng trở thành một thành viên ở đó, như trong một đại gia đình. Từ năm 1942, 1943, ngoài những ngày đi học ra, trong các ngày khác cuối tuần hay những ngày nghỉ lễ, rỗi rãi tôi thường chạy vào nhà thương chơi. Nhà thương này, vừa là bệnh viện, vừa là nơi các sinh viên trường thuốc thực tập. Tôi được ưu đãi đặc biệt và rất vui vẻ khi được đi cùng với các bác sĩ vào trong phòng bệnh mà không biết là để làm gì.

 

Các bác sĩ cũng cho tôi một chiếc áo khoác trắng, cho nó ra vẻ sinh viên, nhưng có ai tin trong đám sinh viên trường thuốc lại có một cô bé con như vậy. Có người trố mắt ra khi thấy tôi đi đằng trước cùng với các bác sĩ tiến vào phòng bệnh. Có khi bác sĩ Huard đi đầu, theo sau là một toán sinh viên, đa số là nam sinh, và có một vài cô sinh viên nữ mà thôi. Các anh sinh viên cũng không hiểu tôi là người thế nào, con cháu của bác sĩ nào và thường nói chuyện đùa với tôi: – “Cô là sinh viên năm thứ mấy? Bao giờ tốt nghiệp?” Tôi cũng nghiêm trang trả lời: – “Tôi là sinh viên năm thứ 9, sắp tốt nghiệp rồi, còn tốt nghiệp trước cả các anh nữa đấy.” Tôi không nói bậy, vì thực ra tôi đang học lớp 9 ở trường Trung Học Trung Hoa. Nhiều khi sau giờ làm việc, tôi cùng các bác sĩ về ký túc xá. Sau bữa cơm tối, tôi thường đánh bóng bàn theo lối đánh đôi. Tôi và bác sĩ Tùng (Tôn Thất Tùng) vào một bên, bên kia là bác sĩ Tâm (Phạm Biểu Tâm) và Cơ (Nguyễn Trinh Cơ)… Thường là bên chúng tôi thắng cuộc.

 

Lúc đó tôi xem bác sĩ Tùng (Tôn Thất Tùng) như cha đỡ đầu. Ông rất quan tâm tới sự học hành của tôi. Lúc đó ông dự tính, sau khi tốt nghiệp ban trung học chữ Hoa, tôi sẽ đổi sang chuyên học chữ Pháp trong ba năm, rồi sau sẽ tìm cơ hội lên học y khoa. Không ngờ thời cục biến chuyển nhanh, quân Nhật chiếm đóng Việt Nam, dự tính theo học y khoa theo chương trình Pháp khó mà thực hiện được.”

 

Tên các danh y của bệnh viện Phủ Doãn lúc đó và của Việt Nam sau này, được Hứa Bảo Liên kể trong các trang sách của mình: ngoài bác sĩ Tôn Thất Tùng, Phạm Biểu Tâm, còn có các bác sĩ Hồ Đắc Di, Nguyễn Xuân Chữ. Bác sĩ Huard là một tên tuổi lừng danh mà y giới ở cả hai miền Bắc và Nam đều biết.

 

“Một bác sĩ người Pháp, Huard* là giáo sư trường Y Khoa, vừa là trưởng khoa ngoại tại nhà thương này. Tuy là bác sĩ quyền uy nhất ở đây, nhưng lần nào gặp tôi, ông cũng bắt tay và chào hỏi vui vẻ… Tôi còn nhớ hồi cuối năm 1945, một hôm ông Huard đi xe đạp tới nhà thương làm việc, nửa đường bị dân chúng đánh thâm tím cả mặt mũi, quần áo lếch thếch… vì lúc đó quần chúng tự nổi dậy đánh dân Pháp cho hả dạ.” [5]

 

*Pierre Huard (1901-1983), vị Giáo sư Khoa trưởng người Pháp cuối cùng của Đại Học Y khoa Hà Nội, đã có công đào tạo nhiều thế hệ bác sĩ ưu tú của nền y học Việt Nam như Tôn Thất Tùng, Phạm Biểu Tâm... Nhưng rồi như một trớ trêu của lịch sử, sau trận chiến Điện Biên Phủ (1954), GS Huard là đại diện Chính phủ Pháp và hội Hồng Thập Tự, BS Tôn Thất Tùng – môn sinh của GS Huard, là đại diện của Việt Minh, nay thầy trò đứng hai bên chiến tuyến đối nghịch, phụ trách việc trao trả thương binh của hai phía.

 

Cuối năm 1942, Hứa Bảo Liên gặp Nguyễn Tường Bách đang tập sự ngoại khoa ở đây. Nguyễn Tường Bách ra trường năm 1944, như vậy năm đó NTB đã là SVYK 4, với tuổi 25. Mối liên hệ hình như là tình yêu giữa hai người nẩy nở từ đây. Lúc đó Nguyễn Tường Bách đã thích viết văn, viết báo, làm thơ, đã nổi tiếng ngay với truyện ngắn “Tha Hương” đăng trên Giai Phẩm Xuân Đời Nay 1943, được nhiều bạn gái thầm yêu mến.

 

Rồi mùa hè 1943, Hứa Bảo Liên và nhóm bạn học cô bị Hiến Binh Nhật bắt, bị giam trong hầm của nhà in Ideo ở phố Tràng Tiền. Việc một số học sinh đang học tại trường bị mất tích – trong khi đa số là những học sinh còn tuổi vị thành niên, đã làm chấn động dư luận trong giới Hoa Kiều. Qua bao vận động, và cả để lấy lòng các bang hội Hoa Kiều lúc đó, Hiến binh Nhật đồng ý trả tự do cho đám học sinh còn đang học tại trường. Và một năm sau, tình thế ở Hà Nội hoàn toàn đổi khác khi quân Trung Hoa của Tưởng Giới Thạch vào đất Việt.

 

Nguyễn Tường Bách đã hết sức sửng sốt khi hay tin Hứa Bảo Liên bị bắt. Rồi Bách được gặp lại người em gái nhỏ sau mấy tháng bị giam cầm, cả hai đều vui mừng, họ như đôi bạn cùng cảnh ngộ cùng chí hướng. Nguyễn Tường Bách tuy rất bận rộn ở trường thuốc, ở tòa báo và cả việc “Hội Kín” – chữ của Hứa Bảo Liên, Bách vẫn cố gắng dạy Liên học để bắt kịp khoảng thời gian bị giam nhất là với hai môn Toán và Pháp văn.

 

Và rồi, hình như có linh tính báo cho cô gái biết, giữa hai người đã có một cái gì khác với tình bạn, hay tình anh em thuần tuý. Hai người đã thực sự đi tới quyết định gắn bó vận mệnh với nhau, nhưng còn nhiều thử thách ở phía trước mà họ phải vượt qua, khó khăn do định kiến từ gia đình Nguyễn Tường, với thêm hàng rào chủng tộc, vào thời kỳ đó đã có rất ít con gái người Hoa thành hôn với một chàng trai Việt. Đó là vào mùa Hè năm 1945.

 

 

MỘT HÀ NỘI TANG TÓC 1945

 

Sau Nhật đảo chính Pháp, tình hình vô cùng căng thẳng. Máy bay Mỹ bỏ bom Hà Nội và các thành phố miền Bắc. Còi báo động inh ỏi. Bom ném trúng chợ Hàng Da, dân chết và bị thương vô số. Hứa Bảo Liên viết:

 

“Những chiếc băng ca mang những người bị thương vào nhà thương Phủ Doãn, phải xếp hàng từ cổng nhà thương tới phòng mổ, dài 5, 6 mươi mét. Chính mắt tôi trông thấy nhiều người chưa đợi đến phiên mình mà đã tắt thở! Trên nhà mổ, bên cạnh hành lang cũng nằm la liệt những người bị thương, gồm cả xác chết. Tất cả nhân viên nhà thương đều mệt lử và không biết bao giờ làm mới xong.”

 

Rồi đến chứng kiến nạn đói năm Ất Dậu:

 

“Chẳng bao lâu lại nghe tin nhiều nông dân bị chết đói. Thành phố Hà Nội bắt đầu thấy những người dân gầy còm thất thểu trên các đường phố. Họ đói quá phải cướp những bánh trái của những người bán hàng rong. Có người đi ăn xin, số người này càng ngày càng nhiều. Sáng nào tôi cũng thấy có những người kéo chiếc xe bò đi nhặt xác. Vì đói lâu, nên những chiếc xác nhẹ và bé đi. Họ chồng chất trên chiếc xe bò nhỏ, trên xác chết có phủ chiếu, nghe nói là đem tới ngoại ô để vùi.”

