Saturday, 25 September 2021

TẠI SAO TÔI KHÔNG VÀO ĐẢNG? (Ngô Huy Cương)

 


TẠI SAO TÔI KHÔNG VÀO ĐẢNG? 

Ngô Huy Cương

24/09/2021  22:50    

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=1495637040805639&id=100010780718014

 

Sếp tôi hiện nay góp phần khiến tôi quyết định không vào Đảng nữa.

 

Bắt đầu tốt nghiệp Đại học Luật Hà Nội, tôi vào làm việc ở Trọng tài Kinh tế ngành hàng không dân dụng.

 

Trong suốt thời gian trong quân ngũ và khi đi làm ở ngành hàng không dân dụng, cũng như khi làm ở Văn phòng Quốc hội, tôi không có ý định vào Đảng vì tôi luôn muốn nói lên ý kiến của riêng mình để xây dựng.

 

Có lần PGS. TS. Lê Minh Thông (về sau này làm trợ lý cho bà Nguyễn Thị Kim Ngân- Chủ tịch Quốc hội) có nói với tôi từ khi tôi đang học cao học rằng: Mình thấy Cương sắc sảo về chính trị đấy, nhưng phải vào Đảng vì chỉ có vào Đảng mới có hậu thuẫn chính trị để phát huy tác dụng.

 

Tôi vẫn không muốn vào Đảng dù tôi luôn là người xây dựng những cái mới cho đất nước, có thể tóm tắt như sau:

 

+ Tôi là người tham gia chủ yếu xây dựng nên Luật Hàng không Dân dụng năm 1991 để đưa ngành hàng không dân dụng về trực thuộc Bộ Giao thông, Vận tải và Bưu điện theo quyết định của Đảng. Tôi đã được anh hùng quân đội, thiếu tướng Nguyễn Hồng Nhị biệt phái sang Bộ Giao thông, Vận tải và Bưu điện để xây dựng đạo luật này và cùng anh em khác xây dựng Vụ Hàng không của bộ này. Khi Luật được thông qua, rất rất nhiều anh chị em ở ngành hàng không chửi tôi vì tôi đã góp phần giúp Bộ Giao thông, Vận tải và Bưu điện thôn tính ngành hàng không. Nhưng tôi chỉ nghĩ tôi đã làm theo ý tưởng của Đảng. Tuy nhiên, với phẩm chất của một vị tướng và của một người anh hùng, ông Nguyễn Hồng Nhị vẫn gọi tôi về lại Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) để xây dựng pháp chế ngành hàng không dân dụng và thành lập Cục Hàng không dân dụng Việt Nam, đồng thời tham gia xây dựng và là thành viên Hội đồng Khoa học đầu tiên của ngành hàng không dân dụng (dù lúc ấy tôi mới chỉ là cử nhân luật), và còn là một trong những thành viên đầu tiên của đội thuê mua tàu bay do TS. Lương Hoài Nam làm đội trưởng.

 

+ Tôi là người xây dựng Phòng pháp chế của Cục Hàng không dân dụng Việt Nam và được bổ nhiệm Phó phòng quyền Trưởng phòng vì tôi không phải là Đảng viên.

 

+ Tôi được giao nhiệm vụ làm Luật sửa đổi, bổ sung Luật Hàng không dân dụng để đưa ngành hàng không ra khỏi Bộ Giao thông, Vận tải và Bưu điện vì Bộ này không hiểu biết về hàng không, đến mức độ anh em bên vụ bưu điện của Bộ này thường nói: anh em bên bưu điện báo cáo với lãnh đạo bộ như thu phát không trên cùng một tần số. Tôi đã hoàn thành nhiệm vụ và đưa Cục Hàng không về trực thuộc Chính phủ vào năm 1995. Khi ông Nguyễn Hồng Nhị nghỉ hưu, ông anh hùng quân đội, đại tá Nguyễn Tiến Sâm về làm Cục trưởng. Tôi đã không đồng ý với nhân cách của ông Sâm, nên từ chức và chuyển lên làm việc tại Vụ Pháp luật của Văn phòng Quốc hội vào năm 1998.

 

+ Tôi được giao nhiệm vụ giúp cho Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thẩm tra Dự án Bộ luật Hình sự năm 1999. Nhưng tôi lại ủng hộ Bộ Tư pháp bảo vệ qui định truy cứu trách nhiệm hình sự pháp nhân. Hầu hết Đại biểu Quốc hội thường trực Ủy ban Pháp luật và cán bộ của Vụ Pháp luật không đồng ý truy cứu trách nhiệm hình sự pháp nhân do không hiểu và còn một phần nữa do ghét ông Nguyễn Đình Lộc (lúc đó làm Bộ trưởng Bộ Tư pháp) vì trước đó ông Lộc làm Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội kiêm Vụ trưởng Vụ Pháp luật là một bên trong mối hiềm khích cục bộ địa phương. Vậy là họ nói tôi tiếp tay cho Bộ Tư pháp để bảo vệ quan điểm chống lại Ủy ban Pháp luật. Tôi rất coi thường nên xin về Trung tâm Thông tin, Thư viện và Nghiên cứu Khoa học của Văn phòng Quốc hội để làm việc.

