Thursday 23 September 2021

TÒA BẠCH ỐC KHUYẾN CÁO CÁC CƠ QUAN CHÍNH PHỦ CHUẨN BỊ PHẢI ĐÓNG CỬA (Người Việt / Saigon Nhỏ)

 



Tòa Bạch Ốc khuyến cáo các cơ quan chính phủ chuẩn bị phải đóng cửa

Người Việt

September 23, 2021

https://www.nguoi-viet.com/hoa-ky/toa-bach-oc-khuyen-cao-cac-co-quan-chinh-phu-chuan-bi-viec-phai-dong-cua/

 

WASHINGTON, DC (NV) – Tòa Bạch Ốc sẽ yêu cầu các cơ quan chính quyền liên bang chuẩn bị kế hoạch đối phó trong trường hợp chính phủ phải đóng cửa, do bất đồng ý kiến tại Quốc Hội về tài trợ ngân sách, theo các giới chức chính phủ hôm Thứ Năm, 23 Tháng Chín.

 

Theo bản tin của hãng thông tấn Reuters, Thượng Viện Mỹ trong ít ngày tới đây sẽ có cuộc bỏ phiếu về một biện pháp theo đó sẽ tạm ngưng thi hành mức ấn định trần nợ công là $28,400 tỷ và cho phép mượn thêm tiền để các cơ quan chính quyền liên bang có thể hoạt động sau ngày tài khóa 2021 chấm dứt, tức là ngày 30 Tháng Chín, trong khi chờ có ngân sách mới.


https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2021/09/TS-Capitol-092321-1068x712.jpg

Chính phủ Mỹ có thể phải đối diện với biện pháp đóng cửa do tranh chấp về tài trợ tại Quốc Hội. (Hình: Anna Moneymaker/Getty Images)

 

Phát ngôn viên Abdullah Hasan của Văn Phòng Điều Hành và Ngân Sách Tòa Bạch Ốc (OMB) nói cơ quan này trông đợi Quốc Hội sẽ hành xử trong tinh thần hợp tác lưỡng đảng để duy trì tài trợ cho chính phủ hoạt động “Nhất là trong lúc chúng ta đang tiếp tục phải đối phó với đại dịch và thúc đẩy phục hồi kinh tế.”

 

Các giới chức chính phủ nhấn mạnh rằng việc yêu cầu có kế hoạch đối phó là điều thường thấy trong thời gian bảy ngày trước khi có thể xảy ra biện pháp đóng cửa, bất kể là tình hình thương thảo ở Quốc Hội ra sao.

 

Cả phía Dân Chủ và Cộng Hòa đều nói rằng họ muốn đạt thỏa thuận tài trợ cho hoạt động của chính phủ trước khi tài khóa 2021 chấm dứt, nhưng hiện không còn nhiều thì giờ mà lại có nhiều bất đồng ý kiến giữa hai đảng.

 

Chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Mỹ, Bác Sĩ Anthony Fauci, cảnh cáo rằng việc đóng cửa chính phủ giữa thời đại dịch sẽ là một điều cực kỳ tệ hại.

 

Trong cuộc phỏng vấn dành cho tờ Washington Post, ông Fauci nói: “Thời điểm tệ hại nhất mà chúng ta muốn đóng cửa chính phủ là ngay giữa trận đại dịch, với 140,000 người lây nhiễm mỗi ngày và 2,000 người thiệt mạng mỗi ngày.” (V. Giang) [qd]

 

-----------------------------------------------------------

.

.

Tòa Bạch Ốc: Chính quyền liên bang chuẩn bị đóng cửa

Bình Phương  -  Saigon Nhỏ
23 tháng 9, 2021

https://saigonnhonews.com/thoi-su/hoa-ky/toa-bach-oc-chinh-quyen-lien-bang-chuan-bi-dong-cua/

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2021/09/GettyImages-1342101239.jpg

Chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosi (Dân Chủ – California) (trái), Lãnh đạo Đa số Thượng Viện Charles Schumer (Dân Chủ – New York) (phải) và Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen (giữa) tại Quốc Hội ngày 23 tháng Chín thảo luận việc thông qua dự luật ngân sách và nâng trần nợ công để tránh việc đóng cửa chính phủ. Ảnh Kevin Dietsch/Getty Images

 

Tòa Bạch Ốc thông báo các cơ quan chính quyền liên bang phải chuẩn bị sẵn sàng cho việc đóng cửa một phần chính phủ nếu Quốc Hội không quyết định được kế hoạch ngân sách trong tuần tới.

 

Sáng nay Thứ Năm 23 Tháng Chín, Văn phòng Quản trị và Ngân sách của Tòa Bạch Ốc (Office of Management and Budget – OMB) đã thông báo cho các cơ quan liên bang bắt đầu chuẩn bị cho việc chính phủ Mỹ có thể đóng cửa, lần đầu tiên trong thời đại dịch khi các cơ quan y tế vất vả đấu tranh với sự lan tràn của coronavirus, còn các chính trị gia Dân Chủ và Cộng Hòa tranh cãi bất tận về một kế hoạch ngân sách cho chính phủ, các hãng truyền thông đưa tin.

 

Chỉ còn vài ngày nữa Thượng Viện Hoa Kỳ sẽ bỏ phiếu về biện pháp “tạm đình chỉ” (suspend) mức trần nợ công $28.4 nghìn tỷ và quyết định phân bổ ngân sách cho các cơ quan liên bang tiếp tục hoạt động sau ngày 30 Tháng Chín – ngày kết thúc năm tài chính 2020-2021.

