Sunday, 12 September 2021

'THỜI ĐẠI' CỦA BÀ ANGELA MERKEL CHẤM DỨT SAU 16 NĂM LÀM THỦ TƯỚNG ĐỨC (Lưỡng Nguyên)

 


'Thời Đại' Của Bà Angela Merkel Chấm Dứt Sau 16 Năm Làm Thủ Tướng Đức

Lưỡng Nguyên

12/09/2021

https://vietbao.com/a309487/thoi-dai-cua-ba-angela-merkel-cham-dut-sau-16-nam-lam-thu-tuong-duc

 

https://lh4.googleusercontent.com/4QYU8ZTG_vlkxFAaWHpBQYdOjZpUAcYeV5DXkUPCKFRSk0hwLhQ0i9McVM-boNqZeolOuA6Q0F-99iMgbG70E97lcIPjjXWx-uD2piC_k2HMFtH4QFy__nPnYycS_u-q4Fnd3X4=s0

Thủ tướng Đức Angela Merkel và tổng thống Mỹ Joe Biden năm 2021

 

Sau khi quyết định không ra tranh cử lần thứ năm vào ngày 26 tháng 9 năm 2021, thì thời gian nắm chính quyền của bà thủ tướng Đức Angela Merkle không còn bao lâu nữa. Trong những chuyến công du ngoại quốc cuối cùng, chuyến công du qua Mỹ vào giữa tháng 7 năm 2021 của bà trên cương vị thủ tướng có ý nghĩa và quan trọng nhất. Đây là lần đầu tiên một vị lãnh đạo châu Âu có cuộc gặp gỡ với tổng thống Joe Biden tại tòa Bạch Ốc từ khi vị tổng thống thứ 46 của nước Mỹ lên nắm chính quyền.  „Chuyến đi thăm chia tay“ của bà Merkel với mục đích là cải thiện lại mối quan hệ giữa hai quốc gia Đức và Mỹ mà dưới thời tổng thống Trump đã bị „đóng băng“.

Không phải đây là lần đầu bà tới thăm chính thức thủ đô Washington mà là lần thứ 23, trong suốt thời gian tại chức bà đã làm việc với 4 tổng thống của nước Mỹ: George W. Busch, Barack Obama. Donald Trump, Joe Biden. Cũng như trên chính trường thế giới, bà đã từng làm việc với 5 thủ tướng Anh, 4 tổng thống Pháp và 7 thủ tướng Ý. Nếu mọi chuyện ra đi đúng như dự tính, thì bà Merkel là người giữ chức thủ tướng lâu thứ nhì ở Đức, vượt qua Konrad Adenauer (1949-1963), thủ tướng đầu tiên của Cộng hòa Liên bang Đức sau Đệ nhị thế chiến, nhưng lại ít hơn mấy ngày so với thủ tướng Helmut Kohl (1982-1998), người đã có công thống nhất nước Đức và xây dựng Liên minh châu Âu.


Khi nhắc đến bà Merkel, người ta thường nghĩ đến một nữ bộ trưởng trẻ tuổi nhất trong nội các của Helmut Kohl sau khi Đức thống nhất năm 1991 (36 tuổi), thủ tướng đầu tiên xuất thân từ Đông Đức, một phụ nữ đầu tiên và trẻ tuổi nhất đứng đầu chính phủ vào năm 2005 lúc mới 51 tuổi. Nhiều tờ báo Đức cũng như Anh đã so sánh bà với cựu thủ tướng Anh Margaret Thatcher và đặt cho bà Merkel danh hiệu "Iron Lady" (bà Đầm Thép). Hai nhà lãnh đạo này có những điểm giống nhau mạnh mẽ, quyết đoán và nổi tiếng. Bà Thatcher thuộc đảng Bảo Thủ Anh, bà Merkel thuộc đảng cánh hữu Đức CDU (Liên minh Dân Chủ Thiên Chúa Giáo).

