Monday, 6 September 2021

VÌ SAO VỎ SÒ CỦA VIETTEL LẠI ĐƯỢC ĐỘC QUYỀN CHẠY NHẢY, CÒN SHOPEE, LAZADA, TIKI THÌ BỊ CÙM CHÂN? (Yên Khắc Chính - Luật Khoa)

 


Vì sao Vỏ Sò của Viettel lại được độc quyền chạy nhảy, còn Shopee, Lazada, Tiki thì bị cùm chân?

YÊN KHẮC CHÍNH  -  LUẬT KHOA

04/09/2021

https://www.luatkhoa.org/2021/09/vi-sao-vo-so-cua-viettel-lai-duoc-doc-quyen-chay-nhay-con-shopee-lazada-tiki-thi-bi-cum-chan/

 

Trong khi quân đội làm việc của shipper, doanh nghiệp quân đội tranh thủ giành miếng bánh thị trường.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/09/Viettel_Post_giao_don_hang_Di_cho_ho-1024x673.jpg

Dịch vụ "đi chợ hộ" của Vỏ Sò/Viettel Post. Ảnh: Bộ Công thương

 

Thông tin người dân thành phố Hồ Chí Minh có thể đi chợ online trên sàn thương mại điện tử Vỏ Sò từ ngày 1/9/2021 khiến nhiều người bất ngờ. [1]

 

Bất ngờ không phải vì sau hơn một tuần chính quyền cấm cửa các sàn thương mại điện tử để thay bằng kế hoạch hoành tráng “đi chợ hộ”, cuối cùng thì hàng triệu người dân bị nhốt trong nhà giờ đây cũng đã được mua hàng trên các sàn thương mại điện tử quen thuộc (đừng vui mừng vội, câu trả lời ngắn gọn là không, bạn vẫn chưa thể đặt và nhận hàng online như trước, đặc biệt nếu bạn sống ở các khu vực “vùng đỏ”).

 

Sự ngạc nhiên đến từ cái tên lạ hoắc chưa bao giờ nghe tới: Vỏ Sò.

 

Rốt cuộc thì Vỏ Sò này chui từ đâu ra, và vì sao nó lại được độc quyền tung tăng vào thời điểm các ông lớn khác bị trói tay trói chân còn người dân đang lao đao vì thiếu nhu yếu phẩm?

 

Dự án tham vọng của gã khổng lồ quân đội

 

Vỏ Sò được chính thức ra mắt vào ngày 1/7/2019, là dự án thương mại điện tử của Viettel Post. [2]

 

Viettel Post, hay Tổng công ty Cổ phần Bưu chính Viettel, là đơn vị thành viên của Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel. [3]

 

Vào thời điểm ra mắt, tháng 7/2019, ông Trần Trung Hưng, CEO của Viettel Post, cho biết sàn thương mại điện tử Vỏ Sò tập trung vào việc hỗ trợ nông dân mua bán nông sản đến tay người dùng cuối. [4]

 

Cùng lúc với Vỏ Sò, Viettel còn tung ra ứng dụng gọi xe MyGo. Hai dự án được cho là sẽ cạnh tranh trực tiếp với các ông lớn trên thị trường, như MyGo đối đầu với Grab, còn Vỏ

Sò kèn cựa với Shopee, Lazada và Tiki.

 

Trong một bài viết đề tháng 3/2019 trên trang web Vỏ Sò, dự án này được giới thiệu với mục tiêu “trở thành sàn giao dịch thương mại điện tử số 1 tại Việt Nam”. [5]

 

 

Chật vật chen chân vào thị trường

 

Sau gần ba năm xuất hiện, cái tên Vỏ Sò được rất ít người dùng Việt Nam biết đến.

 

Theo bảng xếp hạng mức độ phổ biến của các trang thương mại điện tử tại Việt Nam, Vỏ Sò từ khi ra mắt luôn nằm ngoài vị trí top 40 trang có lượt truy cập và theo dõi nhiều nhất. [6] Báo cáo do iPrice Group, một công ty chuyên tổng hợp thông tin thương mại điện tử tại các nước Đông Nam Á thực hiện.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/09/voso-1.jpg

Bảng xếp hạng các doanh nghiệp thương mại điện tử hàng đầu tại Việt Nam vào Quý 1 năm 2021. Ảnh chụp màn hình trang web của iPrice Group.

 

Kết quả theo dõi mới nhất của Quý 1 năm 2021 cho thấy sàn thương mại điện tử này đứng ở vị trí thứ 48 trong top 50.