 

Thời gian ấy, Hứa Bảo Liên đang sống ở Hà Nội, và tốt nghiệp ra trường, Liên bắt đầu đi dạy tại hai trường Hoa Kiều: một ở Ngõ Gạch và một ở Hàng Than. Buổi tối thì ngồi dịch các bản tin từ chữ Hoa ra chữ Việt, viết những bài bình luận về các vấn đề phụ nữ đăng trên tờ Ngày Nay của anh Bách. Công việc bận rộn nhưng vui vì đúng chí hướng với anh Bách. Bảo Liên sống tự lập, vẫn ăn mặc giản dị như thuở học trò: thân thể khoẻ mạnh, vận áo sơ mi trắng, váy màu lam không trang điểm phấn son, và vững tin vào tương lai. Với tinh thần cầu tiến, Liên nuôi ý định tiếp tục lên học tại một đại học Trung Quốc. Về Nam Định xin phép ông bố và được đồng ý. Trước khi đi xa, Bảo Liên đi thăm mộ mẹ và bà. Thăm anh chị Long Hoàng Đạo. Đi xe hơi, đi thuyền đến Việt Trì, tìm lên chiến khu thăm anh Bách, để báo tin cho anh biết dự tính đi du học Trung Quốc và cả hai cũng không biết bao giờ mới có thể gặp lại nhau. Tháng 7 năm 1946, Hứa Bảo Liên giã từ Hà Nội. Và cũng chẳng thể ngờ rằng chuyến đi này là vĩnh biệt Hà Nội, không bao giờ còn cơ hội quay trở lại nữa.

 

 

NHỮNG NHÂN VẬT CỦA THỜI ĐẠI

 

Năm 1943, khi ấy Liên vừa 18 tuổi, Nguyễn Tường Bách rủ Liên tới tòa soạn 80 Quan Thánh thăm anh Long tức nhà văn Hoàng Đạo. Tòa báo Ngày Nay qua ký ức của Hứa Bảo Liên hơn nửa thế kỷ sau:

 

“Tòa báo Ngày Nay ở bên phải đầu phố Quan Thánh, chung quanh có hàng rào sắt, trên sân nhiều cây hoa, có cả mấy khóm trúc màu vàng nữa. Tầng dưới là nhà in và ban trị sự, và nhiều nhân viên đang làm việc bận rộn chung quanh những máy in lớn, tiếng máy nhịp đều đều, mùi dầu xông lên khắp phòng. Trên gác là tòa soạn. Vừa lên gác đã thấy ngay phòng khách rộng, vừa là chỗ hội họp. Ở giữa là chỗ làm việc với một số bàn, bên phải là phòng riêng của anh Khái Hưng.

 

Bách trỏ vào một người bên bàn, xem ra gần bốn mươi tuổi, cũng mũi cao, mắt sâu, lông mày rậm. Anh nói: “Đây là cô Liên, đây là anh Long.” Anh Long tươi cười mời tôi ngồi. Anh khổ người trung bình, mắt ngang rất sáng, mới trông cũng không biết anh là người cởi mở, không có thành kiến. Không biết lúc đó anh có nghĩ là em mình tại sao lại có bạn nhỏ như vậy không? Anh Long vui vẻ hỏi tôi: “Cô có thích đọc tiểu thuyết không?” “Có, em có thích đọc tiểu thuyết chữ Hoa và chữ Việt. Mẹ em thường mua tờ Phong Hóa, lúc đó em thích nhất là mục vui cười, những tranh hài hước như những lời đối thoại của Lý Toét và Xã Xệ.” Anh nghe nói mỉm cười và còn hỏi tôi về việc học hành sinh hoạt. Trước khi tôi ra về, anh có ký tặng tôi một quyển sách và còn nói đùa một câu: “Chữ ký này, sau này rất có giá trị đấy!”.

 

Hoàng Đạo (sinh năm 1907) lúc đó mới 36 tuổi. Chẳng thể ngờ rằng chỉ 5 năm sau 1948, chính Hứa Bảo Liên lúc đó đã là em dâu, đang cùng Nguyễn Tường Bách sống thiếu thốn ở Bạch Hạc Động một khu ngoại ô thành Quảng Châu, và cũng chính Bảo Liên đã phải chạy tất bật đi vay từ một người bạn 500 đồng HK để anh Tam, anh Bách cùng các đồng chí sáng ngày hôm sau có thể đi tới ga Thạch Long lo chôn cất anh Hoàng Đạo mất đột ngột ở tuổi 42.

 

“Anh Nguyễn Gia Trí có bộ râu quai nón. Lúc đó anh ở cùng nhà với anh Bách, anh thường tiếp xúc với những hộp sơn, những vỏ trứng gà. Có lẽ vì thế nên tuy là họa sĩ, anh không thích diện, anh thường vận quần áo xuềnh xoàng với đôi dép cao su cũ kỹ. Tính anh ít nói và thẳng thắn. Hình như anh không để ý gì đến những sự vật chung quanh mình và cũng không thích giao thiệp với nhiều người.”

 

Nguyễn Gia Trí (sinh năm 1908), lúc đó 35 tuổi, hơn Nguyễn Tường Bách 8 tuổi và Hứa Bảo Liên đã phác họa được một chân dung và cả phong cách rất trung thực của họa sĩ Nguyễn Gia Trí, cũng là chiến sĩ cách mạng bôn ba với các đồng chí VNQDĐ cả bị tù đày ở những năm về sau này. Những tác phẩm hội hoạ cuối đời của Nguyễn Gia Trí ngày nay đã được xem là “quốc bảo”, thuộc tài sản quốc gia.

 

“Anh Khái Hưng đã hơn bốn mươi tuổi, người gầy gò nhỏ nhắn, nhưng lanh lẹ và rất vui tính, anh thường hay nói đùa với tôi. Trong những ngày làm việc bận rộn thỉnh thoảng tôi có mang cơm đến nhà báo để anh Bách dùng. Nhưng có khi vì bận nên chưa kịp ăn, anh Khái Hưng cùng mấy người cháu của anh Bách như Tường Ánh, Tường Triệu “nếm thử” những món ăn, rồi còn khen là ngon nữa làm tôi không khỏi bật cười.”

 

Khái Hưng (sinh năm 1896), cao tuổi nhất, lớn hơn Nguyễn Tường Bách 20 tuổi, nhận Tường Triệu con trai Nhất Linh làm con nuôi với tên Trần Khánh Triệu. Khái Hưng nổi tiếng với các tác phẩm Hồn Bướm Mơ Tiên, Nửa Chừng Xuân, Tiêu Sơn Tráng Sĩ… là một trong mấy cây bút chủ lực của Tự Lực Văn Đoàn. Hoạt động cách mạng, tham gia Đại Việt Dân Chính đảng, bị Pháp bỏ tù một thời gian, rồi bị Việt Minh bắt và bí mật thủ tiêu năm 1947.

 

“Anh Vũ Hồng Khanh, lần đầu tiên tôi gặp, thấy anh người đẫy đà, da ngăm đen, thân thể khoẻ mạnh, tiếng nói hùng hồn, có vẻ là một nhà binh hơn là nhà chính trị. Lúc đó, anh rất bình dị, không khách sáo, và vì ở Vân Nam lâu năm, nên anh nói tiếng Vân Nam rất thạo.”

 

“Anh Xuân Tùng, thì bình dị hơn cả. Lúc nào cũng thấy anh quần áo xuềnh xoàng, kè kè điếu thuốc lào. Nghe nói trước kia anh chuyên làm công tác bí mật trong thời Pháp thuộc. Lúc nào cũng thấy anh vội vội vàng vàng, như có nhiều việc đang đợi anh làm, nên không bao giờ thấy anh ngồi lâu được.”

 

 

Bất cứ nhân vật nào của thời đại mà Bảo Liên gặp qua các thời kỳ, trong những hoàn cảnh khác nhau, đều được ghi lại chỉ với ít dòng đơn sơ nhưng đó là nét phác thảo của những bức chân dung rất có thần. Nguyễn Tường Thiết có lần đã nhận định, bao nhiêu năm sau gặp lại bác Xuân Tùng, ai cũng nhận thấy ngay cái dáng “vội vội vàng vàng” đúng y như thím Bách đã mô tả. Nhà phê bình Nguyễn Mạnh Trinh, khi đọc cuốn hồi ký Nguyễn Tường Bách và Tôi, đã viết: “trong tác phẩm, tôi đã gặp một nhà văn Hứa Bảo Liên, với văn phong đơn giản, thành thật nhưng truyền cảm.

 

 

HỘI NGHỊ HỒNG KÔNG

 

Năm 1947, khi Nguyễn Tường Bách đang ở Côn Minh, được lệnh “anh Tam” đi dự hội nghị Hồng Kông. Ngay từ đầu, Nguyễn Tường Bách đã không muốn trực tiếp tham dự Hội Nghị đó do không tán thành “giải pháp Bảo Đại với những điều kiện do Pháp đưa ra”, vì như vậy là hợp pháp hóa cho sự tái xâm lăng của người Pháp. Nhưng phải theo quyết định chung, Nguyễn Tường Bách vẫn ra đó để quan sát tình hình và góp ý kiến với các anh về thái độ của những đảng bộ các nơi.