 

Thân thế

 

Tên thật của bà là Angela Dorothea Kasner sinh ngày 17 tháng 7 năm 1954 tại Hamburg, cha là Horst Kasner một mục sư Tin Lành và mẹ là Herlind Kasner làm nghề cô giáo. Gia đình bà có nguồn gốc từ Ba Lan di cư qua Đức sau Đệ nhất thế chiến. Đúng ra tên họ của gia đình bà là Kazmierczak, ông nội của bà tên là Ludwig Kazmierczak, sau một thời gian tới Đức, năm 1930 ông đã đổi họ thành Kasner. Năm 1957, cả gia đình bà dọn qua Templin, hồi đó thuộc lãnh thổ Đông Đức (Cộng hòa Dân chủ Đức), vì ông Horst Kasner được lãnh nhiệm vụ cai quản một nhà thờ ở vùng đó.

 

Năm 1973, Angela Dorothea Kasner đậu tú tài với số điểm 1,0 (tối ưu). Bà nói thông thạo hai thứ tiếng Anh và Nga. Là con người say mê khoa học, bà ghi tên học về vật lý ở đại học Leipzig và lấy bằng tiến sĩ về vật lý năm 1986.  Vào những năm 70 bà xin làm việc ở Đại học Bách khoa Ilmenau, theo như lời bà kể, mật vụ Stasi của cộng sản đông Đức muốn tuyển mộ bà làm việc cho họ, nhưng bà từ chối. Chính vì thế bà không được nhận làm việc cho trường đại học.

https://lh4.googleusercontent.com/DF97QsZwQsmcWHbJkspbkIR4DsTV768JapAKJaVMeGpgVekJHE9VguMJzZOkSU3qH5LDPkkHPa2diu-ZPjNLoB_JIYnqEzf3dXHGkdRhNTAoxznGpoHr-iRI247CzV4kdkW4mbg=s0

Nữ Thủ Tướng Đức Angela Merkle 2019

 

Năm 1977 bà làm đám cưới với Ulrich Merkel. một người bạn học cũng là một nhà vật lý học. Bà lấy họ của chồng và đổi tên là Angela Dorothea Merkel. Sau mấy năm chung sống, hai người chia tay nhau năm 1982. Năm 1984 bà quen ông Joachim Sauer, cũng là tiến sĩ về vật lý và sau này trở thành giáo sư đại học ở Berlin. Hai ông bà làm đám cưới năm 1998 và sống với nhau không có con cho đến ngày hôm nay.

 

Năm 1989, sau khi bức tường Berlin chia đôi nước Đức bị sụp đổ, bà gia nhập đảng DA (Thức tỉnh Dân chủ) là một đảng nhỏ ở Đông Đức. Năm 1990, Đông Đức sáp nhập vào Tây Đức, bà ra tranh cử, thắng cử và trở thành dân biểu của quốc hội thống nhất đầu tiên. Khi đảng DA được sáp nhập vào đảng CDU, bà được thủ tướng Kohl mời làm bộ trưởng bộ Phụ nữ và thanh niên. Bà trở thành một bộ trưởng trẻ tuổi nhất trong nội các lúc bấy giờ. Ít lâu sau bà được ông Kohl giao cho một trọng trách lớn hơn là làm bộ trưởng về Môi trường và An toàn Lò Phản ứng Hạt nhân. Ở chức vụ này bà đã chứng tỏ được khả năng của mình và được thủ tướng Kohl hoàn toàn tín nhiệm. Ông thường gọi bà thân mật là „das Mädchen“ (cô gái).

