Sunday, 19 September 2021

TÁC ĐỘNG TỪ VIỆC MỸ & ANH HỖ TRỢ ÚC PHÁT TRIỂN TÀU NGẦM HẠT NHÂN (The Economist)

 


Tác động từ việc Mỹ và Anh hỗ trợ Úc phát triển tàu ngầm hạt nhân

The Economist

Phan Nguyên, biên dịch

16/09/2021

http://nghiencuuquocte.org/2021/09/16/tac-dong-tu-viec-my-va-anh-ho-tro-uc-phat-trien-tau-ngam-hat-nhan/

 

Chỉ có 6 quốc gia trên thế giới — Mỹ, Anh, Trung Quốc, Pháp, Ấn Độ và Nga — hiện đang vận hành tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Úc có thể trở thành nước thứ bảy một cách bất ngờ.

 

Trong một tuyên bố đưa ra trong lần xuất hiện chung trên truyền hình vào ngày 15 tháng 9, Joe Biden, Boris Johnson và Scott Morrison, các nhà lãnh đạo của Mỹ, Anh và Úc, đã công bố điều mà họ mô tả là “quan hệ đối tác an ninh ba bên nâng cao”, có tên là AUKUS. Sáng kiến ​​đầu tiên, và là viên ngọc trên vương miện của họ, sẽ là việc hợp tác phát triển tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân trong tương lai cho Hải quân Hoàng gia Úc. Hiệp ước này, sẽ được ký chính thức tại Washington vào tuần tới, phản ánh mối quan ngại chung của họ về sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc, và mong muốn của Mỹ trong việc tăng cường khả năng quân sự của các đối tác châu Á.

 

AUKUS dựa trên một ý tưởng của Úc. Nó sẽ bao gồm hợp tác ngoại giao, an ninh và quốc phòng ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Nó cũng bao gồm hợp tác về phát triển năng lực không gian mạng, trí tuệ nhân tạo, công nghệ lượng tử và “các khả năng bổ sung dưới đáy biển”, chẳng hạn như cảm biến dưới nước và máy bay không người lái. Tuy nhiên, yếu tố gây chú ý nhất là thỏa thuận về tàu ngầm, được cho là hoạt động hợp tác quốc tế quan trọng nhất thế giới về phát triển năng lực quốc phòng trong nhiều thập kỷ qua. Australia trước đây đã ký một hợp đồng trị giá 90 tỷ đô la với Naval Group, một công ty của Pháp, để đóng 12 tàu ngầm diesel-điện tiên tiến, nhưng không hài lòng khi công ty này không đầu tư đầy đủ cho các nhà cung cấp địa phương. Bây giờ Australia đang hủy bỏ thỏa thuận đó.

 

Thay vào đó, họ sẽ mua tàu ngầm hạt nhân, và các đối tác của họ sẽ là Mỹ và Anh, cả hai đều đã vận hành các tàu ngầm như vậy trong nhiều thập niên. Chúng tôi sẽ tận dụng chuyên môn từ Hoa Kỳ và Vương quốc Anh, tận dụng các chương trình tàu ngầm của hai quốc gia này, để đưa tàu ngầm của Úc vào hoạt động sớm nhất có thể”, tuyên bố chung hứa hẹn. Một số tờ báo của Úc đã đưa tin rằng, Mỹ có thể sẽ vận hành các tàu ngầm tấn công ngoài khơi từ cảng HMAS Sterling, một căn cứ hải quân của Úc ở Perth, trong thời gian chờ đợi.

 

Việc mua các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân sẽ hỗ trợ đáng kể cho hải quân Australia. Chúng lớn hơn và đắt hơn, nhưng cũng nhanh hơn và có thể ở dưới nước lâu hơn nhiều so với các loại tàu ngầm diesel-điện, như các tàu ngầm lớp Collins hiện nay của Úc, vốn cần phải nổi lên mặt nước định kỳ. Chúng cũng có thể đi biển lâu hơn mà không cần tiếp tế, một yếu tố quan trọng trong một Thái Bình Dương rộng lớn. Trung tâm Đánh giá Chiến lược và Ngân sách (CSBA), viện nghiên cứu chính sách của Mỹ, tính toán rằng trong khi một tàu ngầm diesel-điện đi từ Perth có thể hoạt động trong 11 ngày ở Biển Đông, thì một tàu ngầm hạt nhân có thể hoạt động trong hơn hai tháng.

