Thánh
chiến Hồi Giáo hoán thân đổi xác
Thanh
Hà -
RFI
Đăng ngày: 11/09/2021 - 11:16
20 năm săn lùng Al Qaeda, thế giới vẫn phải chung sống
với đe dọa khủng bố. Hai tuần lễ trước ngày Hoa Kỳ tưởng niệm loạt tấn công
11/09/2001, 13 lính Mỹ và cả trăm người Afghanistan thiệt mạng trong vụ khủng bố
gần phi trường Kabul.
Chiếc máy bay thứ
nhì lao vào tháp phía Nam - World Trade Center -New York ngày
11/09/2001. © SETH MCALLISTER AFP/Ảnh tư liệu
Đó là dấu hiệu rõ rệt nhất cho thấy mục tiêu
diệt trừ khủng bố tận gốc rễ là điều không tưởng và « cuộc chiến
toàn diện » được khởi động cách nay hai thập niên không cho phép vô hiệu
hóa các nhóm thánh chiến Hồi Giáo.
« Cuộc săn lùng thủ phạm những hành vi
ác độc này đã mở màn. Chúng ta sẽ không phân biệt quân khủng bố với những ai
che chở cho chúng ». Đêm 11/09/2001 từ Nhà Trắng tổng thống Hoa Kỳ
George W. Bush đã tuyên chiến với quân khủng bố. Đây là lần thứ ba ông phát biểu
trong ngày. Trước đó vài giờ, thành phố New York bị tấn công. Trung tâm tài
chính của siêu cường số 1 thế giới rơi vào cảnh hoảng loạn. Một lớp khói, tro bụi
phủ kín một phần lớn đảo Manhattan.
Sáng Thứ Ba, 11/09/2001, trong chưa đầy 20
phút, 8 giờ 46 phút rồi 9 giờ 3 phút, hai chiếc máy bay lao thẳng vào tòa tháp
đôi khu World Trade Center, New York. Nửa tiếng sau đó một chiếc máy bay thứ ba
với 64 hành khách và phi hành đoàn đâm vào bộ Quốc Phòng Mỹ. 10 giờ 6 phút, chiếc
máy bay thứ tư rơi tại bang Pennsylvania, cách thủ đô Washington chưa đầy nửa
giờ bay.
Tại New York, 9 giờ 59 phút và 10 giờ 28 phút,
hai tòa tháp đôi tháp South và North Tower sụp đổ, chôn sống hàng ngàn nạn
nhân.
Trong chưa đầy 90 phút buổi sáng hôm đó, xảy
ra bốn vụ cướp máy bay : đó là bốn vụ khủng bố tự sát do 19 tên không tặc
tiến hành, 2.977 người thiệt mạng trong ngày 11/09/2001.
Trước ống kính truyền hình của cả thế giới tổng
thống George W. Bush nói đến một « thời khắc khó khăn mà Hoa Kỳ phải
đối mặt » và khẳng định ngay là sẽ « không dung thứ
cho những kẻ khủng bố », « đã tấn công vào Tự Do ». Thông
điệp của Nhà Trắng rất rõ ràng : « Những giá trị của Tự Do sẽ
được bảo vệ ».
Cùng ngày 11/09/2001, truyền thông Hoa Kỳ đã
đích danh nêu tên thủ phạm : Oussama Ben Laden. Ngày 07/10/2001 Hội Đồng Bảo
An Liên Hiệp Quốc bật đèn xanh cho Washington can thiệp vào Afghanistan, nơi mà
dưới sự bảo trợ của phong trào Hồi Giáo cực đoan Taliban, thủ lĩnh Al Qaeda,
Oussama Ben Laden và đồng lõa đã lên kế hoạch tấn công vào những biểu tượng
của sức mạnh Hoa Kỳ, vào biểu tượng của thế giới tự do.
Mỹ dẫn đầu chiến dịch « Tự Do Kiên Định
– Enduring Freedom ». Dưới chính quyền Bush « War on Terrorism »,
« War on Terror » hay « Global War on Terror », là
những tên gọi khác nhau trong các chiến dịch quân sự khởi động hồi tháng
10/2001. Mặt trận đầu tiên là Afghanistan.
