Sunday, 5 September 2021

SÀI GÒN NGÀY PHONG TỎA THỨ 59 (Đỗ Duy Ngọc)

 


Sài Gòn ngày phong tỏa thứ năm mươi chín

Đỗ Duy Ngọc

05/09/2021

https://baotiengdan.com/2021/09/05/sai-gon-ngay-phong-toa-thu-nam-muoi-chin/

 

Tiếp theo phần 1 — phần 2 — phần 3 — phần 4 — phần 5  phần 6 — phần 7 — phần 8 — phần 9 — phần 10 — phần 11 — phần 12 — phần 13 — phần 14 — phần 15 — phần 16 — phần 17 — phần 18 — phần 19 — phần 20 — phần 21 — phần 22 — phần 23 — phần 24 — phần 25 — phần 26 — phần 27 — phần 28 — phần 29 — phần 30 — phần 31 — phần 32 — phần 33 — phần 34 — phần 35 — phần 36 — phần 37 — phần 38 — phần 39 — phần 40 — phần 41 — phần 42  phần 43  phần 44 — phần 45 — phần 46 — phần 47 — phần 48 — phần 49 — phần 50 — phần 51  phần 52 — phần 53 — phần 54 — phần 55 — phần 56 — phần 57 — phần 58

 

 

                                                              *

Lại tiếp tục với mong đợi những tin tức về mũi vaccine thứ 2. Cũng như các tin khác về virus Vũ Hán, tin về vaccine cũng loạn cào cào. Đặc biệt là loại Moderna dành cho người trên 65 tuổi. Được biết ở thành phố số người cao tuổi, người có bệnh nền đã chích mũi 1 là 691.358 người. Nhóm người này đã được tiêm mũi 1 từ cuối tháng 7 và đang ngóng chờ mũi thứ 2. Mong đợi của họ là được tiếp tục chích loại Moderna như trước cũng như theo ý kiến của Bộ Y tế là các vaccine không thể thay thế cho nhau. Nếu đã sử dụng vaccine ngừa virus của Pfizer hoặc Moderna, sẽ được tiêm cùng một loại sản phẩm cho lần tiêm thứ hai.

 

Tuy nhiên, trong cuộc họp báo chiều 4.9, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc khi nào TP.HCM triển khai tiêm vaccine Moderna mũi 2 cho người dân, bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc điều hành Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết, đến nay TP.HCM chưa nhận được vaccine Moderna để tiêm cho người chưa tiêm mũi 2. Ngành y tế TP.HCM đang tính các giải pháp thay thế, phù hợp nguyên tắc về khoa học và chuyên môn.


Theo chuyên gia bệnh truyền nhiễm BS Trương Hữu Khanh thì sau khi tiêm Moderna mũi 1, chậm nhất tối đa 4 tháng phải tiêm mũi 2. Nhưng lo nhất là trong thời gian chờ thì bị nhiễm bệnh.

 

Về giải pháp, theo bác sĩ Khanh, một số nước trên thế giới khi thiếu vaccine đã tiêm trộn Moderna với Pfizer và ngược lại; AstraZeneca tiêm trộn với Pfizer, Moderna; tuy nhiên chưa có nghiên cứu tiêm Pfizer, Moderna mũi 1, dùng AstraZeneca mũi 2.

 

Theo thông tin từ Sở Y tế TP.HCM, TP vừa được Bộ Y tế phân bổ hơn 1 triệu liều vaccine Pfizer và hơn 500.000 liều vaccine AstraZeneca. Như vậy, khả năng TP.HCM sẽ tiêm Pfizer mũi 2 cho người đã tiêm Moderna mũi 1.

 

Thế nhưng, theo văn bản khẩn Sở Y tế gửi UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện; các sở, ban, ngành và các cơ sở y tế ngày 4.9 về việc tổ chức tiêm chủng vaccine từ ngày 1 đến ngày 15.9, thành phố có 2.713.843 liều vaccine, trong đó có 680.000 liều tiêm mũi 1 và 2.033.843 liều tiêm mũi 2. Trong 2.033.843 liều tiêm mũi 2 có 446.118 liều Moderna (khoảng cách giữa hai mũi tiêm là 4 tuần) cho người đã tiêm mũi 1 từ ngày 1 đến 15-8.

 

Như vậy, người đã chích Moderna mũi 1 sẽ được chích thuốc gì ở mũi 2? Ông nói gà, bà nói vịt kiểu này làm dân hoang mang quá. Tin thì nói hết, tin lại nói còn. Cứ minh bạch một lời cho dân tin. Giờ biết tin ai đây?