 

Và đúng như dự đoán, Hội Nghị Hồng Kông đã không đi tới đâu do những rạn nứt rõ rệt của các phe phái quốc gia, trong khi đó Việt Minh không ngừng rêu rao tuyên truyền và “lên án hội nghị Hồng Kông là bán nước và những thành phần tham dự đều bị kết án tử hình vắng mặt.” [3]

 

https://gdb.voanews.com/914139E9-AFC5-4898-A0C5-4FDE9676CED1_w650_r0_s.jpg

Cựu hoàng Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương chụp chung với các chính khách Việt Nam sang dự Hội Nghị Hồng Kông 1947 (Nguyễn Tường Tam đứng hàng thứ ba, và là người thứ ba từ phải). [tài liệu ORDI / Oriental Research Development Institute – Viện Nghiên Cứu Phát Triển Phương Đông]

 

https://gdb.voanews.com/C3DA9CF8-719B-492D-8FEB-4498ED2DAD8A_w650_r0_s.jpg

Các chính khách Việt Nam tham dự Hội Nghị Hồng Kông 1947 [hình chụp tại Văn phòng cựu hoàng Bảo Đại], hàng trước từ trái, Phan Văn Giáo, Trần Văn Lý, Trần Thành Đạt, Hà Xuân Hải, Nguyễn Hải Thần, Lưu Đức Trung, Trần Quang Vinh, Trương Vĩnh Tống, Nguyễn Văn Tâm, Nguyễn Tường Tam – Nhất Linh và Vũ Kim Thành; hàng đứng từ trái, Nguyễn Bảo Toàn, Trần Văn Tuyên, Lâm Ngọc Đường, Cung Giũ Nguyên, Cao Văn Chiểu, Trần Ngọc Liễng, Nguyễn Văn Sâm, Nguyễn Văn Hải, Ngô Xuân Tích, Nghiêm Xuân Việt, Vũ Quốc Hưng, Nguyễn Phước Đáng, Nguyễn Tường Long – Hoàng Đạo. [tài liệu ORDI / Oriental Research Development Institute]

 

 

RỜI CÔN MINH DỌN VỀ QUẢNG CHÂU

 

Đầu năm 1948, do tình trạng tài chính thiếu thốn, Nguyễn Tường Bách cùng anh Tam, anh Long và các anh em khác quyết định dọn về Bạch Hạc Động là một vùng ngoại ô thành Quảng Châu / Guangzhou – là một thị trấn lớn nhất của tỉnh Quảng Đông / Guangdong lúc bấy giờ. Từ Bạch Hạc Động muốn sang Quảng Châu phải đáp tàu qua sông Châu Giang, và còn phải đi thêm một quãng đường xa mới tới.

 

Nơi dọn tới chỉ là hai căn nhà bỏ trống từ lâu nên tiền thuê rẻ chỉ có 5 đồng HK. “Các anh sống rất thanh đạm, ngày hai bữa cơm do một bà láng giềng thổi thuê. Mỗi bữa có một nồi canh rau, một món xào với tí thịt hay cá. Lúc đó anh Tam vì mắc bệnh đau dạ dày nên thường ăn mì. Anh Long cùng anh Bách ăn rất ít, dù có đồ ăn hay không.

 

“Tôi còn nhớ, sau hội nghị Hồng Kông, có các anh Vũ Hồng Khanh, Đỗ Đình Đạo từ các nơi khác tới, và anh Phạm Khải Hoàn từ trong nước ra. Các anh họp suốt tuần, tranh luận rất dữ dội. Lúc thường các anh là đồng chí vào sinh ra tử, nhưng trong những công việc chung, mọi người đều được tự do phát biểu ý kiến mình, tranh luận để đi tới kết luận chung.

 

Hè năm 1948, trước sau có chị Long, chị Tam sang thăm các anh. Các chị đem lại nhộn nhịp và vui vẻ. Chị Long đi với cháu Ánh, lúc đó độ 12 tuổi. Chị có mang quần áo rét cho anh Long. Chẳng bao lâu thì chị Tam sang thăm, chị đi với cháu Thạch, cũng độ 12 tuổi…” [5]

 

TANG TÓC KHÔNG NGỜ: CÁI CHẾT CỦA HOÀNG ĐẠO

Năm 1948, tháng 7 như một tin sét đánh, có một người Việt Nam đột ngột chết trên chuyến xe lửa từ Hồng Kông về Quảng Châu. Ông hành khách ấy đột ngột gục xuống ngay chỗ ngồi trên toa xe lửa khi đang xem báo. Không có cách gì cứu chữa; xác đã được đưa xuống ga Thạch Long.

 

Người đầu tiên nhận được tin dữ này là Hứa Bảo Liên, nay đã là bà Nguyễn Tường Bách. Người báo tin là một bà chủ tiệm tạp hóa ở Bạch Hạc Động và cũng là trạm phát thư. Hứa Bảo Liên viết:

 

“Tôi về kể lại, mọi người đều chột dạ, nhưng lại tự an ủi là người Việt họ Nguyễn thì nhiều, không chắc có phải là anh Long. Nhưng hôm đó mọi người đều thắc mắc lo âu. Sáng hôm sau, tôi lại ra chợ, lần này thấy bà chủ tiệm hình như đang đợi tôi, Thấy tôi bà nói luôn: có người sang nói, người mất trên tàu tên là Nguyễn Phúc Vân (đấy là tên hiệu của anh Long ít người biết). Tôi không để bà ta nói hết, quẳng ngay chiếc rọ, chân dép chân đất, tất tả chạy về. Sau khi nghe tôi kể lại, mọi người đều im lặng, nhưng nước mắt đã tràn xuống… Sau một thời gian ngắn, anh Bách chạy về nói với tôi: ‘Sáng sớm mai, mọi người phải đi, song trong nhà không ai có đủ tiền, mà cũng không biết phải dùng hết bao nhiêu. Nay em sang Quảng Châu vay cô Bình 500 đồng HK (khoảng 60 USD, theo thời giá lúc ấy 1 USD tương đương với 8 HKD), nếu cô ta không có thì nhờ vay hộ, xong việc sẽ trả ngay.’ Tôi biết số tiền này rất cần, nhưng số tiền lớn như vậy, tương đương với hai lạng vàng, không biết có thể vay được không?” [5]

 

Hứa Bảo Liên đã tất bật chạy ra tới bến, phải lấy tàu qua sông Châu Giang, vừa đi vừa chạy tới nhà cô Bình là bạn học cũ của Liên đang làm ăn buôn bán ở đây, vay được số tiền đó để lo chôn cất cho anh Hoàng Đạo. Cũng để thấy rằng, cả Hải ngoại vụ Việt Nam Quốc Dân Đảng nghèo và đời sống khắc khổ thiếu thốn như thế nào, trong khi đó thì Việt Minh vẫn rêu rao tung tin bôi nhọ Nguyễn Tường Tam biển thủ công quỹ, mang theo hai triệu đồng của Bộ Ngoại Giao khi chạy sang Trung Hoa.

 

Hứa Bảo Liên viết tiếp:

 

“Sáng hôm sau, các anh dậy sớm lên đường. Tôi vì có con mọn nên các anh khuyên tôi ở lại coi nhà… Hai hôm sau, các anh trở về, người nào người nấy bơ phờ như kẻ mất hồn, hai mắt đỏ hoe. Thật không có gì đau thương bằng trong lúc lưu vong, lại xảy ra sự sinh ly tử biệt này! Anh Bách có cho tôi biết, khi mở quan tài, mọi người đều khóc không ra tiếng, cảnh tượng này không bao giờ quên được. Còn hành lý và giấy tờ trong người anh Long đã được nhà ga trao trả thân nhân chu đáo.” [5]

 

Và đây là cận cảnh do Nguyễn Tường Bách, người em của Hoàng Đạo ghi lại: khi tới nơi, mở nắp quan tài thì mặt người chết đã sưng phù biến dạng nhưng mọi người nhận ngay ra đó là anh Long vì còn nguyên bộ đồ áo tây mà anh vẫn thường mặc. Mọi người đau buồn nhưng người đau đớn nhất là anh Tam. Mấy anh em chỉ còn biết chung tay đào một mộ huyệt sơ sài cho anh Hoàng Đạo, cắm mấy nén hương cuối cùng và một bia đá được đặt trang nghiêm trên đầu mộ, với mấy dòng chữ:

 

NGUYỄN TƯỜNG LONG
Người Việt Nam
Sinh năm 1906*, mất năm 1948
Yên nghỉ nơi đây

 

 

https://gdb.voanews.com/9145940C-5B6A-47CE-B896-AC14C60BADF4_w650_r0_s.jpg

Hoàng Đạo (1907-1948). [*Năm sinh đúng cùa Hoàng Đạo là 1907 tức năm Đinh Mùi nhưng khai sinh ghi 1906]

 

Một tháng sau thì chị Nguyễn Tường Long cùng con gái Minh Thu sang thăm mộ, chị đã khóc rất thảm thiết. Sau đó chị Long ra thẳng Hồng Kông, Hứa Bảo Liên thì về lại Quảng Châu. Và đó cũng là lần chia tay vĩnh biệt giữa hai chị em.