 

Tuy nhiên, ở một báo cáo khác của Reputa công bố vào tháng 8/2021, Vỏ Sò lại đang có tăng trưởng vượt bậc cực kỳ ấn tượng. [7]

 

Cụ thể, bảng xếp hạng tháng 7/2021 của Reputa cho thấy Vỏ Sò đứng thứ 8 trong top 10 công ty thương mại điện tử tại Việt Nam. Kết quả ngạc nhiên này được giải thích là do các tiêu chí tổng hợp, bất kể sàn thương mại này “không thuộc top những trang web có lượt truy cập nhiều hay có lượng ghé thăm cao”.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/09/voso-2-1024x536.png

Bảng xếp hạng top 10 doanh nghiệp thương mại điện tử trong tháng 7/2021 tại Việt Nam do Reputa thực hiện. Nguồn: ictvietnam/ Reputa.

 

Reputa là hệ thống thu thập, phân tích thông tin trên mạng xã hội giúp các doanh nghiệp quản lý thương hiệu và chăm sóc khách hàng. Đây là một sản phẩm do chính Viettel phát triển. [8]

 

Sàn thương mại điện tử Vỏ Sò của Viettel có thực sự được người tiêu dùng đánh giá cao như báo cáo từ hệ thống đánh giá của Viettel hay không là điều còn phải xem xét. Nhưng thực tế đúng là họ đang nhận được nhiều ưu đãi để hoạt động trong thời kỳ dịch bệnh.

 

 

Ưu tiên hoạt động trong thời kỳ dịch bệnh

 

Ngày 21/7/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông ra quyết định số 1035/QĐ-BTTTT, phê duyệt kế hoạch bảo đảm cung cấp hàng hóa thiết yếu của doanh nghiệp bưu chính lớn tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đang thực hiện giãn cách xã hội. [9]

 

Văn bản này trực tiếp nhắc đến việc cung ứng hàng hóa qua sàn thương mại điện tử của hai doanh nghiệp bưu chính lớn nhất Việt Nam là Vỏ Sò của Viettel Post và PostMart của VNPost.

 

Theo đó, các cơ quan báo đài được yêu cầu “phối hợp xây dựng nội dung và tích cực tham gia truyền thông cho kế hoạch”, còn ủy ban nhân dân các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương được “đề nghị ưu tiên, hỗ trợ cấp thẻ nhận diện phương tiện ưu tiên hoạt động trên luồng xanh để thực hiện việc cung cấp hàng hóa thiết yếu tại địa phương”.

 

Thông tin quảng cáo về hai sàn thương mại điện tử “gà nhà” được các cơ quan báo chí khéo léo lồng ghép trong các bản tin về thương mại điện tử nói chung, hoặc cố tình chỉ nhắc đến Vỏ Sò và PostMart mà hoàn toàn bỏ lơ các ông lớn khác. [10][11]

 

Vào cuối tháng 8/2021, nhiều thành phố lớn tại miền Nam đã bị phong tỏa nghiêm ngặt. Tại TP. Hồ Chí Minh, quân đội được điều động vào phối hợp canh giữ các chốt kiểm soát, đồng thời thực hiện việc “đi chợ hộ”, thay thế lực lượng shipper ở các khu vực “vùng đỏ”.  Các sàn thương mại điện tử lớn gần như ngừng hoạt động, người dân có thể đặt hàng nhưng không ai giao.

 

Ngày 23/8/2021, thời điểm toàn bộ người dân TP. Hồ Chí Minh bị buộc phải ở yên trong nhà, Viettel Post đã đề xuất các phương án với Sở Công thương thành phố để triển khai ngay dịch vụ “đi chợ hộ”. [12]

 

Ngày 28/8/2021, Vỏ Sò ra mắt dịch vụ “đi chợ hộ” tại 61 tỉnh, thành trên cả nước. [13] Riêng tại thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, Viettel Post và Vỏ Sò “đã chuẩn bị sẵn sàng để kích hoạt dịch vụ đi chợ hộ ngay khi được các cơ quan có thẩm quyền cho phép”.

 

Ngày 1/9/2021, khi chính quyền thành phố Hồ Chí Minh buộc phải cho phép các shipper hoạt động trở lại tại các “vùng đỏ” với số lượng giới hạn và nhiều rào cản nghiêm ngặt, Viettel ngay lập tức triển khai gian hàng “đi chợ online” trên Vỏ Sò với cam kết giao đến “bất kỳ địa chỉ nào tại TP. Hồ Chí Minh” trong vòng 1-2 ngày. [14]

 

Trong khi đó, người dân vẫn chưa thể biết khi nào có thể đặt hàng online trên các trang thương mại điện tử quen thuộc như Shopee, Lazada hay Tiki.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/09/San_TMDT_Vo_So_di_cho_ho_1_6f155-1024x768.jpg

Nhân viên của Vỏ Sò “đi chợ hộ”. Ảnh: Bộ Công thương.

 

 

Ưu tiên cho Viettel: ai được lợi?

 

Các sản phẩm thiết yếu trên trang Vỏ Sò được giới thiệu là “cung cấp với giá bình ổn”, nhưng thực tế không phải như vậy.