 

+ Tôi lại được giao nhiệm vụ xây dựng Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp. Số đầu tiên ra đời, để tôi ổn định, TS. Nguyễn Sỹ Dũng (lúc đó làm Giám đốc Trung tâm) rỉ tai ông Vũ Mão (Lúc đó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội) bổ nhiệm tôi theo kiểu vỗ vai (có nghĩa là không chính thức) làm Thư ký tòa soạn tạp chí vì tôi không phải Đảng viên, nghịch, bướng và quá thẳng. Ông Vũ Mão thường nói với tôi rất nhẹ nhàng là: Tính của Cương đúng là như tên của Cương; Cương cố gắng phấn đấu đi; Chẳng nhẽ người ta kém hơn mình mà người ta được chức nọ, chức kia còn mình thì lại không được gì thì thiệt lắm. Tôi lắng nghe nhưng vẫn không có ý định vào Đảng.

 

+ Tôi xin chuyển về Đại học Luật Hà Nội (Khoa Luật Quốc tế), nhưng hồ sơ cứ bị om và không có ý kiến gì phản hồi. Năm 2002, biết bao trầy trật, tôi mới xin được về Khoa Luật- Đại học Quốc gia Hà Nội để đi dạy học và tôi chấp nhận bỏ hết bậc lương chuyên viên chính bậc 4 để làm giảng viên thường vì tôi quá chán cách làm việc trong các cơ quan Nhà nước.

 

+ Tôi nhận chức Chủ nhiệm Bộ môn Luật Kinh doanh hoàn toàn do anh chị em bộ môn bỏ phiếu kín giới thiệu, chi ủy Khoa và cán bộ chủ chốt tán thành và Chủ nhiệm Khoa ra quyết định có sự chấp thuận của ĐHQGHN.

 

+ Tôi lại chuyển sang làm Chủ nhiệm Bộ môn Luật Dân sự vào năm 2014 hoàn toàn do Đảng ủy Khoa yêu cầu để phát triển bộ môn này, có sự nhất trí của toàn bộ cán bộ chủ chốt và chấp thuận của ĐHQGHN.

 

Có một sự kiện liên quan tới quyết định của tôi không bao giờ vào Đảng như sau:

 

Hôm ấy đúng sáng mùng một tết, GS. TS. Phạm Hồng Thái (Chủ nhiệm Khoa Luật- ĐHQGHN) gọi tôi đến nhà riêng. Làm mấy tuần rượu xong, ông Thái nói: tớ là bí thư chi bộ mà không hoàn thành nhiệm vụ vì cậu là cán bộ chủ chốt mà không vào Đảng; cậu nghe tớ phấn đấu đi. Tôi cũng luôn luôn bị cha tôi thúc ép vào Đảng vào những ngày tết hàng năm. Vậy là tôi “vâng”.

 

Ông Nguyễn Trọng Điệp (lúc đó là Trưởng phòng đào tạo, bây giờ là Phó chủ nhiệm Khoa) giúp đỡ tôi phấn đấu.

 

Khi “trứng” có thể nở thành “vịt”, họ tổ chức cho công đoàn họp để giơ tay biểu quyết. Tất cả đều đồng ý cho tôi vào Đảng, trừ 04 người trong đó có sếp của tôi bây giờ (lúc ấy làm Phó Chủ nhiệm Khoa).

 

Họ không biểu quyết cho tôi vào Đảng công khai vì lo sợ ông Điệp và tôi cạnh tranh chức vụ với họ. Họ đã nhầm vì tôi đã đầy cơ hội và đầy khả năng để làm như trên tôi đã nói, nhưng tôi không máu chức vụ theo kiểu hèn hạ. Ông Giám đốc Viện vi sinh bên cạnh nói với tôi: Nếu ông thực sự muốn vào Đảng thì tôi sẽ kết nạp ông ở chi bộ bên tôi. Tôi cảm ơn và từ chối.

 

Tôi thấy hèn hạ quá nên tôi đã viết đơn lên Đảng ủy Đại học Quốc gia Hà Nội xin ngừng làm thủ tục vào Đảng để “phấn đấu thêm”. Nhưng thực chất, tôi không bao giờ phấn đấu vào Đảng nữa khi Đảng vẫn còn những kẻ lợi dụng Đảng để tiến thân như vậy.