 

Năm 1998 sau 16 năm làm thủ tướng, Helmut Kohl ra tranh cử lần thứ năm và bị thua Gerhard Schröder thuộc đảng SPD (Dân Chủ Xã Hội Đức). Sau đó ông Kohl bị buộc phải nhường chức chủ tịch đảng cho Wolfgang Schäuble, bà Merkel được đề cử làm tổng thư ký đảng CDU. Hơn một năm sau, Helmut Kohl và Wolfgang Schäuble, cả hai bị dính dáng đến vụ quỹ đen của đảng và chính bà là người đứng lên công khai lên án vụ bê bối này. Ông Kohl bắt buộc phải từ chức chủ tịch danh dự và ông Schäuble phải nhường chức chủ tịch đảng CDU cho bà năm 2000. Bà trở thành một phụ nữ đầu tiên nắm chức vụ này trong một đảng có truyền thống bảo thủ. Là người đứng đầu phe đối lập, bà Merkel đã thành công và thắng thủ tướng Gerhard Schröder đảng SPD trong cuộc bầu cử vào năm 2005 để lên làm nữ thủ tướng đầu tiên và trẻ nhất trong lịch sử nước Đức. 

 

Sự nghiệp

 

Từ năm 2005 đến năm 2021, qua 4 lần tranh cử bà Merkel vẫn được người dân tín nhiệm và nhờ đó giữ vững được chiếc ghế thủ tướng, mặc dù có lúc phải liên minh với đảng SPD năm 2005, hay với đảng FDP (Đảng Dân chủ Tự do) năm 2009, hoặc trở lại liên minh với đảng SPD vào năm 2013 và 2017. Nhiều năm liên tiếp tạp chí Mỹ Forbes đã bầu bà là người phụ nữ quyền lực nhất thế giới, tờ Time đã bình chọn bà “Nhân vật của năm 2015” mà trước bà chỉ có cựu thủ tướng Willy Brandt là một người Đức duy nhất được danh hiệu đó cho năm 1970. Bà cũng được báo chí ngợi khen là người đàn bà có ảnh hưởng nhiều nhất ở châu Âu. Nhưng chính cái ánh hào quang sáng chói đó đã làm lu mờ những người chung quanh, làm trở ngại cho đảng CDU khi đi kiếm người kế nhiệm. Sau 18 năm trời làm chủ tịch đảng, vào năm 2018 bà phải từ chức và nhường chức vụ này cho bà Annegret Kramp-Karrenbauer, tổng thư ký đảng, vì đảng CDU bị liên tục mất phiếu trong các cuộc bầu cử ở cấp tiểu bang. Bà Kramp-Karrenbauer  là người được bà Merkel tín nhiệm và đề nghị. Tuy nhiên chỉ hơn 1 năm, bà Kramp-Karrenbauer đã xin rút lui để ông Armin Laschet lên thay thế vì bị quá nhiều áp lực trong đảng.

 

Trong mọi hoàn cảnh bà luôn luôn chứng tỏ là nhà Quản trị khủng hoảng (Crisis Manager) tài năng đi xây dựng sự đồng thuận. Đây cũng là sức mạnh của bà, đi tìm sự đồng thuận với tất cả phe nhóm. Bình tĩnh, thực tế và lý luận thay vì khích động, bà dễ tạo nên sự cảm thông và đạt được mục đích của mình. Mềm dẻo nhưng không đi ra khỏi nguyên tắc, người ta ví von bà “vững chắc như bánh mì đen và Mercedes” (solide wie Schwarzbrot und Mercedes). Bánh mì đen và xe hơi Mercedes là hai sản phẩm có chất lượng cao cấp của Đức. Trong 4 nhiệm kỳ làm thủ tướng, bà đã mang lại cho nước Đức một nền kinh tế phồn thịnh và cuộc sống ổn định. Người Đức mến mộ bà vì đức tính giản dị, khiêm tốn. Họ thân mật gọi bà thủ tướng của họ là “Mutti” có nghĩa là “Mẹ”. Họ không quên được hình ảnh của bà Merkel đẩy xe đi chợ ở một siêu thị vào tháng 3 năm 2020 ở thời điểm đại dịch Corona đang lên cao. Trong xe có vài chai rượu, một ít đồ ăn và vài cuộn giấy đi cầu. 

