Tập
Cận Bình, từ Cách mạng Văn hóa đến độc tài kỹ thuật số
Thụy My
- RFI
Đăng ngày: 14/09/2021 - 17:56
Trong bài « Một sự thịnh vượng dưới giám
sát tại Trung Quốc » đăng trên Le Monde, tác giả Stéphane Lauer
nhấn mạnh đến hơi hướm Cách mạng Văn hóa hiện nay tại Hoa lục.
https://s.rfi.fr/media/display/38602c48-156d-11ec-a01b-005056a90284/w:900/p:16x9/02-1.webp
Ông Tập Cận Bình
phát biểu trong dịp kỷ niệm 100 năm thành lập đảng cộng sản Trung Quốc, ngày
28/06/2021 tại Bắc Kinh. REUTERS - THOMAS PETER
« Đại tự
báo » trên mạng, « bác Tập » đi vào sách giáo khoa
« Không chỉ tẩy rửa chất độc hại, mà phải nạo đến
tận xương » - một blogger nổi tiếng
dân tộc chủ nghĩa hôm 29/08, kêu gọi chấm dứt với « bè lũ tư bản »
làm giàu trên xương máu nhân dân, đồng thời đả kích các ngôi sao đang dẫn dắt lớp
trẻ vào ảnh hưởng văn hóa phương Tây.
Lời lẽ không khác thời thanh trừng mao-ít,
nhưng điều quan trọng không chỉ ở nội dung, mà còn là quy mô phổ biến. Được
truyền thông nhà nước đưa lại, bài viết này 15 ngày sau vẫn còn trên mạng.
Đương nhiên kiểu đại tự báo kỹ thuật số này không thể lan truyền nếu không có lệnh
của chính Tập Cận Bình.
Từ nhiều tháng qua, các tên tuổi hàng đầu của
high-tech Trung Quốc bị chính quyền quy cho nhiều tội : chạy theo lợi nhuận
quá đáng, làm hại đến an ninh quốc gia, lạm dụng vị trí độc quyền gây thiệt hại
cho người tiêu dùng và doanh nghiệp nhỏ. Một số bị trừng phạt, những người sáng
lập lui vào bóng tối, và lãnh vực này được yêu cầu tỏ ra hào hiệp trong việc
làm từ thiện.
Tuy các mục tiêu có vẻ tương tự như Hoa Kỳ và
châu Âu đối với GAFAM, nhưng không nên nhầm lẫn : Bắc Kinh muốn tăng cường
kiểm soát dữ liệu để bảo đảm sự thống trị của đảng cộng sản. Lâu nay là tủ kính
bày hàng cho sức mạnh đang lên của Trung Quốc, các tập đoàn internet giờ đây phải
lùi lại phía sau. Song song đó là những lời kêu gọi đưa giới trẻ vào khuôn khổ.
Mỗi tuần chỉ được chơi game không quá ba tiếng đồng hồ, và học sinh tiểu học được
phát sách giáo khoa mới trong đó giải thích những gì « bác Tập » đang
chờ đợi nơi các em.
Từ chủ trương đến
thực tế
Khái niệm « thịnh vượng chung », nguyên
văn trong tiếng Hoa là « cộng đồng phú dụ », được Mao đưa ra lần
đầu vào năm 1953 khi gom đất đai của nông dân vào hợp tác xã. Làm giàu nhanh giờ
đây bị nghi ngờ, đầu cơ địa ốc bị giám sát, thị trường dạy thêm béo bở được lệnh
phải chuyển sang phi lợi nhuận.
Nhưng đó là ý định, còn thực hiện thì phức tạp
hơn. Chẳng hạn việc hạn chế chơi game gợi nhớ vụ cấm chơi mạt chược thời Cách mạng
Văn hóa, chỉ có tác động hạn chế. Chuyên gia François Godement của Viện
Montaigne nhấn mạnh, nhiều cải cách được loan báo trước đây vẫn chưa được áp dụng
ở địa phương. Theo ông, Tập Cận Bình « gần với Stalin hay Lưu Thiếu Kỳ
hơn là Mao », ông ta « ghét sự hỗn loạn và các kiểu kiểm soát liên
quan đến thời Cách mạng Văn hóa ».
Chận trước những
tiếng nói phản biện
Nếu hồi năm 1957, chiến dịch « Trăm hoa
đua nở » nhằm thúc đẩy người khác lên tiếng để rồi đàn áp, thì đương kim
chủ tịch Trung Quốc lại muốn phòng bệnh hơn chữa bệnh. Thế nên Mã Vân (Jack
Ma), người sáng lập Alibaba đã bị khóa miệng ngay sau khi dám chỉ trích hệ thống
ngân hàng cho vay kiểu tiệm cầm đồ, không đợi đến lúc các tập đoàn high-tech
khác có những đề nghị để cải thiện hoạt động.
