Trung
Quốc giải bài toán bất bình đẳng, tạo ‘thịnh vượng chung’
Hiếu
Chân/Người Việt
September 14, 2021
https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/trung-quoc-giai-bai-toan-bat-binh-dang-tao-thinh-vuong-chung/
Những tháng gần đây đã có nhiều bằng chứng cho
thấy giới lãnh đạo Trung Quốc đang thực hiện một đường lối cứng rắn nhằm gia
tăng sự kiểm soát của đảng Cộng Sản trong mọi mặt đời sống nhằm tiến tới một xã
hội “thịnh vượng chung.” Quy mô và tốc độ của các chương trình “chấn chỉnh” đã
làm nhiều người Trung Quốc lo ngại đất nước có thể đang bắt đầu đi vào một cuộc
biến động về ý thức hệ và những thành quả cải cách kinh tế theo hướng thị trường
có thể bị đảo ngược.
https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2021/09/A1-Trung-Quoc-bat-binh-dang-1068x741.jpg
Hiện nay, các tập
đoàn công nghệ tư nhân như Alibaba, Tencent, Didi Global, Meituan, Kuaishou và
nhiều công ty khác bị chính quyền Trung Quốc trấn áp nặng nhất. (Hình minh họa:
Noel Celis/AFP via Getty Images)
Trấn áp tư bản tư
nhân
Bắt đầu từ Tháng Mười Hai năm ngoái, Bắc Kinh
bất ngờ ngăn chặn vào phút cuối vụ bán cổ phần ra các thị trường chứng khoán Thượng
Hải và Hồng Kông của công ty tài chính Ant thuộc tập đoàn Alibaba. Lúc ấy có
tin đồn rằng động tác này nhằm trừng phạt Mã Vân (Jack Ma), ông chủ của
Alibaba, vì đã dám phạm thượng khi phát biểu trước một hội nghị rằng thị trường
tài chính Trung Quốc giống như một chuỗi cửa tiệm cầm đồ được điều hành bởi những
ông lão ngu ngốc và lạc hậu.
Nhưng không hoàn toàn như vậy; sau công ty
Ant, đã có hàng loạt các công ty công nghệ, các triệu phú tỷ phú, các công ty
cung ứng dịch vụ giáo dục đều lọt vào tầm ngắm “điều chỉnh” của đảng và nhà nước
Trung Quốc. Theo một phóng viên về kinh doanh và công nghệ Trung Quốc, hiện
Trung Quốc có 14 “cuộc đàn áp” được tiến hành đồng thời trên các lĩnh vực kinh
doanh và cá nhân.
Trên lĩnh vực kinh tế, bị trấn áp nặng nhất là
các tập đoàn công nghệ tư nhân như Alibaba, Tencent, Didi Global, Meituan,
Kuaishou và nhiều công ty khác. Tận dụng các thành tựu công nghệ của phương
Tây, sao chép và ứng dụng mô hình kinh doanh của các công ty Mỹ vào thị trường
khổng lồ nhưng khép kín của Hoa Lục, một số cá nhân Trung Quốc đã nhanh chóng
xây dựng được những đế chế kinh doanh lớn và trở thành những tỷ phú đô la. Tuy
chưa có dấu hiệu tranh quyền đoạt lợi với đảng Cộng Sản cai trị, nhưng tầng lớp
tư bản mới này được giới trẻ tôn sùng, noi gương, và đặt ra thách thức cho sự độc
tôn của đảng. Và đó là điều mà ông Tập Cận Bình, chủ tịch Trung Quốc, không thể
chấp nhận được.
Chính sách “thịnh
vượng chung”
Những biện pháp “chấn chỉnh” kinh tế-xã hội của
đảng Cộng Sản Trung Quốc được đưa ra dồn dập dưới khẩu hiệu vì một sự “thịnh vượng
chung” (common prosperity) – cái mà ông Tập gọi là “đặc điểm của chủ nghĩa xã hội
mang màu sắc Trung Quốc.”
Phát biểu trước Ban Kinh Tế Tài Chính Trung
Ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc vào ngày 17 Tháng Tám, ông Tập lên án tình trạng
bất bình đẳng trong xã hội, nhấn mạnh rằng “thịnh vượng chung” là yêu cầu cơ bản
của chủ nghĩa xã hội và là điều kiện cần thiết để cân bằng giữa tăng trưởng và ổn
định. Ông yêu cầu các quan chức chính phủ phải “điều chỉnh hợp lý thu nhập dư
thừa; khuyến khích các cá nhân và doanh nghiệp có thu nhập cao phải đóng góp
nhiều hơn cho xã hội.”
Hàng loạt hành động “chấn chỉnh” đó của Bắc
Kinh đã làm giới quan sát chính trị, nhà đầu tư, nhà báo trong và ngoài Trung
Quốc đặt ra câu hỏi điều gì đang thúc đẩy hành động của đảng Cộng Sản cầm quyền.