 

Nguyễn Tường Bách khi nhớ lại, đã cảm khái viết về người anh của mình: “Trên con đường xa xôi mà chúng tôi đã đi qua, đã bao nhiêu anh em, bao nhiêu người thân ngã xuống rồi, nhưng chúng tôi vẫn không thể tin được là người anh thân mến đã chỉ dẫn tôi từ lúc còn thơ ấu, một nhân tài xuất sắc của đất nước, đã đi tiên phong trong phong trào văn học, đã từng bị giam trong trại tập trung của thực dân Pháp, một người có phẩm chất bình dân, khiêm tốn nhưng cương quyết không thoả hiệp với đế quốc, với độc tài, không bao giờ mưu toan danh lợi cá nhân, lại đã chết và nằm xuống thầm lặng ở một góc nhà ga xa lạ trên đất khách quê người.” [3]

 

 

ĐƯỜNG ĐI NAM KINH / NANJING

 

Năm 1948, các đảng phái quốc gia ở hải ngoại như đứng trước ngã ba đường. Về khu Pháp chiếm thì phải khuất phục trước thực dân, mà về khu kháng chiến, không có chỗ đứng chân và có nguy cơ bị Việt Minh tiêu diệt. Trong khi đó, ngay trên đất nước Trung Hoa, đại quân Quốc Dân Đảng của Tưởng Giới Thạch đang phải lui bước trên khắp các mặt trận trước Hồng quân của Mao Trạch Đông. Tưởng Giới Thạch cầu cứu Mỹ nhưng không được đáp ứng.

 

Trước tình hình đó, lãnh đạo VNQDĐ quyết định phái Vũ Hồng Khanh và Nguyễn Tường Bách đi Nam Kinh – là thành trì còn vững vàng của Quốc Dân Đảng Trung Hoa (QDĐTH), để đánh giá tình hình và hoạch định tương lai. Tại Nam Kinh, đoàn Việt Nam được tiếp xúc với các yếu nhân trong ban bí thư QDĐTH, được gặp Phó Tổng thống Lý Tôn Nhân là nhân vật số hai sau Tưởng Giới Thạch. Ông nổi tiếng là viên tướng tài khi cầm đầu Lộ quân thứ 19 đánh thắng quân Nhật tại Đài Nhi Trang. Với ngôn ngữ ngoại giao, Lý Tôn Nhân bày tỏ sự đồng tình với nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp và hứa hẹn sẽ đưa sang trung ương nghiên cứu về sự giúp đỡ cụ thể.

 

Đoàn thì đã quá quen với những lời hứa hẹn từ mọi cấp QDĐTH. Trong khi tình hình quân sự của đại quân Tưởng Giới Thạch ngày càng suy sụp, đã phải tính chuyện dời đô Nam Kinh xuống Quảng Châu. Đoàn Việt Nam nhận thức rõ rằng không còn có thể trông mong gì sự giúp đỡ của QDĐTH, khi mà một lực lượng đại quân của Tưởng Giới Thạch – đông hơn Hồng quân của Mao nhưng lại đang trên bờ vực tan rã.

 

 

ANH TAM SUY NHƯỢC THẦN KINH

 

Hoàn cảnh bế tắc, lại thêm cái chết bất ngờ của người em Hoàng Đạo, và sau này thêm sự thay đổi lý tưởng của người em út Nguyễn Tường Bách, Nguyễn Tường Tam quá đau buồn nên sức khoẻ càng ngày càng suy sụp, anh Tam đã bị đau dạ dày, nay lại mắc bệnh suy nhược thần kinh, không còn khả năng đối phó với những tình huống nghiêm trọng, và mọi người cùng đồng ý để anh Tam rời Quảng Châu ra Hồng Kông dưỡng bệnh. Thời gian đó, ở Hồng Kông anh Tam sống chung với gia đình người đồng chí Trương Bảo Sơn có vợ là Nguyễn Thị Vinh. Được sự hướng dẫn của Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, Nguyễn Thị Vinh và thêm cả cô sinh viên Linh Bảo đều trở thành hai nhà văn nữ danh tiếng của Miền Nam sau này.

 

https://gdb.voanews.com/71AA684C-1A47-4093-9CB6-A40EF63E1961_w650_r0_s.jpg

Bức hình quý hiếm duy nhất và cuối cùng chụp tại Thượng Hải 1947 có đủ mặt ba anh em Nguyễn Tường: hàng trước từ trái, Trần Quang Vinh, Lưu Đức Trung, Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường Tam Nhất Linh, Trần Văn Tuyên; hàng sau từ trái, Nguyễn Bảo Toàn, Đỗ Đình Đạo, Nguyễn Tường Long Hoàng Đạo, Nguyễn Văn Sâm, Nguyễn Tường Bách Viễn Sơn, Lâm Ngọc Đường. [tư liệu và ghi chú của Nguyễn Tường Thiết]

 

Sau này, khi nói về cái chết của Nhất Linh, Nguyễn Tường Bách vẫn còn nhớ tới chứng sầu muộn của anh Tam đã có từ cuối năm 1948, với những đêm mất ngủ, ngồi vắng lặng một mình và tự nhiên bật khóc mà không có lý do, mà người em bác sĩ Nguyễn Tường Bách gọi đó là bệnh trầm cảm / depression.

 

 

TÌM CON ĐƯỜNG MỚI: LY KHAI QUỐC DÂN ĐẢNG 1949

 

Tình hình trong nước biến chuyển quá mau chóng. Quốc Dân Đảng Trung Hoa – vốn là chỗ dựa của VNQDĐ thì nay đã quá nguy ngập. Hồng Quân mở rộng tấn công bắc ngạn Trường Giang, uy hiếp Nam Kinh, Thượng Hải, bao vây Hán Khẩu. Các tướng lãnh QDĐTH đã chuẩn bị di tản sang Đài Loan, lánh sang Hồng Kông hoặc Hoa Kỳ.

 

Trước nguy cơ Hồng Quân tiến vào Vân Nam, nhiều anh em VNQDĐ phải trở về nước, hay chạy sang Quảng Đông. “Anh Xuân Tùng, người đã vật lộn bao nhiêu năm với cách mạng từ Côn Minh sang và tỏ ý muốn trở về nước, vì theo anh trong nước mới có cơ sở hoạt động. Không đi với cộng sản nhưng anh cũng cam đoan không hợp tác với Pháp. Chia tay nhau trong thương mến, anh chúc cho chúng tôi cũng sớm trở về.” [3]

 

Ai cũng cảm thấy hoàn cảnh bế tắc. “Do đó, tôi – Nguyễn Tường Bách, và một số anh em quyết tâm cùng nhau thảo luận để tìm ra một con đường mới, không những có thể đưa tới độc lập dân tộc, mà còn đưa tới một xã hội công bằng, không có áp bức và bóc lột, không thể là một chế độ chuyên chính, vô sản.”

 

Nguyễn Tường Bách đã phải đau xót với nhận định: “Việt Nam Quốc Dân Đảng nay trong thất bại, lại đã chia rẽ thành nhiều nhóm hành động trái ngược nhau. Điển hình nhất là một số công khai ra hoạt động dưới dù bảo hộ của kẻ địch: quân Pháp. Điều này khiến cho đảng mất chính nghĩa và mất tín nhiệm quần chúng.”

 

Nguyễn Tường Bách mang “ý tưởng mới” này ra Hồng Kông để bàn với anh Tam và các anh khác. “Đối với ý kiến của chúng tôi là rời bỏ chủ nghĩa Tam Dân, đi tìm một con đường mới để thoát khỏi bế tắc, anh Tam không biểu lộ ý nghĩ cụ thể, không tán thành hay phản đối việc chúng tôi làm. Xưa nay anh không ép buộc ai phải làm theo ý muốn của mình cả, có thể vì thế mà anh không tổ chức được hàng ngũ đấu tranh có kỷ luật chặt chẽ.” Chúng tôi – Nguyễn Tường Bách và Nguyễn Tường Tam chia tay.

 

Nguyễn Tường Bách trở về Quảng Châu, vẫn trên con đường xe hỏa định mệnh của Hoàng Đạo ngày nào. “Tôi suy nghĩ rất nhiều. Đây là thời khắc quyết định tương lai của tôi, một xoay chuyển với quá khứ, có thể đưa tới những khó khăn, bất trắc không lường. Nhưng một nam nhi, một chiến sĩ không thể theo vết xe cũ, miễn là có một mục đích cao thượng về độc lập, hạnh phúc của dân tộc.” [3]

 

Về đến Quảng Châu, “cùng mấy anh em khác, thêm anh Văn Đạo, một cán bộ cũng từ Quảng Châu, qua thảo luận ráo riết, chúng tôi đã đồng ý trên mấy điểm cơ bản như sau:

 

Đồng ý về cương lĩnh chính trị: thực hiện dân tộc độc lập, dân chủ tự do, và công bằng xã hội; tiết chế tư bản, bảo đảm quyền lợi công nông. Phản đối chuyên chính vô sản cũng như sự bóc lột tàn bạo của tư bản. Thực hiện một chế độ “xã hội chủ nghĩa” nhưng không độc tài theo lối của Bắc Âu.

 

Về chương trình hành động: giải trừ chế độ thực dân và giải trừ chế độ chuyên chính của Việt Minh cộng sản. Phương pháp hoạt động chính là truyền bá dần tư tưởng trong dân chúng, tạo nên phong trào quần chúng dần dần đi tới toàn dân nổi dậy cướp chính quyền, trên nguyên tắc, trong giai đoạn này, phải ủng hộ cuộc kháng chiến của toàn dân.