Về mặt chính trị, trước đại hội đảng 2022, Tập
Cận Bình vạch ra những lằn ranh không được phép vượt qua, đồng thời bảo đảm được
sự ủng hộ của đa số dân chúng chống lại tầng lớp thượng lưu và siêu giàu. Về
kinh tế, ông ta chuẩn bị tinh thần cho tình trạng tăng trưởng chậm lại. Những
phấn khởi hậu Covid đang lắng xuống.
Alain Wang, giảng viên CentraleSupélec giải
thích : « Đại dịch đã làm trầm trọng thêm những bất cập và cho thấy
một số mục tiêu vẫn chưa đạt được ». Đầu tư công không đủ, bất bình đẳng
trong y tế, giáo dục, nhà ở là khủng khiếp. Trung Quốc cũng không thúc đẩy được
tiêu dùng nội địa để bù đắp lại xuất khẩu giảm, vì người dân không có khả năng.
Không chắc chính quyền giải được phương trình
kinh tế nhờ chủ trương mới. Ngược lại, có một điều chắc chắn là Tập Cận Bình tự
trang bị cho mình phương tiện để dự báo trước những chống đối trong trường hợp
thất bại. Về điểm này, việc siết lại internet rõ ràng là một bước dấn lên theo
hướng một sự giám sát đại trà. Nếu việc quay lại với Cách mạng Văn hóa vẫn chưa
rõ ràng, thì bước tiến về « độc tài kỹ thuật số » chưa bao giờ hiện
thực như thế.
Taliban quay lại :
Chiến thắng của Pakistan, nhưng với cái giá không rẻ
Liên quan đến Afghanistan, thông tín viên Le
Monde ở New Delhi nhận định, Pakistan là người hưởng lợi trước nhất với sự
quay lại của Taliban. Le Monde nêu bật một hình ảnh : Faiz Hameed,
giám đốc cơ quan tình báo Pakistan (ISI) mặc thường phục, tách cà phê trên tay,
đứng giữa một phái đoàn cao cấp, là quan chức ngoại quốc đầu tiên quay lại
Kabul kể từ khi phương Tây ra đi. Việc Taliban lên nắm quyền đã mang lại vai
trò chiến lược mà quân đội Pakistan luôn tìm kiếm trong sự đối địch với kẻ thù
muôn thuở là Ấn Độ.
Từ 40 năm qua ISI coi Afghanistan là trung tâm
của chiến lược khu vực, chứa chấp và đào tạo các nhóm nổi dậy. Mục tiêu nhằm
tránh hai mối đe dọa : bị bao vây trong trường hợp có chiến tranh với Ấn Độ,
và không bị ảnh hưởng đến toàn vẹn lãnh thổ. Đó là vì biên giới dài 2.670
kilomet với Afghanistan do người Anh vẽ và đặt tên là đường Durand bị Kabul
không công nhận, còn người Pachtoun đòi thống nhất khu vực đang được
Afghanistan và Pakistan chia sẻ. Pakistan muốn dập tắt ý đồ độc lập của người
Pachtoun bằng cách Hồi giáo hóa họ.
Với việc Mỹ rút quân, mục tiêu thứ nhất của
ISI đã đạt được : không còn liên minh giữa Ấn Độ và Kabul. Ấn Độ vốn đã đầu
tư nhiều vào Afghanistan, buộc lòng phải hướng về phương Tây, và giờ đây chính Ấn
Độ bị bao vây bởi trục Pakistan-Afghanistan-Trung Quốc.
Mục tiêu thứ hai thì khó hơn : không có
gì cho thấy Taliban sẽ công nhận đường ranh Durand, và phong trào Pachtoun có
thể nổi dậy. Cựu đại sứ Pakistan tại Mỹ, Husain Haqqani dự báo chiến thắng của
Pakistan là một chiến thắng phải trả giá đắt, với vô số nguy cơ về an ninh, như
các nhóm cực đoan chống lại Islamabad, luồng người tị nạn không thể kiểm soát
(tại Pakistan đã có 4 triệu người Afghanistan), buôn lậu vũ khí và ma túy.
Vị trí Qatar được
nâng lên nhờ cuộc khủng hoảng Afghanistan
Còn theo Libération, Qatar đang gặt hái
thành quả những gì đã đầu tư ở Afghanistan. Nhật báo thiên tả nhìn thấy một
hình ảnh khác : một chiếc Airbus A350 mang dòng chữ Qatar Airway cất cánh
từ phi trường Kabul hôm thứ Năm tuần trước, chở theo khoảng 100 hành khách. Đó
là chuyến bay dân sự đầu tiên từ thủ đô Afghanistan sau khi lực lượng Mỹ đã ra
đi hôm 30/08. Không hề là một sự tình cờ.