Đã có những ý kiến lo ngại Trung Quốc đang chuẩn bị thực hiện một cuộc Cách Mạng
Văn Hóa theo kiểu Mao Trạch Đông; hoặc cảnh báo Tập Cận Bình đang làm ngược lại
với châm ngôn của Đặng Tiểu Bình, nhắm tới bình đẳng xã hội theo kiểu cách mạng
vô sản.
Dù giải thích theo hướng nào, thông tin về
chính sách “thịnh vượng chung” của ông Tập cũng đã thổi một luồng gió lạnh vào
gáy của các nhà kinh doanh và đầu tư ở Trung Quốc; cổ phiếu của các công ty tư
nhân lớn nhất nước này bị giảm giá thảm hại; chỉ trong vài tuần đã có hơn
$1,000 tỷ giá trị cổ phần bị thổi bay khỏi các thị trường chứng khoán Trung Quốc.
Có thật ông Tập Cận Bình muốn xây dựng ở Trung
Quốc một xã hội bình đẳng, “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu” như quan niệm
kinh điển của chủ nghĩa Cộng Sản? Trong 100 năm hoạt động vừa qua, đảng Cộng Sản
Trung Quốc – cũng như mọi phong trào Cộng Sản toàn thế giới – đều đặt mục tiêu
“bình đẳng” “xóa bỏ giai cấp” như một ngọn cờ để huy động những “quần chúng lao
khổ,” những công nhân và nông dân, đi theo họ để lật đổ ách bóc lột của các ông
chủ tư bản, thực dân và phong kiến. Nhưng phương thức tạo lập sự bình đẳng của
họ là xóa sổ người giàu, cướp của người giàu chia cho người nghèo.
Từ Nga sang Trung Quốc và Việt Nam, các tầng lớp
địa chủ, phú nông bị đem ra đấu tố rồi xử tử, ruộng vườn tài sản chia cho các
ông bà “bần cố nông” cả đời chỉ biết làm thuê làm mướn để sống. Ở thành phố,
nhà máy công xưởng bị quốc hữu hóa, rơi vào tay nhà nước, trở thành công ty quốc
doanh hoặc công tư hợp doanh, được các công chức hành chính không quan tâm tới
các quy luật thị trường quản lý. Hậu quả là các nền kinh tế bình quân chủ nghĩa
kiểu Cộng Sản đều sụp đổ, đời sống người dân cơ cực, lầm than.
Ở Trung Quốc, khái niệm “thịnh vượng chung” được
Nhân Dân nhật báo – cơ quan tuyên truyền của đảng Cộng Sản – đề cập tới lần đầu
tiên vào ngày 12 Tháng Mười Hai, 1953, mở đầu cho cuộc cải cách ruộng đất của
Trung Quốc, toàn bộ ruộng đất của nông dân bị đưa vào các “công xã nông thôn,”
dẫn tới nạn đói tràn lan và kéo dài ở Hoa Lục. Bây giờ, nghe ông Tập nói tới
“thịnh vượng chung,” những người cao niên ở Trung Quốc không khỏi rùng mình!
Làm gì để thu hẹp
bất bình đẳng
Liệu Trung Quốc đang đi vào một thời kỳ biến động
xã hội, hay giới lãnh đạo cảm thấy đủ tự tin để thực hiện các điều chỉnh chính
sách lớn?
Sau khi Mao Trạch Đông chết năm 1976 và Đặng
Tiểu Bình bắt đầu công cuộc “đổi mới” kinh tế Trung Quốc theo thị trường, chấp
nhận “cho một số người làm giàu trước,” “mèo đen mèo trắng không quan trọng, bắt
được chuột là tốt,” Trung Quốc đã nhanh chóng trở thành nền kinh tế lớn thứ hai
thế giới.
Hiện Trung Quốc có số triệu phú, tỷ phú đô la
thậm chí còn đông hơn cả Hoa Kỳ, nhưng cũng có gần một nửa dân số (hơn 600 triệu
người) sống dưới mức thu nhập $150 mỗi tháng. Quả là Bắc Kinh có lý do chính
đáng để lo lắng về tình trạng bất bình đẳng về thu nhập đang ngày càng rộng ra.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc thậm chí còn đặt ra nhiệm vụ sửa chữa một số điểm
thái quá trong châm ngôn “để một số người làm giàu trước” của Đặng.
Chắc chắn đảng Cộng Sản Trung Quốc sẽ không trở
lại với các chương trình quốc hữu hóa, lấy của người giàu chia cho người nghèo
mà họ đã từng thực hiện và gây ra thảm họa trong thế kỷ trước. Vậy thì ông Tập
sẽ làm thế nào?