 

Theo Malcolm Davis thuộc Viện Chính sách Chiến lược Australia (ASPI), các tàu mới được đề xuất sẽ cung cấp “sức mạnh tấn công… thực sự”, “đó là những gì chúng ta cần để răn đe và đối phó với thách thức ngày càng tăng từ Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc”. Mối quan hệ của Australia với Trung Quốc ngày càng trở nên băng giá. Năm ngoái, Trung Quốc đã áp đặt lệnh cấm đối với nhiều hàng hóa khác nhau của Australia để đáp trả việc nước này kêu gọi điều tra nguồn gốc của đại dịch coronavirus.

 

Mối quan hệ hợp tác mới cũng diễn ra vào thời điểm thích hợp đối với ông Biden. Việc ông rút quân khỏi Afghanistan và sự sụp đổ sau đó của chính phủ nước này đã khiến nhiều đồng minh lo ngại về độ tin cậy của Mỹ. Trên lý thuyết, việc rút quân đó là một phần trong quá trình tái định hướng nói chung các nguồn lực ngoại giao và quân sự của Mỹ sang châu Á. Nhưng trên thực tế, nhiều đồng minh đã tỏ ra nghi ngờ. “Cách tiếp cận của chính quyền Biden đối với Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương cho đến nay thiếu sự tập trung và tính cấp bách,” một báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Hoa Kỳ (USSC) tại Đại học Sydney hồi tháng trước phàn nàn.

 

Ashley Townshend, đồng tác giả của báo cáo đó, nói rằng việc ông Biden sẵn sàng chia sẻ công nghệ quốc phòng tiên tiến – “điều mà Mỹ hiếm khi sẵn lòng làm” – là một điều ngạc nhiên đáng hoan nghênh. “Nó gợi ý một cách tiếp cận mang tính chiến lược hơn đối với phòng thủ tập thể.” Vào ngày 24 tháng 9, ông Biden cũng sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa các nhà lãnh đạo của Bộ tứ, một khối ngoại giao đang phát triển bao gồm Mỹ, Úc, Nhật Bản và Ấn Độ.

 

Tuy nhiên, hợp tác hạt nhân giữa Mỹ, Úc và Anh không phải là không có vấn đề. Phil Weir, một chuyên gia hải quân cho biết: “Hải quân Mỹ đang thường xuyên thiếu tàu ngầm và tình hình có thể xấu đi trước khi tốt hơn”. Ông nói rằng năng lực xây dựng lò phản ứng hạt nhân của Mỹ và Anh cũng bị giảm sút. Việc xây dựng năng lực bổ sung để hỗ trợ chương trình của Úc sẽ mất nhiều năm. Tuyên bố của các nhà lãnh đạo vào ngày 15 tháng 9 nói rằng “giai đoạn xác định phạm vi ban đầu” sẽ kéo dài 18 tháng. Vào năm 2017, Marise Payne, khi đó là Bộ trưởng Quốc phòng Australia và hiện là Bộ trưởng Ngoại giao của nước này, thừa nhận rằng một hạm đội tàu ngầm hạt nhân “thuộc chủ quyền Australia” sẽ mất “nhiều hơn một thập niên”, và sẽ “có chi phí rất đáng kể so với hạm đội thông thường của chúng tôi”.

 

Năng lượng hạt nhân cũng có ý nghĩa chiến lược rộng hơn. Mặc dù hiệp ước cấm phổ biến vũ khí hạt nhân cấm các thành viên là nước chưa có vũ khí hạt nhân chế tạo bom, nhưng hiệp định có một lỗ hổng là nó cho phép các nước đưa vật liệu hạt nhân ra khỏi sự giám sát quốc tế chính thức nếu vật liệu này được sử dụng cho tàu ngầm. Tuy nhiên, uranium được làm giàu trong tàu ngầm cũng giống như uranium được sử dụng trong bom hạt nhân. Đáng nói là, nhiên liệu được sử dụng trong cả tàu ngầm của Anh và Mỹ đều được làm giàu đến mức đặc biệt cao.