Mỹ trong tầm ngắm
của Al Qaeda
Trả lời đài RFI tiếng Việt, Marc Hecker giám đốc Viện Quan Hệ Quốc Tế
Pháp IFRI, đồng tác giả cuốn La Guerre de vingt
ans. Djihadisme et contre-terrorisme au XXIe siècle – Cuộc chiến 20 năm.
Thánh Chiến và chống khủng bố thế kỷ XXI. NXB Robert Laffont (2021), nhắc
lại về lai lịch Al Qaeda.
Marc Hecker : « Al Qaeda là một nhóm khủng bố thánh chiến được hình thành từ
cuối thập niên 1980 với những thành phần xuất thân từ hàng ngũ djihad ở
Afghanistan đánh đuổi quân Liên Xô khỏi quốc gia Nam Á này. Đến những năm 1990
Al Qaeda thực sự nhắm vào Hoa Kỳ. Năm 1996 lãnh đạo Al Qaeda là Oussam Ben
Laden. Ông này là một công dân Ả Rập Xê Út, chứ không phải là người
Afghanistan, đã công khai tuyên bố tiến hành thánh chiến chống Mỹ. Nhóm khủng bố
Hồi giáo này mở nhiều đợt tấn công nhắm vào các quyền lợi của Hoa Kỳ : 1998 tòa
đại sứ Mỹ ở thủ đô Nairobi – Kenya, sứ quán Hoa Kỳ ở Tanzania bị khủng bố tấn
công.
Hai năm sau, tàu chiến của Mỹ trong vùng biển Yemen
là mục tiêu bị nhắm tới. Đương nhiên, ngoạn mục nhất là loạt tấn công 11 tháng
9 năm 2001 ngay trên lãnh thổ Hoa Kỳ, siêu cường số 1 thế giới. Al Qaeda ra tay
cùng một lúc nhắm vào biểu tượng tài chính là khu Thương Mại Thế Giới World
Trade Center ở New York, vào trung tâm quyền lực quân sự là Lầu Năm Góc, và rất
có thể là vào biểu tượng chính trị của nền dân chủ Hoa Kỳ là tòa nhà Quốc Hội
Capitol. Nhưng nhờ nhiều hành khách can thiệp, chiếc máy bay thứ tư này đã rơi
trên một cánh đồng trước khi nhắm trúng mục tiêu ».
Tấn công
Afghanistan
Do vậy mặt trận đầu tiên trong cuộc chiến chống
khủng bố phải là Afghanistan. Marc Hecker giải thích tiếp.
Marc Hecker : « Sau loạt tấn
công 11 tháng 9, Hoa Kỳ tuyên bố mở cuộc chiến toàn diện chống khủng bố. Mục
tiêu chính là diệt trừ Al Qaeda. Afghanistan là mặt trận đầu tiên, do đây là
nơi trùm khủng bố Oussama Ben Laden chọn làm cứ điểm và ông này được Taliban
che chở. Al Qaeda đã lập nhiều trại huấn luyện trên lãnh thổ Afghanistan. Tháng
10/2001 Mỹ bắt đầu tấn công, gây nhiều thiệt hại nghiêm trọng cho Al Qaeda : tất
cả các trại đào tạo chiến binh djihad đều bị phá hủy, hàng ngũ của Taliban tan
tác.
Phong trào Hồi Giáo cực đoan này bị lật đổ năm 2001.
80 % chiến binh Al Qaeda bị vô hiệu hóa : số thì bị bắt, một số khác bị thương,
hoặc tử vong. Các thủ lĩnh của Al Qaeda phải bỏ chạy khỏi Afghanistan, trốn
chui trốn nhủi. Điều đó không cấm cản năm 2011 Ben Laden bị giết chết. Nhưng từ
trước khi Ben Laden bị tiêu diệt, nhóm khủng bố này đã cải tổ lại cơ cấu theo
hai hướng chính để tiếp tục tồn tại : Một là bám sâu vào từng khu vực địa lý,
gây dựng những chi nhánh tùy theo từng vùng. Chi nhánh ở Irak được hình thành
năm 2004 ; ở Bắc Phi là quãng 2006-2007, rồi ở vùng bán đảo Ả Rập vào năm
2009… Đương nhiên là Al Qaeda vẫn duy trì căn cứ tại Nam Á, tức là Afghanistan.