 

Với đầu óc phân tích thấu đáo đến tận cùng của một khoa học gia, với đức tính thận trọng của một con người từng sống dưới chế độ cộng sản, với bản tính khéo léo, khôn ngoan cộng thêm lòng chân thành và sự tận tụy bà đã dẫn dắt nước Đức đi qua nhiều cơn khủng hoảng lớn. Như năm 2010, nhờ sự quyết tâm và bình tĩnh bà tìm được giải pháp chung để vượt qua được cơn khủng hoảng về tài chính trong khu vực đồng Euro (Eurozone) và cứu được nước Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Ái Nhĩ Lan thoát khỏi phá sản. Năm 2015 khi những làn sóng tị nạn từ Trung Đông tràn qua, bà ra lệnh mở cửa biên giới để nhận hơn 1 triệu người tị nạn, mặc dù không được sự đồng thuận của một số quốc gia trong Liên minh châu Âu. Để biện minh cho hành động nhân đạo của mình, bà nói “Đức là nước mạnh, nếu đã cứu được các ngân hàng thì cũng cứu được con người”. Hơn 1 triệu người tị nạn đã tạo nên ít nhiều xáo trộn trong cuộc sống của người Đức và làm nặng gánh tài chánh quốc gia (78 tỷ Euro) đưa đến sự bất mãn của một số  dân chúng. Hậu quả là đảng cực hữu AfD (Con đường khác cho nước Đức) từ một đảng nhỏ không có tiếng tăm, năm 2017 vào được quốc hội Đức và đứng hàng thứ ba chỉ sau đảng CDU, SPD với 12,6% số phiếu. Năm 2021, khủng hoảng về khí hậu thay đổi gây lên lũ lụt, thêm khủng hoảng về đại dịch Corona, bà vẫn là người đứng đầu để giải quyết những vấn đề cấp bách. Nhưng không phải lúc nào bà cũng thành công, tính thận trọng, suy nghĩ thấu đáo cần thời gian và để có sự đồng thuận với các nhà lãnh đạo 16 tiểu bang trong việc chống lại Covid-19 cũng cần nhiều nỗ lực để thuyết phục. Sự phản ứng chậm chạp đã làm mức độ lây nhiễm của vi khuẩn Corona phát triển gia tăng nhanh chóng vào những tháng đầu năm 2021. Rồi sự thiếu thuốc chủng và khẩu trang trong thời gian đầu cũng làm người dân mất dần sự tin tưởng vào chính phủ. 

 

16 năm trời không phải là dài, nhưng lại là một thời gian quá dài trong một thế giới đang quay cuồng với một vận tốc quá nhanh, hết khủng hoảng này đến khủng hoảng khác. Người dân Đức cần một sự thay đổi, cần một khuôn mặt mới, cần những ý tưởng mới, cần thấy một viễn ảnh mới khác với một nền chính trị “cứ tiếp tục như thế” (“weiter so”) của bà Merkel. Bởi vì “cứ tiếp tục như thế” sẽ không biết như thế đi về đâu? Khi sự phồn thịnh mà bà Merkel mang tới một phần lớn là cũng là do từ chương trình cải cách “Agenda 2010” của cựu thủ tướng Schröder và từ Thị trường chung châu Âu do cựu thủ tướng Kohl đã dày công xây dựng. Đất nước Đức thiếu những cải cách cần thiết để chuẩn bị cho thời gian sau Merkel, thiếu cái nhìn xa để đương đầu hữu hiện hơn cho những vấn đề trong tương lai. Nước Đức là một trong những nước tiên tiến về kỹ thuật và sống nhờ vào xuất cảng. Nước Đức sẽ đi về đâu khi không còn dẫn đầu về kỹ thuật, không còn xuất cảng được máy móc, xe hơi? Đó là những băn khoăn của người dân Đức khi nhìn về tương lai. Công nghệ kỹ thuật số (digital technology) bị đình trệ, công nghệ về xe hơi Đức vẫn bám vào những động cơ nổ chạy bằng xăng dầu, trong khi các nước khác trên thế giới đã bỏ hết công sức vào công nghệ xe hơi điện. Năm 2010, Trung Quốc đã sản xuất được xe Bus điện. Hãng xe hơi điện Tesla của Mỹ ra đời năm 2003, đến năm 2021 giá trị doanh nghiệp của Tesla gấp hai lần cả 3 hãng xe hơi của Đức cộng lại (Volkswagen, BMW, Daimler). 

