Thursday, 9 September 2021

THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC CÓ BIỆN PHÁP GÌ ĐỂ CHỐNG THỦ THUẬT GIẢM LÃI SUẤT CHIẾU LỆ CỦA CÁC NGÂN HÀNG? (Nguyễn Ngọc Chu)

 


THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC CÓ BIỆN PHÁP GÌ ĐỂ CHỐNG THỦ THUẬT GIẢM LÃI SUẤT CHIẾU LỆ CỦA CÁC NGÂN HÀNG?  

Nguyễn Ngọc Chu

09/09/2021  05:39   

https://www.facebook.com/chu.nguyenngoc/posts/2442686682531414

 

 

1. CHỈ MỖI NGÂN HÀNG?

Trong khi vì Covid -19 mà hơn 500 000 doanh nghiệp lao đao đến mức 79 900 doanh nghiệp phải đóng cửa trong 7 tháng đầu năm 2021 và hàng chục ngàn chủ doanh nghiệp khuynh gia bại sản, thì chỉ mỗi Ngân hàng “vui hưởng” “lợi nhuận khủng trong đại dịch” (https://thanhnien.vn/.../ngan-hang-loi-nhuan-khung-giua....

 

Sau khi xã hội kêu cứu liên tục, Ngân hàng đã tuyên bố những gói giảm lãi suất cho các vùng bị ảnh hưởng Covid -19 nặng. Nhưng chỉ là thủ thuật đối phó.

 

Ảnh hưởng dịch lên toàn dân, sao lại chỉ giảm cho một số đối tượng, một số vùng? Giảm cho một số đối tượng hạn chế là một cách đối phó. Vì sẽ có các yêu cầu đòi đáp ứng, và tinh vi hơn là có giảm cho ai hay không và bao nhiêu thì cũng không biết được.

 

Lãi suất huy động đầu vào thì giảm đồng loạt tất cả, không phân biệt đối tượng, không phân biết vùng, còn giảm lãi suất cho vay thì có đối tượng, có vùng – đó chẳng phải là thủ thuật đối phó ư?

 

2. GIẢM LÃI TƯỢNG TRƯNG LẤY LỆ ĐỂ ĐỐI PHÓ

 

Thủ thuật giảm lãi suất tượng trưng lấy lệ đối phó của Ngân hàng hôm nay đã được báo Tuổi Trẻ “bóc lớp son phấn”: “Giảm lãi suất kiểu 'tượng trưng” “sau ưu đãi là …ngược đãi”:

 

"Sau một năm vay vốn để mua trả góp một căn hộ, chị H.T.Ngân (huyện Bình Chánh, TP.HCM) cho biết vừa nhận được thông báo của NH về việc tăng lãi suất cho khoản vay 1,4 tỉ đồng từ 8,9%/năm lên 11,8%/năm với lý do hết thời gian ưu đãi, áp lãi suất thả nổi. "Khi tôi hỏi có làm đơn xin giãn nợ, ân hạn gì được không, nhân viên NH này nói chỉ hỗ trợ giảm lãi suất cho doanh nghiệp, còn cá nhân thì NH có thể hỗ trợ tăng hạn mức thẻ tín dụng nếu có nhu cầu", chị Ngân bức xúc.

 

Tương tự, anh T.G. Nam (TP Thủ Đức) cho hay nhận được thông báo tăng lãi suất cho vay từ 10%/năm lên 12%/năm cho khoản vay 3 tỉ đồng cách nay một năm cũng với lý do hết thời gian hưởng lãi suất vay ưu đãi”.

 

"Điều đáng nói là khi tôi đề nghị NH có biện pháp hỗ trợ khách hàng trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài hiện nay như giảm lãi suất cho vay hoặc ân hạn nợ thì nhân viên NH này cho biết NH không có chủ trương giảm lãi như tôi đề nghị mà sẽ cho tôi… vay thêm để tự trả gốc và lãi trong 5 tháng. Nếu tôi đồng ý phương án này, NH sẽ giải ngân cho tôi "một cục" khoảng 200 triệu đồng, tương đương với tiền gốc và lãi phải trả trong 5 tháng, nhưng tôi không được rút mà NH sẽ trừ dần hằng tháng khi tới thời hạn thu nợ gốc và lãi".

 

Nhiều khách hàng có khoản vay mua nhà một năm trước nay hết hạn áp dụng lãi suất ưu đãi cũng "khóc ròng" khi lãi suất tăng thêm 2,5 - 3%/năm so với trước, trong khi thu nhập giảm, thậm chí không có thu nhập do nghỉ dịch đến nay đã 4 - 5 tháng. Nhiều khách hàng bức xúc cho rằng trong khi lãi suất gửi tiết kiệm tại NH giảm mạnh thời gian qua và đang đứng ở mức thấp, NH vẫn lấy lý do lãi suất thả nổi tăng do lãi suất huy động tăng! Trong đó, nhiều khách vay được các NH gợi ý vay thêm để... trả lãi trong thời điểm mất thu nhập.

 

Nhiều khách vay bức xúc cho biết hầu hết các NH đều tuyên bố rầm rộ về việc hỗ trợ khách vay như giảm lãi, giãn nợ nhưng chủ yếu để… truyền thông, còn mức giảm nếu có cũng chỉ mang tính "tượng trưng" từ 0,1 - 0,5%/năm tùy theo từng đối tượng. Trong khi đó, với đối tượng vay là người mua nhà, các NH đều từ chối hỗ trợ dù những khách hàng này cũng bị giảm thu nhập, thậm chí không còn thu nhập do giãn cách xã hội kéo dài” (https://tuoitre.vn/giam-lai-suat-kieu-tuong-trung-den-hen...).

 

3. ĐỀ XUÂT

 

Đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có biện pháp để các Ngân hàng hỗ trợ cho người dân trong đại dịch.

 

1. Giảm lãi suất từ 1,5%-2% cho tất cả các khoản vay của mọi đối tượng trên toàn quốc, không phân biệt vùng miền, mục đích vay và chủ thể đứng tên vay. Chỉ có cách này mới chứng minh được là Ngân hàng có giảm lãi suất vay hay không giảm. Mọi biện pháp khoanh vùng đều là thủ thuật đối phó. Giảm 2% Ngân hàng vẫn còn lãi. Sau đó mới đến các gói ữu đãi cho các đối tượng đặc biệt.

 

2. Giãn nợ cho tất cả các khoản vay trong suốt thời gian diễn ra đại dịch và đến sau đại dịch tối thiểu 6 tháng để doanh nghiệp phục hồi. Không tăng lãi suất trả nợ quá hạn. Không đưa vào nợ xấu do chậm trả nợ.

 

Đừng biện hộ “không ai bắt vay”, “lãi suất thoả thuận, “thuận mua vừa bán”. Mà phải hỏi tồn tại Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước để làm gì? Và nếu còn nghi ngờ thì hãy hỏi tại sao cũng trong đại dịch thì ở các nước vay được lãi suất 0% hoặc lãi suất thấp hơn?

 

Trong đại nạn phải cùng nhau đồng cam cộng khổ. Ngân hàng hưởng lãi từ người vay. Người vay lỗ, bán cả cơ nghiệp để trả nợ cho Ngân hàng. Ai có thể đang tâm vui hưởng lợi nhuận từ sự sạt nghiệp của người khác?

 

Dùng thủ thuật ngay với kẻ thù - chính nhân quân tử đã không màng, huống chi là với đồng bào.

 

127 BÌNH LUẬN  




No comments:

Post a Comment

View My Stats