Là trung gian giữa Taliban trong việc di tản
thường dân Afghanistan và công dân các nước phương Tây, Qatar đã có được tầm ảnh
hưởng mới. Từ 15 ngày qua, các vị bộ trưởng, viên chức cao cấp phương Tây tấp nập
đến Doha.
Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian có mặt ở
Doha Chủ nhật và thứ Hai 13/09 để gặp gỡ và cảm ơn chính quyền Qatar. Trước ông
là các ngoại trưởng Mỹ, Đức, Hà Lan, Anh, Ý, tất cả đều ca ngợi vai trò của
Qatar trong việc đưa mấy chục ngàn người ra khỏi Afghanistan – trong số đó có
49 công dân Pháp cùng với gia đình vừa về được Paris chiều hôm qua. Ngoại trưởng
Mỹ Antony Blinken hôm 07/09 tại Doha nói rằng không nước nào có thể làm được
nhiều hơn Qatar trong việc di tản. Doha cung cấp 10.000 suất ăn ba bữa một ngày
cho người di tản, mở các bệnh viện, phối hợp hoạt động của các tổ chức nhân đạo.
Việc mở lại phi trường Kabul cho các chuyến bay dân sự là kết quả các cuộc
thương lượng ráo riết của ngoại giao Qatar.
Nằm cách Kabul đến 4.000 kilomet, nhưng Doha
đã trở thành trung tâm các hoạt động ngoại giao và hậu cần quốc tế. Nhiều nước
đã chuyển đại sứ quán từ Kabul sang, kể cả Hoa Kỳ, Anh, Hà Lan, Nhật Bản. Là quốc
gia duy nhất quan hệ với Taliban trong những năm gần đây, Qatar trở thành người
đối thoại không thể thiếu vắng đối với các nước có liên quan đến cuộc khủng hoảng
Afghanistan. Đây là thành công rất lớn sau nhiều năm muốn đóng vai trò trung
gian hòa giải trong khu vực nhưng không kết quả, lại bị Ả Rập Xê Út, Các tiểu
vương quốc Ả Rập Thống Nhất, Bahrein và Ai Cập cấm vận trong suốt ba năm.
Nguyên tử :
Iran có nhượng bộ phương Tây nhưng cố tình câu giờ
Cũng liên quan đến Trung Đông, La Croix cho
rằng Teheran tỏ ra cứng rắn hơn trong hồ sơ nguyên tử, Les Echos ghi nhận
Iran và phương Tây tránh được đổ vỡ vào giờ chót. Còn theo Le Figaro
« Teheran đã có nhượng bộ nhưng lại thách thức sự kiên nhẫn của phương
Tây », khi bị dồn đến chân tường mới chịu hạ giọng.
La Croix giải thích, các thanh
tra của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (AIEA) sẽ có thể bảo trì thiết bị
và thay thế các đĩa cứng của các camera đặt tại những địa điểm nguyên tử của
Iran. Thỏa thuận lần trước đã hết hạn từ tháng Sáu, AIEA lo bị mất dữ liệu nếu
đĩa cứng bị đầy. Tổ chức quốc tế này vẫn chưa tham khảo được dữ liệu, nhưng các
camera được niêm phong cho đến khi nào đàm phán Vienna đạt kết quả. Iran có được
nhượng bộ này sau khi Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế công bố một báo cáo
rất nghiêm khắc về những thủ đoạn của Teheran để tránh né giám sát.
Liệu ban lãnh đạo mới của Iran có quay lại với
hiệp ước năm 2015 ? Nhà nghiên cứu Clément Therme dự báo tân chính phủ sẽ
câu giờ, đồng thời tìm cách đạt được một thỏa thuận có lợi hơn trước. « Việc
dỡ bỏ trừng phạt dù chỉ một phần là mục tiêu ưu tiên của tổng thống Raissi, để
phát triển thương mại với các nước láng giềng, củng cố quan hệ với Trung Quốc
và Nga ». Về lâu về dài, ông ta muốn xây dựng một mô hình kinh tế
tránh được ảnh hưởng của Mỹ.
Về phía phương Tây, cần ngăn cản Iran chế tạo
bom nguyên tử. Hoa Kỳ và châu Âu đều muốn tiếp tục đàm phán. Còn nếu chương
trình hạt nhân của Iran đã tiến bộ đến mức hiệp ước không thể ngăn chận được, Mỹ
và đồng minh có thể quay lại với chính sách cây gậy và củ cà rốt : trừng
phạt thêm, nhưng vẫn cố gắng đạt được một thỏa thuận vững chắc hơn với Iran. Le
Figaro cho biết Paris và Washington muốn đưa thêm điều khoản vấn đề hỏa tiễn
đạn đạo của Iran - đang đe dọa các đồng minh ở Trung Đông. Les Echos nhắc
nhở, lệnh cấm vận của Donald Trump đã làm cho thu nhập từ dầu lửa của Iran chỉ
còn 1/5.
No comments:
Post a Comment