 

Trước đây văn bản của Bộ Y tế cũng ghi rằng nên tiêm mũi thứ hai sát nhất có thể với thời khoảng khuyến nghị 3 tuần hoặc 4 tuần. Tuy nhiên, liều thứ hai của có thể được hoãn tới 6 tuần (42 ngày) sau mũi đầu tiên nếu cần thiết. Cũng không nên tiêm mũi thứ hai sớm. Thế nhưng BS Khanh lại bảo có thể trễ đến 4 tháng? Thưa ông bác sĩ, 42 ngày với 4 tháng là 120 ngày xa nhau lắm ông bác sĩ ạ! Ông nói lố quá, 4 tháng thì chích chi nữa ông? Con virus nó ghê quá, chỉ tin vào vaccine mà mỗi ông nói mỗi kiểu thế này thì lo quá, sợ quá. Chỉ ngán chưa kịp tiêm đã nhiễm rồi.

 

Lại nghe, sáng nay Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên khi trả lời báo chí, đánh giá TP.HCM phải mở cửa dần, chậm nhưng chắc. “Không thể mãi giãn cách nghiêm ngặt và cũng không thể quét sạch F0”. Cũng theo ông phải lưu ý, bình thường khác với bình thường mới. Bình thường như trước đây là mọi người có thể tự do làm việc mình muốn nhưng tình thế giờ đã khác. Nếu để xảy ra tái phát dịch một lần nữa như chúng ta đã đi qua thì cực kỳ khó khăn.

 

Có nghĩa là thành phố đang chuẩn bị để có một kế hoạch mới, sẽ giảm giãn cách nhưng trong giới hạn nhất định. Trên mạng đang lan nhanh nội dung dự báo mở cửa lại thành phố và một số tỉnh thành. Trong đó có chi tiết đáng chú ý là hiện nay thành phố chỉ còn loại vaccine Sinopharm để tiêm mũi 1 cho tất cả người từ 18 tuổi trở lên (bao gồm cả người trên 65 tuổi và người có bệnh nền).

 

Và sau 15.9.2021, khi thành phố quay trở lại các hoạt đ̂ng kinh tế thì chỉ có người đã được tiêm vaccine mới được đi làm và tham gia các hoạt động xã hội khác. Vụ này hơi gay vì hiện nay vẫn còn nhiều người không đồng ý chích Sinopharm, vẫn đợi để có thể chích thuốc khác. Nếu cứ dùng dằng với những tin tức mâu thuẫn nhau như thế thì tiến độ tiêm chủng sẽ chậm lại đưa đến tình trạng khó có thể an toàn cho cộng đồng khi giảm giãn cách.

 

Trong tổng số liều vắc xin đã được tiêm cả nước là 21.046.279 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 17.998.754 liều, tiêm mũi 2 là 3.047.525 liều. Thế nhưng ở thành phố tính đến hết ngày 3.9, TP.HCM đã tiêm 6,3 triệu liều, trong đó hơn 5,9 triệu mũi 1 và chỉ gần 398.000 mũi 2.

 

Con số mũi 2 quá ít không đủ để có thể an tâm khi mở cửa trở lại. Không ngại tiến độ chậm vì trước đây có ngày thành phố tiêm chủng với số lượng 600.000 liều/ngày. Nhưng khó khăn nhất là thiếu vaccine. Chuyện thiếu này xuất phát sự không đồng bộ giữa thành phố với trung ương, thiếu chuẩn bị và có kế hoạch trong việc tính toán số lượng thuốc cần thiết để tiêm chủng đợt 2. Rõ ràng là trong việc phòng chống dịch, chính quyền đã có nhiều lúng túng, không có một kế hoạch dài hơi mang một tầm nhìn sâu xa nên đưa đến những khủng hoảng không đáng có.

 

Kế hoạch hỗ trợ và túi an sinh cho người dân là một chủ trương đúng nhưng không kịp thời của thành phố đến với những người lao động nghèo, thất nghiệp vì đại dịch. Tuy nhiên, việc thực hiện cũng gặp nhiều trở ngại và cũng có nhiều tiếng kêu ta thán của dân. Những khu nội thành thì việc cấp phát ít bị kêu ca hơn những khu xa hơn như quận 8, Bình Tân, Tân Phú…

 

Trong chương trình “Dân hỏi – Thành phố trả lời” được phát trực tiếp trên facebook của Trung tâm Báo chí TP.HCM với MC Quyền Linh là người dẫn dắt chương trình. Ta sẽ nghe rất nhiều tiếng kêu của dân. Chủ trương không bỏ sót một ai, không để ai phải đói nhưng chỉ cần theo dõi chương trình đó ta thấy người bị sót quá nhiều, người đang đói ăn cũng không thiếu.