 

Mặc dù Úc ít có khả năng muốn có bom hạt nhân cho riêng mình – nước này đã từ bỏ việc theo đuổi vũ khí hạt nhân vào năm 1973 – nhưng các quốc gia muốn khám phá về hạt nhân khác có thể coi tàu ngầm là một con đường thuận tiện để có nhiên liệu chế tạo bom. Brazil đang tìm cách phát triển tàu ngầm hạt nhân của riêng mình, và hy vọng sẽ đưa vào sử dụng vào những năm 2030, trong khi Iran đã từng thử nghiệm ý tưởng này trong quá khứ. Hàn Quốc trong tuần này đã thử nghiệm một tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm thông thường, và cũng sẽ được quốc tế theo dõi chặt chẽ. Trong khi đó, các thủy thủ tàu ngầm Úc sẽ mở nút chai ăn mừng và lấy sách giáo khoa vật lý ra nghiên cứu.

 

                                                   *****

 

Nguồn: “Australia is getting nuclear subs, with American and British help”, The Economist, 15/09/2021.

 

-------------------------

.

LIÊN QUAN

.

Úc phạm ‘sai lầm to lớn’ vụ hủy hợp đồng tàu ngầm, đại sứ Pháp nói

VOA Tiếng Việt

18/09/2021

https://www.voatiengviet.com/a/uc-pham-sai-lam-to-lon-vu-huy-hop-dong-tau-ngam-dai-su-phap-noi/6234039.html

 

https://gdb.voanews.com/97CBDDDE-E8F8-4C5C-A6E5-23826C974AA6_w650_r1_s.jpg

Đại sứ Pháp tại Úc Jean-Pierre Thébault đến sân bay Sydney, ngày 18 tháng 9, 2021.

 

Úc phạm sai lầm ngoại giao “to lớn” khi hủy bỏ đơn đặt hàng trị giá hàng tỉ đôla mua tàu ngầm của Pháp để theo đuổi một thỏa thuận thay thế với Mỹ và Anh, đại sứ Pháp tại Canberra nói ngày thứ Bảy.

 

Úc ngày thứ Năm thông báo sẽ hủy bỏ thỏa thuận năm 2016 với Tập đoàn Hải quân của Pháp để xây dựng một hạm đội tàu ngầm thông thường và thay vào đó đóng ít nhất tám chiếc chạy bằng năng lượng hạt nhân với công nghệ của Mỹ và Anh sau khi đạt được quan hệ đối tác an ninh ba bên.

 

Quyết định của Úc cũng khiến Trung Quốc, cường quốc đang trỗi dậy ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, tức giận. Malaysia ngày thứ Bảy bày tỏ lo ngại rằng quyết định đóng tàu ngầm chạy bằng năng lượng nguyên tử của Canberra có thể gây ra một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân trong khu vực.

 

Pháp, một đồng minh khối NATO của Mỹ và Anh, gọi việc hủy bỏ thỏa thuận - trị giá 40 tỉ đôla vào năm 2016 và được cho là đáng giá hơn nhiều vào thời điểm hiện nay - là một cú đâm sau lưng và triệu hồi đại sứ từ Washington và Canberra về nước.

 

“Đây là một sai lầm to lớn, một cung cách xử lý rất, rất tệ mối quan hệ đối tác - bởi vì đó không phải là một hợp đồng, đó là một quan hệ đối tác mà lẽ ra phải dựa trên sự tin tưởng, thông hiểu lẫn nhau và chân thành,” Đại sứ Jean-Pierre Thébault nói với các phóng viên ở Canberra trước khi trở lại Paris.

 

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nói Pháp là một “đồng minh thiết yếu” và Mỹ sẽ nỗ lực trong những ngày tới để giải quyết những khác biệt.

 

Ông Thébault nói ông rất buồn phải rời khỏi Úc nhưng nói thêm rằng “cần phải đánh giá lại” mối quan hệ song phương.

 

Úc nói họ lấy làm tiếc về việc triệu hồi đại sứ Pháp, và rằng họ coi trọng mối quan hệ với Pháp và sẽ tiếp tục hợp tác với Paris về các vấn đề khác.

 

“Úc hiểu sự thất vọng sâu sắc của Pháp về quyết định của chúng tôi, vốn được đưa ra phù hợp với lợi ích an ninh quốc gia rõ ràng và đã được truyền đạt của chúng tôi,” một phát ngôn viên của Bộ trưởng Ngoại giao Marise Payne nói.

 

Bất hòa giữa Paris và Canberra đánh dấu điểm thấp nhất trong quan hệ của hai nước kể từ năm 1995, khi Úc phản đối quyết định của Pháp tái tục thử nghiệm hạt nhân ở Nam Thái Bình Dương và triệu hồi đại sứ nước này về để tham vấn, theo Reuters.

 

 

12 COMMENTS 




No comments:

Post a Comment

View My Stats