Ở phương Tây tư bản chủ nghĩa, để tạo lập sự
công bằng, chính quyền có biện pháp phân phối lại của cải, tạo cơ hội thăng tiến
cho mọi người và giảm bất bình đẳng xã hội thông qua các chính sách về thuế thu
nhập lũy tiến, thuế tài sản hoặc thuế thừa kế. Nhưng Trung Quốc khó có thể ban
hành các chính sách thuế như vậy bởi vì tầng lớp giàu có trong xã hội đều là những
người có quan hệ mật thiết với đảng cầm quyền và đội ngũ quan chức, xã hội
không có đối lập về chính trị và đại đa số người dân không có tiếng nói trong vấn
đề quản trị đất nước.
Từ khi lên cầm quyền cuối năm 2012 đến nay,
ông Tập đã làm chậm lại hoặc đảo ngược đường lối cải cách kinh tế; tập trung đầu
tư và thúc đẩy các tập đoàn kinh tế quốc doanh do nhà nước sở hữu để thực hiện
các mục tiêu đầy tham vọng của đảng Cộng Sản như chiếm vị trí dẫn đầu các ngành
công nghệ cao được đề cập tới trong chương trình “Made in China 2025.” Song
song đó là siết chặt quản lý, tiến tới xói mòn vai trò của các doanh nghiệp tư
nhân, nhân danh quyền tự do cạnh tranh hoặc an ninh quốc gia.
Khi đề ra yêu cầu “điều chỉnh hợp lý thu nhập
dư thừa; khuyến khích các cá nhân và doanh nghiệp có thu nhập cao phải đóng góp
nhiều hơn cho xã hội,” chính phủ của ông Tập chỉ nhắm tới các công ty tư nhân,
các tập đoàn công nghệ lớn. Để hưởng ứng yêu cầu của chính quyền, và cũng để
yên thân, các công ty Alibaba, Tencent đã nhanh chóng cam kết đóng góp hàng chục
tỷ đô la vào các quỹ từ thiện, quỹ xóa đói giảm nghèo, phát triển nông thôn do
nhà nước điều hành, dù biết một số quỹ này là các ổ tham nhũng và kém hiệu quả.
Cách ưu đãi doanh nghiệp nhà nước, chèn ép tư
nhân có đem lại sự bình đẳng xã hội mà ông Tập nhắm tới hay không thì chưa rõ
nhưng chắc chắn đây là một bước lùi, sẽ gây ra một số hậu quả xấu cho kinh tế
Trung Quốc.
Và hậu quả của sự
thay đổi chính sách
Việc chuyển một phần tiền lời cho nhà nước mà
không chia cho nhà đầu tư chắc chắn sẽ làm giảm động lực sáng tạo, lao động để
tìm kiếm lợi nhuận của các công ty; các tập đoàn tư nhân thậm chí sẽ đi vào con
đường của các công ty quốc doanh: liên tục khai lỗ để tránh phải đóng góp cho
nhà nước.
Dường như để trấn an các nhà tư bản Trung Quốc,
tại Hội Chợ Thương Mại Dịch Vụ Quốc Tế Trung Quốc năm 2021 vào ngày 2 Tháng
Chín vừa qua, ông Tập phát biểu nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ duy trì sự cởi mở, hợp
tác, cùng có lợi, cùng chia sẻ cơ hội trong sự tăng trưởng của thương mại dịch
vụ và thúc đẩy sự phục hồi và tăng trưởng kinh tế thế giới.”
Chưa đầy một tuần sau đó, Phó Thủ Tướng Lưu Hạc
(Liu He) đã công khai cam kết với các doanh nghiệp về sự hỗ trợ của chính phủ
Trung Quốc đối với khu vực tư nhân. Vào ngày 8 Tháng Chín, tờ Nhân Dân nhật báo
đăng trên trang nhất bài xã luận cam đoan rằng Trung Quốc sẽ “kiên quyết thúc đẩy
mở cửa, bảo vệ tài sản và quyền sở hữu trí tuệ, đồng thời nâng cao tính minh bạch
và khả năng dự đoán của chính sách.”
Rõ ràng giới lãnh đạo chóp bu của đảng và nhà
nước Trung Quốc đã thấy hậu quả tiêu cực của đường lối chấn chỉnh kinh tế-xã hội
theo hướng lấy kinh tế quốc doanh làm chủ đạo của ông Tập Cận Bình. Họ sẽ làm
như thế nào để thúc đẩy bình đẳng, phân phối lại của cải mà không thui chột nỗ
lực sáng tạo của giới kinh doanh Trung Quốc là điều chưa biết trước được. Trong
những tháng tới cần thận trọng theo dõi các dấu hiệu về hướng đi của nước này;
hành động chứ không phải lời nói sẽ là thước đo ý định của Bắc Kinh. [qd]
No comments:
Post a Comment