Hướng phát triển thứ nhì của Al Qaeda là đầu tư nhiều
vào các chiến dịch tuyên truyền ở quy mô quốc tế. Ý tưởng ở đây là kêu gọi những
người Hồi giáo ở khắp mọi nơi tham gia thánh chiến, tham gia các hoạt động khủng
bố, nhắm vào an ninh của các nước phương Tây. Để đạt mục đích này, Al Qaeda phổ
biến những cẩm nang hướng dẫn những người bình thường ra tay, tiến hành các vụ
khủng bố. Hình thức này đã khá phổ biến và đã dẫn tới những vụ tấn công thường
được gọi là từ những “con sói đơn lẻ”. Như vậy những thủ phạm không nhất thiết
phải là những chiến binh với nhiều kinh nghiệm hay có liên hệ trực tiếp với các
đường dây khủng bố ».
Sau Hoa Kỳ, trong hai thập niên qua, các tổ chức
thánh chiến Hồi Giáo đã gieo rắc kinh hoàng khắp năm châu, từ Ấn Độ tới
Indonesia, từ Somalie đến Maroc, hay Ai Cập, tại châu Âu thì các vụ tấn công ở
Luân Đôn, Paris hay Madrid, Frankfurt khiến công luận bàng hoàng. Ngay cả những
quốc gia thanh bình như Thụy Điển ở Bắc Âu hay New Zealand mãi tận bên kia bán
cầu cũng không được bình yên.
Trên đài RFI Việt ngữ Marc Hecker đồng tác giả
cuốn sách vừa cho ra mắt độc giả Pháp, Cuộc chiến 20 năm. Thánh Chiến
và chống khủng bố thế kỷ XXI giải thích về sức kháng cự đó trước liên
minh quốc tế hàng ngàn tỷ đô la mà phương Tây đã liên tục đổ vào trên dưới 80 mặt
trận chống thánh chiến khác nhau trên địa cầu, từ Syria đến Somalia.
Marc Hecker : « Các nhóm khủng bố đó
vẫn tồn tại và vẫn hoạt động rải rác khắp nơi với mức độ nguy hiểm tùy theo từng
vùng, tùy theo khả năng kháng cự trước những chiến dịch chống khủng bố của cộng
đồng quốc tế. Sự thực là không một nơi nào trên thế giới có thể khẳng định là
đã hoàn toàn diệt trừ khủng bố. Tại một số khu vực như ở vùng Sahel trải rộng từ
miền đông sang miền tây Phi châu, Al Qaeda đã tỏ ra thực tiễn : họ hòa mình vào
đời sống của các bộ tộc, kết thân với các bộ tộc đó để trụ lại những khu vực
này một cách lâu dài và tiếp tục chiến đấu.
Nhưng bên cạnh đó, thì phải chú ý đến một tổ chức khủng
bố khác, thù nghịch với Al Qaeda đó là Daech. Cả hai cùng tranh giành ảnh hưởng
để thống lĩnh các phong trào khủng bố trên thế giới. Hai tổ chức này kình chống
nhau. Daech có chiến thuật tàn bạo và khát máu hơn Al Qaeda. Daech là thủ phạm
những vụ tấn công đẫm máu hồi 2013-2015. Nhưng rồi từ 5 năm qua, tổ chức tự nhận
là Nhà Nước Hồi Giáo này đã sa sút nhiều. Nhưng Al Qaeda hay Daech vấn hiện hữu, vẫn có khả năng cầm cự và cả hai cùng nguy hiểm
như nhau ».
Trong mục tiêu chống khủng bố, loạt tấn công
11/09/2001 thúc đẩy hợp tác quốc tế, bởi như ghi nhận của Frank Emmanuel
Caillaud và Bruno Delamotte, Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược IRIS, trong bài
tham luận năm 2001 trong tập sách mang chủ đề Những bài học từ 11 tháng
9, mọi quốc gia đều ý thức rằng đó là giải pháp để « bảo vệ tốt hơn an ninh
cho chính mình ».
Hai thập niên sau, giám đốc Viện Quan Hệ Quốc
Tế Pháp – IFRI, Marc Hecker phân tích thêm về những tiến bộ của quốc tế trong
việc hơp tác chống khủng bố đó :
Marc Hecker : « Hợp tác quốc tế đã
liên tục được mở rộng. Ngay sau loạt khủng bố 11 tháng 9 Mỹ đã khởi động chiến
dịch chống khủng bố toàn diện. Hoa Kỳ không đơn thương độc mã khi lao vào trận
chiến Afghanistan. Điều khoản 5 của NATO lần đầu tiên trong lịch sử được áp dụng.