 

Chúng tôi thành lập một nhóm đấu tranh mới gọi là nhóm “Cách Mệnh Xã Hội”. Để tránh mâu thuẫn, tháng 3 năm 1949, chúng tôi quyết định thoát ly Quốc Dân Đảng, nhưng vẫn giữ quan hệ hữu hảo với Quốc Dân Đảng và các đảng phái quốc gia chống Pháp khác.

 

 

QUYẾT ĐỊNH Ở LẠI QUẢNG CHÂU

 

Chọn con đường mới: từ bỏ Chủ Nghĩa Tam Dân, ly khai Quốc Dân Đảng, nhóm Cách Mệnh Xã Hội Nguyễn Tường Bách hầu như bị đứt liên lạc với trong nước. Trong tình thế cực đoan ấy, báo “Cách Mệnh Xã Hội” vẫn cố gắng ra được mấy số. Mới đầu báo in thạch bản / litho rất khó đọc, sau đó đổi sang lối khắc chữ rõ nét dễ đọc lại in ra được nhiều số hơn để gửi đi các nơi như Vân Nam, Quảng Tây / Guangxi, Hồng Kông và anh em mang về trong nước. Nội dung tờ báo có chỗ mâu thuẫn – do chính Nguyễn Tường Bách nhận định sau này. Chống cộng sản chuyên chế, không thể hợp tác nhưng thừa nhận chính nghĩa kháng Pháp của họ. Không có chỗ đứng giữa hai khu Pháp và Cộng sản, lại chưa có thực lực, hướng đi của nhóm Cách Mệnh Xã Hội còn bất định về tương lai của con đường thứ ba.

 

Trong khi đó, Hồng Quân của Mao đã vượt qua sông Dương Tử / Yangtze, uy hiếp Hồ Nam / Hunan, Lưỡng Quảng / Liangguang. Du kích quân CS cũng hoạt động mạnh ở ngay tỉnh Quảng Đông. Tình hình nguy ngập, các lãnh đạo QDĐTH đã chạy ra khỏi nước, sang Đài Loan hoặc Hồng Kông. Người Việt khắp nơi đổ về Quảng Châu, tìm lối thoát sang Hồng Kông, một số tìm đường về Việt Nam.

 

Nguyễn Tường Bách viết:

 

“Mấy tháng giữa năm 1949 thực là bước ngoặt của cuộc đời chúng tôi và của cả lịch sử Trung Quốc. Những ngày nắng hè là ngày tàn của chế độ Tưởng Giới Thạch.

 

“Qua bao nhiêu đêm không chợp mắt, suy nghĩ riết ráo, tâm tình bối rối ngổn ngang. Một buổi chiều chúng tôi ngồi đợi thuyền trên khúc bờ sông ở Sa Diện, nơi mà chiến sĩ Phạm Hồng Thái đã gieo mình xuống 25 năm trước đây (1924). Không rõ tại sao, ngày nay chúng tôi lại ngồi ngay đúng chỗ này?

 

“Ngồi rất lâu trên bến tàu, lúc đứng lên chúng tôi – Nguyễn Tường Bách, đã quyết định: ở lại đất này để tìm hiểu những cái mới lạ và một mặt sẽ thăm dò khả năng tham gia vào công cuộc kháng chiến chống Pháp.”

 

“Không ngờ, sự quyết định này đã thay đổi hẳn cuộc đời và đưa chúng tôi vào một cuộc sống lưu vong dài dằng dặc trong những cảnh ngộ kỳ lạ, hơn cả trong tiểu thuyết phiêu lưu và cuối cùng tới những bờ bến không bao giờ tưởng tượng nổi.” [3]

 

 

GIẤC NGỦ MÙA ĐÔNG HƠN 40 NĂM

 

Đã có quyết tâm ở lại nhưng vẫn mang tâm trạng nặng trĩu như sắp đi vào một tương lai bất định. Hứa Bảo Liên lúc đó thì đang lo lắng sao chồng sang Quảng Châu đi qua đêm không về. Khi Nguyễn Tường Bách đem chuyện quyết định ở lại bàn với Liên, và nàng đồng ý không về nước trong lúc này, cho dù khó khăn nguy nan bao nhiêu Liên cũng sẵn sàng chịu đựng, và muốn luôn luôn ở lại bên chồng trong mọi hoàn cảnh đặc biệt như lúc này.

 

Tưởng cũng nên ghi lại đây một sự kiện rất đặc biệt là Hứa Bảo Liên có quốc tịch Pháp. Khi về thăm bố ở Nam Định trước khi lên đường đi du học Đại học Vân Nam, Bảo Liên đã được bố trao cho một tờ khai sinh với quốc tịch Pháp. Tờ khai sinh đó sau này đã bị Bảo Liên xé đi khi biết Nguyễn Tường Bách đã có quyết định ở lại Trung Hoa.

 

Tháng 9 năm 1949, Hồng Quân đã tiến tới sát biên giới Quảng Đông. Các tướng Quốc Dân Đảng đã phải chạy dài. Dân chúng Quảng Châu bàng hoàng xôn xao. Ở lại Bạch Hạc Động – ngay ngoại thành Quảng Châu sẽ không yên. Giữa lúc đó, Hứa Bảo Liên may gặp lại một người bạn Hoa kiều quen từ Việt Nam, ông ta hiện làm giáo viên tại Phật Sơn là một thành phố nhỏ cách Quảng Châu 20 cây số và sẵn sàng giới thiệu Liên làm giáo viên cho một trường tiểu học nơi đó. Giữa tháng 9 năm 1949, gia đình ba người Nguyễn Tường Bách, Hứa Bảo Liên và bé Hứa Lan đứa con gái đầu lòng, rời căn nhà Bạch Hạc Động trong bùi ngùi, nơi trú ngụ gần hai năm cùng với các đồng chí anh em, nay tất cả cũng đã tứ tán ra đi.

 

Nguyễn Tường Bách viết:

 

“Tuy trong lòng có bùi ngùi nhưng chúng tôi thấy trầm tĩnh, không lo lắng. Vả lại có khó khăn thì muốn ra Hương Cảng hay cùng lắm trở về Việt Nam cũng có thể được. Nhưng thôi, đã quyết định đi con đường mạo hiểm thì cứ đi đã. Chỉ có cái không ngờ được là chuyến đi này đưa tới chỗ tạm cư Phật Sơn – rồi cứ tạm cư tới bốn mươi năm! Phật Sơn, núi Phật – một đất chắc là lành… nhưng chính là nơi mà chúng tôi chứng kiến sự bẩm sinh của một nước Trung Hoa hoàn toàn mới, và kinh lịch những cảnh ngộ ít có trên thế giới này.” [3]

 

Với người viết, thì 40 năm ở Phật Sơn có thể coi như một “giấc đông miên – hibernation” của Nguyễn Tường Bách. Từ vị thế của một chiến sĩ cách mạng hành động hăng say nhiệt tình của thập niên 1940 – 1950, thì nay là một Nguyễn Tường Bách y sĩ đồng quê – như một bản Giao Hưởng Thôn Dã, đẹp nhưng buồn. Trong suốt 40 năm ấy, có lẽ Nguyễn Tường Bách là người Việt Nam duy nhất chứng nhân của những giai đoạn, những thời kỳ bão táp khủng khiếp với máu và nước mắt của cuộc Đại Cách mạng Văn Hóa Trung Hoa. Nguyễn Tường Bách cũng đã ghi lại được những trải nghiệm quý giá có một không hai ấy trong cuốn Hồi Ký Hai 54 năm lưu vong của ông. [3]

 

https://gdb.voanews.com/CAE1042E-4734-4B9D-A6A6-949434881310_w650_r0_s.jpg

Hình chụp một buổi ca nhạc trong gia đình Nguyễn Tường Bách - Hứa Bảo Liên ở Phật Sơn. Lúc ấy 1967, Nguyễn Tường Bách đã có nặng gánh một gia đình 6 con: 5 gái và 1 trai. Nguyễn Tường Bách là một y sĩ đồng quê và Hứa Bảo Liên là một cô giáo tiểu học. [tư liệu Hứa Bảo Liên]

 

Năm 2005, khi được Luật Sư Lâm Lễ Trinh hỏi: “Anh Bách có nghĩ là sai lầm và là một phí phạm không khi quyết định ở lại và sống ở Trung Quốc đến hơn 40 năm?” Và Nguyễn Tường Bách đã khẳng định: “Đó không phải là một quyết định sai lầm, nhưng cũng đáng tiếc. Và từ đây, tôi muốn hướng về tương lai.” [6]

 

 

CÁI CHẾT CỦA NHẤT LINH 1963

 

“Năm 1948, tháng 7, tin đột ngột về anh Hoàng Đạo mất trên đường xe lửa từ Hồng Kông về Quảng Châu đã làm xúc động tới mỗi thớ tim của những người xa nước. Thì cũng một ngày tháng 7 nhưng là năm 1963, tôi bỗng nhận được một bức điện tín từ Thượng Hải đến, do anh Văn gửi – anh Vũ Đức Văn hiện dạy tại trường Ngoại Ngữ Học Viện. Ai ngờ, trong thư câu đầu là: ‘được tin buồn là anh Nhất Linh Nguyễn Tường Tam đã qua đời.’ Tin này anh Văn cắt từ tờ báo L’Humanité của đảng cộng sản Pháp xuất bản ở Paris, đại ý nói ‘Nhà văn, nhà chính trị Nguyễn Tường Tam do vướng vào một vụ án chính trị đã tự sát. Ông đã từng là Bộ trưởng Bộ Ngoại Giao trong chính phủ Liên Hiệp Việt Nam năm 1946…’