 

Ông Abdullah Hasan, Phát ngôn viên của OBM  nói OBM hy vọng Quốc Hội sẽ hành động trong sự thống nhất lưỡng đảng để gia hạn việc tài trợ ngân sách cho chính phủ, “đặc biệt là khi chúng ta tiếp tục đối mặt với đại dịch và thúc đẩy sự phục hồi kinh tế”.

 

Các quan chức chính phủ cho biết, việc OMB thông báo chuẩn bị đóng cửa chỉ là động tác theo thủ tục thông thường, phải được đưa ra ít nhất bảy ngày trước khi đóng cửa thật sự, chứ không nhằm gây áp lực với Quốc Hội.

 

Các vị dân cử, cả Dân Chủ và Cộng Hòa đều nói rõ họ dự định phân bổ ngân sách cho chính phủ trước khi luật ngân sách hiện hành hết hạn vào ngày 30 Tháng Chín, nhưng thời gian không còn nhiều để đàm phán một thỏa thuận lưỡng đảng ở hai vấn đề lớn: Dự chi ngân sách của chính phủ cho năm tài chính mới bắt đầu từ ngày 1 Tháng Mười, và tạm đình chỉ quy định về trần nợ công (debt-ceiling).

 

Đầu tuần này, Hạ Viện do đảng Dân Chủ kiểm soát đã thông qua biện pháp tài trợ cho chính phủ và đình chỉ trần nợ công; tạm thời chuẩn chi cho chính phủ hoạt động đến hết Tháng Mười Hai năm nay và “đình chỉ” quy định về trần nợ công để chính phủ được vay tiền đến hết năm 2022. Nhưng kế hoạch đó rất có khả năng sẽ bị bế tắc ở Thượng Viện, nơi các nghị sĩ Cộng Hòa quyết không ủng hộ cố gắng của Dân Chủ nâng trần nợ công. 

 

Trong chỗ riêng tư, các nghị sĩ Dân Chủ thừa nhận họ khó mà vượt qua được sự cản trở của đảng Cộng Hòa và đang cố tìm cách thông qua ngân sách tạm thời sao cho chính phủ không bị ngừng hoạt động giữa thời đại dịch hoặc đất nước bị “vỡ nợ” (default) lần đầu tiên trong lịch sử. Thượng Nghị sĩ Chris Van Hollen (Dân Chủ – Maryland) nói với báo chí: “Chúng tôi đang xem xét mọi lựa chọn, nhưng đóng cửa chính phủ là điều không chấp nhận được”.

 

Chính phủ Hoa Kỳ hoạt động nhờ nguồn ngân sách được Quốc Hội phê duyệt trong các đạo luật về chi tiêu công – bao gồm mọi hoạt động, từ quân đội đến trường học – và các đạo luật này phải được thông qua trước khi năm tài chính mới bắt đầu vào ngày 1 Tháng Mười hằng năm. Nếu đến hạn mà Quốc Hội chưa thông qua được luật ngân sách cho năm tài chính mới, các vị dân cử sẽ đưa ra các biện pháp ngắn hạn để duy trì hoạt động của chính phủ trong khi chờ đợi Quốc Hội quyết định. Nếu không có những biện pháp ngắn hạn đó, chính phủ liên bang sẽ phải ngừng hoạt động, hoặc hoàn toàn, hoặc một phần.

Việc chính phủ đóng cửa không có nghĩa là các cơ quan liên bang sẽ ngừng hoạt động ngay lập tức nhưng hàng trăm ngàn công chức liên bang sẽ phải nghỉ việc không hưởng lương. Công chức tiếp tục làm việc trong những bộ phận được cho là thiết yếu với an ninh quốc gia sẽ bị “nợ” tiền lương mà chính phủ sẽ trả sau khi Quốc Hội thông qua ngân sách. Công chức thuộc chính quyền các tiểu bang và địa phương không bị ảnh hưởng bởi việc đóng cửa này.

 

Vụ đóng cửa chính phủ dài ngày nhất trong lịch sử Hoa Kỳ xảy ra dưới thời Tổng thống Donald Trump, kéo dài 35 ngày, kết thúc vào cuối Tháng Một 2019. Ông Trump đòi Quốc Hội phải đưa vào ngân sách chính phủ một khoản chi cho việc xây bức tường biên giới ở phía Nam nhưng các dân cử Dân Chủ không đồng ý. Cuối cùng, sau hơn một tháng bế tắc, khi các nhân viên điều khiển không lưu bỏ việc vì không được nhận lương khiến cho hoạt động vận tải hàng không bị ảnh hưởng nặng nề, ông Trump phải nhượng bộ.

 

Lần này, do sự hoành hành của đại dịch COVID-19, việc chính phủ liên bang đóng cửa sẽ có hậu quả tai hại hơn nhiều. Theo Washington Post, quan chức hàng đầu về bệnh truyền nhiễm, Tiến sĩ Anthony Fauci cảnh báo đóng cửa chính phủ giữa thời đại dịch là một thảm họa. “Thời điểm tồi tệ nhất trên thế giới mà chúng ta muốn đóng cửa chính phủ là giữa một đại dịch, nơi chúng ta có 140,000 người bị nhiễm bệnh và 2,000 người chết mỗi ngày”, tờ Post dẫn lời Fauci nói trong một cuộc phỏng vấn.




No comments:

Post a Comment

View My Stats