 

Tôi không thù oán gì họ và rất vui vẻ giúp đỡ họ.

 

Trong nhóm 04 người đó, có một người anh em cùng bộ môn với tôi (lại là đồng hương Hưng Yên với tôi). Nhưng sau này khi làm Trưởng Bộ môn Luật Dân sự tôi vẫn giúp đỡ và quý mến anh ấy hết lòng vì anh ấy lúc đó bị ép phải làm như vậy, cả bộ môn biết.

 

Tôi luôn luôn từ chối nhận danh hiệu thi đua khen thưởng, nhưng luôn luôn đề nghị anh chị em trong bộ môn bỏ phiếu ủng hộ cho sếp tôi được những danh hiệu thi đua vì sếp tôi ở cùng bộ môn với tôi và còn giúp sếp nhiều việc rất thiết thực, quý mến và yêu sếp.

Tôi nói có mọi người làm chứng.

 

Ấy vậy mà sếp tôi lại chọc ngoáy vào câu chuyện hèn hạ của chính mình năm xưa, coi thường cái vị thế quần chúng của tôi. Ai mà chẳng bực?

 

.

190 BÌNH LUẬN   

.

==========================================

.

.

XEM THÊM

 

ĐẤU TRANH VÌ CÁI GÌ?   

Nguyễn Đình Cống

23/09/2021  22:42  

https://www.facebook.com/ngdinhcong/posts/4645175155503703

 

Mấy lâu nay theo chống đại dịch nên vụ àn Đồng Tâm và Hồ Duy Hải bị lắng xuống. Bị lắng xuống nhưng xin hãy ghi nhớ và tiếp tục đấu tranh, đừng để tắt ngúm. Nhưng đấu tranh vì cái gì, vì mạng sống của mấy người con cụ Kình, của HD Hải hay là vì để BẢO VỆ CÔNG LÝ, để không cho những kẻ lợi dụng quyền lực để dẫm đạp lên đạo đức và luật pháp, để coi thường ý kiến của những người bảo vệ công lý , để “ỉa vào miệng” của số đông nhân dân đòi công bằng.

 

Gần đây Luật sư Lê Hồng Phong công bố những chứng minh Hải hoàn toàn vô tội, rằng có rất nhiều chứng cứ xác thực Hải có mặt ở một đám tang trong suốt thời gian xảy ra vụ giết người ở Bưu điện Cầu Voi. Thế rồi có người khẳng định : “Chứng cứ mạnh mẽ và vững chắc để có phiên tòa tái thẩm cho vụ Hồ Duy Hải”.

 

Xin rất hoan nghênh tinh thần của tác giả lời khẳng định, nhưng nội dung lời đó có điều cần trao đổi về mục đích và điều kiện của tòa tái thẩm.

 

Về mục đích, như đã viết ở trên, phiên tòa tái thẩm là để xử lại vụ án HD Hải, nhưng mục đích của những người đấu tranh phải đặt cao hơn là bảo vệ công lý. Phải đặt mục tiêu cao cả như vậy mới đủ dũng khí để dấn thân, để quyết chí vượt mọi khó khăn trở ngại, để nhận được sự ủng hộ rông rãi của nhân dân Việt nam và của toàn nhân loại tiến bộ.

 

Chính quyền cộng sản, ngoài mồm thì nói vì dân nhưng lại quen xem từng người dân như cỏ rác thì họ chẳng xem mạng sống của những người như Lê Đình Kình, Hồ Duy Hải là có gì đáng giá so với việc giữ chức vụ cho loại người như chánh án Nguyễn Hòa Bình. Họ chà đạp công lý nhưng không dám công khai công nhận điều đó. Vì vậy phải vạch trần cho được sự ngạo mạn của họ, phải làm cho toàn dân thấy đấu tranh giữ mạng sống cho HD Hải là quan trọng, nhưng qua đó đấu tranh để giữ được công lý là quan trọng hơn nhiều.

 

Về điều kiện của tòa tái thẩm. Chứng cứ dù mạnh đến đâu thì cũng chỉ mới là để có ai đó dùng nó mà kiện ra tòa, mà yêu cầu Quốc hội xem xét. Nhưng nếu có người kiện mà tòa cứ im lặng, có người yêu cầu mà Quốc hội vẫn làm thinh thì làm sao đây. Họ sẽ trả lời rằng họ nghe theo chỉ thị mồm của ai đó chứ không cần tuân theo luật pháp. Thế thì làm gì được nhau nào.

 

Vì vậy câu “Có phiên tòa tái thẩm” chưa thể xem là một khẳng định.

 

.

101 BÌNH LUẬN  




No comments:

Post a Comment

View My Stats