 

“Tin bất ngờ đã khiến tôi lặng người, không nén được nỗi đau thương trong lòng. Sao lại có thể như thế được? Một người anh thân yêu, một chiến hữu thân mật trong sự nghiệp văn chương và cách mạng, đã từng sống với nhau bao phút vui buồn, trong an bình cũng như trong gian truân, lưu lạc, có quan hệ không những là ruột thịt mà còn là sinh tử, đương còn hy vọng gặp lại nhau một ngày nào trong tổ quốc – nay đã mất người anh thân yêu, lỗi lạc, một anh tài đất nước, mà không thể về nhìn lại mặt anh lần cuối.” [3]

 

Cũng trong cuộc phỏng vấn với LS Lâm Lễ Trinh (2005), Nguyễn Tường Bách – sau 17 năm sống ở Mỹ, cho rằng: “Anh Nhất Linh đã tự mình từ giã cõi đời. Cách giải quyết này, trong thâm tâm tôi không tán thành lắm.” Nguyễn Tường Bách nói rõ hơn, và cho rằng cách chọn lựa của Nhất Linh là đáng tiếc và tiêu cực. Nhất Linh có thể đi ra một nước ngoài dễ dàng, như sang Cam Bốt, khi thời thế thay đổi Nhất Linh có thể trở về, anh Tam đang còn tiềm năng để cống hiến, nhất là về lãnh vực văn chương văn hóa. “Nghe nói trong đám tang anh rất lớn, dân chúng đổ ra đường để tiễn đưa một tinh anh của dân tộc. Nhưng đám tang dù lớn, dù đông tới đâu, cũng chẳng có ý nghĩa gì nữa, khi con người đã qua đời.” [6]

 

https://gdb.voanews.com/F74595ED-B9E2-4945-9580-03970ED2576E_w650_r0_s.jpg

Chân dung Nhất Linh Nguyễn Tường Tam (1905* – 1963) của hoạ sĩ Nguyễn Gia Trí. [*Năm sinh đúng của Nhất Linh là 1906, tức năm Bính Ngọ, nhưng khai sinh ghi 1905]

 

 

VỀ THĂM VIỆT NAM 1977

 

Tháng 9 năm 1977, đúng 30 năm sau ngày xa rời tổ quốc (1947 – 1977), 14 năm sau cái chết của anh Tam, 2 năm sau ngày Cộng sản Bắc Việt cưỡng chiếm Miền Nam, Nguyễn Tường Bách và đứa con trai út Tường Kiên đang tuổi vị thành niên có một chuyến về thăm Việt Nam. [Hứa Bảo Liên cùng nộp đơn xin đi nhưng bị từ chối, vì họ sợ cho toàn gia đình đi là sẽ không trở về]. Hai bố con Nguyễn Tường Bách từ Phật Sơn đi Hồ Nam để đáp chuyến xe lửa tốc hành tuyến Mạc Tư Khoa – Bắc Kinh – Hà Nội, về thăm Việt Nam.

 

Tới gần biên giới, đang từ trên một toa tàu rộng rãi có phòng ngủ êm ái, trên một hệ thống đường sắt rộng gần 1.5 mét (1.435 mm) tiêu chuẩn quốc tế, nay phải chuyển tàu sang phía Việt Nam, vẫn là một hệ thống đường rầy cũ kỹ hẹp nhất thế giới chỉ rộng 1.000 mm, đã có từ thời Pháp (1904-1910), các toa tàu nhỏ chật cũ kỹ, đám nhân viên Việt Nam thì cũng nhỏ bé ăn mặc luộm thuộm. Hình ảnh đầu tiên một nước Việt Nam Cộng Sản nghèo nàn, cảm giác là nao nao buồn.

 

Rồi con tàu Việt Nam cũ kỹ đi qua cửa ải Nam Quan – nay có tên là Hữu Nghị Quan, nơi này từng là bãi chiến trường lịch sử với kẻ xâm lăng từ phương Bắc, để tràn vào vùng đất tổ quốc. Phía trước mắt sắp tới là ga Đồng Đăng, nơi mà Nguyễn Tường Bách còn nhớ câu ca dao:

 

Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa
Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh

 

Tàu chỉ dừng ở đây giây lát, “tôi bước xuống sân ga, để đạp chân lên đất nước nhà sau ba mươi năm”. Con tàu lại lăn bánh trên khúc đường sắt, không được chăm sóc cỏ mọc xanh rì. Tàu chạy chậm ì ạch qua từng địa danh quen thuộc, Lạng Sơn rồi Bắc Giang, qua đâu cũng thấy cảnh nghèo, quá nghèo. Rồi tiếng con tàu rần rần chạy qua một cây cầu sắt – cầu Thăng Long, nhìn xuống dưới dòng sông Hồng, như bao năm, vẫn chảy cuồn cuộn. Cuối cùng rồi con tàu cũng vào tới ga Hàng Cỏ. Phố Ga vẫn không có gì thay đổi, vẫn thấp nhỏ và buồn tẻ.

 

Hà Nội vẫn là hình ảnh cũ kỹ – cũ kỹ hơn thời kỳ Pháp thuộc từ hơn nửa thế kỷ trước. Nghèo nàn là ấn tượng đầu tiên những ngày ở Hà Nội. Khi tìm gặp được một số bạn cũ, đã lâu không gặp và hoàn cảnh cũng đã rất khác song vẫn cởi mở và chân tình. Gia đình những người bạn ấy có một mẫu số chung là nghèo, rất nghèo – cho dù họ đang là công chức, có người là bác sĩ.

 

Rồi cũng gặp lại được một đồng nghiệp cũ, tuy nay là một viện trưởng, sau bao năm gặp lại, đã ngậm ngùi nói: “Cái gì cũng ù lì cả… người ta có làm gì ra hồn đâu?” và rồi trong chỗ riêng tư, rất thành thực, anh ấy đã khuyên bạn là không nên về.

 

“Tôi cũng ngậm ngùi. Sao mà nghèo thế, trì trệ đến thế. Vì chiến tranh ư? Nhưng sao lại cứ đánh nhau trong khi tình hình đã kiệt quệ đến cực điểm?”

 

Nhưng có lẽ chặng đường xúc động nhất là khi Nguyễn Tường Bách trở lại thăm con đê Yên Phụ, vẫn đình làng xưa nhưng những viên gạch lót đường đã mòn cũ vỡ đi nhiều. Vẫn là con đường quen thuộc, thân thiết của bao nhiêu năm tháng đã sống bên những người thân.

 

“Tự nhiên bóng dáng anh Thạch Lam, cao, gầy, đầu đội mũ dạ, mỗi khi về nhà chậm rãi bước trên con đường lát gạch này, lại hiện ra trước mắt tôi. Và còn bao nhiêu hình ảnh khác. Bây giờ những người đó ở đâu?” [3]

 

Con đường Yên Phụ đã gắn bó với mấy anh chị em gia đình Nguyễn Tường, và những bạn hữu: Khái Hưng, Thế Lữ, Đoàn Phú Tứ, Huyền Kiêu, Đinh Hùng, Nguyễn Gia Trí, Vũ Hoàng Chương, Xuân Diệu… tất cả đã từng có mặt trong căn nhà tranh ấy. Những người trăm năm cũ ấy, họ ở đâu bây giờ?

 

Rồi phải tới thăm tòa nhà 80 Quan Thánh, nơi từng là toà soạn báo Phong Hóa, Ngày Nay, Việt Nam. Trước đây thì rất dễ nhận ra, ở góc đường và có bao lơn bằng rào sắt xung quanh. Nay đã khác hẳn, phải khó khăn lắm mới tìm ra cổng trước và tấm bảng cũ đề số 80.

 

“Tang thương biến đổi. Tôi tần ngần đứng lại nhìn một lúc. Những người ở bên cạnh chắc là cho chúng tôi đương tìm nhà nào. Họ có ngờ đâu bọn này chính là chủ nhân ngôi nhà này, ba mươi năm trước, và bao nhiêu sự việc kỳ lạ đã từng xảy ra.” [3]

 

Thật cảm xúc, người đọc không thể không nhớ tới mấy câu thơ của Hạ Tri Chương qua bản dịch của Trần Từ Mai:

 

Đi trẻ về nay tuổi đã già
Giọng quê không đổi, tóc sương pha
Ngẩn nhìn, em nhỏ tươi cười hỏi:
Khách ở phương nào mới tới a?


Thiếu tiểu ly gia, lão đại hồi
Hương âm vô cải, mấn mao tồi
Nhi đồng tương kiến bất tương thức
Tiếu vấn, khách tòng hà xứ lai?

 

Hà Nội 30 năm sau, không chỉ đời sống vật chất quá nghèo nàn, mà đời sống văn hóa cũng chẳng khá hơn gì. Chỉ có báo chí của nhà nước: tờ Nhân Dân, tờ Quân đội Nhân dân, tờ Hà Nội Mới, với nội dung chỉ là những khẩu hiệu và rất sơ sài.