 

Chủ trương đã có, theo các cán bộ phụ trách thì tiền, túi an sinh, thực phẩm hỗ trợ cũng đã sẵn sàng, thế nhưng tại sao nhiều đối tượng chưa nhận được? Vì thủ tục rối rắm, vì lãnh đạo địa phương quan liêu, xa rời quần chúng? Vì người cán bộ thiếu trách nhiệm hay có thể có tình trạng mang những thứ hỗ trợ của nhà nước phân chia cho gia đình, người thân của mình.

 

Chuyện này đã xảy ra ở phường Phú Hữu, TP Thủ Đức. Đó là trường hợp của Huỳnh Hồng Sơn, cán bộ UBND phường Phú Hữu vừa bị bắt với cáo buộc đưa người quen vào danh sách nhận tiền hỗ trợ khó khăn vì dịch. Tối 4.9, ông Sơn đã bị Công an TP Thủ Đức bắt tạm giam về hành vi Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo Điều 356 Bộ luật Hình sự. Cơ quan điều tra xác định, ông này đã lợi dụng vị trí xét duyệt hồ sơ nhận hỗ trợ theo Nghị quyết 09 của HĐND TP.HCM, đưa tên nhiều người quen (không đúng đối tượng được hỗ trợ) vào danh sách.

 

Sự việc bị cảnh sát phát hiện khi thấy tên nhiều người tại một nhà trọ nhưng thực tế những người này không ở đây, không đủ điều kiện được hưởng hỗ trợ. Sau khi nhận khoảng hơn 10 triệu đồng. Dân nhiều nơi kêu ca cũng có nghĩa rất nhiều địa phương đã thi hành sai chính sách. Cứ lên mạng xã hội thì thấy rõ tình cảnh của người dân đang khao khát sự hỗ trợ và túi an sinh như thế nào. Quận nào cũng có, khu nào cũng có tiếng kêu nhất là những khu nhiều nhà trọ, vùng xa của thành phố.

 

Để giải quyết cái ăn cho người lao động cũng như nhân dân toàn thành phố, giải pháp căn cơ và đúng lúc nhất bây giờ là tái khởi động sản xuất kinh doanh. Việc tái khởi động các hoạt động kinh tế tại thành phố sẽ giải quyết tình trạng đa số các doanh nghiệp hiện nay vốn đã đóng cửa kéo dài từ đầu tháng 7.2021 hoạt động lại trong lúc chờ phủ vắc xin 2 mũi.

 

Đây được xem là biện pháp khẩn cấp để mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế khi tỷ lệ lao động được tiêm vaccine phòng dịch còn thấp. Do vậy, chỉ mở cửa theo từng giai đoạn để đảm bảo mục tiêu kép, giảm gánh nặng cho hệ thống y tế ở mức tối đa cũng như duy trì hoạt động sản xuất bền vững và liên tục ngay cả khi phát hiện ca nhiễm tại nhà máy.

 

Cùng lúc đó, các chợ và hàng quán nên cho phép mở cửa trở lại. Người buôn bán có thu nhập, người dân thuận lợi trong việc mua sắm hàng hoá, thực phẩm không phải qua một trung gian nào. Có lẽ cũng nên giảm dần chuyện ngoáy mũi xét nghiệm, cứ đà này nghe chuyện ngoáy ai cũng ngán lắm rồi.

 

Cơn đại dịch kéo dài mấy tháng nay ở thành phố không những làm đời sống trở nên quá khó khăn mà còn khiến cho những sinh hoạt tinh thần của người thành phố cũng gặp nhiều bế tắc. Đám tang cho người chết không được làm theo nghi lễ đã đành, suốt một thời gian dài, thành phố không còn đám cưới. Đại dịch đã khiến cho đôi lứa yêu nhau không tổ chức cưới được vì giãn cách, vì phong toả, cách ly.

 

Nhiều gia đình phải chấp nhận hoãn lại không biết đến bao giờ. Những người yêu nhau nhiều khi chỉ cách nhau một con phố, một con đường mà mấy tháng trời không được gặp. Cũng may còn thấy mặt nhau, còn nói được với nhau qua điện thoại. Ở gần mà thành yêu xa. Thời buổi gì buồn thế? Người mất đi không đèn, không hoa, không ai đưa tiễn. Đám cưới cũng chẳng ai được cử hành. Một xã hội như bị đóng băng. Người sống, người chết đều bị những hạn chế để có những sinh hoạt, nghi lễ bình thường.