 

Những gói thực phẩm combo đang được trang này cung cấp cho người dân thành phố Hồ Chí Minh có giá cao hơn nhiều so với thời điểm trước khi phong tỏa. [15]

 

Ví dụ như combo “Củ quả An lành” gồm 1 kg mướp, 1,5 kg dưa leo, 1 kg khổ qua, 1 kg đậu đũa và 0,5 kg đậu bắp có giá 125.000 đồng. Giá này cao hơn ít nhất hai lần so với giá thị trường vào đầu tháng 6/2021. [16]

 

Các combo rau củ quả khác của Vỏ Sò cũng được bán với giá tương tự. Nó không phải là “giá bình ổn” mà là giá lạm phát của thị trường vào thời điểm hiện tại, khi việc phong tỏa trong nhiều tháng đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, đẩy giá cả các mặt hàng thiết yếu tăng gấp 2-3 lần.

 

Giá bán của các mặt hàng trên Vỏ Sò không phải là tốt nhất, năng lực cung ứng của họ cũng chỉ như muối bỏ bể.

 

Theo quảng cáo của Viettel, họ có thể cung cấp 150-200 tấn hàng/ ngày tại thành phố. [17] Trong kế hoạch của Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đưa ra nhằm cung cấp đủ nhu cầu thiết yếu cho người dân từ 23/8 đến 6/9/2021, mỗi ngày thành phố cần 11.000 tấn hàng cho 9,4 triệu dân. [18] Như vậy, năng lực cung ứng tối đa của Viettel/ Vỏ Sò chỉ đáp ứng được chưa tới 2% nhu cầu của người dân thành phố.

 

Trong bối cảnh đó, thật khó hiểu vì sao chính quyền lại ưu tiên cho Viettel và sàn thương mại Vỏ Sò hoạt động, trong khi tiếp tục trói chân buộc tay các ông lớn như Shopee, Tiki và Lazada, những đơn vị có năng lực cung ứng vượt xa trang bán hàng của quân đội.

Hệ thống giao nhận của Viettel không có ưu thế gì vượt trội so với các shipper của những đơn vị khác, ngoại trừ việc được ưu tiên tiêm vaccine từ sớm.

 

Các biện pháp chống dịch như đeo khẩu trang, phun xịt khử khuẩn, giao hàng không tiếp xúc mà Viettel Post thực hiện cũng đều được các shipper truyền thống áp dụng từ vài tháng qua.

 

Trên thực tế, cho dù có kiểm soát nghiêm ngặt đến đâu, việc tổ chức lưu thông hàng hóa sẽ luôn có rủi ro lây nhiễm bệnh. Rủi ro đó đối với bộ đội hay nhân viên của Viettel không hề thấp hơn những người khác. Chùm lây nhiễm vào đầu tháng 8/2021 tại Hà Nội liên quan đến các nhân viên chuyển phát của Viettel Post là một minh chứng. [19]

 

Các biện pháp phong tỏa cực đoan và những chính sách duy ý chí của chính quyền như việc dùng quân đội thay cho hệ thống cung ứng đang vận hành tốt của thành phố đã khiến hàng triệu người lâm vào cảnh khốn cùng. Mối lo thiếu đói giờ đây vượt xa nỗi lo dính bệnh.

 

Trong khi rất chậm chạp trong việc sửa chữa những sai lầm, việc đặt ra các quy định ưu tiên vô lý cho doanh nghiệp của quân đội khiến người dân phải đặt dấu hỏi, rằng rốt cuộc chính quyền đang đặt lợi ích của ai lên hàng đầu?


 

Đính chính (12:15pm ngày 4/9/2021):

Câu sau có hai ý không chính xác: “Vào cuối tháng 8/2021, nhiều thành phố lớn như Hồ Chí Minh đã bị phong tỏa nghiêm ngặt, áp dụng các biện pháp thời chiến cùng với việc điều quân đội đến với mục đích thay thế hoàn toàn lực lượng shipper truyền thống”. Quân đội chỉ được điều vào TP. Hồ Chí Minh, và lực lượng shipper vẫn có thể hoạt động hạn chế ở các khu vực không thuộc “vùng đỏ”. Chi tiết này đã được cập nhật lại như trong bài viết. Cám ơn bạn đọc đã góp ý.