 

Nguyễn Tường Bách biết rất rõ rằng, suốt chuyến đi về thăm quê hương, anh vẫn bị công an theo dõi. Thời gian này, Bách còn nhận được mấy bức thư từ miền Nam, giục vào thăm, nơi vẫn còn mộ anh Tam, còn chị Tam và những người thân trong gia đình Nguyễn Tường. Nhưng đơn xin dấu thông hành vào Nam vẫn chưa được chấp thuận. Sau cùng, câu trả lời là: “vì tình hình Miền Nam còn chưa ổn định, trị an không được tốt, nên cấp trên có ý kiến là…” Câu trả lời đó có nghĩa là yêu cầu vào thăm Miền Nam của Nguyễn Tường Bách dứt khoát đã bị khước từ.

 

Chỉ được thăm Hà Nội và vài tỉnh miền Bắc như Nam Định, Bắc Giang… Sắp hết hạn hai tháng lưu trú, Nguyễn Tường Bách cũng phải từ biệt Việt Nam. Vẫn bằng chuyến xe lửa từ sân ga Hàng Cỏ, nhưng lần này là ngược chiều cây cầu sắt Long Biên đi về hướng bắc. Hà Nội lui về phía sau xa mờ dần, chỉ còn lại là một nỗi buồn khó tả.

 

 

LE REPOS DU GUERRIER – DỪNG CƠN GIÓ LOẠN

 

Chuyến về thăm Việt Nam 1977, sau 30 năm, chỉ để lại một dư vị buồn bã. Trở lại Phật Sơn, làm việc thêm ba năm nữa mặc dù đã quá tuổi hưu. Năm 1980, người y sĩ đồng quê Nguyễn Tường Bách chính thức về hưu ở tuổi 64. Tình hình rối ren do cuộc chiến tranh biên giới Việt - Trung. Dẫn tới một làn sóng nạn kiều – người gốc Hoa ở Việt Nam đổ tràn về Trung Quốc. Trong số nạn kiều ấy, có một thanh niên gốc Hoa tên Lý Trung Nhân tốt nghiệp Bách Khoa Hà Nội – Nhân là con trai BS Lý Hồng Chương, một đồng nghiệp quen biết cùng học Y khoa Hà Nội với Nguyễn Tường Bách, nên Nhân được cưu mang và sau này trở thành rể của gia đình Nguyễn Tường Bách. Rồi Lý Trung Nhân được mẹ bảo lãnh đi Mỹ, đem theo được vợ là Hứa Anh con gái thứ tư của BS Bách. Rồi người con gái thứ năm Hứa Chân cũng được đi Mỹ để hiến tuỷ cứu sống chị gái Hứa Anh đang bị ung thư máu. Như một phép lạ, cuộc hiến tuỷ thành công. Hai người con gái của Nguyễn Tường Bách - Hứa Bảo Liên sau này đều trở thành công dân Mỹ và đã có thể bảo lãnh cho bố mẹ sang Mỹ theo diện đoàn tụ gia đình.

 

https://gdb.voanews.com/2D5563C8-F18D-4AF1-840D-5C0F3B3E942A_w650_r0_s.jpg

Trước năm Nguyễn Tường Vũ từ Canada về thăm Chú Bẩy, năm 1986 Nguyễn Tường Lưu, anh của Vũ đã từ Úc châu sang thăm Chú Bẩy tại Phật Sơn / Foshan, tỉnh Quảng Đông. (Lưu và Vũ là con ông Nguyễn Tường Thụy, người anh Cả trong gia đình Nguyễn Tường). Hình chụp hai chú cháu đứng trước cửa căn nhà nhỏ với bên vách là chiếc xe đạp cũ kỹ, và quần áo phơi thì giăng mắc đầy trên dây. Cảnh không khác với khu Bàn Cờ nghèo nàn của Sài Gòn ngày nào; tuy vui mừng được gặp lại nhưng khi chứng kiến cảnh sống quá đạm bạc và cả ẩn nhẫn của Chú Bẩy, đã khiến Lưu phải mủi lòng. [photo by Nguyễn Tường Lưu, Phật Sơn 1986]

 

 

TỪ BIỆT TRUNG QUỐC, WELCOME TO AMERICA

 

Năm 1988, Nguyễn Tường Bách và Hứa Bảo Liên giã từ Trung Hoa sau 42 năm. Với người chiến sĩ Nguyễn Tường Bách là bước ra khỏi “giấc đông miên”. Nguyễn Tường Bách đặt chân tới Mỹ khi đã quá tuổi cổ lai hy nhưng vẫn với tâm thức của tuổi 30 mươi khi chàng thanh niên Nguyễn Tường Bách từ Lào Cai đi qua cửa Hà Khẩu để bắt đầu cuộc phiêu lưu vào đất Trung Hoa. Nay cũng chàng thanh niên ấy đã ở tuổi 72, đặt chân tới một lục địa mới, như cá gặp nước, Nguyễn Tường Bách hăng say đi tiếp ngay một cuộc hành trình không ngưng nghỉ thêm hơn 20 năm nữa với bao nhiêu là dự án: Thành lập “Uỷ Ban Điều Hợp Các Tổ Chức Tranh Đấu cho Việt Nam Tự Do”, rồi “Mặt Trận Dân Tộc Dân Chủ Việt Nam”, và bền bỉ nhất là “Hoạt Động Nhân Quyền và Dân Chủ cho Việt Nam” kết hợp với “Mạng Lưới Nhân Quyền.”

 

 

TRỞ LẠI VỚI VĂN NGHIỆP

 

Hứa Bảo Liên viết: “Anh Bách thường nói, bác sĩ là chức nghiệp, cách mạng là sự nghiệp, nhưng văn nghệ mới là ước nguyện chính.” Sau khi về hưu, còn ở Phật Sơn, anh cầm bút tranh thủ thời gian viết. Anh viết rất hăng say, chẳng khác gì khi còn trẻ. Mấy chục năm qua như mới xảy ra ngày nào. Cầm bút viết, anh trầm ngâm nhớ lại thời kỳ niên thiếu với cảnh đẹp quê nhà, đời sống sinh viên lãng mạn, những ngày say mê làm báo viết văn, rồi đến những ngày gian truân, nguy hiểm vào sinh ra tử nơi chiến trường và những cảnh lưu vong chật vật nơi xứ người…

 

Cuốn hồi ký đầu tiên Việt Nam Những Ngày Lịch Sử xuất bản ở Canada, anh chỉ viết trong sáu tháng. Cũng trong năm 1980, anh viết bài bình luận chính trị, “Một vài ý kiến về vấn đề Việt Nam” gửi ra ngoài với bút hiệu Viễn Sơn, không ngờ được nhiều độc giả tán thành và đã giúp vào việc kết hợp các tổ chức sau này. Tiếp đến anh viết một cuốn tiểu thuyết dài, anh viết say mê. Hứa Bảo Liên giúp anh đánh máy từng chương. Đọc lại thấy chương nào không vừa ý anh cho luôn vào thùng rác. Bản thảo cuốn tiểu thuyết viết xong, hai vợ chồng tranh luận về đầu đề cuốn sách, cuối cùng Trên Sông Hồng Cuồn Cuộn được chọn làm tiêu đề cho cuốn tiểu thuyết này.

 

Không phải nhà phê bình nhưng Hứa Bảo Liên đã có mấy dòng nhận định sắc sảo: “Quyển sách này – Trên Sông Hồng Cuồn Cuộn là một thiên hùng ca hay một bi kịch của thời đại? Đúng là một thiên hùng ca cho những người dấn thân vào công việc chống thực dân và chống độc tài – nhưng cũng là một bi kịch lớn trong lịch sử dân tộc Việt Nam với nỗi đau thương trùm lên cả đất nước sau khi họ thất bại.” [5]

 

https://gdb.voanews.com/9893F108-0215-4A78-A588-7D9D5FFA409D_w650_r0_s.jpg

Mấy trang đầu bản thảo viết tay của cuốn tiểu thuyết Trên Sông Hồng Cuồn Cuộn của BS Nguyễn Tường Bách, viết xong Mùa Thu 1982 tại Phật Sơn, Quảng Đông. [tư liệu Nguyễn Tường Giang]

 

*

 

https://gdb.voanews.com/38AA050E-64DF-4AAE-8509-D6D407461497_w650_r0_s.jpg

Bìa cuốn trường thiên tiểu thuyết Trên Sông Hồng Cuồn Cuộn của Nguyễn Tường Bách, dày 655 trang. Bản thảo đã được viết sau khi về hưu, do Hứa Bảo Liên đánh máy và hoàn tất tại Phật Sơn, tỉnh Quảng Đông. Sách do Tân Văn – Đỗ Thông Minh xuất bản 1995. [tư liệu Phạm Lệ Hương]

 

https://gdb.voanews.com/94523F57-2422-42A0-958C-5466DE88D39A_w650_r0_s.jpg

Bác sĩ Nguyễn Tường Bách và nhà văn Võ Phiến – Võ Phiến kém Nguyễn Tường Bách 9 tuổi, gặp nhau tháng 5/1995 tại nhà Võ Phiến trên Los Angeles; Võ Phiến cũng là người viết tựa “Cảm xúc khi đọc cuốn Trên Sông Hồng Cuồn Cuộn”, và cả hai nay đã là “người trăm năm cũ”. [tư liệu Viễn Phố]

 

https://gdb.voanews.com/84C133DD-AC22-4946-8D8B-D93960F23A26_w650_r0_s.jpg

Bìa các tác phẩm của BS Nguyễn Tường Bách xuất bản ở hải ngoại; trái: Việt Nam Những Ngày Lịch Sử, Nhóm Nghiên cứu Sử Địa xuất bản, Canada 1980; giữa: Việt Nam Một Thế Kỷ Qua Hồi Ký, Cuốn Một (1916-1946), Thạch Ngữ xuất bản 1998; phải: Việt Nam Một Thế Kỷ Qua Hồi Ký, Cuốn Hai (Trung Quốc 1946-1988, Hoa Kỳ 1988-2000) Thạch Ngữ xuất bản 2000. [tư liệu Trần Huy Bích]

 

 

TÁC PHẨM HỨA BẢO LIÊN

 

Nguyễn Tường Bách và Tôi, đó là tên cuốn hồi ký gia đình rất đặc sắc của Hứa Bảo Liên, viết xong 1996 sách chỉ dày 245 trang, tác giả tự xuất bản 2005.