 

Ngoài những người khổ sở vì khó khăn trong cuộc sống. Đội ngũ y tế trên tuyến đầu chống dịch là những người phải hi sinh nhiều nhất. Họ chấp nhận xa nhà, cận kề với những cái chết, lao vào chỗ nguy hiểm có thể lây nhiễm bất cứ lúc nào đến kiệt sức. Nên chăng sau khi họ chấp nhận sống chung với virus suốt thời gian dài cách ly, phong tỏa, nhà nước nên có chế độ khen thưởng cho lực lượng này. Đã có người qua đời vì nhiễm dịch và những người còn đang chiến đấu nhưng cũng đã phải tiêu hao nhiều sức lực.

 

Do vậy, phải thưởng bằng hiện kim có giá trị chứ không nên chỉ là tấm giấy khen đã có thành tích trong phong trào chống dịch. Các tỉnh phía Bắc đã có 16.000 nhân viên y tế chi viện cho miền Nam, miền Trung và Tây nguyên cũng đã góp mặt. Các bộ phận tại chỗ cũng đã xung phong ngay từ những ngày đầu. Tổng lực lượng có thể lên đến khoảng 40.000 người. Chỉ cần sự giúp sức của các doanh nghiệp lớn hay tạm trích ra từ Quỹ Vaccine của chính phủ, ta có thể có được 2 hoặc 3 ngàn tỷ đồng.

 

Mỗi người sẽ được thưởng một lượng vàng, tương đương hơn 50 triệu. Thưởng thế mới xứng đáng công sức và sự hi sinh của họ suốt mùa dịch. Với đội ngũ tình nguyện viên, thưởng 15 triệu mỗi người. Cứ thực tế thế mà vui gấp mấy chục lần lãnh cái bằng khen hay món quà tặng về để khoe ở trên bàn. Đề xuất thế thôi chứ thấy cũng khó. Nhưng mong sao đội ngũ y tế được đền đáp xứng đáng. Sau ba tháng quên mình, xa gia đình cũng nên có món quà có giá trị mang về cho nhà chứ.

 

Bài này đang dở dang thì đọc được tin mới. “Đại diện Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch TP.HCM khẳng định địa phương chưa có kế hoạch cụ thể cho người đã tiêm 2 mũi vaccine và làm rõ một số tin giả khác.

 

Làm rõ một số thông tin thất thiệt lan truyền trên mạng những ngày qua là điều đầu tiên được ông Phạm Đức Hải, người phát ngôn của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM, cung cấp tại cuộc họp báo chiều 5/9. Hôm nay là ngày thứ 14 TP.HCM thực hiện Công điện 1099 của Chính phủ và Chỉ thị 11 của UBND TP.HCM.

 

Thời gian qua, một số thông tin lan truyền trên mạng như: “Bắt đầu thực hiện sống chung với Covid-19 từ 15/9. Mọi hoạt động sản xuất kinh doanh được hoạt động khi đảm bảo an toàn phòng chống dịch. Việc mở cửa có lộ trình tăng dần tỷ lệ 30-50-70%. Cấp chữ ký số cá nhân để thực hiện online. Chuyển dân sang điều trị Covid-19 có thu phí…”.

Ông Hải khẳng định những điều trên đều là thông tin sai sự thật.

 

Ngoài ra, về thông tin “ai tiêm 2 mũi sẽ được hoạt động sau 6/9 hoặc 15/9”, ông Hải nhấn mạnh TP.HCM chưa có chủ trương này. Sau khi kiểm soát dịch bệnh, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 sẽ có thông tin cụ thể cho từng đối tượng tham gia hoạt động, đến nay chưa có thông tin về quy định cụ thể. Ông Hải đề nghị người dân bình tĩnh và chờ quy định được ban hành từ UBND TP.HCM.

 

Người phát ngôn của Ban Chỉ đạo thông tin thêm rằng sáng nay, trong buổi làm việc của Bí thư Nguyễn Văn Nên với UBND quận 7, địa phương này đã trình một phương án thúc đẩy sản xuất kinh doanh, trở lại trạng thái “bình thường mới”. Ông Hải nhấn mạnh đây chỉ là phương án dự kiến.” (Báo Tuổi trẻ)

 

Ừ thì là một tin giả, nhưng ai cũng mong đó là tin thật. Nói thật lòng đấy. Vì từ trước đến nay thường giả thành thật, thật thành giả là chuyện thường ngày ở huyện mà.

 

Giờ thì chờ thông báo của chính quyền về việc mở cửa là thật, dẹp dây giăng, hủy hàng rào để làm nhiều chuyện đợi chờ lâu nay. Cũng chỉ là những chuyện bình thường của một cuộc sống bình thường thôi. Sau những tù hãm vì đại dịch, chỉ cần được sống và làm những việc như ngày bình thường cũng đã là hạnh phúc.

 

5.9.2021

Sài Gòn lockdown ngày thứ năm mươi chín

DODUYNGOC

 

58 BÌNH LUẬN  




No comments:

Post a Comment

View My Stats