 

Những năm cuối cùng trên ghế thủ tướng, bà Merkel chỉ làm công việc của người quản trị khủng hoảng (Crisis Manager), thiếu sáng kiến và thiếu cái nhìn xa. Những cá tính của bà như đắn đo suy nghĩ, cẩn thận, cân nhắc, im lặng chờ đợi đã trở thành thụ động trong thời đại mới và là rào cản cho sự thành công. Những cuộc bầu cử liên bang cho thấy đảng CDU đang tuột dốc. Năm 2013, ở cuộc bầu cử quốc hội liên bang đảng CDU với đảng liên kết CSU (Liên minh Xã Hội Thiên Chúa Giáo) đạt được 41,5 % , đến năm 2017 chỉ còn 32,9% và theo lần thăm dò ý kiến của  ZDF thì cuộc bầu cử vào ngày 26 tháng 9 năm 2021 CDU/CSU  chỉ còn có 26% (13.8.2021). Một kết quả thấp nhất mà hai đảng này có được từ lúc thành lập Cộng hòa Liên bang Đức đến giờ. 

 

Giã từ

 

Khi được hỏi sẽ làm gì khi về hưu, bà Merkel trả lời “Sẽ ngủ nhiều hơn một chút” và nói thêm không muốn bị chê là “lười biếng” trong thời gian làm thủ tướng. Sự quyết định không ra tranh cử vào tháng 9 năm 2021, được đánh giá là sự khôn ngoan của bà Merkel. Kinh nghiệm về sự thất bại của cựu thủ tướng Helmut Kohl trong lần tranh cử lần thứ năm, cho thấy người Đức không thích có một thủ tướng ở chức vụ này quá lâu dù có công trạng đến đâu đi nữa.

 

Nước Đức có 3 cựu thủ tướng đã làm nên lịch sử là cựu thủ tướng Konrad Adenauer đã đặt nền móng đầu tiên xây dựng Cộng hòa Liên bang Đức, cựu thủ tướng Willy Brandt (1969-1974) với chính sách Phương Đông đã đưa đến sự sụp đổ toàn bộ các nước cộng sản đông Âu, cựu thủ tướng Helmut Kohl là người đã có công thống nhất nước Đức và xây dựng Liên minh châu Âu. Thật ra khó mà có thể so sánh công bằng sự nghiệp của bà Merkel với ba vị thủ tướng trên. Nhưng có điều, người ta không thể phủ nhận được trong 16 năm qua bà Merkel đã mang lại sự phồn thịnh cho dân Đức và sự ổn định của nền chính trị ở Đức nói riêng và châu Âu nói chung. Nước Đức đã trở thành một cường quốc về kinh tế lẫn chính trị.

 

Bà Merkel là một người đàn bà giản dị và khiêm tốn, nhưng nhiều đối thủ chính trị lại rất nể trọng bà, họ đã truyền cho nhau một kinh nghiệm quý báu là “Không bao giờ được đánh giá thấp bà Merkel”. Một con người đi từ “das Mädchen” (cô gái) mà cựu thủ tướng Kohl thường thân mật gọi lúc ban đầu khi bà mới bước chân vào chính trường, cho đến khi lên làm thủ tướng mang danh hiệu "Iron Lady" (bà Đầm Thép) của báo chí trao tặng, rồi cuối nhiệm kỳ trở thành “Mutti” (Mẹ) mà người dân bình thường hay gọi khi nhắc đến bà, hẳn nhiên phải có một nội lực rất thâm hậu của một con người đã có một thời mang danh là “Người đàn bà quyền lực nhất thế giới”. Thời đại của bà Angela Merkel sắp kết thúc, nhưng chắc chắn một điều sẽ để lại những dấu ấn đậm nét trong lịch sử nước Đức.

 

Tháng 8 năm 2021

Lưỡng Nguyên




No comments:

Post a Comment

View My Stats