 

**

 

https://gdb.voanews.com/D2D0491C-F20C-4EC8-82F9-CBFE001CA8FF_w650_r0_s.jpg

trái, bìa trước tác phẩm Nguyễn Tường Bách và Tôi, hồi ký gia đình của Hứa Bảo Liên xuất bản tại Hoa Kỳ 2005; giữa, trang đề tặng của tác giả cho người viết; phải, bìa sau tác phẩm với trích dẫn trang bút ký Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch của Ngô Thế Vinh khi tới thăm Đại học Vân Nam. [tư liệu Ngô Thế Vinh]

 

https://gdb.voanews.com/F82339BF-B569-41A1-AE63-A864BAAF888B_w650_r0_s.jpg

Đến thăm gia đình bác sĩ Nguyễn Tường Bách – Hứa Bảo Liên, từ trái hàng ngồi: BS Nguyễn Tường Bách, bà Nguyễn Tường Bách Hứa Bảo Liên, Vân Loan vợ Nguyễn Nhã; hàng đứng: Ngô Thế Vinh, Nguyễn Nhã, Trần Huy Bích. [hình chụp 24/8/2004, tư liệu Ngô Thế Vinh]

 

https://gdb.voanews.com/E7E859EF-2934-4450-8370-B8941169734E_w650_r0_s.png

Bác sĩ Nguyễn Tường Bách - Hứa Bảo Liên, từ trái, Nguyễn Tường Giang, Nguyễn Tường Thiết và vợ Nguyễn Thái Vân. [tư liệu Nguyễn Tường Giang]

 

 

MỘT CHÚT RIÊNG TƯ

 

Bác sĩ Nguyễn Tường Bách hơn tôi 25 tuổi, khoảng cách một phần tư thế kỷ về tuổi đời, cộng thêm với khoảng cách xa hơn thế nữa về từng trải, kinh nghiệm sống và sự nghiệp cống hiến. Chỉ riêng trong lãnh vực y khoa, thế hệ tốt nghiệp 1944 của BS Nguyễn Tường Bách, nếu đi về giảng huấn đều là bậc thầy của tôi trong Đại học Y khoa Sài Gòn sau này. Nguyễn Tường Giang – con trai nhà văn Thạch Lam, cháu gọi BS Nguyễn Tường Bách là chú, là bạn đồng môn Y khoa 1968 với tôi – khoảng cách tôi và bác xa như vậy mà tôi vẫn được bác Bách đối xử với sự khiêm cung và rất rộng lượng. Trong giao tiếp, bác Bách vẫn gọi tôi là bác sĩ. Hơn thế nữa, bác Bách còn là một nhà báo lão thành, một nhà văn thế hệ Tự Lực Văn Đoàn, với các tác phẩm của Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Thạch Lam… đã từng là những cuốn sách thân thiết với tôi thuở thiếu thời – từ thập niên 1950 ở Hà Nội và sau này ở Sài Gòn. Rồi tới thập niên 1990, như một tình cờ lịch sử, tôi được gặp và cả đọc sách của bác với hai tập Hồi Ký Việt Nam Một Thế Kỷ Qua I & II, và nhất là cuốn tiểu thuyết Trên Sông Hồng Cuồn Cuộn, tất cả đều được viết và hoàn tất sau khi bác về hưu, tôi cảm phục và thấy gần gũi với bác nhiều hơn. Bác Nguyễn Tường Bách viết về con Sông Hồng, tôi viết về Sông Mekong, và đã được bác đọc với mối quan tâm. Trong một bức thư bác viết cho tôi ngày 18.8.2004, như tâm tình gửi cho một đồng nghiệp, một bạn đồng hành vong niên, bức thư có phần chung và riêng – người viết muốn được chia sẻ phần chung ấy với bạn đọc – nhất là với các bạn trẻ.

 

https://gdb.voanews.com/66F5A908-A894-4F4F-9D9F-DE4EB03B9C19_w650_r0_s.jpg

Lá thư tay BS Nguyễn Tường Bách gửi Ngô Thế Vinh ngày 18 tháng 8 năm 2004. [tư liệu Ngô Thế Vinh]

 

Thân gửi Bác sĩ Ngô Thế Vinh,

 

… Với mục tiêu cao thượng và ngòi bút xuất chúng, (cuốn) sách… tất sẽ được mọi người ưa chuộng và sẽ có ảnh hưởng rộng rãi trong dân chúng trong và ngoài nước. Rất mong được gặp bác sĩ để trao đổi tâm sự. Làm thế nào để nâng cao trình độ của nền văn nghệ Việt Nam và cũng là phần góp sức vào công cuộc truyền bá những tín niệm mới về ý thức tự do, dân chủ và nhân quyền của người dân Việt Nam và trong phần nào đó vào trào lưu tiến hoá của cả nhân loại. Tôi nghĩ, những công việc của chúng ta làm không chỉ giúp cho dân tộc mà trong thời đại này, sẽ góp một phần bé nhỏ của chúng ta cho trào lưu đó. Nếu chúng ta cố gắng thêm, thì cũng sẽ lượm được kết quả tốt cùng với đông đảo những anh em người Việt đương sống trong lưu vong ở hải ngoại…

 

Thân,

 

Nguyễn Tường Bách, 8/2004

 

 

TRÊN NGỌN ĐỒI HỒNG

 

Bác sĩ Nguyễn Tường Bách mất ngày 11 tháng 5 năm 2013, thọ 98 tuổi, bác Bách gái Hứa Bảo Liên đã mất trước đó 5 năm, ngày 10 tháng 1 năm 2008 – tất cả như đã khép lại một trang sử đầy huyền thoại của một thế kỷ Cách Mạng Việt Nam, của một thời kỳ văn học rực rỡ của Tự Lực Văn Đoàn. Nguyễn Tường Bách: một bác sĩ, một chiến sĩ, một nhà báo, một nhà văn. Ông là một tượng đài tuyệt đẹp của tuổi trẻ Việt Nam, của dấn thân và hy sinh. Ông vẫn cứ sáng mãi như ngọn đuốc thiêng dẫn đường và là nguồn cảm hứng bất tận cho các thế hệ Việt Nam tương lai.

 

https://gdb.voanews.com/F17DE011-8B2E-44C8-AD59-6BD29A65ED07_w650_r0_s.jpg 

Bia mộ của BS Nguyễn Tường Bách và Hứa Bảo Liên tại nghĩa trang Đồi Hồng / Rose Hill, Whittier, California. [hình từ album gia đình Lý Trung Nhân, con trai BS Lý Hồng Chương, con rể BS Nguyễn Tường Bách]

 

NGÔ THẾ VINH
Little Saigon 1988 – California 2021

 

------------

 

Tham khảo:

 

1/ Nguyễn Tường Bách. Việt Nam Những Ngày Lịch Sử. Tủ sách tài liệu lịch sử. Nhóm Nghiên Cứu Sử Địa xuất bản, Montréal 1981

 

2/ Nguyễn Tường Bách. Việt Nam Một Thế Kỷ Qua. Hồi Ký cuốn Một, 1916-1946. Nxb Thạch Ngữ 1998

 

3/ Nguyễn Tường Bách. Việt Nam Một Thế Kỷ Qua. Hồi Ký cuốn Hai, Trung Quốc 1946-1988, Hoa Kỳ 1988-2000. Nxb Thạch Ngữ 2000

 

4/ Nguyễn Tường Bách. Trên Sông Hồng Cuồn Cuộn. Tiểu thuyết, Nxb Tân Văn 1995

 

5/ Hứa Bảo Liên. Nguyễn Tường Bách và Tôi. Hồi ký gia đình. Tác giả tự xuất bản 2005.

 

6/ Mạn đàm lịch sử với BS Nguyễn Tường Bách, Người em út trong gia đình Tự Lực Văn Đoàn. LS Lâm Lễ Trinh thực hiện 24.09.2005




No comments:

Post a Comment

View My Stats