 

Chú thích:

 

1.  Vietnamnet. (2021). Người dân TP.HCM có thể đi chợ online trên sàn thương mại điện tử Vỏ Sò. https://vietnamnet.vn/vn/cong-nghe/nguoi-dan-tp-hcm-co-the-di-cho-online-tren-san-thuong-mai-dien-tu-vo-so-770968.html

 

2.  Lưu N. (2019, July 1). Ra mắt MyGo và Vỏ Sò, Viettel Post chính thức tham chiến 2 lĩnh vực khó nhằn. VietnamFinance. https://vietnamfinance.vn/ra-mat-mygo-va-vo-so-viettel-post-chinh-thuc-tham-chien-2-linh-vuc-kho-nhan-20180504224225625.htm

 

3.  W. (2021, May 14). Giới thiệu Tổng Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel. Bưu Chính Viettel. https://viettelpost.com.vn/quan-he-co-dong/gioi-thie%CC%A3u-to%CC%89ng-cong-ty

 

4.  Xem [2]

 

5.  CÔNG TY TNHH MTV TMĐT BƯU CHÍNH VIETTEL. (2020, August 5). Giới thiệu về Voso. Tin tức Voso. https://tintuc.voso.vn/gioi-thieu-ve-voso

 

6.  Bản đồ thương mại điện tử Việt Nam. (2021). iPrice. https://iprice.vn/insights/mapofecommerce/

 

7.  N. (2021a, August 21). TMĐT Việt tháng 8/2021: Vỏ Sò hái “quả ngọt” khi tăng trưởng vượt bậc. ictvietnam.vn. https://ictvietnam.vn/tmdt-viet-thang-8-2021-vo-so-hai-qua-ngot-khi-tang-truong-vuot-bac-20210820172217443.htm

 

8.  Dân Trí. (2021, July 10). Giải pháp công nghệ số của Viettel giúp doanh nghiệp TMĐT bứt tốc phát triển. Báo điện tử Dân Trí. https://dantri.com.vn/suc-manh-so/giai-phap-cong-nghe-so-cua-viettel-giup-doanh-nghiep-tmdt-but-toc-phat-trien-20210710124853352.htm

 

9.  Thư viện Pháp luật. (2021). Quyết định 1035/QĐ-BTTTT 2021 bảo đảm cung cấp hàng hóa thiết yếu của doanh nghiệp bưu chính lớn tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang thực hiện giãn cách xã hội. https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Thuong-mai/Quyet-dinh-1035-QD-BTTTT-2021-bao-dam-cung-cap-hang-thiet-yeu-cua-doanh-nghiep-buu-chinh-lon-483989.aspx

 

10.  HươngTTXVN U. (2021, July 22). Đơn hàng qua sàn thương mại điện tử tại TP Hồ Chí Minh tăng cao. baotintuc.vn. https://baotintuc.vn/kinh-te/don-hang-qua-san-thuong-mai-dien-tu-tai-tp-ho-chi-minh-tang-cao-20210722113945922.htm

 

11.  Thanh Niên. (2021). Đề xuất mở điểm tập kết hàng cho thương mại điện tử tại khu vực cách ly. https://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/de-xuat-mo-diem-tap-ket-hang-cho-thuong-mai-dien-tu-tai-khu-vuc-cach-ly-1421641.html

 

12.  Trung C. (2021, August 23). TPHCM: “đi chợ hộ”, mua hàng, giao hàng ra sao từ hôm nay 23–8. Tạp chí Kinh tế Sài Gòn. https://thesaigontimes.vn/tphcm-di-cho-ho-mua-hang-giao-hang-ra-sao-tu-hom-nay-23-8

 

13.  Vietnamnet. (2021). Sàn Vỏ Sò đã cung cấp dịch vụ đi chợ hộ tại 61 tỉnh, thành phố. https://vietnamnet.vn/vn/thong-tin-truyen-thong/san-vo-so-da-cung-cap-dich-vu-di-cho-ho-tai-61-tinh-thanh-pho-770058.html

 

14.  Xem [1]

 

15.  Thanh Niên. (2021). Đã có combo rau củ quả giá bình ổn trên gian hàng ‘đi chợ online’. https://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/da-co-combo-rau-cu-qua-gia-binh-on-tren-gian-hang-di-cho-online-1443012.html

 

16.  V. (2021b, June 5). Giá cả thị trường hôm nay 5/6/2021: Giá các loại rau củ. Đài tiếng nói nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. https://voh.com.vn/thi-truong/gia-ca-thi-truong-hom-nay-5-6-2021-gia-cac-loai-rau-cu-403955.html

 

17.  Xem [1]

 

18.  Thanh Niên. (2021). Từ ngày 23.8: Mỗi ngày TP.HCM cần 11.000 tấn hàng hóa cho 9,4 triệu dân. https://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/tu-ngay-238-moi-ngay-tphcm-can-11000-tan-hang-hoa-cho-94-trieu-dan-1434174.html

 

19.  Báo Đầu Tư. (2021). Hà Nội tìm người liên quan đến F0 là nhân viên Viettel Posthttps://baodautu.vn/ha-noi-tim-nguoi-lien-quan-den-f0-la-nhan-vien-viettel-post-d149198.html




No comments:

Post a Comment

View My Stats