Các đồng minh của Mỹ trong Liên Minh Bắc Đại Tây Dương đã sát cánh với Hoa Kỳ -
khác với những gì xảy ra hai năm sau đó khi Washignton can thiệp quân sự tại
Irak.
Điều quan trọng không kém là trong số những đồng
minh cùng với Mỹ tham chiến ở Afghanistan có các các quốc gia Hồi Giáo. Ngoài vế
quân sự, hợp tác ở cấp quốc tế cũng đã được ghi nhận trên rất nhiều lĩnh vực
khác, thí dụ như trên mặt trận tài chính để chận các nguồn thu nhập của các
nhóm khủng bố, hay hợp tác chống chiến dịch tuyên truyền tuyển mộ chiến binh
thánh chiến … Cộng đồng quốc tế đã rất năng động, kể cả những chương trình hợp
tác ở cấp vùng, như là tại châu Âu hay châu Phi chẳng hạn ».
Điều khó hiểu là bất chấp hàng ngàn tỷ đô la
chi ra, 8.000 tỷ đô la trong 20 năm qua, theo như thẩm định của đại học Mỹ,
Brown- bang Rhode Island, và liên minh bao gồm những thế lực quân sự hàng đầu
thế giới, là Hoa Kỳ, châu Âu … và cả sự hậu thuẫn của các nước Hồi Giáo, vậy mà
vào lúc kỷ niệm 20 năm loạt khủng bố 11 tháng 9, một trung tâm nghiên cứu lâu đời
của Mỹ như American Enterprice Institute, tại Washington lại báo động « đề
cao cảnh giác » do nhiều nhóm thánh chiến « đã kêu gọi gia
tăng các đợt tấn công nhắm vào phương Tây ».
Al Qaeda có bị suy yếu, đối thủ của Al Qaeda
là Daech, có sa sút và đánh mất nhiều thành trì tại Syria và Irak, và cũng có
thể là không còn khả năng lên kế hoạch tấn công quy mô như loạt khủng bố tại
Paris ngày 13/11/2013 nhưng các chi nhánh của Tổ Chức Nhà Nước Hồi Giáo tại
Nigeria, Mali hay Yemen thì « vẫn con năng động. Daech vẫn có sức thu
hút những chiến binh mới ».
Nhà ngoại giao James Jeffrey, nguyên là đặc sứ
Hoa Kỳ bên cạnh liên minh quốc tế chống khủng bố trong tuần ghi nhận «
vẫn tồn tại một phần nguy cơ Daech diễn lại kịch bản tấn công như đã từng thấy
tại châu Âu và một lần nữa đó có thể là những vụ tấn công sẽ lại do những cá
nhân đã bị phương pháp hành động của quân thánh chiến thôi thúc ».
Trong bối cảnh đó, Marc Hecker, giám đốc viện
IFRI của Pháp đồng tác giả cuốn sách nói về cuộc chiến chống khủng bố trong 20
qua, kết luận :
Marc Hecker :« Một
trong những bài học 20 năm vừa qua là không thể diệt trừ hoàn toàn quân thánh
chiến bởi vì lý tưởng của các nhóm Hồi giáo cực đoan này rất là mạnh.
Tây phương và ngay cả các nước Hồi Giáo như Indonesia, Malaysia hay các vương
quốc dầu hỏa Trung Đông cũng không thể loại bỏ hẳn được những tư tưởng cực đoan
đó. Hơn nữa luôn luôn có những yếu tố xã hội, chính trị, những điều kiện kinh tế
khiến một số quốc gia, một số thành phần bị những tư tưởng cực đoan đó cuốn
hút. Thành thử thay vì đề ra mục tiêu bài trừ khủng bố tận gốc rễ, theo tôi, có
lẽ chúng ta nên hướng tới mục đích “khoanh vùng”, tránh để đe dọa khủng bố trở
nên quá lớn, tránh quá nguy hiểm và lan quá rộng về mặt địa lý ».
No comments:
Post a Comment